Thực trạng phong trào ca nhạc trẻ hiện có nhiều
vấn đề đặt ra cho những nhà quản lý định hướng phải quan tâm, lo lắng. Nhìn từ
góc độ hưởng thụ, xem giới trẻ nghe gì ở những nơi quán xá, tụ điểm giải trí
của tư nhân cũng như của nhà nước hoặc tại gia đình, chúng ta ít nhiều cũng
hình dung được nhu cầu thẩm mỹ , hiểu đựơc xu hướng ca nhạc của giớ trẻ hiện
nay.
Loanh quanh các quán cà phê, nơi giới trẻ ngồi nhâm nhi tuổi
xuân của mình với những ca khúc nước ngoài trên một nền tiết tấu sôi động, dậm
dật của Rock, Rap, Hip hop…mà rất ít người biết họ nói gì trong bài hát đó,
hoặc những ca khúc Việt na ná thế với lời lẽ yêu đương dung tục, não tình. Đó
là chưa kể đến quán bar Discothèque với loại âm nhạc cực kỳ kích động khiến
người ta phải nhún nhảy theo dù cả đời chưa từng học khiêu vũ bao giờ.
Còn lại số ít quán mở nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến hoặc
thính phòng thì hầu như chỉ có giới trung niên đến chuyện trò, còn lại giới
trẻ đếm được trên đầu ngón tay. Đến xem chương trình “Hát với nhau”, chương
trình “Hát Karaokê” hàng tuần tại các tụ điểm của các Trung tâm VHTT, chúng
ta cũng rất hiếm khi được nghe các ca khúc “đi cùng năm tháng” hoặc những bài
ca “truyền thống”, mà chỉ quanh đi quẩn lại những bài hát đang “top ten” trên
thị trường băng đĩa của những ca sĩ đang “ăn khách”. Tìm hiểu thêm hoạt động
của các đội, nhóm, câu lạc bộ “âm nhạc” mới thấy thương các nhà tổ chức. Một
chương trình tác giả tác phẩm công phu, hoành tráng, một chương trình liên
hoan “Những bài ca đi cùng năm tháng”, chương trình “Liên hoan các nhómTuyên
truyền ca khúc cách mạng” đem công diễn không bán vé, thế nhưng…
diễn viên đông hơn khán giả! Ngay cả những chương trình biểu
diễn chuyên nghiệp có doanh thu cũng phải đắn đo khi biên tập chương trình biểu
diễn sao cho thu hút được lượng khán giả đông nhất (chủ yếu tuỳ thuộc vào lượng
khán giả trẻ). Do đó, ban tổ chức phải tính toán tuyển “sao” nào đang ăn
khách, ca khúc nào đang thịnh hành là điều dễ hiểu. Thôi thì dù sao đó cũng
là sân chơi công cộng. Nhưng để tìm hiểu giới trẻ đang nghe gì, xem gì ở nhà,
chúng ta thử dạo quanh các điểm kinh doanh băng đĩa nhạc, các chợ chồm hổm
vùng quê vẫn thấy bày bán các loại nhạc “thời thượng”, nhạc ngoại lời Việt,
nhạc ngoại sao chép trái phép.
Cả chương trình truyền hình, chương trình đài phát thanh FM
vẫn thường nghe các bạn trẻ tặng nhau những ca khúc đang thịnh hành từ nội đến
ngoại. Điều đáng quan tâm là có nhiều bạn trẻ rất am hiểu nhạc nước ngoài hơn
cả nhạc Việt qua “Trò chơi âm nhạc” trước đây. Tất nhiên, đó chỉ là số ít bạn
trẻ ở thành thị có điều kiện môi trường tiếp xúc, còn lại số đông ở nông thôn
vẫn nghe nhạc Việt thông qua kênh truyền hình, đài phát thanh hoặc các băng
đĩa “lậu” trên tấm bạt ni lông lang thang các chợ quê. Thêm nữa, các đoàn
lôtô, các xe kem, kẹo kéo lưu động… cũng tăng cường phổ biến “dòng nhạc” này
một cách tích cực.
Nói như thế không phải để khen chê hoặc phân loại hay dở,
nhưng thực tế có không ít các bạn trẻ nghe nhạc không cần hiểu nội dung (nhạc
nước ngoài), không cần lời lẽ ca từ có “ tính văn học, có chất thơ” không?! Họ
chỉ cần tiết điệu “hiện đại” (thậm chí không cần giai điệu như Rap, Hip hop),
nghe “Tây” như các ca khúc giới thiệu trên “MTV” chẳng hạn. Nhìn nhận thực tế
ấy mới thấy sự nhận thức thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay đang xói mòn dần khả
năng cảm thụ tình cảm, cái đẹp của tâm hồn, cái âm điệu mượt mà của ngữ điệu
tiếng Việt, sự rung động chân thành trước những sự việc mang tính nhân bản,
niềm khát khao vươn lên của lý tưởng tuổi hai mươi…
Vì sao thế?
Xuất phát từ nền tảng giáo dục thẩm mỹ âm nhạc từ thuở ấu
thơ không được chu đáo. Chương trình dạy nhạc thiếu khoa học (Dân gian đến hiện
đại) từ cấp phổ thông. Thầy cô chuyên môn âm nhạc vừa yếu vừa thiếu. Đây là vấn
đề cốt lõi mà các nhà quản lý vĩ mô cần ưu tiên nghiên cứu và hoạch định.
Xuất phát từ nhu cầu bắt chước, muốn chứng tỏ sành điệu
thông qua phim ảnh quốc tế nhất là phim Hàn Quốc; từ sự bất ổn tâm sinh lý của
tuổi mới lớn muốn phản kháng, vượt trội hơn người, muốn khác người, “không đụng
hàng”. Ở đây môi trường gia đình và học đường, môi trường phim ảnh và bạn bè
đã tác động và hình thành xu hướng thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ.
Xuất phát từ sự giao lưu văn hoá trong xu thế toàn cầu hiện
nay thông qua Internet, sự bùng nổ kỹ thuật thông tin viễn thông, các thiết bị
nghe nhìn hiện đại…Rào chắn kiểm soát cửa ngõ du nhập các nền âm nhạc trên thế
giới chưa đủ hiệu quả khi mà sự giao tiếp của giới trẻ trong lĩnh vực này
càng ngày càng trở nên phổ thông và chuyên nghiệp hơn.
Và, cũng nên thừa nhận rằng có sự buông lõng quản lý định
hướng trong công tác phát triển nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
như nghị quyết TW 5 đã chỉ rõ. Ở đây cộng đồng trách nhiệm có các tác giả, ca
sĩ, nhà sản xuất, nhà tổ chức biểu diễn và đăc biệt là nhà quản lý (Xuất bản,
phát hành).
Có thể còn có nhiều nguyên nhân hình thành nhu cầu hưởng thụ
và sáng tạo âm nhạc của giới trẻ hiện nay, xu hướng ca nhạc đang thịnh hành.
Nhưng trong khuông khổ bài viết mang tính trao đổi, chúng ta cũng chỉ mới
khái quát thực trạng, nguyên nhân định hình xu hướng âm nhạc để từ đó thử nêu
một vài suy nghĩ về giải pháp, định hướng phát triển ca nhạc trẻ trong những
năm đến:
Trước tiên là các tác giả, các nhạc sĩ sáng tác phải ý thức
được mình đang viết gì cho công chúng. Ngoài những xúc cảm riêng tư cần thiết
dàn trải, còn lại là những vấn đề chung nhất mà đa số quần chúng có tiếng nói
chung với mình, được xã hội đồng tình, đặc biệt là những vấn đề mà giới trẻ
đang quan tâm, hưởng ứng theo hướng tích cực. Phải ý thức được bản sắc riêng
của mình mới giữ được bản sắc riêng của dân tộc.Tác phẩm ra đời phải mang dấu
ấn riêng của mình, không lẫn vào ai được huống chi “na ná” quá nửa của ai đó,
cho dù là của nước ngoài. Có thể mỗi người sử dụng kỹ thuật viết khác nhau từ
ý tưởng, chủ đề âm nhạc, từ cấu trúc hoà thanh, điệu thức và tiết điệu nhưng
ca từ phải chuẩn mực, đặc biệt là phải phù hợp với tính cách Việt, phù hợp với
văn hoá vùng miền, người nghe và mang tính văn học cao. Vấn đề ca từ đã được
nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây trên báo chí và trên diễn đàn của
các Hội liên quan.
Đối với ca sĩ cũng thế. Phải chọn cho mình một phong cách
riêng nhưng trong phong cách “Việt”. Dù phong cách biểu diễn có tiên tiến hiện
đại đến đâu đi nữa vẫn toát lên tính cách “Việt”, vẫn mang hồn “Việt” khi ta
chuyển tải đến người nghe bằng ngôn ngữ Việt. Không thể hát tiếng Việt mà người
Việt nghe không hiểu, không rung cảm. Cũng không thể sáng tạo thêm những câu
“rên” ư ử lai ngoại ngoài bản gốc (nếu thích, tác giả đã viết sẵn cho rồi).
Hơn nữa, người Việt mình “rên” hay lắm: “í, a. Hò, khoan. Tang, tình. Oi
a...” rất nhiều trong dân ca ba miền. Hãy dọn cho mình con đường, đừng bước
lên con đường mòn có sẵn của người đi trước trong cánh rừng nghệ thuật!
Đối với các nhà sản xuất chương trình, từ các hãng audio đến
các bầu sô, các sân khấu đến các đoàn nghệ thuật, nếu chúng ta cố tình chạy
theo lợi nhuận, đồng nghĩa với chạy theo thị hiếu thị trường mà quên đi nghĩa
vụ truyền bá giá trị thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, vô tình chúng ta đã làm
giảm uy tín của chính hãng mình trong mắt người tiêu dùng chính đáng. Bởi lẽ,
sản phẩm làm ra phải bền, phải đẹp. Nghĩa là tác phẩm phải hay, phải sống lâu
trong lòng công chúng. Do đó, khi sản xuất chương trình đòi hỏi phải được thẩm
định cẩn trọng. Đối với các
nhà quản lý xuất bản và phát hành nên có hội đồng xét duyệt đủ tầm, đủ lực.
Phải là bộ lọc, chốt chặn đầu tiên trước khi phổ biến tác phẩm đến với công
chúng.
Sẽ là quá trễ khi chúng ta ban hành quyết định thu hồi một
khi phát hiện sai phạm. Ngay cả những chương trình ca nhạc, phim ảnh phát
sóng trên phát thanh tryền hình cũng phải được thẩm định bởi một Hội đồng nghệ
thuật được cấp trên phê chuẩn. Điều này không ít người cho rằng chúng ta còn
tư duy bao cấp. Nhưng với nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, là sự biểu
hiện tư duy, tình cảm của con người. Là thượng tầng kiến trúc của xã hội,
liên hệ chặt chẽ với hệ tư tưởng. Do đó, không thể thả nổi để cơ chế thị trường
điều chỉnh. Chúng ta cần tăng cường hơn nữa cho công tác này bằng nhiều nguồn,
đặc biệt là nguồn nhân lực đủ tầm, đủ lực.
Trên đây là vài ý kiến trao đổi cùng bạn đọc quan tâm. Rất
mong sẽ có một cuộc trưng cầu ý kiến đóng góp của quần chúng đến với
những nhà quản lý vĩ mô về vấn đề xu hướng phát triển ca nhạc trẻ
hiện nay. Cũng rất mong những điều mong ước không phải mãi mãi vẫn là điều ước
mong.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét