Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Những mùa hoa phượng đi qua đời tôi

Những mùa hoa phượng đi qua đời tôi 
(Thả trôi theo dòng đời cùng với Nỗi Buồn Hoa Phượng - Thanh Sơn và Bài thơ Những Mùa Hoa Phượng của Huỳnh Xuân Sơn)
Tháng năm, hương sen đã  thoảng nhẹ trong gió. Tiếng ve đã râm ran trên từng tán cây, suốt dọc đường đến trường và ngược lên phía công viên. Tiếng ve kêu khắp nẻo, như nhắc nhở với mọi người rằng mùa hạ đã về , về thật rồi...
 Và đối với tôi, mùa hạ vẫn có điều gì đó rất riêng, không lẫn với bất kỳ mùa nào khác được, dù mỗi sáng nắng vẫn lên và chiều hoàng hôn vẫn xuống.
 Ở tuổi 14,15 tôi là một cậu bé đánh giày ở một thị xã nhỏ của miền trung. Năm 1965 chiến tranh bắt đầu lan rộng. Gia đình tôi phải chạy về thành phố  để tránh đạn bom. Bỏ lại sau lưng mọi thứ tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, mỗi người chỉ kịp mang theo mình túi quần áo nhỏ.
Đất chật người đông, không việc làm nơi phố thị, mẹ  đau yếu  luôn và các anh em thì còn đi học . Tôi phải hy sinh: bỏ học. Hằng ngày theo lũ bạn cùng trang lứa đi đốn củi ở núi Chóp Chài về bán. Nhưng rồi có người bạn gần nhà, thấy tôi đi đốn củi khổ sở, không được bao nhiêu tiền nên dẫn tôi đi đánh giày để mưu sinh..
Người bạn này  đánh giày đã lâu nên  tôi đi  theo để không bị bắt nạt.
Hàng ngày cứ vào buổi trưa rảnh việc, tôi lại đến tiệm giặt ủi Tân Lai ở đường THĐ để vừa tìm khách vừa được nghe nhạc. (Dạo ấy tiệm giặt ủi này có cô chủ thích nghe nhạc và họ cũng có một dàn máy  hiện đại vào bậc nhất thời bấy giờ).
 Với tuổi 15 tôi cũng không rành về nhạc, nhưng có một bài hát tôi đặc biệt thích nghe không chán ( Thường thì tôi xin cô chủ cho nghe lại, cô thấy tôi thích và cũng ngoan nên cô chiều ý ). Sau này tôi mới biết đó là bài : Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sỹ Thanh Sơn:
“ Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi...” ( Nỗi buồn hoa phượng _Thanh Sơn )
Lời nhạc nhẹ nhàng, ray rứt của tuổi học trò. Tôi không biết  người ca sỹ thể hiện bài hát tên gì, là ai, nhưng mỗi ngày qua đi, sau khi được nghe chị hát tôi lại lẩm nhẩm hát theo và cam đoan rằng tôi thuộc lời và cả từng luyến láy của câu hát. Và bây giờ, nếu ai đó hát sai dù chỉ một nửa tông trong một nốt nhạc là tôi phát giác ngay. Và cũng mãi sau này tôi mới biết đó là ca sĩ Thanh Tuyền.
Khi gia đình tạm ổn định, tôi bắt đầu đi học trung học trở lại. Năm 1965 tôi đang học lớp Đệ ngũ THSC thì phải nghỉ học. Vì giấy tờ thất lạc và tuổi đã lớn, tôi phải làm giấy tờ nhỏ tuổi lại mới đi học tiếp được. Từ đây, cứ mỗi mùa hè đến tôi lại phải chuyển trường và học nhảy lớp cho kịp thời gian.
Nhìn những cành phượng vỹ nở đỏ ối và tiếng ve rộn rã mỗi lúc hè về, tôi thấy thời gian qua nhanh quá. Theo lẽ tự nhiên, đứa con trai mới lớn trong tôi bắt đầu ý thức được sự chia ly của tuổi học trò. Những rung động đầu đời dần hình thành, một nỗi buồn vô cớ, man mác len nhẹ vào hồn qua những lần phượng nở:
“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu... 
Giờ như nước trôi qua cầu...”( Nỗi buồn hoa phượng - Thanh Sơn )
Lời bài hát sao mà chứa chan tình cảm. Hình như có một sự tiếc nuối đến nghẹn ngào. Dù tôi chưa từng hẹn hò với cô bạn học nào cả. Có chăng chỉ trong tâm tưởng. Tôi bắt đầu tập tành làm thơ  để tự thỏa những rung động trong lòng:
“...Sau mùa xuân,ấy là mùa hạ
Trời trong veo và nắng cháy da
Có hương sen nhẹ bay theo gió
Níu chân ai áo trắng học trò...”*
Mỗi đêm về trên căn gác nhỏ,tôi nghe tiếng gió thầm thì qua khung cửa sổ như những lời hẹn hò, những âu lo cho nhau. Chỉ chừng đó thôi, canh dài khắc khoải, những trăn trở hiện về ! Tôi như lắng nghe tiếng thời gian ngừng chảy:
 Gĩa biệt bạn lòng ơi
Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi
Buồn riêng một mình ai... 
Chờ mong từng đêm gối chiếc
Nỗi u hoài này ai có hay?...( NBHP- Thanh Sơn )
Niềm vui ngắn ngủi, nghe tiếng ve kêu sao mà buồn thảm. Từ trong thẳm sâu của ký ức, những nỗi nhớ nhung nhỏ nhoi, những lần hẹn hò tiếp nối hiện về. Biết nói với nhau điều gì dù sân trường giờ đây chỉ còn hai đứa:.
“...Tiếng ve nức nở chan chứa
Sân trường còn lại hai đứa
Cầm tay nhau nói nhiều cũng buồn....” ( Thương ca mùa hạ- Thanh Sơn )
Thời gian dần trôi qua,tôi ngày một lớn, tình học trò tình như gió thoảng, như mây bay. Xốn xang chỉ riêng một góc trời nhỏ bé của mình. Để rồi mỗi lần vào hạ, tiếng ve kêu cũng làm thức giấc bao mộng ước trong lòng, một thứ tình cảm mới mẻ nhẹ len vào hồn. Tôi vẫn không định hình được ấy là tình yêu hay là tình bạn:
Tuổi mười lăm
Với những nụ phượng hồng vừa hé
Bâng khuâng những dòng nhật ký
Viết cho nhau
Mơ hồ nghe những rung động ban đầu
Không hẳn chỉ là tình bạn
Để mỗi đêm hè tâm trí lại xôn xao...*
Vâng, ấy chỉ có thể là tình yêu của đôi trai gái, trong sáng và không một chút bận lòng về những bất trắc có thể xảy ra:
 “...Nếu ai đã từng rung cảm
Đôi lần nhặt màu hoa thắm 
Lòng bâng khuâng biết mình đã yêu...” ( Thương ca mùa hạ_ Thanh Sơn )
Tình đầu đời của mỗi chúng ta sao đẹp quá, với những suy nghĩ vu vơ, những bàn tay vụng dại nắm lấy nhau run rẩy. Trước mắt tôi chỉ thấy màu xanh, màu của hy vọng chứa chan:
Tuổi mười tám 
Tay vin cành phượng vỹ
Trao nhau nụ hôn đầu
Nghe lòng thấy lâng lâng
Tay cầm tay mong thời gian ngừng lại
Để trái tim non xao động... ngại ngần...*
Cả hai cùng đón nhận ân sủng của đất trời, không so đo, không toan tính. Trái tim chưa kịp lớn của tôi đập rộn ràng, những mong thời gian ngừng chảy. Đời học sinh sắp qua đi, đường đời muôn nẻo, biết ngày mai sẽ về đâu? Mùa hạ này cũng là mùa của chia ly lần cuối. Nhìn cành phượng đã nở rộ, lòng tôi trĩu nặng bao ân tình với những dòng lưu bút. Ngôi trường thân yêu, với tường rêu ngói đỏ của thời cắp sách:
“...Nhưng bao  nhiêu yêu dấu đã phai mờ
Thời gian đã vùi chôn tuổi học trò
Người em gái mến thương nơi chốn nào
Bao giờ mình gặp  nhau...” ( Lưu bút ngày xanh- Thanh Sơn )

Để mỗi chiều hè, thơ thẩn trong sân trường cũ, nhặt  từng cánh phượng rơi mà tiếc nhớ những ngày qua và thấy lòng sao quạnh vắng:
“...Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương
Màu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè sang... kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm “ ( NBHP-Thanh Sơn ) 
 Từ giã tuổi học trò, những cánh chim bắt đầu tung cánh bay về muôn hướng, bỏ lại sau lưng (có thể nhớ, có thể quên) những ngày xưa thân ái. Tôi vào học ngành sư phạm, người xưa cũng đã chọn cho mình một hướng đi, cả hai cùng mong ngày tái ngộ để nối lại mối tình thơ.
