Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Em đi lễ chùa này

Em đi lễ chùa này
"Đầu Mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này - vườn nắng tung bay

Và ngàn lau - vàng màu khép nép

Bãi sông bay - một con bướm đẹp" 

("Em lễ chùa này" - lời thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy, trình bày: Đức Tuấn
Tết thường là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ đầu xuân, vừa cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui thái bình.
Ở đó, dường như, hương xuân, nắng xuân trong một sáng ngày đầu năm mới, tiết trời hơi se lạnh, nhưng vẫn có những tia nắng sớm lung linh tỏa khắp sân chùa, đã làm cho các ngôi chùa trở nên đẹp hơn, thanh bình hơn. Các ngôi chùa cửa lúc nào cũng rộng mở để mọi người có thể đi viếng, dịp lễ tết cũng vậy mà ngày thường cũng vậy. Người ta đi chùa để lễ Phật, học hỏi đạo lý, hoặc chỉ để tìm sự thanh thản ở tâm hồn.
Lễ chùa này một thoáng mưa bay - Và ngoài sân vài cành khô gẫy - Gió lung lay một cánh lan gầy...
Không khí xuân rộn ràng với các chuyến trẩy hội chùa chiền có lẽ đậm nét nhất, kéo dài nhất là ở miền Bắc. Bởi không chỉ thu hút du khách gần xa về "trẩy hội" hàng năm vào dịp xuân, các ngôi chùa xứ Bắc còn là nơi tham quan, vãn cảnh.
Đến thăm em ngày tháng qua mau - Một nụ mai vừa nở trong nắng - Hỡi em ơi mây đã qua cầu...
Khác với các ngôi chùa xứ Bắc mang dáng vẻ thâm trầm cổ kính, các ngôi chùa ở Huế mang dáng vẻ tĩnh lặng, cô tịch. Chùa Thiên Mụ nằm riêng biệt trên đỉnh đồi, luôn yên tĩnh dẫu rằng không lúc nào thưa vắng dấu chân du khách lui tới thưởng ngoạn cảnh quan sông Hương, viếng chùa. Chùa Huyền Không Sơn Thượng, theo phái Tiểu Thừa, nằm khuất sâu trong núi, sau một cung đường ngoằn nghèo gần như tách biệt với bên ngoài, cảnh quan chùa đẹp như tranh thủy mặc.
Trái mơ ngon đồi gió mơn man - Từ lò hương làn trầm nghi ngút - Khói hương thơm bờ tóc em vờn...
Xuôi về phương Nam, các ngôi chùa ở Bình Dương, Sài Gòn, Đồng Nai... cũng mang vẻ phong phú đa dạng như đời sống nhộn nhịp vốn có của đất trời Nam bộ. Và trong không khí se lạnh của những ngày đầu xuân, trong không gian thanh tĩnh của cảnh chùa, trong thời khắc đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc... thì dẫu chùa ở xứ Bắc, Trung hay Nam, với tất cả những duyên may đó thì những chuyến du xuân đến thăm viếng cảnh chùa đều sẽ mang đến sự bình an trong tâm hồn, niềm an lạc trong cuộc sống cho mọi người...
Chính vì vậy mà đã từ rất lâu, đi lễ chùa đầu xuân vẫn luôn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống không hề phai nhòa trong một tâm hồn người Việt.
Nguyệt Minh
Nguồn: ANVN

Em lễ chùa này 
Thơ Phạm Thiên Thư – Nhạc Phạm Duy
Đầu mùa xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau  vàng màu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp
Mùa Hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon - đồi gió mơn man
Từ lò hương - Làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm - bờ tóc em rờn
Rồi Mùa Thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hòa lời ca - vào làn sương sớm
Gió heo may - rụng hết lá vàng
Vào mùa Đông - cùng em đi lễ
Lễ chùa này- một thoáng mưa bay
Và ngoài sân- vài cành khô gẫy
Gió lung lay một cánh lan gầy
Tàn Mùa Đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa - Trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa - tơ óng như mây
Vườn chùa đây - vào nằm trong đất
Nép bên hoa - ôi những hoa vàng
Vườn đào tơ chập chờn cánh bướm
Bướm khua râu - ngơ ngác bay ngang
Mộ của em - mộ vừa mới lấp
Có con chim - nào hót trên cây
Lời của chim - chìm vào tiếng suối
Suối xanh lơ - buồn khóc ai hoài
Rồi từ đây - vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em - ngày tháng qua mau
Một nụ mai - vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi - mây đã qua cầu (láy) à


Em lễ chùa này - Thanh Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...