Không chỉ là xuân của đất trời
Tâm Hạnh
Thiền
sư Bổn ở Vân Cái có nói kệ:
“Một năm xuân trọn một năm xuân,
Hoa nội cỏ đồng tươi mấy lần.
Trời sáng chẳng do chuông trống động,
Trăng lên đâu phải khách đi đêm”.
Trời sáng thì trong chùa thường đánh chuông trống, nhưng có phải là trời sáng để chùa đánh chuông trống không? Không phải. Đúng thời tiết nhân duyên thì trời sáng là sáng vậy thôi. Cũng vậy, không phải trăng cố ý sáng để soi rọi cho người đi đêm mà đúng thời tiết nhân duyên thì trăng sáng. Khi mùa xuân về thì hoa nở, đó cũng là đúng thời tiết nhân duyên, chứ không phải đợi hoa nở mới có xuân.
“Một năm xuân trọn một năm xuân,
Hoa nội cỏ đồng tươi mấy lần.
Trời sáng chẳng do chuông trống động,
Trăng lên đâu phải khách đi đêm”.
Trời sáng thì trong chùa thường đánh chuông trống, nhưng có phải là trời sáng để chùa đánh chuông trống không? Không phải. Đúng thời tiết nhân duyên thì trời sáng là sáng vậy thôi. Cũng vậy, không phải trăng cố ý sáng để soi rọi cho người đi đêm mà đúng thời tiết nhân duyên thì trăng sáng. Khi mùa xuân về thì hoa nở, đó cũng là đúng thời tiết nhân duyên, chứ không phải đợi hoa nở mới có xuân.
Và sáng nay mùng một Tết, đúng dịp xuân về thì
nói chuyện về mùa xuân vậy thôi, chứ không phải mùa xuân về để cho chúng ta nói
chuyện.
Khi mùa xuân về, Thiền sư Thiên Tùng có nói hai
câu thơ:
Sáng nay người bảo thêm một tuổi
Tôi nói ngày này bớt một năm.
Thêm một mùa xuân về nghĩa là sao? Đối với mọi
người là thêm được một tuổi, là thêm một lần vui. Nhưng với Thiền sư Thiên
Tùng, thêm một mùa xuân về có nghĩa là tuổi thọ của chúng ta bị giảm bớt đi một
năm, tất cả chúng ta đều bị giảm bớt đi một năm sống.
Có một vị làm bài thơ:
Tuổi thanh xuân bao nhiệt huyết tuôn trào
Con lạc lối không tìm đâu lẽ sống
Thương chính con, thương trần gian huyễn mộng
Thương mẹ cha, thầy bạn đượm ân tình
Thương anh em, thương tất cả hàm linh
Con mơ một thiên đường cho tất cả.
Như mùa xuân tràn đầy nhựa sống, sức sống mạnh
mẽ, tuổi thanh xuân là tuổi tràn đầy nhiệt huyết, nhiều niềm vui. Nhưng sau
những lúc vui nhộn thường ngày, có khi trong lòng chúng ta bỗng cảm thấy có
điều gì đó buồn nao nao, một trạng thái buồn man mát xa xăm tận trong sâu thẳm
đáy lòng mình khó hiểu, có gì đó khiến mình cảm thấy cuộc sống này không phải
chỉ có tầm thường như vậy, cảm thấy như là đang bơ vơ lạc lối giữa dòng đời
xuôi ngược, không có niềm vui thực sự...
Thấy mọi người sống và mình cũng sống, nhưng
đang sống ở trong mộng, đang say mộng mà sống, nên “thương chính con, thương
trần gian huyễn mộng”. Là chúng sanh chưa giác ngộ thì chưa ai có thể thoát ra
khỏi giấc mộng dài đăng đẵng của sanh tử luân hồi. Vì thương cho cái mê trong
mộng của tất cả mọi người nên người này muốn mơ một thiên đường để dung chứa
tất cả, để mọi người có thể thừa hưởng trọn vẹn một niềm an vui thực sự.
Chẳng hạn như hôm nay mình rất vui, nhưng có một
người nào đó đang có tâm trạng buồn thì họ không thể đồng cảm với niềm vui của
mình, hay có người nào đó đang vui thì cũng không thể đồng cảm với nỗi buồn của
mình. Mới biết, thiên đường vui không thể chứa được cái buồn và thiên đường
buồn cũng không thể chứa được cái vui. Vậy thiên đường nào có thể tiêu dung tất
cả những vui buồn, thành bại, mừng giận, được mất, ghét thương... phức tạp của
cuộc đời?
Mùa xuân về là về bình đẳng với tất cả mọi
người, mọi loài. Nhưng đối với người tu học, nếu có cái nhìn đúng về mùa xuân,
về sự đến đi biến thiên của cuộc đời thì ngay nơi con người học đạo của chúng
ta sẽ có được một thiên đường đủ rộng, đủ lớn, dung chứa được tất cả những nỗi
niềm của cuộc đời, có được một mùa xuân thực sự an vui, miên viễn, chứ không
phải chỉ có mùa xuân của đất trời đến đi sanh diệt.
1/ BUỒN VUI VỚI CẢNH ĐẤT TRỜI.
Người thế gian thì thích tuổi thanh xuân, thích
cái nắng ấm và sức sống của mùa xuân, không mấy ai thích cái nóng bức của mùa
hè, cái tàn úa của mùa thu và sự lạnh lùng khi đông đến. Chính vì vậy mà vui
khi xuân đến, buồn khi xuân đi. Đó chính là chỗ con người đánh mất đi cái giá
trị sống của mình. Giả sử như quý vị đang ở tuổi 45, nhớ lại thời mình còn trẻ
thật yêu đời, mạnh mẽ, hy vọng tươi sáng và thấy ngậm ngùi tiếc nuối cho một
thời đẹp đã qua. Rồi khi quý vị già, nhớ lại hồi khoảng 45 tuổi như bây giờ,
cũng thấy tiếc nuối, tại sao hồi đó còn khoẻ mà mình không chịu tu, giờ tu coi
bộ hơi mệt. Tới khi gần chết, nhớ lại thấy hối tiếc lúc tuổi tuy già nhưng vẫn
còn tỉnh táo mà không chịu lo tu, đến bây giờ không có sức tự chủ, thấy mình lo
sợ... Hầu hết con người chúng ta thường rơi vào những trường hợp tương tự, toàn
đợi thời gian qua đi rồi mới hối tiếc, vậy tại sao ngay hiện tại, ngay khi đang
sống đây lại không chịu sống một cách thực sự có ý nghĩa mà chỉ nhớ về cái đã
qua? Cái gì qua thì đã qua rồi, ngay lúc này, ngay chỗ này nên sống cho trọn
vẹn để sau này không tiếc nuối. Chính vì để mất đi giá trị sống ngay lúc thực
tại mà chúng ta bị những cái xoay vần của cuộc đời làm cho xao động mãi không
yên. Thậm chí bị xao động quá nhiều đến mức khi mùa xuân về, mọi người vui hớn
hở thì mình lại buồn da diết.
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang”.
Trong cuộc sống, có đôi khi bị vấp ngã cũng là
chuyện thường. Trong đây có ai chưa bị vấp ngã bao giờ? Thất vọng vì lý tưởng,
thất bại vì làm ăn …, chúng ta ai cũng có ít nhất một lần bị cuộc đời ban tặng
cho mình những thứ chua cay không mấy dễ chịu. Cuộc đời là như vậy, con người
là như vậy, không thể khác đi được. Thay vì ngồi đó để ngậm ngùi, thở than và
chết lịm trong đau khổ thì chúng ta, những người học đạo là những người tự mình
khéo biết vươn lên trong cuộc sống. Cho nên, Đức Phật nói: Đáng thương nhất của
đời người là tự ti (tự cho mình là thấp hèn, không thể sống nổi với cuộc đời và
chết chìm trong đó). Đáng khâm phục nhất của đời người là biết vươn lên sau khi
trượt ngã.
Thế gian cũng có câu:
“Ai thành công mà không một lần thất bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.
Thất bại trước, thành công sau cũng là chuyện
thế gian thường có. Dại rồi khôn, cũng là chuyện thường ở thế gian. Quan trọng
là sau thất bại có biết vươn lên đứng vững để thành công hay không?
2/ KHÁM PHÁ CHÚA XUÂN.
Ở nơi vua Trần Nhân Tông, sơ Tổ Trúc Lâm cũng
thể hiện rõ sự vươn lên khỏi cái thời còn mê chưa giác ngộ:
Thuở bé chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
Có cái gì mộng huyễn cho bằng một cánh chim vút
ngang lưng trời, một áng mây bạc bồng bềnh rồi tan biến, một làn gió chợt
thoảng qua! Muôn sự muôn vật ở thế gian vốn mỏng manh vô thường là thế. Cuộc
đời không có gì thật mà hầu hết con người thì cứ ngỡ là thật, chưa hề hiểu thấu
tất cả là giả nên bị cái đến đi của mùa xuân chi phối, làm cho khi buồn, khi
vui, lắm bận nao lòng.
Nếu chúng ta biết rõ cảnh duyên bên ngoài là
huyễn hoá thì sẽ không bị nó chi phối. Hầu hết tất cả quý vị đang có mặt trong
pháp hội này đều đã được nghe pháp, đọc học và ứng dụng tu tập nhiều năm tháng
rồi, nhưng quý vị tự hỏi lại mình coi mình đã thực sự bình yên khi cảnh đến
chưa, có còn khổ không? Vẫn còn chút chút, phải không? Nói là giả, nhưng khi
cảnh đến thì mình lại thấy cái gì cũng thật nên chưa khỏi bị nó chi phối và làm
khổ. Vì sao như vậy?
Như quý vị đang ngồi chú tâm nghe quý Thầy nói
chuyện. Khi vừa chú tâm, tưởng là yên lắm, nhưng ngay đó là đã bỏ mất mình mà
duyên theo lời này, là quên mất mình đang ngồi đây mà trụ theo cái bên ngoài
rồi. Trụ pháp sanh tâm, học đạo đâu phải vậy.
Kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Không nên trụ sắc
sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Nên không chỗ trụ
mà sanh tâm kia”. Tức là không dừng trụ, không vì sáu trần bên ngoài dụng công
phu. Khi thấu qua các tướng, không dừng trụ trên một pháp trần nào thì ngay đó
tâm thể chân thật hiện bày. Nếu có trụ tâm là mất chính mình rồi, nên chưa
phải. Khi quý vị chú tâm ra ngoài, bỏ mất mình thì tâm đó là động hay tịnh? Là
động rồi. Mà nếu động là sanh diệt hay không sanh diệt? Là sanh diệt. Mà cái gì
thuộc về sanh diệt là huyễn hoá hay là chân thật? Là huyễn hóa. Mình nghe nói
về cái giả, nhưng chúng ta lại dùng cái tâm sanh diệt huyễn hóa để hiểu về cái
giả thì làm sao thoát được huyễn hóa! Đạo dù cao thượng, vô sanh, nhưng nếu
dùng tâm sanh diệt để học đạo thì làm sao có thể đạt đến vô sanh để vượt qua
cảnh đời sanh diệt được? Nếu dùng tâm huyễn hóa sanh diệt để học về cái đạo vô
sanh cao thượng thì đạo cao thượng vô sanh đó cũng thuộc về sanh diệt thôi. Bởi
vậy, chúng ta học đạo đã lâu mà tác dụng còn khiêm nhường quá. Mình rõ cảnh vốn
không, nhưng cảnh đến thì mình vẫn còn động, còn nao lòng thì bây giờ, mình
phải biết, phải rõ như thế nào để cảnh đến mình có phần nào yên ổn, chưa nói
rằng yên ổn tuyệt đối.
2.a/ Cảnh duyên huyễn hóa.
Quý vị thường nghe ví dụ về cái nắm tay. Nắm tay
này được nói là huyễn hoá bởi trước khi chưa được nắm lại thì không có nắm tay.
Co năm ngón lại mới thành nắm tay, xoè năm ngón ra thì không thành nắm tay nữa.
Như vậy, nắm tay này là do duyên hợp tạm có, không thật. Đấy là bước đầu.
Bây giờ, khi đang nắm tay lại, quý vị tìm một
cái gì gọi là nắm tay có hay không? Một ngón không thể thành nắm tay mà tất cả
các ngón tay hợp lại mới thành nắm tay. Cụ thể hơn, từng sợi gân, xương,
thịt... kết hợp lại mới thành nắm tay. Sâu hơn nữa, các tế bào hợp lại, có sự
luân lưu liên tục, đủ máu và hơi ấm mới tồn tại nắm tay. Như vậy, quý vị thấy
nắm tay là giả hay thật? Là giả. Ngay khi nắm tay đang có đây mà rõ nó vốn là
không thì không có một cái gì thật, nắm tay là duyên hợp mà có. Ngay nắm tay
đây mà rõ là huyễn hoá thì nắm tay này là không tịch (rỗng lặng). Nắm tay rỗng
lặng nghĩa là sao? Tin thì dễ, nhưng quý vị đã tỏ rõ chưa?
2.b/ Tâm không cảnh tịch.
Ở đây, có thể có người đặt câu hỏi: “Mọi vật
đang bình thường, tại sao lại phải phân tích nó là giả?” Bởi có phân tích hay
không phân tích thì nó cũng vốn là giả rồi. Nhưng do mình mê, không biết là
giả, cứ ngỡ là thật nên lao theo hoài rồi khổ. Khi nghe phân tích, nếu quý vị
thấu tột bản chất thật của nó là giả thì cái mê sẽ dừng dứt. Khi quý vị thấu
tột nắm tay này là giả thì ngay đây liền dừng, không lao theo cái tay, không
biết theo cái tay, không biết về cái tay này nữa mà trả lại cái toàn thể sáng
biết nơi chính mình, cái biết này vốn trong lặng tự thuở nào rồi, chưa hề động.
Thể nhận và an ngay nơi cái biết đó thì tâm vốn không động. Cái thấy không động
thì nắm tay cũng không động. Tâm không thì cảnh tịch, cho nên nắm tay là không
tịch (rỗng lặng). Chưa biết thì nói cho biết là giả. Khi biết nó giả rồi thì
đừng theo nữa. Và ngay cái không theo là đủ, chứ không phải biết là giả để sanh
tâm phân biệt nó là giả hoài.
2.c/ Tâm cảnh nhất như.
Ngay đây quý vị thử buông xuống tất cả, lóng
lặng trở lại và nhìn lên nắm tay này. Bằng cái thấy biết không tịch (rỗng lặng)
đó thì nắm tay này là "có" hay là "không"? _ "Dạ, là
duyên hợp giả có". Bây giờ mà còn nói là duyên hợp giả có thì mất mình
rồi. Chỗ này gạn qua nhiều lần mới thấy. Đã nói giả để không theo cái giả, để
trở về cái thấy biết chân thật đang hiện tiền đây, mà bây giờ vẫn nói giả thì
không ổn rồi.
Vậy nắm tay này là "có" hay là
"không"? Giờ quý vị an lại ngay nơi cái mình đang thấy biết đây, đừng
nhìn theo nắm tay này nữa thì lúc này trong tâm không một niệm, nắm tay này
không in dấu trong tâm quý vị. Như vậy, không phải là có. Khi không niệm, nắm
tay không in dấu trong tâm, nhưng quý vị có thấy biết nắm tay không? Có. Như
vậy thì không phải là không. Không phải có, không phải không, ngay đây, nắm tay
là không tịch (rỗng lặng). Lúc này, mình không nói nắm tay là có hay là không,
mà nó là một sự hiện hữu trong tự tánh chánh định của mỗi người. Nó hiện hữu,
tức không rời cái mình đang thấy biết mà rỗng lặng. Trước mặt thấy rõ nhưng vốn
là trong lặng nên nó hiện hữu, chứ không nói là có hay là không. Cái tánh sáng
biết này chưa từng động nên gọi là định chứ không phải làm cho định. Sống ngay
tự tánh đó thì quý vị mới hay ra, mình chưa hề động và cảnh này cũng chưa từng
động bao giờ.
Vậy cũng trong tự tánh chánh định đó, quý vị
thấy nắm tay này ở "trong" hay ở "ngoài" quý vị? Nếu nói là
trong hay ngoài là còn đối đãi hai bên rồi. Khi nhìn nắm tay này, đừng nhìn
theo nó, an trở lại ngay cái thấy biết nơi chính mình thì có động không? _
Không động. Không động, không một niệm thì nắm tay này không in dấu trong tâm
quý vị. Như vậy, nắm tay này không phải ở trong quý vị. Nhưng khi quý vị không
động, nó không in dấu, quý vị có thấy nó không? _ Thấy. Đang lặng biết mà thấy
đây thì nó có rời ngoài cái thấy của mình không? _ Không. Như vậy, cũng không
phải là ngoài. Không trong, không ngoài, lúc này chúng ta đang thấy biết vượt
cả trong ngoài, có không, năng sở đối đãi. Ngay đây, tâm cảnh nhất như, cây gậy
là cây gậy, nắm tay là nắm tay. Bằng cái thấy biết đó thì nhìn cái gì mà không
phải là Phật pháp?
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng:
“Như gương soi cảnh, cảnh đến thì hiện rõ, cảnh đi thì thôi, không dấu vết. Nếu
đập bể gương mà đúc thành tượng thì ánh sáng của gương đi về đâu?”. Thiền sư
nói: “Tuy không chiếu soi, nhưng dối y một điểm cũng chẳng được”.
Ban đầu mình trở lại cái trong lặng sáng suốt,
khi công phu thuần thục rồi thì buông luôn cả cái lặng đó. Có nghĩa là không
còn niệm thấy có một cái lặng lẽ để giữ, ngay đó không luôn cái lặng kia. Không
cả cái có, không cả cái không, cái lặng lẽ kia cũng không còn quan tâm nữa thì
trong không có cái để giữ, ngoài không có vật để dính mắc, ngay đó toàn thể
hiện bày. Mình lặng mà biết tất cả thì giống như gương soi vật. Tuy không động,
rõ tất cả nhưng vẫn còn có cái gương soi vật thì chúng ta vẫn còn giữ cái gương
này, vẫn còn có cái niệm thầm thầm giữ cái lặng lẽ đó. Vì vậy mà khi bước vào
thiền đường ngồi thì có thiền, mà ra ngoài thì hết thiền, khi nói chuyện đạo
thì có thiền mà nói chuyện làm ăn thì mất thiền... Rõ ràng là nhờ vào tấm gương
mới soi được, khi không có gương thì quên chiếu soi. Nhưng cuối cùng vẫn còn
giữ tấm gương nên chưa được tự do, tự tại. Nếu quý vị dụng công mạnh hơn, buông
luôn cả cái lặng kia, không còn một khái niệm, ngay đó sống thẳng, giống như
đẩy một chiếc xuồng ra bờ trôi một cách nhẹ nhàng không vướng víu vậy. Chỗ này,
không còn niệm thầm giữ gìn cái lặng lẽ, như gương đập vỡ ra để đúc thành tượng
rồi, nhưng tất cả đều lặng trong, tỏ suốt hết một cách rõ ràng, sáng rỡ, linh
hoạt mà không động, đó là “dối y một điểm cũng chẳng được”.
Đang cái thấy biết này, nắm tay không phải có,
không phải không, ngay đây, nắm tay không tịch (rỗng lặng), đang thấy biết vượt
năng sở, trong ngoài, có không, tâm cảnh nhất như. Sống được như vậy có thiền
vị không? Đầy là thiền vị. Có xuân không? Sắc hương xuân thắm đượm, ngập tràn.
Nắm tay này là đại diện cho tất cả cảnh sắc Hằng ngày chúng ta tiếp xúc. Hằng
ngày, quý vị tiếp xúc làm ăn mà bằng cái thấy biết này để sống trên tất cả cảnh
thì có cái gì không phải là Phật pháp chăng? Đâu đâu cũng là Phật pháp hết.
Bằng tâm xuân này để sống thì quý vị thấy quanh năm có chỗ nào thiếu vắng xuân
không? Khi nào cũng là mùa xuân lung linh, tươi mát.
3/ CHÚA XUÂN ĐÂY RỒI!
Ngay nắm tay đây mà rõ thì chúa xuân hiện tiền.
Ngắm nhìn hoa nở, hoa tàn mà không rời tánh thấy biết này thì chúa xuân đang
hiển hiện rõ ràng ra đó. Được vậy thì xuân đến cũng vậy, mà mùa xuân có qua đi
cũng chỉ có vậy, cũng vẫn an nhiên, thảnh thơi, không có gì bận lòng. Cho nên
có vị nói:
"Bao giờ gặp lại hôm qua,
Thì tôi kể chuyện ngày mai có gì.
