Những khoảnh khắc mùa xuân bất tận...
Những khoảnh khắc mùa xuân với đủ cung bậc của lá
hoa, của đất trời và lòng người, của mỗi cá nhân hòa chung với dân tộc lớn, của
nỗi nhớ nhung cô độc hướng về ấm áp sum họp...Tất cả tạo nên một bản hòa ca thật
trọn vẹn với nhiều âm thanh, nhiều sắc màu, tạo nên một dòng chảy bất tận về
phía trước...
Khoảnh khắc rạng rỡ lộc non chồi biếc
Trong dòng chảy cuộc sống cuồn cuộn, với bụi bặm,
tiếng ồn, ta chợt bắt gặp trên đường một xe hoa Ngọc Hà với
sắc vàng, đỏ, tía của hoa thược dược chỉ rộ khi Tết về, màu tím của ôm hoa
violet, những cành đào Nhật Tân nụ khum khum, cánh hồng biếc, chỉ như thế
thôi... Là đủ biết Tết đang về..
Khoảnh khắc của lá hoa đâm chồi nảy lộc báo hiệu mùa xuân tới bên
hiên nhà. Mùa xuân làng lúa làng hoa của tác giả Ngọc Khuê
cũng vẽ ra đường đi của mùa xuân, một hành trình rất đặc biệt: mùa xuân đến từ
đồng lúa vườn hoa làng ven đô.
Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng
Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt
Hương hoa bay dào dạt
Và khi Hồ Tây đã ngập
sắc xuân, ta bỗng thấy quý trọng biết bao những thứ tưởng như thật giản dị. Đó
là lúa gạo hàng ngày, đó là hoa cho ngày Tết, đó là những bàn tay lao động làm
nên mùa xuân:
Tình ca đơm hoa từ lòng đất
Đôi lứa tình yêu mùa xuân
Làng lúa làng hoa mùa xuân
Xin đừng quên những mảnh
đất bình dị, bởi đó là nơi mùa xuân bắt đầu. Xin đừng vì những tất bật lo toan
cuối năm mà quên mất một cành đào nho nhỏ, bởi đó là nơi Tết về trong thoáng
bình yên.
Khoảnh khắc tha hương cô độc
"Giao thừa năm ấy, chàng nghệ sĩ nghèo Nguyễn Văn Thương cùng bạn
lang thang trên phố Hà Nội xem cảnh nhộn nhịp đón Tết. Hai người chợt gặp người
ca nữ buồn soi gương chải tóc. Hóa ra trong cái đêm nhà nhà đoàn tụ, đâu chỉ
mình ai lạnh lẽo cô đơn. Đồng cảnh đồng tình, “cùng một lứa bên trời lận đận”,
tự cổ tài nhân ca nữ vẫn dễ đồng cảm cho nhau". Bài hát Đêm đông ra đời trong cảnh như thế.
Không gian, lạ thay không gian, giữa thành phố phồn hoa vẫn hoang vu tê tái
quá:
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
Trong cái đêm giao thừa thiêng liêng và nhộn
nhịp ấy, người nghệ sĩ lại nhắc tới những cảnh đời vẫn cô độc xưa nay. Kẻ chinh
phu giữa sa trường, người chinh phụ cô đơn bóng chiếc, “bên song ngẩn ngơ kìa
ai mong chồng”, một thi nhân lặng nghe nỗi tương tư trong lòng, và ca nữ vẫn
“đối gương ôm sầu nghiêng bóng”. Ôi những kẻ đêm đông “mơ giấc mơ gia đình, yêu
đương” kia liệu có mấy ai thấu cho tình cảnh ấy? “Kẻ chốn Chương Đài người lữ
thứ” sầu gì hơn lúc giao thừa vẫn "đêm đông không nhà"?
Bài ca bạc màu quan san như một nốt trầm,
không, là một dấu lặng trong cả dàn đồng ca vĩ đại ngày đầu xuân. Bởi đây đó, trên những nẻo đường xa, có
những nỗi lòng đang đau đáu thiết tha "cố hương", có lòng khát khao
mong mỏi một mái ấm, khát khao không khí ấm cúng sum vầy khi năm sang, Tết
đến...
Dấu lặng ấy nên có, để mỗi chúng ta bỗng lắng lòng nhìn sâu vào mình trong giờ
khắc giao thừa thiêng liêng lặng lẽ.
Khoảnh khắc ấm áp niềm vui sum vầy đoàn tụ
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Mùa xuân về theo cánh én, một mùa vui đã về.
Mùa xuân có vẻ bình dị quá: khói bay và tiếng gà trưa bên làng ven sông nào đó,
một trưa nắng yên bình. Nhưng, nếu biết rằng trước mùa xuân ấy là mấy mươi năm
khói lửa chiến tranh, thì ta sẽ thấy khung cảnh bình dị đó đáng quý biết bao.
Biết bao máu và nước mắt đã đổ, để đổi lại một “mùa bình thường” như thế.
Mùa xuân hòa bình đầu tiên sau bao năm ấy, cố
nhạc sĩ Văn Cao nhận ra một điều rất quý giá, và rất vĩ đại của mùa xuân, đó là “Từ
nay người biết thương người, từ nay người biết yêu người”, máu lửa đã
nhường chỗ cho tình yêu thương đầy nhân bản. “Mùa xuân mơ ước ấy xưa có
về đâu”, những giá trị nhân bản ấy lẩn khuất đâu đó trong chiến tranh nay
lại bung nở như hoa rực rỡ.
Điệu Valse nhẹ nhàng, lời ca rất bình dị
nhưng rất chân thực, có lẽ vì thế mà bài hát không cần đao to búa lớn vẫn đủ
sức truyền tải những giá trị nhân văn cao cả. Không ai nghi ngờ một điều này:
mùa xuân vĩ đại ấy đã đi vào lịch sử, và Mùa xuân đầu tiên cũng
đi vào lòng người nhiều thế hệ như
nhắc nhớ niềm hạnh phúc sum vầy mỗi mùa xuân sang. Điều ấy giờ trở nên bình dị
như một lẽ "tất nhiên", nhưng vẫn cứ rưng rưng là lạ...
Khoảnh khắc trào dâng lòng thiết tha quê hương, đất nước
Mùa xuân là niềm vui chung, và cũng là niềm
vui nho nhỏ riêng của mỗi người. Đó là lúc cả gia đình quây quần ấm cúng, và cũng là lúc để mỗi
người dành ra một khoảng lặng, suy nghĩ về quê hương đất nước mình.
Đối với nhà thơ Thanh Hải, một người con đất Huế, thì mùa xuân ấy bắt đầu từ
thiên nhiên tím Huế mộng mơ, và nhạc sĩ Trần Hoàn đã truyền tải nguyên vẹn
trong bài hát:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc,
Ơi con chim chiền chiện,
Hót chi mà vang trời?
Có biết về hoàn cảnh sáng tác bài hát, mới càng thêm thấm thía...
Khi ấy, nhà thơ Thanh Hải đang phải chống chọi lại với bệnh tật, vậy mà Một
mùa xuân nho nhỏ vẫn toát lên không khí vui tươi, lạc quan đến
say mê... Nhìn suốt bốn ngàn năm lịch sử "vất vả và gian lao",
càng thêm vững vàng tin tưởng "Đất nước như vì sao, vững vàng về
phía trước".
Nghe Một mùa xuân nho nhỏ, bỗng thấy yêu mến và tự hào
quá rằng mỗi người chính là một phần của mùa xuân quê hương đất nước, một nốt
trầm nhỏ bé nhưng ý nghĩa góp vào cả mùa xuân chung, vào bản hòa ca hào hùng mà
thiết tha, là tiếng "chim hót", là một "nhành
hoa" cũng căng tràn sức sống và niềm tin như thế... Một bài hát
đem lại niềm hy vọng cho mỗi người, và khiến tình yêu đất nước cứ dâng trào mãnh
liệt!
Khoảnh khắc tưng bừng niềm vui chào mùa xuân mới
Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời
Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với
muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại tới
Nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi
Tiếng reo ca dường như không dứt, mùa xuân không chỉ đơn thuần là
một khoảng thời gian nữa, mùa xuân đã trở thành mùa gửi gắm niềm vui, niềm tin,
niềm hi vọng của con người.
Nghe em mùa xuân nói gì đó
Xúc động lòng ta trước cuộc đời
Qua bao nhiêu đau thương thêm mùa vui theo chim én đã bay về ríu rít ngang trời
Chim hát chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy
Mùa xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương
Xúc động lòng ta trước cuộc đời
Qua bao nhiêu đau thương thêm mùa vui theo chim én đã bay về ríu rít ngang trời
Chim hát chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy
Mùa xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương
Mùa xuân thiên nhiên
theo cánh én bay về, và mùa xuân của những người lao động xây dựng đất nước
cũng về, tràn ngập trong tiếng máy công trường rộn rã, trên đồng lúa đã ngát
hương.
Mùa xuân là mùa đất đón người, những mảnh đất ngày xưa bom đạn cày
xới nay đang chờ những bàn tay mới làm nên sức sống mới. “Đất mới đón
người” để “xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc”, đó chính là
mùa xuân, một mùa xuân thực sự và đầy ý nghĩa.
Mùa xuân "đến hẹn
lại lên", qua một năm vất vả, tất cả lại cùng nô nức cho một dịp Tết dân
tộc, hào hứng với năm mới sắp sang với biết bao hi vọng và ước mơ, những khoảnh
khắc mùa xuân với đủ cung bậc hài hòa của lá hoa, của đất trời và lòng người,
của mỗi cá nhân hòa chung với dân tộc lớn, của nỗi nhớ nhung cô độc hướng về ấm
áp sum họp... Tất cả tạo nên một bản hòa ca thật trọn vẹn với nhiều âm thanh,
nhiều sắc màu, tạo nên một dòng chảy bất tận về phía trước...
Bỗng như thấy mình lắng
lại, cảm nhận kỹ hơn, sâu lắng hơn về không khí chung quanh, và để có thêm
nhiều sức sống cho một năm mới sang...
Em ơi, mùa xuân đến rồi đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét