Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Bốn mùa thay lá thay hoa

Bốn mùa thay lá thay hoa 
Bốn mùa thay lá thay hoa 
Bốn mùa theo suốt ... đời ta bao lần 
Mùa xuân hoa lá ngập ngừng ...
Đâm chồi lộc biếc, hé từng nụ hoa
Mùa Hạ nhan sắc sáng lòa 
Tưng bừng khoe sắc, ngàn hoa giữa trời 
Thu về lá rụng vàng rơi 
Hoài mùa Thu cũ, một đời nhớ thương
Đông về băng giá đêm trường 
Cành khô trút lá còn vương ý sầu 
Sắc Không giữa bốn mùa đau ...
Chờ mùa Xuân mới, gặp nhau giữa trời.

Một sáng thức dậy, không phải bằng tiếng chuông đồng hồ báo thức, mà là tia nắng mặt trời yếu ớt rọi qua cửa sổ, cùng vài tiếng chim kêu trong vườn sau hàng tháng trời bặt tăm trốn cái lạnh của mùa đông, chỉ vậy thôi là đã biết mùa xuân đã trở về. Hàng cây bên đường đã nhú ra những chồi xinh, hàng vạn chồi non của các bụi hoa thủy tiên, hoa tuyết, hoa tulip cũng bắt đầu nhúc nhích. Trời đất quang đãng vì cây cối vẫn còn trơ ra những cành khô, chưa kịp thay lá nhưng đã có dấu hiệu của sự hồi sinh.
Một tuần, hai tuần trôi qua, bỗng một hôm, cả không gian rợp sắc hoa anh đào. Sắc vàng của hoa thủy tiên, trắng xóa của hoa tuyết và muôn màu của hoa tulip nở khắp nơi trên mặt đất. Câu hát tự nhiên vang lên trong lòng, em ơi mùa xuân đến rồi đó... Các cô gái như không thể chờ lâu hơn nữa, đã khoác lên người các bộ cánh với đủ sắc hồng nhạt, vàng chanh, xanh ngọc vô cùng ngọt ngào, thay cho màu đen hay xám đã mặc suốt mùa đông vừa qua. Mùa xuân cũng là mùa của lễ Phục Sinh, thường rơi vào tháng tư. Ngày lễ đầu tiên của năm mang dấu ấn tinh khôi. Công sở và các cửa hàng đều đóng cửa từ thứ Sáu cho đến thứ Hai. Mọi người đến nhà thờ và bọn trẻ con thì chạy quanh trong sân nhà thờ để chơi trò tìm trứng (Eggs Hunting).
Rồi trời ấm dần lên, ánh nắng chói chang hơn, vài cơn mưa rào đổ xuống bất chợt và tạnh nhanh không ngờ. Hàng lá cây hai bên đường xanh ngắt. Chiếc áo khoác mặc ban sáng bỗng trở nên thừa thãi vì thời tiết nóng dần lên vào gần cuối ngày, đó là dấu hiệu của mùa hè đang đến.
Mặt trời nấn ná thêm một phút mỗi ngày, cho đến ngày 21 tháng Sáu là ngày dài nhất trong năm, là ngày mà mặt trời chỉ chịu đi ngủ vào lúc gần 10 giờ đêm. Là lúc bạn thấy mọi người vui chơi hay tiệc tùng hò hét ngoài trời tận chín giờ tối mà trời vẫn còn sáng trưng, là lúc các siêu thị bắt đầu đổ ra bán than và lò nướng thịt ngoài trời. Ai cũng chăm nghe dự báo thời tiết hơn để chuẩn bị những buổi tiệc nướng ngoài vườn. Cánh đàn ông nướng thịt, đàn bà chạy ra chạy vào từ ngoài vườn vào trong bếp để tiếp tế thức ăn, bọn trẻ con vừa nhón một miếng thịt nhai ngồm ngoàm vừa nhảy tọt vào bể bơi nhân tạo bằng cao su hay những hồ nước công cộng.
Bên kia hàng rào, nhóm bạn trẻ đốt một đống lửa to, đàn hát vang trời. Những buổi trưa, tui ngồi bên cửa sổ, nghe tiếng lá hát rì rào cùng gió, tiếng chim kêu chíu chít, nhìn bầu trời trong xanh cao vời vợi, bỗng nhớ những ngày nắng ở Sài Gòn da diết. Khoảng bảy tám giờ tối, là lúc mặt trời uể oải nói lời từ biệt, màu nắng bỗng vàng thẫm hơn, chiếu chênh chếch lên mái nhà hàng xóm, làm mình nhớ tiếng gọi cơm chiều ở một xóm nhỏ nào đó bên quê nhà.
Rồi ngày ngắn dần, buổi chiều đến nhanh hơn, vừa bước chân ra khỏi văn phòng để rảo bước về nhà đã thấy bầu trời xam xám, nằng nặng. Hơi thở ban sáng đã thấy kèm theo một làn khói. Bầu không khí mỗi khi hít vào đã mang theo hơi lạnh như mỗi lần mở tủ kem. Rồi hàng cây bắt đầu trút lá. Bây giờ mới thấm hiểu câu thơ của Nguyễn Trãi “ nhân tài như lá mùa thu” mà lúc đó một người bạn đã tếu táo thêm vào hai từ “trên cành”.
Những chiếc áo mỏng manh mùa hè được xếp lại, thay vào đó là những chiếc áo len mỏng, cùng với những chiếc tất da, khăn choàng cổ và đôi ủng ngang mắt cá. Sắc hoa trong vườn nhạt dần, lá vàng rụng đầy trong sân và trên vỉa hè, cành cây khẳng khiu trơ trụi. Lũ chim chóc cũng dần dần biến mất, chỉ một vài chú chim đen mỏ vàng là còn thơ thẩn trên bãi cỏ để kiếm sâu. Và bạn ơi, còn những chiếc lá vàng ánh đỏ vấn vương bên hàng rào nữa. Làm sao tả cho được sắc màu này, lúc là màu của ánh hoàng hôn, lúc thì như màu của nắng đầu thu trong tiết trời Cali, lúc thì vàng óng như màu của mật ong. Mỗi khi nhìn thấy đám lá chuyển sang màu này, tim mình lại nhoi nhói một nỗi nhớ xa xăm.
Rồi mùa đông đến như một người bạn không hẹn mà gặp lại. Đã phải mặc hai ba lớp áo và áo khoác dài, ủng đã cao ngang đầu gối, ra đường phải đeo găng tay bằng da. Cơ mặt gần như đông cứng lại đến nói cười cũng thấy khó khăn. Ngày ngắn ngủi tưởng chừng mới sáng mà đã tối. Mùi cà phê tỏa ra ấm áp từ các quán bên đường như níu chân khách bộ hành. Không còn một chiếc lá nào sót lại trên cành, trừ những cây thuộc họ xanh lá quanh năm (evergreen). Vỉa hè ngập lá vàng, có khi lút cả bàn chân trong đó. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt, ủ rũ, ưu tư như một cô gái lúc nào cũng sẵn sàng khóc. Và những cơn mưa. Mưa mùa đông kéo dài dai dẳng như không thể nào ngưng được như mưa của xứ Huế.
Đường phố vắng lặng vì mọi người ít ra đường hơn, ngồi trong nhà có khi nghe rõ tiếng bước chân ai đó dẫm trên lá khô ngoài đường. Rồi tuyết rơi. Không còn lãng mạn như những năm đầu tui có thể ngồi hàng giờ bên cửa sổ ngắm bông tuyết, mình đã biết sợ bị chụp ếch vì khi tuyết chưa tan hết, đường trơn ướt như sân trượt patin. Mùa đông, thú vị nhất là được ngồi co ro bên lò sưởi, nghe tiếng củi cháy tí tách, tiếng lửa cười reo và trên tay là một tách trà ấm sực.
Giờ đây, mỗi lần khe khẽ hát bài Bốn mùa thay lá, mình lại bồi hồi, thấm thía từng câu ca. Thầm hỏi, làm sao nhạc sĩ họ Trịnh lại nói đúng lòng tui (một người con xa nhà) đến thế “Không hẹn mà đến, không chờ mà đi, bốn mùa thay lá, thay hoa mãi đời ta…”
Bốn mùa như gió
Bốn mùa như mây
Những dòng sông nối đôi tay
liền với biển khơi

Đêm chờ ánh sáng
Mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao
Vừa xa vừa gần

Con sông là thuyền
Mây xa là buồm
Từng giọt sương thu hết mênh mông
Những giọt mưa
Những nụ hoa
Hẹn hò gặp nhau trước sân nhà

Không hẹn mà đến
Không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá
Thay hoa thay mãi đời ta

Bên trời xanh mãi
Những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu
Hình dáng nụ cười 

 Quang Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...