Ừ! thì nước chảy mây trôi,
Ừ! thì lá rụng trăng soi ánh vàng."
Chuyện hôm qua đã đi qua rồi thì chuyện ngày mai
cũng tạm bợ vô thường không thật, không có gì đáng bận lòng để kể và không kể.
Nhưng không phải cuộc đời vô vị đến thế. Trong cái vô thường sanh diệt kia, vẫn
còn đây một tánh sáng biết ngập tràn lạc an sáng ngời không động. Bằng sức sống
đó, tất cả mọi thứ hiện diện trước mắt mình đều trở nên sinh động, lung linh.
Từ đó, không thèm quan tâm đến chuyện hôm qua, chuyện ngày mai, hay tìm lấy một
cái gì đó ở hiện tại, mà chỉ là thuận tánh tùy duyên. Cái gì đến với chúng ta,
nó đều trở nên một sự hiện hữu diệu huyền khó tả. Lúc này chỉ biết nói "ừ
thì" mà thôi. "Ừ! thì nước chảy mây trôi, Ừ! thì lá rụng trăng soi
ánh vàng." Đến giờ tọa thiền, ừ thì tọa thiền. Đến giờ đi chợ, ừ thì đi
chợ. Đến giờ ăn cơm, ừ thì ăn cơm. Đến lúc đại tiểu tiện, ừ thì đại tiểu tiện.
Khi ai đó khen ngợi, ừ thì khen ngợi. Khi ai đó vu oan hay nhục mạ, ừ thì vậy
đó!... Cái "ừ thì" này có thể thay thế cho cái "thế à" hay
không?
Có vị Thiền sư khi đọc Kinh Pháp Hoa đến chỗ
“Chư pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng”, Ngài khởi nghi: “Tánh vắng
lặng thì dễ hiểu, còn tướng thì sanh diệt, sao lại tự vắng lặng?” Một hôm, nhân
mùa xuân về, Ngài đang ngồi ở tảng đá thảnh thơi, tình cờ nghe chim hoàng oanh
hót trên cành liễu, ngài sực ngộ ra, bèn thêm hai câu: “Xuân đáo bách hoa khai,
Hoàng oanh đề liễu thượng”. Và gộp lại thành bài kệ:
Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.
Nghĩa là:
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân về trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành.
Quý vị đã thấy tướng thường tự vắng lặng chưa?
Nắm tay là không tịch, nó có động bao giờ đâu, cho nên tướng thường tự vắng
lặng. Ngay khi vừa nghe tiếng chim hót, bằng tâm thể thấy nghe biết mà chưa
từng động kia, thì tuy tiếng chim là tướng, nhưng nó vẫn trong trẻo, lặng lẽ,
rõ ràng từng tiếng mà không động, thì mới thấy các pháp từ xưa đến nay, tướng
thường tự vắng lặng. Vì chúng ta tự ồn ào cho nên thấy nó động. Nếu chúng ta
khéo nhận lại thì Phật pháp là gì? Tất cả đều không ra ngoài một tánh đang sáng
biết chưa từng động đây, thì ngay đó cái gì không phải là Phật pháp!
Thiền sư Văn Ích Pháp Nhãn lúc còn đi tham học
đến chỗ ngài Địa Tạng Quế Sâm, dùng hết công sức trình kiến giải, nói đạo lý
hơn cả tháng, nhưng vẫn bị Ngài Quế Sâm bảo: “Phật pháp không phải thế ấy”.
Cuối cùng, Ngài Pháp Nhãn thưa: “Con đã hết lời cùng lý rồi." (tắc hết các
đường suy nghĩ rồi). Ngài Quế Sâm khều nhẹ: “Nếu luận về Phật pháp thì tất cả
hiện thành”. Ngay đó ngài liền đại ngộ.
Nếu luận về Phật pháp thì dứt hết tình thức đi,
sống trở lại cái đang sáng biết mà chưa từng động đây thì tất cả đang hiện bày
Phật pháp. Trước đó chưa nhận được là bởi tình thức mình quá nhiều, cứ nghĩ
phải thế này phải thế kia, vọng động lăng xăng, bằng tâm vọng động mà hiểu thì
làm sao thấy được Phật pháp?
Thiền sư Vân Môn một hôm ở trong chúng đưa cây
gậy lên nói: “Phàm phu cho là thật, Nhị thừa phân tích thành không, Duyên Giác
thì huyễn có, Bồ tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì cây gậy là cây gậy,
đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến”.
Khi giảng đến đây, Hoà thượng Tôn sư chúng ta có
bình một câu: “Mọi người chỉ biết câu: đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được
động đến mà không ai thấy được cây gậy của Ngài Vân Môn”.
Đi chỉ chú tâm đi, ngồi chỉ chú tâm ngồi, tức là
lúc nào mình cũng chuyên chú tâm niệm đừng cho phóng ra, làm việc gì thì chuyên
chú tâm vào việc ấy. Tại sao chú tâm chuyên nhất như vậy mà không thấy cây gậy
của Ngài Vân Môn? Khi chú tâm là chú tâm theo công việc đang làm, là biết theo
việc, biết về việc ấy, là duyên theo cảnh, là lao ra bên ngoài rồi. Mình ngỡ
ngay đó là lóng lặng, nhưng thực ra là đã bỏ mất mình nên cái lặng đó cũng là
đối tượng bị biết thôi. Là đối tượng thì nó là cái bên ngoài, không thật. Ban
đầu thấy động ưa lặng nên mới trở về lặng, nhưng khi chú tâm nơi lặng thì bỏ
mất mình rồi, mà mất mình thì cái lặng đó cũng chỉ là tướng của lặng, là một
tướng đối lại với tướng động, nó cũng thuộc về tướng đối đãi sanh diệt bên
ngoài không thật. Nếu trở lại nơi chính mình thì quý vị có thấy được cây gậy
của Ngài Vân Môn không? Nếu ngay đó còn thấy có một cái lặng lẽ nơi mình để
thầm thầm gìn giữ thì cũng không thấy được cây gậy Ngài Vân Môn. Ngay khi thấy
biết suốt qua tất cả mà không dừng trụ trên một cảnh tượng nào, trong không một
pháp để giữ, không trong không ngoài, vượt cả năng sở đối đãi có không, cây gậy
Ngài Vân Môn liền hiện sờ sờ ra đó:
"Tuyệt thay! Cây gậy Vân Môn,
Vừa phân "ta" "gậy", khó mong thấy rồi.
Thoạt đưa cây gậy lên thôi,
Vỡ tung trời đất, chà thôi lắm lời!"
Cho nên Thiền sư Tông Mật nói: "Thiền là
không loạn, không định." Không loạn thì đúng rồi, nhưng vì sao định cũng
không phải là thiền? Không loạn cũng không định, có chỗ nào cho chúng ta hiểu
hay không? Không còn chỗ cho thức tình vin vào để hiểu, ngay đó khéo nhận thì
ngập tràn thênh thang toàn thể là thiền.
Bởi còn thấy có một cái định để giữ thì vẫn còn
chỗ cho thức tình sanh khởi, là chưa được tự do tự tại, là chưa thực sự sống
trọn vẹn bằng sức sống thiền. Công phu đến chỗ này rất vi tế. Mình tưởng rằng
khi động quá thì phải trở về tịnh, ngồi tịnh rồi thì thích, nhưng không phải
dừng ở đó.
4/ CHỚ CÓ NHẬN LẦM!
Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn nói: “Dù được
thuần thanh tuyệt điểm vẫn là chơn thường lưu chú”. Dù rằng được cái thanh tịnh
tột cùng, trong lặng tuyệt đối rồi, quên cả thân tâm và cảnh rồi, nhưng trong
đó vẫn còn một cái thức thần đang trôi chảy nhỏ nhiệm ở bên trong mà mình tưởng
là lặng. Như một dòng thác nước, nhìn từ xa, màn nước bạc tưởng là miếng bạc
bất động, nhưng thực ra đến gần mới thấy nó đang sanh diệt, nó đang dệt một
cách liên tục, nhưng vì vi tế, nhỏ nhiệm quá nên chúng ta không thể thấy được.
Chỗ định cũng vậy, mình thấy trong lặng tất cả nhưng không biết rằng thức thần
đang trôi chảy nhỏ nhiệm bên trong, cho đến khi quý vị công phu mạnh mẽ, một
cảnh bất thần chạm đến, giựt mình À lên mới hay ra rằng, tuy lặng, tuy không
niệm, tuy vắng bặt tất cả, tuy không theo cảnh nhưng vẫn thầm thầm có tâm giữ
cái không lặng, bỏ quên mình mà theo nó, thì vẫn còn cách một lớp giống như lụa
mỏng, mới biết công phu trước đó còn lầm. Đến lúc À lên một tiếng thì mới có
phần tự do tự tại trong sanh tử. Đập gương bể vụn đúc thành tượng, không còn
tướng trạng của gương, nhưng lúc đó dối y một điểm cũng chẳng được, chứ không
phải giữ cái gương mà sống. Buông thật mạnh, thật sạch để vươn lên, còn nếu có
niệm an thì ngay đó có chỗ cho thức sanh rồi. Thức thần là cội gốc của sanh tử.
Còn thức thần là còn sanh khởi niệm, còn trôi trở lại trong sanh tử. Muốn phá
sanh tử thì phải thấu rõ cái thức thần này.
Quý vị nhìn lại: Chúng ta đi trong sanh tử là do
bị cái gì đẩy đi? Chính là nghiệp. Nghiệp từ đâu tạo? Từ thân, khẩu, ý, nhưng ý
là gốc. Ý mà không khởi thì quý vị có tạo nghiệp không? Mình khởi niệm lên thì
đó là tạo nghiệp đi trong sanh tử. Nhưng ngay khi khởi niệm, quý vị không theo
nó thì nó không tạo nghiệp. Khi quý vị bỏ mất mình mà theo niệm thì cái thức
tương tục đan xen. Chính cái thức đó là dầu mồi cho ngọn lửa của niệm. Quý vị
để ý rất là vi tế. Ví dụ vọng tưởng vừa khởi lên, không theo nó, chỉ là biết
thì nó qua hay còn? Qua đi. Còn nếu quý vị theo nó thì nó dẫn mình đi. Vừa chợt
quên mất chính mình, quên cả hiện tiền đang biết đây thì niệm liền sanh khởi và
cái thức tương tục đã sanh ngay khi bất chợt bỏ quên mất mình rồi. Chúng ta
không thể can thiệp trên niệm hiện tại vì nó chỉ là tướng nổi bên ngoài, nó vô
tội. Nó chỉ có tội khi mình quên thì nó mới kéo mình theo. Vậy là khi mình theo
thì nó mới kéo, còn không theo thì thôi. Thế thì lỗi tại chỗ nào? Không phải
tại ngọn đèn mà tại người châm dầu. Cho nên, phải rút dầu ra thì đèn sẽ tắt
thôi. Ngọn lửa của đèn là ví dụ cho niệm khởi. Dầu là thức thần tương tục.
Thoạt quên mất mình, lao ra bên ngoài thì ngay đó thức sanh. Sống trở lại nơi
chính mình thì dòng thức ngưng bặt. Ngay khi quý vị rõ là mình đang trong lặng
đó, có một cái gọi là thanh tịnh tột cùng đó, thì có phải quý vị đang bỏ mất
mình mà theo cảnh thanh tịnh không? Khi ấy ngỡ như là thanh tịnh, nhưng đã đánh
mất sự hiện hữu chính mình mà theo giữ cái tướng của tịnh nên có chỗ cho thức
sanh, tuy không hiện tướng nhưng rất nhỏ nhiệm khó thấy.
Nhớ là, khi thoạt bỏ mất mình thì thức đã sanh
rồi, là mầm mống mồi cái niệm sanh tử trở lại. Như vậy, đạt đến cảnh thanh tịnh
tột cùng mà chưa có một cơ sống dậy mạnh mẽ thì thức vẫn còn trôi chảy nhỏ
nhiệm, mầm mống của sanh tử vẫn còn thì làm sao chấm dứt được sanh tử. Nương
hơi thở chỉ là bước đầu thực tập thiền. Nhưng nếu quý vị lấy cái phương tiện
ban đầu này để lập thành một pháp tu chính thống dài lâu, cứ nương hơi thở mãi
không chịu bỏ, nương tất cả mọi cái để được tịnh, nhưng cái tịnh đó có cứu sanh
tử cho mình được không? Còn nương tựa, còn thấy có một pháp thật thì còn có chỗ
cho thức sanh cho nên chưa thoát khỏi biển lớn sanh tử. Ban đầu, nương cái tịnh
là tốt, nhưng khi thuần thục rồi mà dừng ngang đó thì chưa phải là cái trí
chiếu phá sanh tử, cần phải phấn phát vươn lên, vừa chấp nhận là mình chìm
liền. Thức này rất vi tế, giống như mụn độc, đụng vào là lan ra. Tức là vừa
muốn làm gì để trị nó, thì ngay đó chính là nó rồi. Nếu đánh mất chính mình,
tác ý rồi thì làm sao có thể trị nó được. Muốn trị nó thì phải không can thiệp
trên nó, phải cô lập nó, để yên nó, đừng tác ý thêm. Nhưng có niệm “để nguyên
đó” cũng là tác ý, thức cũng sanh. Ngay đó, quý vị như lờ đi, không tác ý đến,
chỉ là sáng biết không động thì liền là vô tác.
Trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, quý vị sống trở
về với cái đang sáng biết, đừng bỏ mất mình thì dòng thức sẽ yếu. Muốn trị cái
thức này thì đừng làm gì thêm mà chỉ giác trở lại. Tất cả mọi chỗ luôn giác trở
lại. Trở về giác càng cao thì cái thức càng yếu đi. Cứ sống như vậy cho đến khi
cái giác cao tột cùng thì cái thức cũng sẽ yếu cùng tột. Đến khi công phu chín
muồi, cái giác bất chợt đủ lớn thì bỗng dưng cái thức dứt bặt, chân trời giác
ngộ bỗng chợt mở toang, rõ ràng sáng biết tất cả, thênh thang vốn tự không
động, mới hay ra cái giác biết lâu nay chỉ là tạm dùng. Lúc này, tánh mình tự
nó vốn là giác, tự nó vốn là sáng, tự nó vốn không động chứ không phải làm cho
được định, được giác.
Ban đầu chưa biết thì phải làm, phải tu, giống
như lập rào chắn để ngăn bớt giặc. Đây chỉ là phương pháp tạm thời lấy ngắn
nuôi dài, cái chính yếu vẫn là ở chỗ vốn tự sáng biết, vốn tự không động kia.
Cho nên thức này chính là dầu mồi lửa vọng niệm
đi trong sanh tử luân hồi, chỉ có giác mới trị được. Tất cả mọi cảnh vừa quên
thì giác trở lại. Ví dụ khi nhìn bông hoa này, vừa thích thì biết sai rồi nên
quay trở lại, nhưng khi khởi niệm quay trở lại cũng là một niệm. Chỗ này rất vi
tế. Cho nên các Thiền sư nói: "Phản vị hồi cơ cũng là giữa trưa trốn
bóng." Giữa trưa trời nắng, chúng ta ở ngoài nắng mà chạy trốn cái bóng
của mình. Càng chạy thì cái bóng càng nhiều, làm sao trốn được. Khi quý vị vừa
nhìn bông hoa mà nhiễm rồi thì đừng khởi thêm niệm gì nữa, đừng tác ý quay trở
lại, mà cũng đừng khởi niệm theo luôn. Ngay đó lặng thần, ngưng bặt, không tác
ý thì mọi cái tự nhiên lặng và mình sáng rỡ rõ ràng. Quý vị đang khởi một niệm
thì rõ đó là niệm, không thêm nữa, tức là không có tác ý gì hết thì ngay đó
niệm tự lặng, mình đang sáng. Hằng ngày quý vị đi kinh hành, nhìn hết tất cả mà
đừng trụ trên một cảnh nào hết thì ngay khi không trụ, không bám tất cả, bên
trong không còn có cái để giữ thì tất cả đang hiện bày rõ ràng chứ không cần
trở ra trở vào gì cả. Hằng sống như vậy thì tu rất nhẹ nhàng, toàn thể là giác.
Trong nhà thiền, mình nghe nói thấy biết như
thị, cây gậy là cây gậy, hoa hồng là hoa hồng, lúc nào mình cũng giữ cho nó như
thị, thầm nhủ đừng có thêm nữa, như vậy là có tác ý rồi. Đó là làm cho như thị
chứ không phải vốn tự như thị. Tưởng giữ là như nhị, nhưng thực ra giữ như vậy
là bị gạt. Khi làm cho như thị là còn kiềm chế, còn có chỗ giữ cho nên thức còn
tương tục, bởi vậy mà chưa phải là như thị của nhà thiền. Vậy cái như thị của
nhà thiền là gì?
Một hôm Ngài Vân Môn đưa cây quạt lên, nói: “Cây
quạt hoá rồng, bay lên cõi trời ba mươi ba, rơi xuống đập vào lỗ mũi các ông”.
Quý vị biết Ngài nói gì không?
Nghe nói cây quạt hoá rồng thì thắc mắc: Ủa, sao
cây quạt lại hoá rồng? Bay lên cõi trời ba mươi ba (ngài nói lý gì đây, lý vô
sanh hay lý gì?). Rồi rơi xuống đập vào lỗ mũi của mình. À, bây giờ mới giựt
mình, nãy giờ mình bỏ quên mình mà theo cây quạt, cho nên bị gạt.
Đừng nên nghĩ rằng như thị có nghĩa là mình làm
cho như thị mà phải trở về sống trọn vẹn với tánh giác (trở về cũng là một cách
nói, ngay khi không đi ra thì đó là chỗ trở về). Vừa nhìn thấy hoa, lỡ dính mắc
rồi bèn quay trở lại có phải không? Tưởng đâu khi nhìn bông hoa bị dính mắc thì
chính là lỗi, không ngờ khi quay trở lại cũng là lỗi luôn. Vì sao vậy? Vì có
niệm quay trở lại. Cho nên Thiền sư Hàm Thị nói: "Nếu nói hồi quang phản
chiếu thì vẫn còn thừa ra một pháp" là vậy. Ngay khi biết dính mắc là lỗi,
đừng thêm nữa thì toàn thể là mình. Quý vị nhớ: Không thêm là một. Sáng là hai.
Không động là ba. Phải đủ cả ba tính chất đó. Sáng nhưng phải đảm bảo là không
động, ngay tất cả cảnh chỉ là không thêm là phải, không tạo tác là xong.
Cho nên cái NHƯ THỊ ở đây là mình trở về sống
trọn vẹn với tánh giác rồi thì tất cả vốn là như thị, không phải là làm cho
được như thị. Chú tâm để được như thị, đó là sai rồi. Mình mà không biết được
chỗ này thì khi những vị khác đem cái tỉnh ra để đối chiếu thì mình không thể
phân biện nổi. Cho nên mới thấy được giá trị chỗ này, chứ không, mình tưởng như
tầm thường, Hằng ngày cứ ngủ yên trong êm đềm, cứ bình bình tu sơ sài một cách
máy móc. Thầy Tổ nói gì mình nghe theo đó thì dễ rồi, huynh đệ cùng tu thì
thông cảm nhau rồi, nhưng mà khi ra gặp người khác phản biện trở lại thì niềm
tin bị lung lay. Vì thế mà đã có người nay ngồi đạo tràng này, mai ngồi đạo
tràng kia, là bởi mình chưa sáng tỏ, chưa đủ niềm tin, chứ còn sáng tỏ, vững
lòng tin rồi thì đạo tràng nào cũng không rời khỏi cái chân thật đó, có gì phải
lăng xăng chạy đi tìm kiếm lung tung. Đức Phật nói: “Nếu có một pháp thứ hai
vượt lên trên Niết Bàn, ta nói đó là huyễn hoá”. Mình cứ hay đòi đi tìm một cái
gì đó lạ hơn, hay hơn, nhưng mà nếu có một cái gì đó hay hơn tánh tịnh niết bàn
này thì không phải thật. Bây giờ quý vị biết rồi, đã an lòng chưa, hay còn muốn
tìm thêm cái lạ lẫm gì nữa? Yên lòng rồi thì mình mới mạnh, mới khẳng khái và
dụng công tu hành mới có kết quả được. Còn chưa vững lòng, đứng núi này trông
núi nọ thì sự tu hành không đi đến đâu hết.
5/ LÚC NÀO CHẲNG XUÂN.
Xưa kia trên pháp hội Linh Sơn đức Phật đưa cành
hoa sen, đến thời Ngài Vân Môn thì Ngài đưa cây gậy, còn hiện nay quý Thầy đưa
cái tay này lên... Vậy quý vị thấy giống nhau hay khác nhau? Nếu nói khác là có
cái này khác với cái kia, là thấy hoa sen khác với cây gậy, cây gậy khác với
nắm tay, là thấy biết phân biệt theo cảnh bên ngoài mà đánh mất chính mình rồi.
Cây gậy, nắm tay, hoa sen, đồng hồ, bàn ghế, nhà cửa…, nhìn tất cả mọi cái quý
vị đừng lao ra phân biệt, trả lại cái thấy biết lặng lẽ chưa từng động, toàn
thể biết không một gợn tí đó, thì những cái này có ra ngoài tự tánh của quý vị
không? Không. Và lúc đó có động không? Tất cả đều đang không tịch, vắng bặt,
lặng lẽ, nó là sự hiện hữu trong tự tánh chánh định của mỗi người. Ngay đó, hoa
sen là hoa sen, cây gậy là cây gậy, nắm tay là nắm tay,... thì mình mới nhận ra
rằng, không phải chỉ có mùa xuân bên ngoài của đất trời mà còn đây một mùa xuân
không động nơi tự tánh mỗi chúng ta. Ngay đó, chúa xuân đang hiển hiện, bàng
bạc khắp tất cả chỗ. Lâu nay, mình cứ từ chỗ này sang chỗ khác đi tìm những đạo
lý siêu huyền, trăn trở bao năm để tìm đạo giác ngộ giải thoát, nhưng không ngờ
cuối cùng giác ngộ lại ngay cái đang thấy, đang nghe, đang nói đây. Đi muôn dặm
trình để tìm một cái mà khi hay ra, cái ấy lại ở ngay dưới chính gót chân mình.
Đây là cái hay và đầy thú vị của đạo Phật. Vì vậy khi nhận ra rồi, có người thì
cười, có người bậc khóc hoặc có người la thét lên...
Đời đường, có Thiền sư ni, hiệu là Mai Hoa Ni có
làm bài thơ xuân:
Cả buổi tìm xuân chẳng thấy xuân
Giầy gai đạp nát, đỉnh mây vần
Trở về cười ngất hương mai rộ
Xuân ở đầu cành rõ mười phần.
"Xuân ở đầu cành rõ mười phần” Là ở đâu? Là
ở cành mai hay ở cành đào? Coi chừng bị hoa mai làm mù mắt! Suốt ngày đi tìm
xuân ở chỗ này, chỗ kia, tìm đến rách giầy, sờn áo mà vẫn không thấy. Khi mệt
mỏi, tình thức dừng bặt, dứt hết chỗ tìm rồi thì mới hay ra, ngay trong vườn
nhà mình hương mai đang rộ, sắc xuân đang ngập tràn khắp tất cả mọi nơi chưa
từng thiếu vắng bao giờ. Sống bằng tâm xuân thì thấy cái gì cũng xuân, xuân
ngay tự tánh, không phải do tìm, do tạo tác mà được. Đâu đâu chúa xuân cũng
đang hiển hiện, cảnh nào cũng là cảnh xuân.
Thiền sư Đại Ấn thượng đường, có vị Tăng hỏi:
“Ngày xuân chan hoà, gió xuân phơi phới, má đào quyến rũ mưa xuân, mắt liễu hút
sâu làn khói bạc. Thế nào là mặt thật của Cồ Đàm (đức Phật)?” Tức là trong cảnh
sắc xuân của đất trời đó, mặt thật của đức Phật ở đâu?
Ngài Đại Ấn nói: “Khắp nơi chẳng từng giấu”.
Như vậy, mặt thật của đức Phật ở đâu?
Thấy thì liền biết, chưa từng động niệm thì có
giấu diếm bao giờ!
Khắp cả mọi nơi, đức Phật đang hiển hiện bàng
bạc ra đó, chưa từng giấu diếm ai hết. Trước tất cả cảnh xuân, thấy thì liền
biết, chưa từng động niệm thì đức Phật hiện rõ ràng ra đó, có giấu được không?
Đâu giấu ai được. Mà muốn giấu cũng không giấu được. Vì mình không nhận nên tạm
thời bị che khuất nên gọi là giấu vậy thôi. Còn rõ ra rồi thì dù người khác có
che giấu mình cũng không thể được.
Có vị Thiền sư làm bài kệ:
Đầu sào trăm trượng thôi hỏi bến,
Cô phong tột đỉnh dưỡng thân nhàn.
Dù rằng nhà hở không che đậy,
Cô phong là pháp thân, ngay trong pháp thân đó
là chỗ dưỡng thân của Ngài. Dù rằng phơi bày hết ra đó, nhưng nếu muốn thấy thì
phải đến để mà thấy chứ không thể đem đi kể cho người ngoài cuộc nghe. Vì nếu
là người ngoài cuộc thì có kể cũng không thể nghe được.
Thái sử Hoàng Đình Kiên đến nương Ngài Hối Đường
học đạo.
Một hôm Thiền sư Hối Đường nói: “Như Khổng Tử
nói: ‘Này các trò, các trò cho ta là giấu diếm ư? Ta không có gì giấu diếm các
trò cả’. Thái sử căn cứ vào đâu để lý luận?”
Khi đó, Hoàng Đình Kiên định suy nghĩ để đáp,
Ngài Hối Đường liền chặn: “Không đúng, không đúng”.
Hoàng Đình Kiên chưa nói đã bị chặn lại bảo là
không đúng, nên mờ mịt không hiểu. Rất tiếc! Ngài Hối Đường chặn lại là có thủ
đoạn, cố tình trong bất chợt chặn phắt ngang để thức tình Thái sử ngưng bặt và
thể nhận ra con người chân thật nơi chính ông. Nhưng ông đã bỏ qua cơ hội nên
đành mờ mịt không hiểu.
Một hôm, ông đi theo Thiền sư Hối Đường dạo núi,
gặp lúc hoa quế nở thơm ngát cả rừng. Lúc đó, Ngài Hối Đường hỏi:
- Ông có ngửi thấy mùi hoa quế thơm chăng?
- Con có ngửi thấy.
- Ta không giấu diếm gì ông cả.
Ngay đó, Hoàng Đình Kiên tỉnh, liền lễ bái và
thưa:
- Hoà thượng thật là tâm lão bà tha thiết.
Ngài Hối Đường cười:
- Chỉ cần ông về đến nhà thôi.
Nếu trước đó, Ngài Hối Đường giải thích liền thì
có chỗ cho ông Hoàng Đình Kiên hiểu. Mà hiểu thì chỉ là thức hiểu thôi chứ
không phải cái nhận chân thật. Hơn nữa, khi tự cho mình đã hiểu rồi, sáng rồi
nên không cần tu, không cầu tiến cho nên bị nhấn chìm trong biển tối ý thức nhỏ
hẹp. Khi bị Thiền sư nói chặn như vậy thì trong lòng Thái sử thắc mắc mãi không
nguôi? Ôm ấp, khắc khoải mãi, tại sao không phải, giờ phải như thế nào thì mới
là phải?.. do đó các niệm khác không xen vào được, tâm dồn vào đạo lý cao độ,
các niệm khác không có chỗ xen vào, cho nên khi nhân duyên chín muồi liền chợt
tỉnh, mới hưởng trọn mùa xuân miên viễn.
Là người hiểu đạo, chúng ta có chấp nhận dừng
lại ở chỗ cảm nhận mùa xuân của đất trời sanh diệt bên ngoài không? Chúng ta ai
ai cũng có một mùa xuân bất diệt, vượt không gian và vượt cả thời gian. Chỉ cần
khéo nhận lại thì quanh năm khắp chốn, đâu đâu cũng thắm đượm sắc hương xuân.
Ngay khi thấy nắm tay mà quý vị thấy không phải
có, không phải không, không phải trong, không phải ngoài, tâm không cảnh tịch
thì nắm tay là rỗng lặng, có không gian nào che được quý vị không?
"Có" nắm tay hay "không có" nắm tay, cái thấy biết này cũng
không mất. Nắm tay này không che mắt được mình nên cái thấy biết vượt không
gian.
Khi đưa nắm tay này lên, quý vị thấy sắc liền
sáng tâm, phải không? Vậy thì sáng ở chỗ nào? Khi chưa đưa tay thì chưa thành
tướng đưa, đang đưa tay cũng chưa thành tướng đưa, mà đưa tay lên rồi thì đã
đưa xong rồi, vậy quý vị nhằm chỗ nào để thấy tâm? Đây là quý Thầy gạn lại một
lần nữa. Nếu chúng ta chưa thấu tột thì liền bị cảnh chi phối, bị gạt và không
qua được chỗ này. Đã là cái thấy biết chân thật, hằng hữu, không mất mà phải
đợi khi đưa tay mới thấy, vậy khi không đưa tay thì không thấy hay sao mà phải
tìm cái tướng đưa tay? Khi nghe nói chưa đưa, đang đưa, đã đưa tay, chúng ta
say sưa chạy theo cái sanh diệt đó để tìm cái tướng đưa tay, bị nó dẫn dụ rồi
chạy theo nó mà quên mất chính mình đang thấy biết một cách rõ ràng không động
đây, nên bị nó gạt và không rõ. Quý vị thử trở lại cái lặng sáng rõ ràng thênh
thang chưa từng động đó, thì dù cho chưa đưa tay, đang đưa tay hay đã đưa tay
rồi, thì có rời ngoài sự kiểm soát của mình, có ra ngoài cái thấy biết hằng hữu
không động nơi chính mỗi người hay không? Vốn không động thì ba thời đều không
ra ngoài sự kiểm soát của mình. Dù rằng các cảnh đang trôi, tuy động, nhưng
không rời một thể tịnh thì nó vẫn lặng lẽ trong cái đang lặng sáng của mình.
Không kẹt vào một điểm dừng nào thì có thời gian nào trong đó, nên ngay đây,
thấy biết vượt cả thời gian.
Trả lại cái toàn thể sáng biết thì vượt lên
không gian, vượt cả thời gian. Sống bằng cái thấy biết này thì chỗ nào không
phải là tâm, chỗ nào mà không sáng, lại đi tìm chỗ sáng làm gì? Ngay đó, chúa
Xuân hiển hiện bàng bạc khắp mọi nơi chưa hề thiếu vắng bao giờ.
Cho nên, khi khám phá ra chúa xuân rồi thì:
“Mai vàng đua nở xum xuê
Khách thiền đâu bận xuân về hay chưa!”.
Quanh năm khắp chốn đều là mùa xuân thì quý vị
còn chờ mùa xuân nào nữa. Biết được vậy thì thảnh thơi, không bận lòng trước
cảnh đến đi.
Thiền sư Nhân Dũng ở Bảo Ninh nhân ngày Tết dạy
chúng:
Hôm qua năm cũ đi
Ngày nay năm mới đến
Năm cũ đi chẳng đi
Năm mới đến chẳng đến
Khắp đồng trắng đầy tuyết
Cõi đất bặt mảy trần
Người không tên không chữ
Đưa mắt nhìn bồi hồi.
Mới cách một đêm mà đã có năm cũ, năm mới rồi.
Nếu chúng ta không chia ra thì có cũ có mới không? Là do con người đặt ra thôi
chứ có cũ mới bao giờ. Tại mình đặt ra rồi vui buồn trên đó, cho nên mình tự
lừa mình. Quý vị có thấy đáng thương không?
Tại sao “năm cũ đi chẳng đi, năm mới đến chẳng
đến”, cũng là do cái tưởng của mình đặt ra là đến, là đi thôi, chứ vốn nó không
thật, cho nên đi mà chẳng phải thật đi, đến cũng chẳng có cái gì thật đến.
Trong cái vọng đến đi đó có một cái sáng chưa động bao giờ, vì vậy Ngài nói
“Khắp đồng trắng đầy tuyết”, cả một cánh đồng chỉ một màu tuyết trắng, không có
cái gì chen vô. Cũng vậy, trên tất cả cảnh mà tâm sáng, không động thì không có
chỗ cho thức chen vào được. Toàn thể là tâm thì thức không chỗ gá, mà thức
không chỗ gá thì không còn có niệm, cho nên “cõi đất bặt mảy trần”.
Cái chân thật đang hiện tiền trước mắt chúng ta,
vốn sáng biết rạng ngời, không một mảy bụi nào có thể che được, nhưng chúng ta
cứ lo đuổi theo hoa nở, hoa tàn, theo cái sanh diệt, vui buồn, thành bại… mà bỏ
quên mất, không ngó ngàng gì đến chúa xuân – chính là người không tên không
chữ, cho nên "người không tên không chữ, đưa mắt nhìn bồi hồi". Nhìn
bồi hồi, là vì ngồi sờ sờ ra đó mà không ai chịu ngó ngàng tới, lo ham vui chạy
theo trần cảnh bên ngoài. Như vậy, chúng ta biết rõ rồi thì phải quay trở lại,
đừng để chúa xuân nhìn mình bồi hồi mà tội nghiệp cho… mình.
Thiền sư Tư ở Nột Đường có bài kệ Xuân:
Tuyết xuân đầy trời đến,
Trúng đâu hoa nở đó.
Chẳng rõ cây trong vườn,
Gốc nào là mai thật?
Hôm nay là ngày đầu năm, tất cả đang hòa quyện
trong hương xuân ấm áp, có ai thiếu, có vị nào không có cây mai thật này chăng?
Ai cũng sẵn có, tại sao còn chưa chịu nở? Chúc cho tất cả quý vị sang năm mới,
cây mai nơi chính mình chạm đến được hương xuân bất diệt để hoa nở rộ, hưởng
trọn một mùa xuân bất tận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét