Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Bàn về bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu

Bàn về bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu 
Thôi Hiệu người Biện Châu (nay là huyện Khai Phong tỉnh Hà Nam) sống thời Thịnh Đường, năm sanh hổng rõ nhưng năm mất là 754. Thi đậu tiến sĩ thời Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông năm 725, làm đến chức Tư Huân viên ngoại lang. Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng nhứt của Thôi Hiệu.  
Lầu Hoàng Hạc ở trên ghềnh đá Hoàng Hộc tại Huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Theo sách Tề Hài Chí thì tích nhân (tức người xưa) người cỡi hạc đi qua nơi này chính là một vị tiên tên Tử An. Rồi để kỷ niệm, dân chúng trong vùng mới dựng lên cái ‘lâu’ này và đặt tên là lầu Hoàng Hạc.  

Thôi Hiệu một bữa đẹp trời, rảnh rang ở không, mới cầm quạt chắp tay sau đít đi chơi lang bang qua Hoàng Hộc, nghe chuyện rồi tức cảnh sanh tình, bèn rút bút ra mần bài thơ rồi dán lên cột trên lầu.  

Tui xin phép không chép lại nguyên tác bài thơ, chỉ nhắc với ông Khách rằng bài thơ tui có trong tay hiện giờ câu 3 & 4 đọc là:  
"Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du." 

Nghĩa là:
 Hạc vàng một khi đã đi rồi thì không trở lợi nữa; mây trắng vẫn bay man mác ngàn năm. Xin đừng nghĩ rằng phải có đối ngữ với chữ khứ ở câu 3 để biến tải thành tái trong câu 4. Sửa như thế là có lỗi với ông Thôi Hiệu muôn phần đó vậy.  
Đã có rất nhiều bản dịch nhưng dịch hay nhứt phải là Tản Đà. Tản Đà đã dịch bài thơ thất ngôn bát cú sang thể lục bát, một thể thơ hoàn toàn VN. Cái xuất sắc của Tản Đà là bài thơ đã được giữ nguyên ý mà đọc lên nó chảy xuôi mềm mại và ... nếu không biết, người ta hẳn không ngờ rằng nó là thơ dịch.
"Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai."
 

Những bản dịch khác (của Ngô tất Tố và Trần Trọng San) tuy vẫn giữ đúng nguyên thể nhưng không so được với bản dịch của Tản Đà: 
Người xưa cỡi hạc bay đi mất
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây
Hạc đã một đi không trở lại
Man mác muôn đời mây trắng bay
Hán Dương sông tạnh cây in thắm
Anh Vũ bờ thơm cỏ biếc đầy
Chiều tối quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai. 

(Trần Trọng San. ) 
Tui ưng nhứt là hai câu cuối :  
"Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. "
 

Thi tứ nhạc điệu man mác êm đềm,hay và não nuột hết biết, má ơi ! 
Vì trong Hán văn hổng có vụ viết hoa cho danh từ riêng thế nên đã có tranh cãi chút xíu về câu cuối Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 
Chuyện như thế này : Gần lầu Hoàng Hạc có một khúc sông tên là Yên Ba. Thành ra rồi nếu Yên Ba là danh từ chung nó có nghĩa là khói sóng. Khói sóng trên sông khiến người buồn bã. Nhưng nếu Yên Ba là danh từ riêng thì ý câu thơ sẽ khác đi. Tranh cãi một hồi người ta mới đồng ý rằng : một thi hào cỡ Thôi Hiệu thì hổng có trò Yên Ba (viết hoa) mà phải là yên ba (viết thường). Rất có thể khúc sông nơi đó khi xưa có tên khác, rồi vì bài thơ của Thôi Hiệu nên người ta mới cải danh cho nó chăng ?  
Riêng câu 1 của bài thơ tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ, có chỗ chép là tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ, nghĩa là người xưa (thay vì cỡi hạc vàng thì) đã cỡi mây trắng bay đi. Viết thế cũng sai luôn nha. Phải cỡi hạc bay đi thì mới còn lầu không (hổng có hạc) chớ cỡi mây bay đi thì ắt rằng con hạc dzàng còn (và phải) đậu chình ình trên cây tùng cây bách đâu đó cho ông Thôi Hiệu ngắm đỡ buồn !

      Bàn về bài thơ hoa đào của Thôi Hộ, Thật ra, cả bài thơ, chỉ đắt nhất một câu thơ kết “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Nhưng thật đáng buồn là nhiều diễn giả lên văn đàn thi triển thơ ca, nhưng lại không hiểu đúng ý nghĩa của câu thơ này. Từ đó dẫn đến lạc ý, và dịch ý thơ đi theo hướng khác, làm mất đi cái tuyệt diệu của Một bài thơ bất hủ.
Thi hào Nguyễn Du quả là xứng danh bậc thi nhân được muôn đời trân trọng. Tôi đọc, chỉ thấy Nguyễn Du là hiểu đúng ý nghĩa, bối cảnh của câu thơ.
Nguyễn Du đã mượn câu thơ này để miêu tả cảnh Kim Trọng trở lại vườn xưa tìm gặp Thúy Kiều.
Đầy vườn cỏ mọc lưa thưa
Song trăng quạnh quẻ, vách mưa rã rời
Nhác trông nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Cái sự ngơ ngác, nuối tiếc của người đến muộn, sẽ khắc sâu thêm nỗi đau buồn khi bị bỡn cợt. Hoa Đào nở nghĩa là đã sang Xuân rồi. Còn Gió Đông sao bây giờ mới đến. "tiếu" có nghĩa là cười bỡn cợt. Hoa Đào cười Gió Đông nó đắt ý ở chỗ đó.
Nguyễn Hoàng Bình

Nguồn: STTH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...