Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Du xuân qua những vần thơ

Du xuân qua những vần thơ
Mùa xuân luôn đồng điệu với thi ca và cái đẹp để các thi sỹ mặc sức say sưa, thả hồn vào thiên nhiên, đất trời. Chiêm nghiệm những vần thơ ấy ta như đang đắm say trong hương sắc mùa xuân.
Có lẽ, trong các nhà thơ Việt Nam hiếm có nhà thơ nào lại làm nhiều thơ xuân như Nguyễn Bính. Ông bị mùa xuân hút cả con tim và tâm hồn. Trong tác phẩm “Mùa xuân xanh” tình yêu của ông thật non tơ, chân chất, mơ mộng đến nao lòng:

“Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”.
Trong bài “Mưa xuân” , “thi sỹ chân quê” đã ghi lại cảnh sắc tuyệt đẹp khi đất trời vào xuân. Mưa xuân hiện ra như một nhân vật có tâm hồn từng lúc buồn vui, đồng cảm với người thôn nữ lần đầu yêu. Mưa xuân xuất hiện trong bài thơ tựa như tâm hồn của cô thôn nữ: “phơi phới bay”. Tô điểm cho không khí rạo rực của những ngày đầu xuân không phải là hoa đào tươi thắm, không phải là lay ơn sang trọng mà chỉ là hoa xoan. Hoa xoan khiêm tốn giản dị, không cầu kỳ phô trương sắc đẹp, biểu tượng của nông thôn Việt Nam:
“Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy”.
Trước thềm xuân, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu ngất ngây trong khung cảnh rộn ràng của đất trời, cỏ cây, hoa lá. Thi sỹ đã reo lên say đắm, chuếnh choáng trước nàng xuân. Nhiều câu thơ bộc lộ tình cảm thật cuồng nhiệt: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”, hoặc câu thơ cách điệu: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” trong bài thơ “Vội vàng”. Và cũng trong bài thơ này thi sỹ đã có những vần thơ nghe mà xao xác, náo nức:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si…”
Có được cái náo nức ấy là bởi thi sỹ đã tạo dựng được mùa xuân ngay trong hồn mình. Cái mùa xuân ấy luôn ở trong tư thế sẵn sàng hòa nhập vào với xuân của đất trời, đúng như có lần Xuân Diệu bộc bạch:
“Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”.                         
Hàn Mặc Tử cũng viết về mùa xuân nhưng không vồ vập, sôi nổi, đắm say như Xuân Diệu mà trầm tĩnh, nhẹ nhàng, sâu lắng. Mở đầu bài thơ “Mùa xuân chín” độc giả bắt gặp khung cảnh thiên nhiên thật lãng mạn:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”.                     
Mùa xuân về lặng lẽ và êm ái. Âm của các từ “lan”, “tan”, “vàng”, “sang” vừa đủ để diễn tả bước đi hết sức khẽ khàng của mùa xuân. Thi sỹ đã cảm nhận một cách tinh tế sự biến đổi không gian. Qua những vần thơ tác giả dành trọn vẹn tình cảm yêu thương, trân trọng cho những người con gái vùng quê, sớm hôm dầu dãi nắng sương để làm ra hạt lúa, củ khoai:
“Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc    
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”.       
“Nàng xuân” mênh mông trong vô vàn cung bậc xúc cảm của thi nhân. Mỗi nhà thơ nhìn nhận, cảm tác về xuân, gửi gắm tâm hồn vào xuân với một nét riêng, hết sức phong phú. Tản Đà vừa ôm giữ chúa xuân, vừa sợ mất xuân, rồi trọn lòng chung thủy với xuân:
“Gặp xuân ta giữ xuân chơi
Câu thơ, chén rượu là nơi đi về
Hết xuân, cạn chén xuân về
Nghìn thu nét mực thơ đề vẫn xuân!” .
Hình ảnh Tết cổ truyền dân tộc hiện lên trong thơ Đoàn Văn Cừ rất đỗi gần gũi, thân quen. Bài thơ “Chợ tết” của thi sỹ để lại trong lòng độc giả biết bao xúc cảm. Có thể nói, đây là một bức tranh Tết vẽ bằng thơ, một khung cảnh yên bình, điền viên toát lên cái không khí “thôn ca” giản dị của những người nhà quê chất phác, hiền lành:
“Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton
Vài cụ già chống gậy bước  lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu”.                       
Chu kỳ 12 tháng một năm, xuân cứ tuần tự đến tuần tự đi, xuân muôn tuổi và thi ca thì bất diệt. Trải qua bao thế hệ những dòng thơ xuân vẫn tiếp tục ngân vang để khi chạm phải tâm hồn ta bỗng rộn ràng phơi phới.                           
Giang Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...