Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Thi ca và cuộc kiếm tìm, có tên: Nguyễn Bình Phương

Thi ca và cuộc kiếm tìm, có tên: 
Nguyễn Bình Phương
Tôi có thói quen đọc thơ, nhất là thơ của bạn bè, thường thực hiện nghiêm ngặt hai nguyên tắc: một, chay tịnh; hai, sau lúc 0 giờ. Tôi đọc thơ Nguyễn Bình Phương đang trong tâm cảnh như vậy, vào đúng điểm giao mùa của thời tiết đang ngả về cuối năm. Mùa thu còn đấy trong làn gió heo may vẫn lưu lại được chút sắc thái rực rỡ, nhưng hơi lạnh của mùa đông đã chớm lan tới.
Trong cõi phù vân hư ảnh của cuộc đời, có lẽ những câu thơ của bạn bè hiện lên vào lúc thanh tĩnh và sâu lắng nhất dưới bầu trời đêm đêm, chúng tựa như “hồi chuông đen mượt” của những “luồng gió lao rừng rực”,là làm tôi phấn chấn xao động trong niềm hứng khởi sâu xa.
Ai rót rượu vào trăng
Sương như mắt thiếu phụ về dĩ vãng
Đêm
Lang thang
Lang thang
Lang thang
Ngực đồi già lau lách bỏ hoang
Nghe trong đất lời tiên tri huyền bí
Chẳng biết dữ hay lành
Những vì sao âm ỉ
Ai rót rượu vào trăng
Lênh láng quá làm sao chịu nổi
Em thành kỷ niệm rồi
Cái buồn không nắm được
Cái buồn tan lễnh loãng quanh mình
Thân suối mềm rung rinh
Vục tay vớt
Chạm bóng gầy chới với
Lành lạnh câu thơ rơi
(Linh Nham đêm)
Đó là nguyên văn bài thơ Linh Nham đêm được viết năm 1990 của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Bài thơ Linh Nham đêm cùng một số bài thơ khác được in trong tập thơ đầu tay Lam chướng của Nguyễn Bình, đã tạo ra được một cảnh giới của thơ ca khác biệt với sáng tác của thế hệ trước. Đó là một cảnh giới không dễ đạt đến; bởi nó dễ dàng tan đi rất nhanh như làn sương buổi sớm cuối thu vậy. Ở một mức độ nào đó nó thực sự đã chạm đến cái thế giới linh huyền và ẩn ức của thế gian cứ tuần tự lặng trôi trong cái vũ trụ bao la không khởi đầu, không kết thúc này.
Tôi rất ít gặp, và nhiều năm nay tôi thường nghe về Nguyễn Bình Phương được nhắc đến như một tiểu thuyết gia. Tôi có một người bạn là một nhà thơ sùng mộ tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đến mức khó tả nổi. Cứ mỗi lần gặp gỡ, người bạn thơ của tôi cứ lừa có khoảng trống trong câu chuyện giữa hai chúng tôi, là anh lập tức kể lại một cách say đắm, rành rọt từng tình tiết trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, giống như nhà thơ Nguyễn Đình Chiến từng kể truyện Tam quốc chí vậy.
Việc nhà thơ Nguyễn Bình Phương vào Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cũng nghe sôi lên cả một đợt dư luận. Một số người đã xếp việc Nguyễn Bình Phương vào Hội Nhà văn, là một trong vài sự kiện nổi bật của văn học Việt Nam năm 2008. Đấy là một vài việc tôi được nghe và chứng kiến.
Thực tế, tôi chưa từng được đọc văn xuôi nào của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Có một truyện ngắn của Nguyễn Bình Phương in trên báo và gây ồn ào một dạo, phải tới cuối năm 1997 tôi mới được đọc truyện ngắn này. Nhưng thật lạ, tôi lại thấy đấy là một bài thơ hoàn hảo, chứ không phải là một truyện ngắn. Ấn tượng về thơ Nguyễn Bình Phương tôi sẽ trình bày tiếp sau đây, nhưng tôi phải nói ngay rằng, không nhiều bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương tạo ấn tượng cho tôi bằng bài thơ, được người ta và ngay chính tác giả của nó, gọi là truyện ngắn này. Việc nhận dạng thế nào là thơ, thế nào là truyện ngắn, không phải là câu chuyện tôi góp bàn ở đây, vào một dịp thích hợp tôi sẽ trình bày ý kiến riêng của mình. Nhưng, đối với tôi, cái truyện ngắn được dư luận quan tâm ngày ấy, là một bài thơ hoàn mĩ và ấn tượng.
Tập thơ Lam Chướng của Nguyễn Bình Phương ngay khi ra đời đã nhận được nhiều thiện cảm, bởi cảm xúc tinh tế, liên tưởng tự do, câu chữ được chọn lọc kỹ lưỡng, nhưng không gò gẫm cố ý, đã tạo nên một phong vị thơ rất riêng đầy trẻ trung đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX.
Đêm nay nước mắt giáng trần
Con đom đóm nhỏ xiu đêm nay lạc mẹ
Ngủ nhờ giấc ngủ trẻ con
(Không đề)
Không giày dép không áo quần
trẻ con ùa ra từ mẹ
Và mặt trăng tết bằng rơm bị cháy
(Cho người Thái Nguyên)
Qua thế giới tưởng tưởng và với một cảm xúc, ấn tượng mạnh, những câu thơ đã truyền thẳng đến chúng ta thông điệp từ đời sống tâm thức trong thế giới tuổi thơ. Và, ta chợt nhận thấy ở đâu đó rất sâu trong ký ức một đời sống của tuổi thơ thật kỳ diệu, dường như đã bị bỏ quên. Lúc này chúng hiện lên với vẻ đẹp thật siêu phàm, bởi chính sự quên lãng đó. Trong một cái đêm “nước mắt giáng trần”, những “con đom đóm nhỏ xiu lạc mẹ ngủ nhờ giấc ngủ của trẻ con; Và, cũng ở một cảnh giới khác, những đứa trẻ “không giầy dép không áo quần”, “ùa ra từ mẹ” dưới mặt trăng, mặt trăng này “tết bằng rơm bị cháy”. Bằng những câu thơ, nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã làm sống lại một đời sống trong ký ức xa xôi, dường như đã bị bỏ quên của một thời đáng nhớ nào đó, chúng hiện lên thật sinh động và gợi cảm.
Cách diễn đạt một cách biểu cảm và ấn tượng này, được nhà thơ Nguyễn Bình Phương tiếp tục thi triển và duy trì ở nhiều bài thơ khác, mà hiệu quả của nó được hiển lộ mạnh mẽ nhất, là những sáng tác được in trong tập thơ Lam Chướng, cùng một số bài thơ được viết trong thời gian tiếp ngay sau đó, nằm gọn trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Sau mái lán một đốm vàng dần nhú
Và tiếng trăng va xuống cỏ mơ màng
Và lẳng lặng…
(Ở Định Hoá)
Anh đánh chiêng đánh trống gọi chim về
Chim bay kín mặt trăng em làm sao thấy được
Những con chim ngủ yên trong mặt trăng bằng nước
Mưa phùn bay giấc mơ màu ngọc
(Tháng Mười một)
Đừng ném khăn xuống nước
Nước buồn
(…)
Con chuồn chuồn cõng vía bay qua đêm màu lam
Lắng nghe
Trong lòng đất mê man lá mục
(Tiếng lạ)
Tôi được đọc bản thảo những bài thơ đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Bình Phương từ năm 1988, qua người bạn là một nhà thơ giới thiệu với chúng tôi. Khi ấy, Nguyễn Bình Phương đang là người lính trẻ đóng quân ở Thái Nguyên. Những bài thơ đầu tiên ấy thực sự chưa để lại ấn tượng, nó lẫn vào cùng hàng loạt những sáng tác thơ của những người khác được viết trong thời kỳ này. Ngay sau đó ít năm, Nguyễn Bình Phương cùng với Nguyễn Lương Ngọc, là hai gương mặt thơ xuất hiện khá nổi bật trong sự cách tân tìm tòi của những năm nửa đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX. Vào thời điểm này, sự tìm tòi của nhà thơ Nguyễn Bình Phương có tính thuyết phục cao hơn sự tìm tòi của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Sự cách tân tìm tòi của thơ sang nửa sau của thập kỷ 90 thế kỷ XX lại là câu chuyện khác.
Lúc này tôi vẫn đang tiếp tục được sống trong thế giới thơ Nguyễn Bình Phương. Cùng với cảnh giới khác biệt và biểu cảm mà thơ Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng, một số bài thơ khác của nhà thơ Nguyễn Phương lại phảng phất cái huyền hoặc bí ẩn mang hương vị đồng dao.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã sáng tạo nhiều hình ảnh thơ lạ và cuốn hút, mở ra một thế giới tưởng tượng đánh thức những cảm xúc đã sẵn tiềm ẩn trong đời sống tâm hồn của con người.
Ngoài kia
Cây cầu với mặt trăng cùng sáng
Những dải dài yên ả
Đã buông rèm dọc theo triền sông
Em và ngày tháng
Đi biền biệt vào trời
Con ngựa gỗ ốm rồi
Kỷ niệm cũ hình như cũng thế
Hoa vẫn thức chờ ta chỉ giấc mơ là ngủ
(Thầm)
Sự tưởng tượng trong thế giới thơ Nguyễn Bình Phương, mới lạ và đầy sự cuốn hút, mở ra những cảm giác lạ tồn tại ngay bên cạnh cuộc đời phàm tục của con người. Qua cánh cửa là đôi mắt, mặt trăng thực hiện cuộc lãng du của mình xuyên qua giấc ngủ, cuối cuộc hành trình của mặt trăng, nó “gặp một ban mai bàng bạc”. Và cũng ở đó, nữ sĩ Hồ Xuân Hương “bà dựng nhà bằng những cơn mưa”. Trong sự hồi tưởng, tưởng niệm, ta thật khó tìm được hình ảnh nào độc đáo đến phi lôgic, nhưng cũng thật mạnh mẽ và trang nghiêm, bằng hình ảnh “Sông Hồng đê mê hoá một nén nhang/ Dẫn ý nghĩ vào nơi chưa hề biết”.
Qua con mắt khép hờ
Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ
Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc
(…)
Ở đây Hồ Xuân Hương dừng lại
Bà dựng nhà bằng những cơn mưa
(…)
Hồ Dâm Đàm rẽ nước để trời xanh bay xuống
Nếu trời xanh bay trượt ra ngoài anh dám đỡ không
(…)
Trong giấc ngủ đầy mộng mị
Trăng không thể bay ra…
(Mắt)
Mang xống áo mùa thu
Làm mùa thu
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
(…)
Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm
(Bài mùa thu đầu tiên)
Ngày dài, thật dài
Ngồi kín đáo trong phòng tưởng tượng
Sông Hồng đê mê hoá một nén nhang
Dẫn ý nghĩ vào nơi chưa hề biết
(Bài thơ cũ)
Trong sự tìm tòi của thơ Nguyễn Bình Phương, có một điểm khác biệt với sự tìm tòi của các nhà thơ khác trong cùng thời kỳ này, có lẽ không nên bỏ qua việc đặt tên cho các bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Tôi nhận thấy cùng với việc dụng công trong công việc tìm kiếm các hình ảnh thơ, ý tưởng thơ, sự kỹ lưỡng trong việc chọn từ ngữ và hoàn tất kiến trúc từng câu thơ cho tới toàn thể bài thơ, thì việc đặt tên cho từng bài thơ của mình cũng được nhà thơ Nguyễn Bình Phương dành một sự dụng công đặc biệt. Tên của các bài thơ ở đây ngầm chứa đựng một ý tưởng thơ khác liên thông với ý tưởng chủ đạo trong bài thơ, tạo thành một kiến trúc kép nằm chung trong một không gian. Đương nhiên, đối với từng bài thơ, mục tiêu này không phải bao giờ cũng đạt được hiệu quả giống nhau. Và, một điều khác biệt nữa, là tên mỗi bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, đồng thời là câu thần chú và cũng là tảng đá chặn trước cửa mỗi bài thơ. Điều này ở tính tích cực, nó có góp phần tạo nên cái bí ẩn nào đó cho mỗi bài thơ.
Trong cuộc tìm kiếm thơ ca của mình, nhà thơ Nguyễn Bình Phương luôn tự thức tỉnh về sứ mệnh của cái nghiệp bút mực – tức là đơn độc đối mặt với trang giấy trắng. Mỗi trang giấy đối với nhà thơ, không thuần tuý chỉ là trang giấy trắng, mà đó là cả một hành trình trăn trở, vật lộn và lao nhọc của kiếm tìm; là sự trống trải, đơn độc trước mênh mông sâu thẳm cõi người. Trang giấy, đó chính là sự ký thác của nhà thơ.
Chỉ kịp nghĩ:
Sống là viết vào đời câu cách ngôn bí ẩn
(Từ đồng hồ chờ trong máy vi tính)
Đứng dậy, sũng ướt, đi rồi tự hỏi
Viết là tìm thấy hay đánh mất?
(Chân dung khi trống trải)
Từ chết sang chồi biếc
Qua một cây cầu mưa
(…)
Đâu là giấy trắng đâu là ta?
(Thế giới mười hai dòng)
Và tôi lạc vào quyển sách của tôi
Ai đó viết ra ở chân trời khác
(Chơi với con)
Có một hình ảnh thơ trong thơ Nguyễn Bình Phương rất có ấn tượng, mà tôi tạm giả định cho rằng đó là hình ảnh nằm trong sự ám ảnh khuất sâu trong tiềm thức của nhà thơ. Hình ảnh này nhiều khi nó hiện lên một cách đột xuất mang tính tượng trưng, nhưng cũng có lúc nó hiện lên là một hình ảnh của hiện thực. Cái hình ảnh mà tôi muốn nói tới, đó là hình ảnh về súng và đạn trong thơ Nguyễn Bình Phương.
Có người lính chống cằm nhìn vỏ đạn
(Không đề)
Chú bé loay hoay cơn tỉnh cơn mê
Khẩu súng nhựa đen nòng
Cách gì làm trắng nó
(Khách của trần gian)
Ngày sinh viên đạn
Chết trong nòng súng cỏ
Những tiếng rền xa xa
(Tiếng rền)
Bên tai vang tiếng súng
(Thời không mạch lạc)
Lăn qua tiếng súng tôi rền vang
Tôi đánh rơi ở nơi không tìm thấy
(…)
Bánh xe màu lục, viên đạn vô hình
Khẩu súng ấy trắng bong như bột lọc
Tôi bắn gục thời gian không thèm tiếc
(Chơi với con)
Hình ảnh về khẩu súng và nòng súng thường hiện lên gắn với thế giới tuổi thơ thật hồn nhiên trong sáng. Và, đặc biệt nó lại hiện lên vào lúc nhà thơ Chơi với con, quả thật có làm tôi ám ảnh, tôi lần tìm mãi vẫn không thấy mã khoá nhà thơ đã cài đặt ẩn giấu ở đâu trong những hình ảnh thơ này. Đó là cái bí ẩn còn nguyên trong thơ Nguyễn Bình Phương mà tôi phải bỏ qua.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương có một thơ về nỗi sợ, nguyên văn bài thơ như sau:
Trong giấc ngủ xa vời có một ánh trăng
Trong ánh trăng
Một ngọn đèn nho nhỏ
Sáng ngập ngừng nỗi sợ đời tôi…
(Nỗi sợ)
Ở chỗ khác, nhà thơ Nguyễn Bình Phương có nhắc lại nỗi sợ này.
Lần thứ nhất chính mình là nỗi sợ
(…)
Trên nhẹ nhõm và đơn lẻ, sáng
Những thứ tự rời cành
Thấp thoáng về rồi sợ thứ ba…
(Những thứ tự)
Ta trưởng thành bởi sợ hãi
(Bài thơ cũ)
Như chúng ta đều biết, các ngành nghiên cứu về khoa học xã hội cho thấy, một trong những bản năng tổ tông của loài người truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, đó là nỗi sợ. Ban đầu, đó là nỗi sợ sự trừng phạt của tự nhiên, mãi sau này đó mới là nỗi sợ sự trừng phạt của luật định, của những quy ước, điều lệ do con người tự đặt ra với nhau trong tiến trình phát triển văn minh của loài người. Đúng là nỗi sợ khi đã nói ra được, thì sẽ bớt sợ và dần tiêu tan cái sợ. Mặc dù, nỗi sợ, trong sự phát triển của xã hội loài người, rất nhiều khi nó đã tạo ra những sức mạnh ghê gớm. Trong lịch sử của nhân loại, rất nhiều bậc quân vương, trở thành bậc quân vương vốn bắt đầu từ nỗi sợ. Trong đời sống của mỗi con người tồn tại trên thế gian, để trưởng thành đều phải ngâm qua lửa và nước, đã mấy ai tránh được cái nhọc nhằn của kiếp người với bao gánh nặng mà con người phải mang vác. Liệu có ai trong suốt cuộc đời, không gặp một nỗi sợ nào. Như nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho biết, nhà thơ đã “trưởng thành bởi sợ hãi”, và nỗi sợ lần thứ nhất “chính mình là nỗi sợ”.Nỗi sợ chính mình này, chỉ nảy sinh khi xã hội loài người đã phát triển; và, đặc biệt chúng nảy sinh mạnh mẽ trong thời hiện đại. Phải chăng một trong những điều dẫn đến nỗi sợ đó là “Thảy những gì ta có/ Là tượng đài âu lo” (Vĩnh cửu). Có thể như vậy, và cũng có thể chưa chắc là vậy.
Một sự ám ảnh khác trong thơ Nguyễn Bình Phương nằm ngoài sự quan tâm của tôi, mà tôi chưa lý giải được cho chính mình, đó là một bài thơ nói về “cái chức”, tức chức vụ, chức quyền mà hiện nay người ta hay nói tới.
Một cái chức nhỏ bé
Một cái chức lăn như cỏ lông chông (…)
Một cái chức liu riu ánh vàng (…)
Người ạ, ấp má vào vai nghe máu thở
Không ngồi thì đứng vững cùng mưa
Vung tay vẽ, người ạ, nét bập bùng của lửa
kẻo cái chức nhì nhằng vẽ bậy xuống đời ta
(Gửi người khổ sở)
Đây là một bài thơ hoàn chỉnh, gồm 24 câu chỉ nói về cái chức, bằng quan niệm và liên tưởng, suy tưởng, của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Trong 101 bài thơ mà nhà thơ Nguyễn Bình Phương tự tập hợp thơ của anh, thì đây là bài thơ duy nhất, tôi đọc và thấy giật mình. Tôi đã tự lý giải về bài thơ này, nhưng chưa có cách nào để lý giải được, đành để trống ở đây. Có lẽ tôi ít được đọc các sáng tác thơ trong thời gian gần đây chăng, đây có lẽ là bài thơ đầu tiên nói về cái chức mà tôi được đọc. Tôi cũng bắt gặp tại một khổ thơ trong một bài thơ khác của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, làm gợi dậy không khí của cái xã hội trong các công sở:
Này tôi
Một khuôn mặt công chức
đứng nhìn
Những cuộc họp rạc rài
(Bài thơ cũ)
Đó có lẽ là những thi liệu của xã hội hiện đại xuất hiện trong thơ mà lần đâu tôi bắt gặp, tôi chưa từng nghĩ chúng đã giành được một sự quan tâm và xúc cảm của nhà thơ Nguyễn Bình Phương.
Cuộc cách tân tìm tòi của thơ ca nước ta đã có hành trình với ba thập kỷ. Tôi nhận thấy trong cuộc hành lộ nan dài dặc đó, các nhà thơ luôn khát vọng, vùng vẫy thoát ra khỏi sức hút với một cường lực không nhỏ trên nền của cảm xúc, thói quen tư duy và những mối quan tâm của những thế hệ thơ trước đó. Nhưng, không phải cây bút nào cũng thoát được cái sức hút đầy ma lực này. Có nhiều người đã bỏ cuộc, đã gục ngã, và đã xuất hiện không ít những giá trị ảo, khoác màu của cái mới. Đó cũng là cái quy luật khách quan trong tiến trình phát triển của thi ca. Khoảng cách giữa thật-giả, cũ-mới không phải bao giờ cũng hiện ra để có thể nhận diện một cách rõ ràng.
Sức hút của các sáng tác của các nhà thơ các thế hệ trước lại quá rõ và rất mạnh mẽ, nó đã từng hiện rõ trong không ít sáng tác của các nhà thơ thế hệ sau . Kể cả các sáng tác trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, không phải ai và không lúc nào cũng thoát ra ngoài các sức hút vô cùng bền bỉ đó. Trong cuộc cách tân tìm tòi thơ ca cần phải có tâm huyết, nhưng không phải lúc nào tâm huyết cũng có thể thay thế cho tất cả. Và, cuộc cách tân tìm tòi thơ ca càng không giống như việc ta trở thành một bàn tay hoặc thay đổi mốt thời trang. Đó là nhận thức trong sự chứng nghiệm của tôi để cảnh báo cho chính mình, rằng cái mới là thuộc về thể chất và cơ cấu tinh thần với cả một quá trình tu tập rèn luyện kiên nhẫn, chứ không thể cố bằng mọi giá mà có được. Cũng giống như việc để nói lên sự thật một cách trung thực nhất, đôi khi không thể không làm mếch lòng một số người nào đó.
Như tôi đã trình bày, nhà thơ Nguyễn Bình Phương là gương mặt thơ xuất hiện vào nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX cùng một lúc với nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Mặc dù hai sự cách tân, hai cuộc tìm tòi thể nghiệm này rất khác nhau. Nhưng, vào lúc đó, sự tìm tòi của nhà thơ Nguyễn Bình Phương có sức thuyết phục hơn của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Bởi sự tìm tòi của nhà thơ Nguyễn Bình Phương chín sớm hơn.
Tôi được đọc những bài thơ đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Bình Phương khá sớm, tập thơ đầu tay Lam Chướng của nhà thơ Nguyễn Bình Phương sau khi xuất bản, tôi cũng được đọc. Sau tập thơ Lam Chưởng, tôi chỉ được đọc loáng thoáng dăm ba bài thơ của Nguyễn Bình Phương in trên báo chí vào quãng năm 1997. Do sự cách biệt, từ đó đến nay tôi chưa được đọc sáng tác thơ mới nào của anh. Cách đây hai tuần, trong cảm xúc trước sự chuyển mùa của thời tiết đang ngả về cuối năm, tôi bỗng thấy thèm muốn được đọc toàn bộ một cách có hệ thống thơ Nguyễn Bình Phương từ trước đến nay. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương chuyển qua cho tôi 101 bài thơ do anh tự tập hợp. Tôi thấy thiếu vắng trường ca Khách của trần gian, tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Bình Phương, anh bảo coi như đã thất truyền, coi như không có. Thấy nhà thơ Nguyễn Bình Phương nói vậy, tôi đành phải chấp nhận trong một sự thiếu hụt thật khó diễn tả khi tôi đọc thơ Nguyễn Bình Phương. Trường ca Khách của trần gian nay chỉ còn lại dấu vết, có thể đó là bài thơ ngắn vẻn vẹn 12 dòng thơ, dưới cái tên của bài thơ trùng với tên của trường ca: Khách của trần gian chăng? Trong những sự cách tân tìm tòi của thơ Việt Nam gần ba thập kỷ, Nguyễn Bình Phương là nhà thơ mà tôi có nhiều thiện cảm. Những sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bình Phương thời kỳ đầu, vẫn cho tôi ấn tượng đậm nét:
Tôi nhổ một sợi tóc trải ngang trên mặt giấy sau đó lấy cây bút mình đang viết đặt theo chiều dọc.
Lập tức vầng  trăng xoè lửa vỡ hai đâu đó những quả đồi héo rũ đâu đó tiếng cốc nghiêng tiếng nước rơi mây vẫn đầy trời bầy nghê đá cười xô vào dĩ vãng.
Từ xa mạc giấy trắng vọng ra:
- Đã đến!
(Trò thiêng)
Trong một bài thơ, có lẽ được sáng tác trong thời gian gần đây của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, câu đề từ của bài thơ là: Tặng ta. Tôi nghĩ rằng, đó là một bài thơ tự bạch của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Đoạn kết của bài thơ như sau:
Trong bóng râm lạnh lùng vang lên lời nhắc:
- Ta lớn lên bằng kiếm tìm
Kiếm tìm giờ đã cũ.
(Bài thơ cũ)
Đối với cuộc kiếm tìm thì không bao giờ cũ, kể cả sự kiếm tìm cái cũ, thì cuộc kiếm tìm vẫn mới. Cuộc cách tân tìm tòi thơ ca luôn tựa “luồng gió lao rừng rực” tới về những miền bí ẩn của đời sống, của cuộc đời và của thiên nhiên trải ra vô tận trước sự chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm của con người. Trong tình yêu thơ ca của tôi với bạn bè, vẫn dựng lên tấm biển cuộc kiếm tìm có tên: Nguyễn Bình Phương.
Hà Đông, những ngày đầu đông 2009
Dương Kiều Minh
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...