Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Giấc mơ màu khói

Giấc mơ màu khói   
Trong trí nhớ của những đứa trẻ quê, bếp bao giờ cũng là không gian gần gũi nhất. Gần gũi như mái nhà tranh đơn sơ, tường bốn bề đất sét, nền đất loang lỗ, rêu xanh bám đầy hằng ngày chúng vẫn sống. Gần gũi như những bữa cơm chiều chỉ độc nhất chén cà muối chúng vẫn ăn và tấm tắc khen ngon. Gần gũi như âm thanh lục đục  quen thuộc mỗi sáng sớm, khi mẹ thức dậy thổi lửa nấu cơm. Mùi hương tỏa ra từ căn bếp quê ấy làm nên một thứ mùi đặc biệt. Là mùi của gia đình, của mái ấm, của tình thương, biểu thị cho những điều dung dị nhưng sâu thẳm.
Gian bếp ngày xưa chỉ là một cái chái nhỏ nằm sau nhà, tường và vách đều bằng đất sét, được bố xây nằm cuối chiều gió thổi để khói không bay lên nhà trên. Ở đó có một cái cửa ra vào thông từ bếp ra hiên sau là nơi để chum vại lấy nước nấu. Gian bếp chật chội nhưng lểnh khểnh đồ đạc, nào là hạt mướp, hạt bí, hạt dưa,… được treo lủng lẳng trước tầm mắt. Đó là những hạt giống tốt được mẹ chọn giữ lại cho mùa sau gieo trồng. Phía trên là vách, bồ hóng bám đem xì là nơi mẹ để vài cặp lồng treo thức ăn. Phía dưới là một cái kệ nhỏ dùng úp nồi niêu xoong chảo. Nhà nghèo nên bếp chật chội là vậy. Ấy vậy mà gian bếp đó lại là nơi mỗi người gửi gắm bao giấc mơ, những giấc mơ mang  màu khói biếc.
Con lớn lên từ mùi khói thoang thoảng cây rừng qua từng bữa ăn, bát nước mẹ nấu. Mùi khói thơm nồng ấy là thứ bất kì đứa trẻ quê nào cũng được ngửi trong đời. Vào những ngày mùa đông lạnh giá, khi chúng con còn say sưa ngủ vùi trong chăn ấm mẹ đã thức dậy từ rất sớm thổi lửa nấu cơm. Khói tỏa ra từ căn bếp có bàn tay mẹ đã sưởi ấm chúng con qua những ngày mùa đông lạnh lẽo. Những buổi sáng mùa đông chỉ muốn được vùi mình trong chăn ấm nhưng khi nghe thấy tiếng mẹ thổi lửa - âm thanh trầm đục, xuyên qua chiếc ống tre tạo thành một tiếng “phù” chúng con lại nhẹ nhàng chui ra khỏi chăn, bước chân xuống nền đất, chạy đến ngồi cạnh mẹ bên bếp lửa hồng. Mẹ nhìn con, ánh lửa bập bùng soi mắt mẹ cười hiền: Ăn sáng đi con. Những bữa cơm mẹ nấu có mùi khói thơm nồng đượm trong từng hạt gạo, con biết mẹ đã kì vọng ở chúng con rất nhiều.
Rồi con gái ngày đầu tiên xuống bếp được đánh dấu bằng một bữa ràn rụa nước mắt vì không biết thổi lửa. Nhìn thì dễ nhưng thổi lửa cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật đấy. Phải thổi làm sao cho củi vừa bén lên, đượm cháy. Nếu thổi quá mạnh lửa sẽ tắt phù, nếu thổi quá yếu củi sẽ không thể đượm. Những điều này, con gái không biết. Hóa ra, thổi lửa cũng cần đến sự khóe léo nữa. Rồi khi lớn lên cô mới được mẹ dạy cho những điều lớn hơn, rằng người giữ lửa cho ngôi nhà là người quan trọng nhất, giữ lửa là cả một nghệ thuật, khi bếp lửa còn ấm tức người vẫn quanh đây. Cô hiểu ra, chính nhớ nghệ thuật đó mà bố dù đi đâu cũng luôn muốn quay về. Bởi nơi đó luôn có một người đàn bà suốt đời hết lòng chăm lo cho bố, giữ lửa cho gia đình bằng sự ân cần và một  thứ tình vô điều kiện. Không có gì hơn ngoài yêu thương người đàn bà ấy chỉ chăm chồng bằng những bữa ăn đơn sơ nhưng tình yêu là thứ khiến người đàn ông là bố cảm động. Gian bếp dù nhỏ, căn nhà dù thiếu thốn nhưng mái ấm ấy chưa bao giờ mất đi tiếng cười bởi trong căn nhà ấy, lửa vẫn sáng, bếp vẫn hồng, mùi khói vẫn nồng đượm.
Người ta thường nói vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp. Cái vắng vẻ của ngôi nhà có thể chịu đựng được nhưng cái vắng của một căn bếp, mà lại là bếp quê thì quả là lạnh lẽo. Thế mới biết người phụ nữ trong gia đình quan trọng đến nhường nào. Từ đó, những người đàn ông mơ về gian bếp như mơ về một mái ấm “giá cùng em bên kia bếp lửa. Để cùng anh êm ấm một mái nhà”. Còn người phụ nữ, sau giấc mơ làm mẹ là giấc mơ làm bếp. Bất cứ người phụ nữ nào cũng mong ước được có một căn bếp của riêng mình, ở đó mình là chủ. Nếu đàn ông xây  nhà thì đàn bà là người xây tổ ấm. Cái ấm nồng của một gian bếp đỏ lửa là cái ấm nồng của tình thân, của sự yên vui, êm ấm. Những giấc mơ về hạnh phúc chính được xây nên từ những điều dung dị ấy mà một căn bếp đỏ lửa là nơi bắt đầu.
Trần Nguyên Hạnh 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...