Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Mưa rơi trên đầu ngón tay

Mưa rơi trên đầu ngón tay
Đất trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Người ta thường thích cái ấm áp của mùa xuân, cái lãng đãng của mùa thu, ánh nắng chói chang của mùa hạ. Chẳng mấy ai thích mùa đông, nhưng tôi thì lại khác. Có lẽ tôi thích những cơn mưa, hơn bất cứ những gì tôi từng gặp, từng trải qua trong cuộc đời mình. Nó đã mang lại cho tôi cảm giác đó bởi những ưu tư. Tự tại lòng mình khiến tôi thích mưa nhiều hơn. Đã có những đêm, trên miền sơn cước tôi ngồi nhìn mưa thả xuống những mái nhà lợp lá. Hình ảnh này chỉ còn thấp thoáng ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Ngồi dưới mái hiên, nhìn mưa và châm điếu thuốc. Và tiếng nhạc nữa, nghĩ  lại điều này, tôi gãi tai. Có khi nào mình là nghệ sỹ thực thụ? Tôi thấy dường như thế, nhưng tôi muốn mình chỉ đơn thuần là con người ngồi ngắm mưa. Trong hiu hắt của ngọn đèn dầu leo lét giữa rừng, mưa thả xuống như tấm mành. Trong đêm, nó đẹp lung linh và âm thanh của mưa nghe rất rõ. Tuồng như không gì thanh bằng tiếng mưa rơi, khi những giọt mưa chạm nước âm thanh ấy càng trở nên trong trẻo. Cơn mưa rừng kéo từ ngày này sang ngày khác, nối từ đêm này sang đêm khác. Những năm tháng sống ở rừng với những cơn mưa dài qua. Đó là mùa đông, rừng êm ái hơn mọi khi. Thỉnh thoảng có tiếng chim kêu và tiếng thú rừng tìm bạn khi cơn mưa đã ngớt. Ngày đó, không dễ gì tôi quên. Tiếng hát giữa đêm mưa trên miền rừng của một người thiếu phụ càng khiến cơn mưa day dứt. Cả lòng người vương vấn. Thời gian đó cách đây hơn bốn năm rồi, từ năm 2009. Tôi không nghĩ là mình nhớ dai, nó như một câu chuyện đi vào lòng người và nằm luôn ở đấy. Hôm nay tôi nhớ nhiều đến nó cũng chỉ vì những cơn mưa.
Những cơn mưa! Nó hằn rất rõ một ngày tôi ở xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa). Ở đây đất trời vần vũ bởi mưa, mây và bạt ngàn gió. Ngồi trên mái nhà sàn nhìn mưa chạy ngang qua, nó đẹp đến nỗi người dân nơi đây phải khổ vì cái đẹp ấy. Quanh năm suốt tháng những cô gái, những chàng trai Vân Kiều, Pa Cô phải chống chọi với cái lạnh cóng người. Cánh rừng sau sau xanh thẩm, loại cây phổ biến ở núi rừng miền Bắc được trồng nhiều thành rừng ở nơi đây. Cây sau sau gắn với chuyện tình buồn của không ít những chàng trai, cô gái. Nó còn gắn với những mối duyên lỡ hẹn nhau lấy một ngày. Rừng sau sau ở đây không chứng kiến những mối duyên lỡ, nó trút lá đỏ vào mùa thu và đến mùa đông cây xanh phủ lá mới. Có nhiều câu chuyện tình yêu, cả những câu chuyện xảy ra thời vua chúa nhưng nó mang đầy lòng tự hào của người con Vân Kiều, Pa Cô trên miền rừng.
Ở rừng, mùa mưa vẫn có nhiều loài hoa nở, chúng không có tên đối với người qua đường. Dân bản thì gọi theo cách riêng của họ. Loài hoa màu tím nở giữa mùa mưa, cánh mỏng nhưng bền. Chúng kết lại như một quả tú cầu. Hoa nở từng chùm cheo leo bên bờ suối. Khi những cơn mưa rừng thi nhau trút nước rồi lũ kéo nhau về, những bông hoa màu tím đó nằm xấp xởi trên mặt nước. Tôi đã từng đến nâng cánh một chùm hoa, nó không bầm dập. Màu tím ấy vẫn khiến cho lòng người xao xuyến. Cô gái người miền núi nói với tôi “đó là loài hoa tình yêu, đôi trai gái nào ngắm nhìn nó cùng một lúc sẽ yêu mến mãi nhau không từ bỏ được”. Tôi mỉm cười nhìn cô gái và nhìn bông hoa màu tím trở về trên mặt nước. Chuyện tình yêu gắn với màu tím, nó là sự thủy chung. Nhưng dường như nó buồn vì báo hiệu trước một sự xa cách. Màu tím là màu buồn, đóa hoa màu tím nở về mùa mưa, với người con gái gởi yêu thương vào bông hoa màu tím. Nó đi cùng tôi suốt mấy năm liền.
Giờ đây, đó vẫn là ký ức đẹp. Đôi lúc nồng ấm như một khúc tình ca buồn. Đời tôi như gió, gắn bó vào ai là người ấy khổ. Khổ nhất là lúc nhìn thấy tôi ngắm mưa, họ sẽ nghĩ tôi đang nhớ về những mối tình năm cũ, tôi hoài thai cho một tình yêu mới hay rập rình với trò chơi ái tình hiện tại. Sẽ không ai hiểu được rằng cơn mưa có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống con người. Và với tôi nói riêng, ngồi ngắm mưa rơi khiến lòng tôi thanh thản, an nhiên và tự tại. Có hai thứ, mưa và nhạc. Nhất là nhạc Trịnh Công Sơn đã dẫn tôi đi một con đường mới khác, dường như con đường ấy ai chợt thấy sang nhưng tôi thấy khổ. Khi tôi biết sắp xếp những con chữ thành hàng, làm những bài thơ ngông và viết lên lòng trắc ẩn của mình trên những trang giấy bởi những câu văn. Câu viết đầu tiên của tôi vẫn là viết về mưa. Tôi viết rằng mưa là nước mắt của một người con gái nào đó ở trên trời cao nhớ thương người con trai ở trần thế. Năm đó tôi mười bốn tuổi, tôi đã tự tưởng tượng ra cơn mưa là nước mắt cô gái còn tôi là chàng trai trần gian bước dưới mưa. Sau này khi hai mươi hai tuổi, tôi lại nghĩ rằng cơn mưa đó là nước mắt của cha tôi. Khi ông đã về trời. Có những ngày mưa tôi bước đi không áo tơi, không mũ nón. Tôi cứ lang thang như thế và ướt đẫm dưới mưa. Càng dầm mưa tôi càng thấy khát. Sống trong tình thương của cha, tôi đã không phải buồn vì những cơn mưa. Sau này và cho đến bây giờ, khi cơn mưa ngang qua những miền quê, mưa đi ngang qua xóm làng nơi tôi ở hay những ngày mưa lũ lượt kéo về trên thành phố nơi tôi làm việc. Có bận bịu mấy tôi cũng ra đứng ngắm mưa độ ba mươi phút. Chừng đó chỉ đủ để tôi cắt cơn thèm mưa chứ không đã khát. Nhưng tôi cũng rất ghét mưa, khi nó ào ạt đổ xuống và làm lũ lụt khiến người làng tôi khóc. Những cơn mưa như thế khiến tôi nao lòng, lo lắng. Tôi đã tự trách mình, dường như tôi đã cầu mưa. Và linh cảm đến những điều không hay bởi một sở thích ngắm mưa rơi.
Có một cơn mưa, tôi gọi nó là mưa rơi trên đầu ngón tay. Mùa hè ấy, tôi không nhớ lắm! Có thể đó là năm 2012, khi cơn nắng cuối cùng đốt cong lá cỏ thì cơn mưa chiều đổ xuống. Từ mái nhà đơn sơ ở Thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa. Tôi nhìn thấy bàn tay năm ngón nuột nà, đó là tay của một người con gái. Bàn tay đưa ra đón những giọt mưa, trong nắng vàng lóng lánh. Tôi nhìn rất rõ, những hạt mưa rớt trên đầu ngón tay và giọt nước li ti nở bung ra giữa cơn nắng. Tôi nhớ ông bà ta kiêng kỵ bởi những cơn mưa có nắng. Nó biểu tượng cho một một sự chồng chéo nhau, mất trật tự và có phần quái đản. Tôi thấy đấy là sự thú vị của tự nhiên đã trôi xuống bàn tay cô gái. Những chiếc vòng xuyến trên tay nhuộm màu nắng và mưa, hình ảnh ấy trở nên đẹp đẽ. Sau này có dịp quay trở lại bản đó, cũng trong ngôi nhà ven suối này, cũng cơn mưa như vậy. Tôi bắt gặp bàn tay đón mưa rơi. Tôi không ngần ngại tiến vào ngôi nhà, người thiếu phụ bồng con đón những giọt mưa.
Đứa bé mắt sáng long lanh nhìn mẹ nghịch mưa và cười rúc rích. Cô gái đó đã có chồng, cơn mưa đã có bàn tay, hạt nắng đã có chiếc vòng xuyến đón lấy. Tôi trở về với sự trống vắng, mưa ướt đẫm mà lòng người khô khan bất tận. Tôi đưa tay lên mặt vuốt nước mưa. Nhưng giọt nước mưa không ngừng chảy từ mái đầu của tôi rồi xuống mặt. Về sau tôi phát hiện tóc mình đã đổi thành hoa râm. Không hiểu vì đi giữa những cơn mưa hay hụt hẫng bởi bàn tay của người con gái đó.
Mưa về trên phố. Những cơn mưa gợi nhớ những cơn mưa. Đoạn đường tôi đứng nằm trên trục đường Trần Hưng Đạo, nó có độ dốc cơ bản nên nước mưa cứ thi nhau đổ về, chảy ùn ùn giữa con đường nhựa. Từ gác hai tôi đứng ngắm những chiếc lá vàng theo nước cuốn đi, những bông hoa sữa lấm tấm trắng kết thành tấm thảm trên nước và lang thang cùng với mưa.
Những bông hoa ấy vẫn còn hương thơm nồng nàn nhưng đã rời cành và trôi về một nơi nào đấy. Dòng nước này có đi đến biển không nhưng cơn mưa này đã đi đến miền ký ức. Tôi nhớ quá bông hoa màu tím cánh mỏng tang nhưng không bầm dập trong nước lũ. Tôi nhớ câu nói của em khi nhìn bông hoa màu tím và gửi lời gắn kết tình yêu đối với một kẻ lang bạt kỳ hồ. Mùa này ở rừng cũng bạt ngàn mưa giăng. Trên những ngọn đồi sau mưa khói lên trên những triền đồi như tóc bạc nhớ thương người xa xa mãi. Tôi cũng chợt nghĩ, những năm trở lại đây mưa rừng lớn và nước trôi về đồng bằng ngập lụt trong những ngày dài. Trong những cơn lũ có cả những bông hoa màu tím rời cành trôi về trên sông nguyên chùm, những cánh hoa mỏng manh giữ nguyên sắc tím. Lòng thấy ngậm ngùi hờn trách mình bâng quơ như khói. Có khi nào những cơn mưa rừng trở về đấy là nước mắt của em?
Khói trắng bay những chiều trên miền sơn cước. Mưa lại trở về với núi rừng Trường Sơn trong tháng cuối năm. Mỗi năm tôi đến với Hướng Hóa và Đakrông vài lần. Đi lên rừng để ngắm mưa rơi, đấy không phải là cái thú. Tôi cho đó là tình người. Tôi yêu nơi đây, từng muốn gắn bó với mảnh đất này nhưng lần đó, rừng đã không đón nhận tôi. Giờ đây là khách nhưng tôi vẫn yêu nơi đây như chính tôi là người con của núi rừng. Giữa bạt ngàn mưa của núi rừng, giăng giăng mây trời khói núi, tôi lặng lẽ nén giữ ký ức của mình vào cơn mưa, tôi thả nỗi trầm tư xuống đất và ném cái trống vắng lên cùng với mây trời. Mây mang nỗi trống vắng của tôi đi vào trong những tầng sâu thẳm. Ở đó nó sẽ kết thành mưa, hạt mưa đó sẽ rơi lên đầu ngón tay ấy? Tôi không chắc trong kiếp phù sinh này hạt mưa tôi rơi về đâu. Và câu hát của em vẫn trôi lang thang cùng mưa trên những miền rừng hun hút. “Mưa ơi! Mưa rơi đến khi nào?/ Hoa tím ơi! Hoa tím đến khi nào?/ Dòng nước ơi! Dòng nước đổ về đâu?...”
 Hoàng Hải Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...