Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Xuân mới - Chạm ngõ những ước mơ

Xuân mới - Chạm ngõ những ước mơ
Giao thừa - Thời khắc đặc biệt chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lúc nào cũng khiến cho lòng người vừa rộn ràng, lại vừa háo hức. Muôn vàn ước mơ, muôn vài nụ cười được gửi gắm trong những câu chúc Xuân… Để rồi, mỗi người sẽ ấp ủ niềm hân hoan ấy cho một năm mới nhiều may mắn, bình an và những ước vọng mới…  Trong chuyến hành trình đầu xuân của chúng tôi đã phần nào cảm nhận được điều này.
Tết từ nơi đảo xa
Tết này có lẽ là một cái Tết rất đặc biệt đối với gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh đang sinh sống tại đảo Trần (huyện Cô Tô) vì theo như chị chia sẻ, đã 9 năm rồi, bây giờ chị mới có hàng xóm để cùng ăn Tết. Niềm vui thật giản dị nhưng lại là niềm mong ước của gia đình chị biết bao năm rồi.
Làng mới ở đảo Trần đem lại ước mơ sung túc và đầm ấm cho nhiều gia đình. (Ảnh: Quang Minh)
Chị Cảnh kể: Nhớ lại những năm ấy, khi Tết đến, xuân về, láng giềng của anh chị chỉ có cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đóng quân tại đảo. Cuộc sống thiếu thốn, khó khăn cùng nỗi nhớ quê nhà nơi đất liền cách trở đã khiến niềm vui đón năm mới của gia đình anh chị không khi nào trọn vẹn. Xuân này thì khác rồi, bữa cơm ngày cuối năm của anh chị đầy ắp tiếng cười và những lời chúc tụng của những người dân đang định cư tại đảo Trần. Anh chị và những người hàng xóm mới đã cùng nhau nói về những dự định để phát triển kinh tế trên quê hương đảo Trần.
Trên đảo Trần, những ngôi nhà dân đã sáng ánh điện. 17 ngôi nhà khang trang được xây dựng là nơi đón chào 17 tổ ấm - những người xây mơ ước để gây dựng một xã đảo Trần thật sự… Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Bí Thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô phấn khởi chia sẻ thêm với chúng tôi: Xuân này, rất nhiều hộ gia đình tình nguyện ở lại ăn tết ở đảo Trần. Mọi hoạt động đón Tết diễn ra như ở trong đất liền. Các hộ dân cũng có bánh chưng, cũng đón giao thừa và chia sẻ những niềm vui giản đơn trong cuộc sống. Tết mới đầu tiên của những người dân đảo Trần vô cùng ấm cúng.
Có lẽ, rất nhiều năm sau nữa, câu chuyện về cái Tết đầu tiên trên đảo Trần hôm nay vẫn sẽ được những cư dân đảo Trần này nhắc lại một cách rất đặc biệt.
Nếu như ngày Tết ở đảo Trần mang ý nghĩa sum vầy, kết nối những cư dân mới của đảo thì tại 5 xã đảo ở Vân Đồn lại mang một niềm vui khác. Đó là niềm vui được sử dụng điện lưới quốc gia. Giao thừa, xuân mới của những người dân xã đảo cũng vì thế mà lung linh, rực rỡ hơn bao giờ hết.
Chia sẻ với chúng tôi khi thời khắc chuyển giao năm mới đã đến rất gần, đồng chí Phạm Văn Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Quan Lạn không giấu nổi niềm vui sướng: Năm nay hơn 900 hộ dân của Quan Lạn sẽ thức trọn để đón giao thừa, hưởng không khí Tết trong rực rỡ ánh đèn. Tất cả là nhờ có điện lưới quốc gia. Những năm trước, dịp giao thừa, có cố gắng lắm cũng chỉ có thể chạy phát điện cho người dân đến khoảng 1h sáng thôi. Giá điện đắt nên cũng chẳng ai dám mua thêm, giao thừa, xuân mới vì thế cũng rất ngắn. Năm nay, thời khắc giao thừa đón xuân mới của chúng tôi vô cùng náo nhiệt, đường phố thì vô cùng rực rỡ. Mọi người đều đến các nhà văn hóa, hay tập trung ở các khu dân cư để ca hát, trò chuyện, chúc tụng…
Đồng chí Bí thư xã đảo còn nói vui: Nếu có máy bay, có lẽ phải mời nhà báo ra ngay để xem không khí Tết của bà con năm nay vui như thế nào.
Đêm giao thừa lung linh của thành phố biển Hạ Long
Vào thời khắc giao thừa, TP Hạ Long rộn ràng hơn bao giờ hết. Người dân náo nức cùng nhau xuống phố du xuân, ngắm pháo hoa, đi lễ chùa, với nhiều ước mơ và hoài bão cho một năm mới thành công. Thức trắng đêm để đón giao thừa, chúng tôi thật sự cảm thấy ý nghĩa của khoảnh khắc chuyển giao đất trời giữa năm cũ và năm mới hơn bao giờ hết.
Màn pháo hoa rực rõ trong đêm giao thừa ở Hạ Long.
30 Tết, thời tiết ở TP Hạ Long se se lạnh, thuận lợi để mọi người du xuân, cùng nhau đón năm mới. Tiết trời mùa xuân mới đã len lỏi trong từng nếp nhà, trên từng ngõ phố. Sự ấm áp lan toả từ những làn khói hương nghi ngút trên ban thờ mỗi nhà và cả những tro tàn vàng mã. Dưới ánh sáng của hệ thống đèn trang trí, TP Hạ Long dường như lung linh, huyền ảo hơn, đặc biệt là tại các tuyến phố chính như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thánh Tông, khu vực Quảng trường các khu vui chơi, giải trí. Thêm vào đó, ánh sáng huyền ảo từ hệ thống đèn chiếu sáng trên Cầu Bãi Cháy đã càng khiến cho không khí đêm giao thừa sôi động, mộng mơ.
Tôi khá ấn tượng với cái Tết mới của người dân sống tại khu tái định cư làng chài, khu 8, phường Hà Phong. Tết đầu tiên ở trên bờ, nên người dân ở đây háo hức hơn bao giờ hết. Anh Phạm Văn Thường, phường Hà Phong (từng ở làng chài Cửa Vạn) nói: “Tết này thật đặc biệt, Tôi sống lênh đênh trên biển đã nhiều năm rồi. Đón Tết dưới biển buồn lắm. Chẳng nhìn thấy những ánh điện lung linh huyền ảo, chẳng được lên phố xem chương trình ca nhạc, thấy Tết nhạt nhẽo vô cùng. Xuân Ất Mùi đã tới, tôi cầu chúc cho tất cả mọi người được hạnh phúc, bình an. Hy vọng rằng, cuộc sống trên đất liền sẽ mang tới sự ổn định, vui tươi cho chúng tôi”.
Khoảng 23h, thời khắc cận kề năm mới, tiết trời có chút se lạnh hơn nhưng dòng người đổ về khu vực nơi đây vẫn ngày một đông để chứng kiến màn pháo hoa rực rỡ đón chào năm mới. Ai cũng cố gắng tìm cho mình một vị trí đẹp để ngắm pháo hoa và đón giao thừa. Lực lượng công an, dân phòng được bố trí tại các ngã 3, ngã tư hướng về Quảng trường 30-10, làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Nhờ vậy mà tình hình trật tự giao thông được giữ vững. Bên cạnh đó, dọc các con đường dẫn đến điểm bắn pháo hoa đều có những điểm giữ xe của người dân nên nhiều người đã gửi xe, đi bộ, không xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Khi những phát pháo đầu tiên vụt sáng trên bầu trời, nở ra những chùm hoa lộng lẫy sắc màu, không gian như vỡ òa trong tiếng vỗ tay, reo hò tán thưởng của người xem. Nhiều người dùng máy điện thoại di động, máy ảnh để ghi lại khoảng khắc đáng nhớ này. Trên nét mặt mọi người ngời lên niềm hân hoan. Chị Hoàng Kim Ngân, tổ 1B, khu 8, phường Cao Xanh chia sẻ: "Năm nào tôi cũng có mặt ở đây để xem bắn pháo hoa. Được tận mắt ngắm nhìn những bông pháo hoa rực rỡ, muôn sắc màu lung linh trên bầu trời là một khoảnh khắc đáng nhớ trước thềm năm mới. Tôi cảm thấy rất vui, năm mới mang đến cho chúng tôi niềm hi vọng, xua tan những điều không may trong năm cũ và hướng về năm mới với nhiều ước vọng”.
Đặc biệt, với những người con xa quê nay về được đón giao thừa tại quê hương thì thời khắc giao thừa càng trở nên thiêng liêng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Liên, du học ở Úc đã trở về TP Hạ Long đón giao thừa cho hay: "Tôi đã xa nhà 4 năm. Nay được trở về đón giao thừa tại quê hương tôi thực sự xúc động. Năm nay thấy thành phố này đổi mới nhiều. Mọi người đón năm mới cũng phấn khởi và rộn ràng hơn. Chúc tất cả mọi người một năm mới hạnh phúc".
Mặc dù lượng người đổ về các khu vui chơi, giải trí trên địa bàn TP Hạ Long rất đông trong đêm giao thừa, nhất là khu vực bắn pháo hoa tại Quảng trường và các ngôi chùa trên địa bàn nhưng tình hình an ninh trật tự tại các khu vực này được bảo đảm tốt, tình trạng kẹt xe, gây rối, cháy nổ… không xảy ra.
Sau khi xem bắn pháo hoa tại Quảng trường 30-10, dòng người lại toả ra khắp ngã đường, đi chơi và lên chùa cầu an cầu may. Năm mới đã đến! Mùa xuân đang tràn về với muôn người, muôn nhà mang theo những hy vọng mới.
Tết ở nơi “rồng cất cánh”
Chúng tôi gọi TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn và Đông Triều là nơi “rồng cất cánh”, vì nơi đây đã và đang ấp ủ những giấc mơ triệu đô từ những dự án khổng lồ mà trước đó, ít người dân nào dám nghĩ tới. Có lẽ vì vậy chăng mà mùa xuân này, họ- những người dân ở vùng đất này đã có thêm những ước vọng mới?
Dù đang ở tạm trong nhà lắp ghép do nhà cũ thực hiện GPMB cho dự án sân bay Vân Đồn nhưng gia đình bác Phùng Ngọc Ý, trú tại thôn 12, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn vẫn rất vui, hạnh phúc, mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên được chuẩn bị chu đáo.
Tối 30 Tết, TX Quảng Yên lung linh sắc màu. Từ những con phố rộng thênh thang tới những ngả đường chật hẹp trên địa bàn TX Quảng Yên đều rợp đèn, cờ hoa rực rỡ khiến cho không khí đêm giao thừa càng trở lên sôi động, ấm áp.  Quảng Yên năm nay đón Tết vui hơn bao giờ hết bởi tuyến đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng chạy qua địa bàn đang được gấp rút thi công, cầu Bạch Đằng cây cầu mang tên dòng sông nơi diễn ra trận chiến lịch sử huyền thoại đã được khởi công. Niềm mong ước xóa thế "ngõ cụt" của người dân Quảng Yên nay đã được hiện thực hóa.
19 giờ 30 phút, dòng người tấp nập đổ dồn về Bảo tàng Bạch Đằng để thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ đề “85 năm mùa xuân dâng Đảng” do Trung tâm Văn hóa Thể thao thị xã tổ chức. Các ca khúc ca ngợi đảng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi sự đổi thay của quê hương Bạch Đằng giang lịch sử đã thu hút đông đảo người dân các nơi tụ họp về xem.
Thời khắc thiêng liêng chuyển giao sang năm mới sắp tới, nhân dân khắp các địa phương trên địa bàn thị xã đã hội tụ về 2 bên bờ cầu sông Chanh để chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút được thị xã tổ chức một cách hoành tráng. Năm nay là năm thứ 3- TX Quảng Yên tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa. Sau khi chương trình bắn pháo hoa kết thúc, nhân dân khắp địa phương trên địa bàn thị xã cũng đã hội tụ về Đền Trần Hưng Đạo,  Miếu Vua Bà để du xuân, cầu xin một năm mới an lành, hạnh phúc đến với mọi nhà, mọi người. Không khí vui mừng tràn ngập khắp các ngả đường, góc phố trên địa bàn toàn thị xã. Để đảm bảo an toàn cho mọi người, mọi nhà trong đêm giao thừa, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, thực hiện tốt công tác đảm bảo, an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn, đem lại bình yên cho người dân đón tết,
Cũng năm trong chuỗi các hoạt động mừng đảng mừng xuận, các xã, thị trấn trên địa bàn đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm tranh nghệ thuật, lễ hội cầu ngư, lễ hội tiên công, trồng cây... Những hoạt động ý nghĩa này sẽ góp phần tạo không khí vui tươi cho người dân trên địa bàn thị xã đón tết cổ truyền của dân tộc.
Trong niềm vui ngập tràn của năm mới, tại Vân Đồn hàng trăm người dân có mặt tại điểm bắn pháo hoa khu đô thị Cảng Cái Rồng đã không giấu được niềm vui, hò reo với những màn pháo hoa rực rỡ. Năm 2015 sẽ là năm đánh dấu những đổi thay, những đột phá của vùng đất giầu tiềm năng với những lợi thế nổi trội, cơ hội mới, “cất cánh”. Chị Lê Thị Lan, người dân thị trấn Cái Rồng cho biết: Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Vân Đồn, tôi rất tự hào, Vân Đồn đang đổi thay từng ngày với hàng loạt các dự án trọng điểm được đầu tư về huyện, điều đó đồng nghĩa với đời sống của bà con nhân dân chúng tôi trong những năm tới sẽ được nâng cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cơ hội đổi mới. Tôi cùng với một số người bạn cũng đã tính đến chuyện năm nay sẽ mở rộng kinh doanh và tin tưởng chắc chắn sẽ thành công.
Trước thềm năm mới chỉ ít giờ, chúng tôi có tranh thủ ghé thăm một số gia đình trong diện GPMB chuẩn bị đất cho một số dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Vân Đồn. Điều ghi nhận là, dù phải đón tết tại nhà tạm, nhà thuê để bàn giao đất cho các dự án, song những hộ dân này vẫn hết sức lạc quan, vui mừng, phấn khởi, chỉnh trang cho những ngôi nhà mới dọn đến để đón một mùa xuân mới với nhiều niềm vui.
Bác Phùng Ngọc Ý, trú tại thôn 12, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn đang sửa soạn lại ban thờ gia tiên chuẩn bị cho đêm giao thừa chia sẻ: Trước chủ trương thu hồi đất làm đường, gia đình chúng tôi đã đồng tình và thống nhất ủng hộ cao. Tôi đã bàn giao ngôi nhà 2 tầng và hơn 100m2 đất cho chủ đầu tư để tổ chức thi công. Tạm thời, chúng tôi đã dựng tạm nhà lắp ghép để ở. Nói chung, mọi hoạt động đời sống, sinh hoạt cho dù không được như cũ những cũng đã cơ bản đáp ứng được cho các thành viên trong gia đình. Do nhà tạm hẹp, nên Tết này tôi đã chọn cho gia đình cành đào nhỏ hơn bày Tết, thắp hương tổ tiên. Cũng mong chính quyền sớm bố trí tái định cư để mùa xuân năm tới chúng tôi sẽ có thêm niềm vui nhà mới.
Còn người dân ở “đất nông nghiệp” Đông Triều trong thời khắc chuyển giao chúng tôi lại tìm thấy những mong mỏi, hi vọng khác. Phút giao thừa, trên bầu trời phía Nam thị trấn Mạo Khê rực sáng màn pháo hoa lung linh sắc mầu trên dòng sông Đá Vách. Người dân cùng xuống đường để cảm nhận không khí năm mới và cùng ngắm màn pháo hoa của Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch bắn lên rực rỡ lơ lửng trên không trung lung linh trong tiết trời mưa xuân se lạnh.
Anh Nguyễn Văn Tiến, người dân xã Đức Chính cho biết: Năm nay nhân dân đón tết vui tươi, tiết kiệm. Tại xã chúng tôi, huyện đã tổ chức điểm vui chơi các trò chơi dân gian trong những ngày tết cho nhân dân đến tham gia rất vui, thú vị và ý nghĩa trong những ngày đầu xuân.
Sau những màn pháo hoa, dòng người đổ về các ngôi chùa thờ Phật và đền An Sinh, thành kính thắp nén hương đầu năm mới khấn Phật và cầu chúc cho năm mới an khang thịnh vượng. Niềm vui lớn nhất với người dân Đông Triều không chỉ khu di tích lịch sử nhà Trần trên địa bàn đang được khẩn trương tu bổ, tôn tạo Chùa Ngọa Vân nơi tương truyền mà nhà vua nhập niết bàn đã được cất nóc, chẳng xa nữa đây sẽ là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm của tỉnh, nơi đạo pháp hòa với quốc gia dân tộc được xây dựng đất nước phát triển ổn định, phồn vinh. Là địa phương có rất nhiều các di tích lịch sử, văn hóa, Đông Triều đã triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống xuân Ất Mùi tại các di tích thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội đảm bảo an toàn, ý nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Thi người dân khu phố 2, thị trấn Mạo Khê cho biết: “Tôi đi lễ Phật trên chùa không cầu tài cầu lộc gì cho mình, chỉ cầu xin bình an cho gia đình. Con và các cháu tôi cùng đi không phải là đi cho vui, mà tôi để cho con, cháu hiểu được đây là truyền thống văn hóa của dân tộc, hiểu được rằng “bình an” là điều vô cùng hệ trọng và cần thiết. Đi lễ chùa đêm giao thừa để tâm mình được an, tâm có an thì đời mới an được…”
Và Xuân mới ở miền Đông
Đối với huyện Hải Hà, năm 2014 có thể nói là một năm có rất nhiều đổi thay, khởi sắc. Trong đó phải kể đến việc, huyện đã đưa vào hoạt động hai chợ là: Chợ Trung tâm Hải Hà và chợ Trung tâm Hải Hà 2. Cùng với đó, huyện cũng triển khai thi công công viên cây xanh, các dự án tại KCN cảng biển Hải Hà. Tất cả tạo nên một khí thế đón Xuân mới với nhiều kỳ vọng về một năm 2015 nhiều thành công.
Thiếu nữ Dao chuẩn bị quần áo đi đón Giao Thừa.
Ông Trần Ón, Trưởng bản Tằm Tố (thôn 8, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà), phấn khởi chia sẻ: Giờ có cái chợ huyện mới thuận tiện lắm, dân không còn phải chen chúc nhau để mua đồ như trước đâu. Từ ngày 20 âm lịch, mọi người ở bản Tằm Tố đã rục rịch đưa nhau lên chợ huyện sắm sửa quần áo đẹp. Giao thừa bà con dân bản kéo nhau ra nhà văn hóa thôn để tổ chức giao lưu văn nghệ và đi chúc Tết nhau vui lắm. Bản Tằm Tố có 16 cái nóc nhà thôi. Tết đến nhà ai cũng vui mừng, phấn khởi lắm! Chiều 30 Tết ở Tằm Tố nhà nào cũng làm thịt gà, thịt lợn, nấu xôi bảy màu cúng tổ tiên.
Hay như tại xã Quảng Sơn, một trong những xã tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Dao, không khí đón giao thừa cũng diễn ra thật rộn ràng. Ông Đặng Xuân Phú, Chủ tịch MTTQ xã Quảng Sơn, cho biết: Người Dao Quảng Sơn chúng tôi vẫn duy trì được những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, hát đối giao duyên, thanh niên trong xã còn tổ chức thi đấu bóng chuyền, bóng đá... từ sáng mùng 1 Tết đến mùng 3 Tết mới kết thúc.
Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bình Liêu náo nức đón chào năm mới 2015. Tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Đảng, mừng xuân Ất Mùi. Sự du dương, ngọt ngào của điệu hát then, mùi thơm nồng của những ly rượu và lời chúc năm mới làm cho không khí đón Tết của người dân ở huyện miền núi Bình Liêu thêm tưng bừng, ấm áp.  Thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm Giáp Ngọ sang Ất Mùi, người dân các xã nô nức đổ về Trung tâm huyện để thưởng thức màn bán pháo hoa nghệ thuật rực rỡ chào mừng Xuân Ất mùi năm 2015.
Bình Liêu dù còn là huyện khó khăn của tỉnh nhưng với khát vọng vượt khó nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đang rất nỗ lực, cố gắng tận dụng điều kiện tiềm năng để phát triển nghề rừng, khai thác lợi thế khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô và biến ưu thế địa bàn miều núi thành địa điểm du lịch xanh.
Còn ở trung tâm huyện Tiên Yên, vào thời khắc tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới, dòng người đổ ra các tuyến phố chính để du xuân, đi lễ chùa vô cùng đông đúc. Để đảm bảo người dân đón giao thừa vui vẻ, an toàn, lực lượng công an huyện đã bố trí lực lượng để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự. Do đó, mặc dù lượng người đổ ra đường đón xuân mới rất đông nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc, mất trật tự.
Nếu như thị trấn Tiên Yên, người dân nô nức đi du xuân và lễ chùa cầu may, thì ở các xã vùng cao như Hà Lâu, Đại Thành, Đại Dực..., nơi tập trung người dân tộc thiểu số, trong thời khắc giao thừa, mọi người lại chủ yếu cùng nhau sum họp, quây quần bên gia đình hoặc sửa soạn quần áo thật đẹp để tới nhà văn hoá gặp gỡ, giao lưu, nâng chén rượu nồng, chúc nhau những lời chúc chân tình.
Anh Nình A Lộc, dân tộc Sán Chỉ, thôn Khe Lục, xã Đại Dực nói: Xã Đại Dực có tới 95% người Sán Chỉ. Nhà nào cũng vậy, ai nấy đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm tất niên. Mâm cơm cúng ngày 30 của người Sán Chỉ có bánh chưng, gà, rượu trắng và gạo. Vào thời khắc giao thừa, chúng tôi không đi chơi mà quây quần bên nhau để chào đón năm mới. Sáng mùng 1 Tết, gia đình tôi cũng chọn giờ đẹp, nhờ người hợp tuổi để xông nhà. Xuân mới ai cũng mong sức khỏe, nhiều niềm vui, mưa gió thuận hòa để canh tác hay làm ăn đều thuận lợi”.
Hồng Nhung- Đỗ Phương- Lan Anh- Lưu Linh- Phương Thúy



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...