Thời Tây Sơn dù rất ngắn ngủi nhưng đã để lại
trên trang sử dân tộc những thắng lợi to lớn của công cuộc chống ngoại xâm cũng
như một số công nghiệp, cải cách xây dựng đất nước. Ngày nay, chúng ta khó có
thể mường tượng được sự hưng thịnh của triều đại, đời sống vật chất và tinh
thần phong phú của người dân thời đó như thế nào. Một nhà thơ thời Tây Sơn qua
mắt quan sát riêng của mình đã miêu tả cảnh thái bình thịnh trị qua ba bài thơ
xuân ý vị, sâu sắc. Đó chính là bậc tài danh Cao Huy Diệu.
Trong
gia phả của dòng họ Cao chép rằng: “Kinh Bắc giải nguyên, Hoài Đức phủ phó
đốc học, Dương Sơn bá, Gia Phú,Hồng Quế hiên Cao Huy Diệu Cửu Chiếu phủ”.
Nghĩa là tác giả tên chữ là Cửu Chiếu, tên hiệu là Hồng Quế Hiên, người làng
Phú Thị, huyện Gia Lâm, là chú (bác) của Cao Bá Quát. Dòng họ Cao sinh ra những
người say mê thi phú. Cao Huy Diệu là một nhà thơ có tài, biết làm thơ từ năm
lên mười tuổi.
Ông là người sống giao thời giữa hai triều
đại, được cả Tây Sơn và nhà Nguyễn trọng dụng. Ông có được vua Quang Trung mời vào
Phú Xuân nhưng không biết có nhận chức gì hay không. Sang thời Nguyễn, năm 1806
ông đã thi đỗ thủ khoa trường Kinh Bắc, rồi bổ làm quan Tri phủ Quốc Oai, Thị
lang bộ Lại, đến Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, mất vào khoảng cuối đời Gia
Long.
Sống trong thời trị vì của cha con Tây Sơn
Quang Trung - Quang Toản, đời sống khá yên bình, thịnh trị. Trong tập Hồng Quế
Hiên thi tập, ông để lại 3 bài thơ xuân nói về thời hưng thịnh đó.
Tác giả tự đề dẫn về hoàn cảnh sáng tác:
“Tháng mạnh đông được ân vời đến rất khẩn, từ chối không được. Cuối mùa đông
năm ấy, tôi theo quan Ngô thị trung vào Xuân kinh”. Thế là cuối năm Tân Hợi,
Cao Huy Diệu theo Ngô Thì Nhậm vào kinh và mồng Một Tết năm Nhâm Tí (1792) cảm
tác làm bài thơ này”.
“Đông
lạp Thăng long thượng mã bôi,
Minh xuân nguyên nhật sấn xuân lai.
Tinh kỳ do đới chinh tru vũ,
Hoa thảo hoàn phong phú liễm tài.
Tiêu quải kim ngân nghi hữu thuế,
Oanh xuyên cung khuyết nhạ vô bài.
Dương xuân thử nhật tình đa thiểu
Chỉ phiến quân vương nhất bảo đài”
Dịch
“Thăng
Long, tháng Chạp lên đưòng,
Sang Giêng, mồng Một đã mừng Phú Xuân.
Cờ bay in dấu oai thần,
Cỏ cây tươi tốt đượm phần giàu sang.
Nêu cao, thuế chát bạc vàng,
Trong cung oanh liệng phải chăng không bài
Ánh xuân tình có vắn dài,
Rủ che kín cửa lâu đài nhà Vua”.
(Chu Thiên)
Bài thơ ngắn gọn, trần tình cảnh người, cảnh
vật trong sắc xuân đầu năm:
“Cờ
bay in dấu oai thần,
Cỏ cây tươi tốt đượm phần giàu sang”.
Đủ để thấy đời sống nước ta dưới thời Tây Sơn
thịnh vượng như thế nào. Kết thúc bài thơ, tác giả gợi nên một hình ảnh về đất
kinh đô Phú Xuân:
“Ánh xuân tình có vắn dài,
Rủ che kín cửa lâu đài nhà Vua”
Bài thứ hai: Bát
tràng vãn bạc (Buổi trưa đậu thuyền ở Bát Tràng).