Thời gian vẫn cứ trôi đều đặn, xuân sang hè đến. Dòng đời nghiệt ngã, chiến tranh ngày càng khốc liệt, chúng tôi lạc mất nhau vì nhiều lẽ. Lắm khi chợt giật mình nhớ đến mối tình thơ của tuổi học trò, không biết giờ đây, người xưa phiêu bạt nơi nào. Có còn lại chăng là những tiếc nhớ buồn thương của thời áo trắng:
Tuổi ba mươi
Hàng phượng buồn đu đưa theo gió nhẹ
Từng cánh phượng cuối mùa,
Rơi rụng... nhớ thời gian
Tiếng sáo diều vi  vu... hờ hững
Thời học sinh xa lắc...vọng buồn,*
Dòng sông qua bao nhiêu thác ghềnh vẫn chảy xuôi về biển. Cũng như dòng đời đôi khi vật vã, đôi lúc lặng yên trôi theo bóng thời gian. Thi thoảng vô tình, tôi bắt gặp lại những kỷ vật xưa, lòng chợt nghĩ sao ta quá vô tình, dẫu rằng bụi thời gian có thể đã phủ mờ bao kỷ niệm.
Tuổi bốn mươi
Lật từng trang lưu bút
Cánh phượng khô ép giữ những vần thơ
Từng khuôn mặt thân quen
Lâu rồi quên liên lạc
Bụi thời gian
Phủ che bao hẹn ước... đợi chờ*
Bây giờ tuổi đã về chiều, bao mùa hoa phượng vẫn nở rồi tàn, bao lần tiếng ve râm ran rồi nín lặng. Tôi thầm trách mình sao ngày ấy ngu ngơ?. Sao dòng thời gian ta không buồn níu lại? Để dòng đời nghiệt ngã nổi trôi?
Tuổi xế chiều
Nhìn xác phượng tàn khô dưới nắng
Nghe đâu đây tiếng hát ngày xanh
Tiếng hát học trò
Một thời xa vắng
Vẫn vang lên khi phượng đỏ trên cành*
Chiều nay, nghe lại bản nhạc buồn năm nào mà đầu đời cảm nhận được, lòng chợt bồi hồi xúc động. Giọng nữ ca sỹ Thanh Tuyền vẫn như ngày xưa, trầm ấm, thiết tha. Có lẽ không ai thể hiện bài hát này thành công như chị, dù có qua bao nhiêu năm tháng. Xin cảm ơn nhạc sỹ Thanh Sơn, người nhạc sỹ tài hoa của tuổi học trò, lứa tuổi mà tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua. Thời gian có thể phủ mờ tất cả, nhưng không thể xóa nhòa những rung động đầu đời của con tim một thời hoa niên, nhiều mộng mơ và tươi đẹp nhất.
Huỳnh Kim Thạch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...