Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Mùa xuân - Tết nguyên tiêu và Thơ

Mùa xuân - Tết nguyên tiêu và Thơ
Mùa xuân - Tết nguyên tiêu – và Thơ, nghe thật nhịp nhàng và bồng bềnh như nhịp ba của điệu van-xơ đã từng lay chuyển mọi dòng sông trên thế gian, đặc biệt là sông Đa-nuýp. Nghe nó tuôn chảy, dào dạt, dập dềnh như dòng thác mỹ học đầu tiên cải cách nhịp đi một hai - một hai (nhịp 2/4) của cơ thể thành một dòng chảy của dòng sông thời gian: biến cái dáng đi tự nhiên nhất trở thành nhân tạo – cũng có nghĩa là trở thành nghệ thuật? ...
Không! Nhịp mùa xuân - tết nguyên tiêu – và thơ giống ba tầng của một vệ tinh hơn. Mùa xuân là tầng đáy – nơi chất đầy nguyên liệu tràn trề sức sống của càn khôn. Và Tết Nguyên tiêu giống như vô vàn các thành phố và thôn quê ở phương Đông đang nhấp nháy muôn vàn chiếc đèn lồng để đội vành nguyệt quế ánh sáng lên sức sống mùa xuân đó.
Vệ tinh bùng ra một tiếng nổ mãnh liệt ở tầng một, bắn lên một vệt sáng thăng thiên lên tầng hai; tầng hai lấp lánh chói lòa tuôn ra những pháo hoa rụng xuống từ một tốc độ siêu phàm; và chót đỉnh mũi vệ tinh còn lại là thơ đang chất chứa sức nổ trong mình để bay đến các vì sao... Đó là hình ảnh toàn thể cho lễ hội thơ Tết nguyên tiêu của chúng ta mới diễn ra ngày rằm tháng giêng vừa qua.
Mùa xuân, theo Kinh Dịch của người Trung Quốc là mầm sống vừa nhú: khí dương vừa nhoi lên qua đại dương âm u của mùa đông, nhưng vẫn còn yếu, người ta gọi là “thiếu dương”, tức chưa đầy đủ. Nhưng đến rằm tháng giêng, rằm là mặt trăng đã mãn – nó đầy đủ và tràn trề, cũng có nghĩa là thành tựu hơn, dẫu vậy: trăng rằm tháng giêng vẫn còn lờ mờ trong mây khói bởi vì sự ẩm ướt của tháng giêng vẫn còn quá dầy, nên trăng chưa thể lộ ra cách toàn diện.
Người Trung Hoa thường xếp thơ với trăng, vì trăng thuộc Âm, người ta cũng gọi nghệ thuật là Âm, như “Âm nhạc”, thơ cũng thuộc thể âm, bởi vì đối với nghệ thuật, chính trị được xếp vào giường cột: tức thể Dương.
Vì lẽ đó chọn ngày tết nguyên tiêu để mở lễ hội thơ thì thật tuyệt vời! Trước hết thơ được coi như buổi bình minh hồn nhiên của loài người. Thứ hai, khí dương mới sinh đến trăng rằm đã đạt thành tựu sớm sủa đầu tiên, và ngày thơ mọc cánh ngay từ thành tựu non tơ đó, thật chẳng khác gì: mượn gió mùa xuân để thả cánh diều hy vọng cho thơ. Theo quan niệm của người phương Đông, mọi sự thành công của con người phải được thông thiên cùng sự kỳ vĩ của tạo hóa, người ta gọi đó là “Thiên – Nhân tương ứng”, hoặc còn mô hình chi tiết ra là:Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngày thơ Việt đã lên men từ chính nguyên lý đó. Nói cách cầu kỳ theo binh pháp thì các nhà thơ xứ ta thật uyên bác để chọn thế “ỷ dốc” mùa xuân cho thơ.
Dốc núi - tuyết tan – và sức sống, đó là hình ảnh kinh điển vĩnh cửu của người Phương Tây. Mùa xuân, tuyết rùng mình lở tơi bời trên các sườn núi, hóa những dòng sông như đổ từ trời xuống, nước cuốn đến đâu, cây cỏ hồi sinh – hoa lá tuôn trào đến đó. Và thơ của chúng ta thì sao, nó có đổ xưống như thác lũ?
Nhìn lại thơ Việt đã trải qua ba thời kỳ căn bản:
1- Thời kỳ ca dao tục ngữ: hơn 90% dân số mù chữ, nhưng ca dao tục ngữ là thơ của những người tinh hoa, được sàng lọc qua nhiều kinh nghiệm và thế hệ, để truyền dạy cho đời. Vì thế thơ luôn kèm theo nội dung của trí tuệ, của chân lý bên trong, chẳng hạn:
Dò sông dò biển dò nguồn

Biết sao được bụng lái buôn mà dò
Hoặc:
Ngựa hay chẳng quản đường dài

nước kiệu mới biết tài trai anh hùng
2- Thời kỳ thơ mới: dân ta thích đọc thơ để tập đánh vần cho nhanh, cho tiện, cho dễ “học như chơi”, nên đâu dâu cũng thấy tập đọc thơ, cũng là tập đánh vần, ba gác, xe thồ, xích lô mua báo để đọc , đánh vần thơ . Ối kẻ học vẹt thuộc cả bài thơ dài mà không biết mặt chữ.
3- Thời nay, dân ta có hơn 90% biết chữ, và đến lễ hội thơ có rất nhiều độc giả là sinh viên đại học, các tác giả thơ thì vừa đại học vừa cao học, còn có khá nhiều người từng du học ở nước ngoài.
Năm ngoái trong lễ hộ thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xuất hiện trước ống kính của truyền hình và nói đại ý: Tưởng rằng thơ đã hiu hắt, nhưng đáng mừng thay có rất đông, rất đông đến để nghe thơ và đọc thơ, chứng tỏ nhu cầu về thơ vẫn còn rất lớn, rất đáng mừng, cái chính là giờ đây chúng ta phải tìm cách làm thơ hay lên.
Câu nói của ông thật chí tình chí lý, đúng như mọi nguyên lý ở đời, quả là đầu tiết xuân ông nói: “mới như mùa xuân, cũ như trái đất”, không khác gì các nhà nông nghiệp nói với nhau, chúng ta cần tăng năng xuất, và các nhà kinh doanh nói, chúng ta cần có lãi, và lãi nhiều hơn nữa.
Còn nhà thơ trẻ phái đẹp Phan Huyền Thư thì tâm sự thật run rẩy và trắc ẩn: nhà thơ đồng nghĩa với cái gì tội nghiệp, đáng thương; nhưng qua lễ hội thơ, nhìn khán giả và không khí thơ, mặc cảm đó dường như tan biến...
Sau ngày thơ, nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng hàng đầu của chúng ta là Nguyễn Huy thiệp có viết bài “Nhân ngày thơ bàn về thơ” đăng trên tờ Văn hóa Thể thao (10/2/2006). Phải nói, có lẽ chưa bao giờ thấy Nguyễn Huy thiệp có được cái nhìn sắc xảo, bình thản và đúng đến vậy, ông đưa ra hai ý:
1- Con người đi từ trẻ đến già, thì thơ cũng đi từ thơ tình lúc tuổi trẻ cần khám phá giới tính đến ý chí là lúc tuổi già đã tích lũy nhân đức và trí tuệ.
2- Thơ cần đi từ hồn nhiên đến tâm lý, rồi đến triết học.
Mùa xuân, các tác giả đến sân khấu thơ quả là hiện đại, và họ mang cả phong cách của “hậu hiện đại” tức biểu hiện thơ, thậm chí biểu diễn thơ, tóm lại họ biểu cảm thơ bằng rất nhiều động tác hiện đại từ ngôn ngữ trữ tình, gào thét, trán nhăn, mắt quắc, tay vung... Nhưng so với các tiền bối như ca dao hay Nguyễn Du họ dường như chẳng để lại dấu ấn gì ngoài chính sự biểu cảm. Bởi lẽ thơ họ dù rất giầu cảm xúc nhưng vẫn chỉ là cảm xúc thôi, còn trí tuệ hay những nguyên lý đúc kết muôn đời như “muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thước” thì hiện ra ở vần thơ nào?
Một nhà tư tưởng Ấn Độ có nói: “Hạnh phúc cho chúng ta được sinh ra làm trẻ con, nhưng bất hạnh thay cho chúng ta mãi mãi phải làm trẻ con,” qua câu này càng thấy câu của nhà thơ Hữu thỉnh thật là “chí lý”, ông nói, hãy làm thơ hay hơn nữa để hài nhi thơ đó lớn lên. Mong rằng thơ Việt Nam sẽ chóng lớn đến độ có ngày nó làm rách toạc chiếc áo người mẹ ca dao may từ thủa ngàn năm đến nay vẫn còn chưa trật. Muốn vậy, mỗi nhà thơ chúng ta phải biết bác học hóa ngay những vần thơ tiếng mẹ đẻ của mình. Rất mong ngày đó!
Nguyễn Hoàng Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...