“Năm Giáp Dần (tức 1794), tôi đi chơi, bèn đáp
thuyền buôn cùng đi. Đúng trưa đậu thuyền ở bến Bát Tràng, thấy chợ phố đông
đúc, hàng bày đầy ắp, mái chèo đi lại tới tấp, ngoài bờ sông một bãi dài, cảnh
xuân như vẽ, bèn hay khẩu chiếm hai bài.”
“Khinh chu ngọ bạc đại hà bàng,
Bàng thị ngô giao bạch thổ phường.
Thiển thiển ngạn biên tân dâng thổ,
Thâm thâm châu diện thủy sinh tang.
Vãng lai yếu kính phồn hoa địa,
Công cổ sinh nhai phú quý hương.
Dục vấn chu đầu ngâm diểu giả,
Dã phi công cán dã phi thương.”
Dịch
“Sông
lớn dừng thuyền giữa bến ngang,
Bển đây lò bát, chốn quê hương
Sờ sờ đất mới làn roi nổi
Thăm thẳm nương dâu bãi bạt ngàn.
Đi lại lối quen nơi phát đạt,
Bán buôn tấp nập khách giàu sang.
Đầu thuyền muốn hỏi ai ngâm, ngắm
Chẳng phải nhà buôn, chẳng phai quan.”
Với tâm hồn dễ rung cảm trước cảnh tình, nhà
thơ đã thấy được vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình của vùng làng gốm bên sông:
“Sờ sờ đất mới làn roi nổi
Thăm thẳm nương dâu bãi bạt ngàn”.
Cảnh
không chỉ đẹp mà còn đông vui như hội: “Bán buôn tấp nập khách giàu sang”, cho
thấy sự phồn hoa của một góc Thăng Long thời bấy giờ.
Bài thứ ba:
Hà châu xuân vọng (Mùa xuân trông bãi sông).
“Chiến
tàn nghiêm tuyết phóng nguyên
Xuân sắc du du hà ngạn bàng.
Lục khởi vi ba thôn địa bạch,
Thanh phù trùng cẩm nhiễm thiên thương.
Hỷ quy tế vũ hoa hương nộn,
Vọng nhập la yên thụ ảnh trường.
Ẩn ẩn cô phàm quải tịch chiếu,
Kình bôi viễn diểu phú thương lang”
Dịch
“Nắng xuân tan giá rực chung quanh,
Rực rỡ bên sông một bức tranh.
Sóng biếc lăn tăn vờn đất trắng,
Gấm phô lớp lớp thẫm trời xanh.
Mưa xuân mừng gốc hoa thơm nõn,
Khói lụa quàng cây bóng hiện rành.
Thấp thoáng buồm con chênh chếch ánh,
Ngắm xa, nâng chén, vịnh mông mênh”.
(Chu Thiên)
Đây có lẽ là bài thơ xuân hay nhất của Cao Huy
Diệu. Nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh xuân miền Bắc bên trời sông nước:
“Nắng xuân tan giá rực chung quanh,
Rực rỡ bên sông một bức tranh”.
Những câu thơ đầy nhịp điệu, đối chỉn chu:
“Sóng biếc lăn tăn vờn đất trắng,
Gấm phô lớp lớp thẫm trời xanh”
Để
trong cảnh hữu tình ấy, thi nhân mới tĩnh tại mà “Ngắm xa, nâng chén, vịnh
mông mênh.” Cái thú ấy, chỉ có thời bình mới dám nghĩ bàn như thế.
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang khi bàn về thơ Cao Huy Diệu có viết: “Thơ
ông phần nhiều viết về thiên nhiên và một vài cảnh sinh hoạt ở nông thôn. Cảnh
của ông giản dị, mộc mạc. Lời thơ trong sáng, có nhiều hình ảnh”[1].
Cao Huy Diệu để lại thơ không nhiều ngoài tập
Hồng Quế Hiên thi tập và ba bài thơ xuân hiếm hoi trên đây là những trang tư
liệu quý về thời Tây Sơn, viết ra bằng chính tâm hồn và tài năng của một thi
nhân giàu tâm hồn. Vậy nên, thời Tây Sơn không chỉ có chiến loạn, gươm đao mà
cảnh thái bình, nên thơ dù ngắn ngủi ấy đủ cho hậu thế chúng ta cảm nhận được
một thời đoạn của đất nước trong mùa xuân bừng khởi:
“Mưa xuân
mừng gốc hoa thơm nõn,
Khói lụa quàng cây bóng hiện rành”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét