Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Một thoáng hương xưa

Một thoáng hương xưa
Một thời xa xưa, buổi ấy ngày của hồng hoang u tịch. Ngày của vạn vật sơ khai bắt đầu vươn dậy dưới ánh bình minh rọi chiếu vùng miền ký ức thơ dại ngây ngô như những giọt sương còn băng giá chiêm bao giấc ngủ trên cánh hoa phù dung. Và cũng khoảnh khắc ấy, hoa quỳnh chớm nụ vườn tâm, sơn ca lên tiếng hót có đôi bàn chân rất khẽ đi qua đời ta rất nhẹ. Những mùa nắng, những mùa mưa, những mùa gió lạnh kéo sương mù về thả ở tầng không thượng khí vẫn đôi bàn chân ấy, với dáng bước thanh thản lặng thầm uy nghi trên tay nghiêng chiếc nón lá thong dong đi giữa đồi thông, không kể tháng, kể năm tồn đọng trong đời ta mà phù phiếm quen gọi cho mỗi dịp nhạt màu kêu tên  “phương trời viễn mộng”*.
Hãy bình tâm, bình tâm xem nhân chứng tích cuối đường tịch nhiên nằm nơi đâu? Trong khi, ta vẫn đang lớn lên và già nua từng ngày vội vã kinh qua dòng suối gập ghềnh trong cuộc lữ hư vô. Hãy chấp nhận một vết tích lịch sử để thăng cao, thoát ra khỏi bản ngã chiêm bao. Cái gì ta chấp nhận được tức là đang đối diện bày tỏ tiếng nói lương tri chính mình. Và rõ hơn nhân chứng sống là một bước ngoặc cho ta vươn lên trong cuộc đời. Đừng tư lự do dự vấn đề ta muốn nói, thời gian không đợi ai bao giờ. Thử tập nói ra những gì mà ta nghĩ ta sẽ thấy tâm hồn mình thênh thang rộng lớn, bao dung và độ lượng. Xin cho một phiến than trên phím đàn để thắp sáng khoảng trời yêu thương cho ta thấy rõ mặt mũi người mình thầm vương hôm nào. Để rồi hôm nây, giật mình chỉ còn thấp thoáng bóng thu phai của thanh sắc thanh hương, băng ngang đời thi sĩ phút chốc tình cờ hóa thành không.
Em đi qua đời ta thật khẽ
Như gió chiều hôn nhẹ hàng cây
Tình thương đến ta nào đâu có biết
Để dư âm rụng trắng cả đôi bờ.
(Dư âm – thơ Viễn du)
Trên tình yêu là tình thương. Tình thương thường trong sáng hơn tình yêu. Tình thương vốn là chất liệu nuôi lớn con người. Tình thương thì dài vô hạn không có điểm dừng, mà tình yêu thì hữu hạn và vô thường nên có điểm dừng ở một đoạn hồi kết nào đó. 
Bởi ta thương người nên nhiều lúc người lại thờ ơ ta. Bởi ta yêu đời nên lắm lúc đời cũng phụ bạc ta. Ai rồi cũng bỏ ta mà đi như những dòng sông nhỏ chảy về ánh tà dương. Ai rồi cũng nhạt phai đời ta; nhưng ngẫm có mấy ai đếm được ngày xa, ai đếm được ngày qua bao giờ? Còn chăng đây chỉ là dư âm của miền ký ức hoài niệm tháng ngày viễn phương nhớ thương dáng  tích xưa.
Bao kỷ niệm giờ đây xin lưu mãi
Đem yêu thương về cuối tận non ngàn.
(Miền ký ức- thơ Viễn du)
Chỉ có người biết thương, biết sống mới đủ cam đảm đếm thời gian. Thời gian chim di, thời gian chim về để hàng cây xào xạc vấn vương. Người đi qua đời ta không chút tỳ vết và có đoái hoài gì đời ta? Thôi, người đi qua mãi mãi đi qua. Đành ôm trọn  bầu trời kỷ niệm, nhặt từng chiếc lá vàng  rơi đem về tận non ngàn để dệt gấm thời gian hóa thân thành trang thiên sử. Chờ một đêm gió heo hút phương ngàn, dưới ánh sương mờ huyền hoặc, lấp lánh vì sao đương nhả châu huyền sử ta chợt bừng tỉnh cuộc lữ đi tìm tồn sinh của kiếp người bấy lâu nay.


Không phải thế bời vì không phải thế
Em không đi và cũng chưa từng đi
Để sáng nay mừng vui trong tao ngộ
Tay trong tay vui dạo chốn non thiền.
( Tay trong tay - Viễn du)
Làm sao ta đủ  tĩnh tâm, lắng đọng hết tĩnh mạch để hiểu bài thơ này chứ? Trích bốn câu đủ cho lòng người khiếp vía kinh hồn.
Ngày xưa ta thương người qua cái nhìn, dáng đi và nụ cười. Còn ngày nay, ta thương người bằng lý tưởng, tin yêu trên con đường phụng sự. Người đi tìm người, ta đi tìm ta. Vỡ lẽ niềm vui chung chốn cửa thiền.
Nắng mai dậy cuộc hành trình kết thúc
Quyết đi tìm chân lý giữa trường giang.
( Lãng tử ca -  viễn du)
Vậy, tình thương là một điểm đến có lối thoát. Lối thoát đó nằm ngay mốc chân lý “có hiểu” sẽ “có thương”. Chân lý hiểu thương con đường bất diệt không nhiễm trần cấu đưa tình thương vào cõi thiên thu thuở dáng người mà hương xưa còn bay thoang thoảng chập chờn trên đỉnh phù vân.
 Hồng Bối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...