Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang
Mùa xuân đến, cảnh vật như được khoác lên chiếc áo mới đầy sức sống. Nắng xuân ấm áp trải dài trên những con đường quê, khắp các bản làng, phố phường đâu đâu cũng náo nức xuân sang.
Ước vọng đầu năm
Xuân “gõ cửa” khi đất trời còn “ngái ngủ”, nép mình trong tấm chăn màu khói của mùa đông. Vạn vật lại được dịp vui đùa trong cái đủng đỉnh, rộn ràng và ngập tràn nhựa sống của sức trẻ và tình yêu. Quê hương bước sang tuổi mới với bao điều mong ước.
Như bao người xa quê, Đỗ Lê Hằng, tổ 21, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) mong muốn được trở về quê để đón cái Tết ấm áp bên gia đình. Hằng cho biết, những ai đi xa quê, mỗi dịp Tết đến xuân về, lại quay quắt nhớ, thèm cái mùi vị Tết đã gắn liền với tuổi thơ. Vốn là sinh viên Học viện Cảnh sát Hà Nội, mọi năm phải trực ở trường, năm nay được đón Tết ở nhà em vui lắm. Anh em cùng nhau sửa sang, dọn dẹp, trang trí lại ngôi nhà, cùng nhau đi ngắm đào, ngắm quất để chọn cho nhà mình một cây thật vừa ý. 
Thành phố Tuyên Quang vào xuân khoác lên mình một vẻ đẹp kiều diễm. Những con đường rộng dài được trang hoàng cờ hoa, đèn bóng nhấp nháy khiến du khách gần xa không khỏi xuýt xoa. Chị Bùi Thị Mai, chủ Shop Mẹ Bé Bông tại số 438, đường Quang Trung cho biết, năm nay dự định là mở cửa hàng vào mùng 3 Tết nhưng từ mùng 2 Tết đã có khách đến tìm mua hàng. Hy vọng là năm nay công việc kinh doanh sẽ thuận buồm xuôi gió.
Xuân đến, lòng người cũng rộn ràng cởi mở hơn. Bản Sài Khao, xã Yên Lâm (Hàm Yên) có 54 hộ người Dao đang đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc. Trưởng thôn Lý Văn Canh cho biết, cùng với bánh chưng đen và bánh “dú pen” thì con gà trống có màu lông đẹp là không thể thiếu trong mâm cúng dâng tổ tiên. Lúc hành lễ gia chủ sẽ nói lên ước nguyện đầu năm mới của mình.  Theo quan niệm của người dân nơi đây, con người là do tổ tiên sinh ra, nối tiếp nhau khai phá thiên nhiên, lập bản dựng làng. Nhờ có rừng núi mênh mông, thời tiết thuận hòa, đất đai màu mỡ, cây cỏ hoa lá tốt tươi, con người mới xây dựng cho mình cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đất trời, rừng núi cũng là tổ tiên của vạn vật sinh linh, luôn bảo vệ, che chở cho bản làng ngày càng yên vui, đầm ấm, dân trong bản quanh năm gieo cấy được mùa, gia súc gia cầm phát triển, mọi điều không may mắn sang năm mới được đẩy lùi…
Quê núi hội về

Giữa bạt ngàn rừng hoa mơ, hoa mận bung nở trắng xóa Bản Cuống, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) hiện lên thật nên thơ, trữ tình. Nép mình dưới chân núi Pù Chua, giữa bảng lảng mây trời là những ngôi nhà sàn trở nên huyền ảo, thơ mộng. Trên khắp các nẻo đường dòng người nô nức trẩy hội Lồng tông. Đón chúng tôi trong căn nhà sàn bằng gỗ được đánh véc ni sáng bóng, trưởng thôn Ma Văn Dược phấn khởi cho biết, chẳng biết lễ hội quê mình có từ bao giờ. Chỉ biết ngay từ khi còn bé đã thấy người trong làng rước lễ, chơi trò chơi dân gian. Trong những ngày đầu xuân ấm áp này, một tin vui đã đến với người dân nơi đây khi đến Bản Cuống đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Thế nên, hội Lồng tông năm nay hứa hẹn bao điều thú vị. Lễ hội Lồng tông ở Bản Cuống được tổ chức vào buổi chiều mùng 3 Tết, qua 12h trưa mới được phép dựng cây còn. Theo quan niệm của người dân, đây là thời điểm nhà nhà đã hoàn tất mọi nghi lễ ngày Tết ở gia đình, mọi người đã ăn uống nghỉ ngơi sẵn sàng hết mình với hội xuân quê hương. Theo chân anh Dược men theo lối mòn, bám lấy từng cây dây leo chằng chịt, phải mất đến gần nửa tiếng đồng hồ chúng tôi mới lên được đền Pù Chua. Mọi mệt nhọc tan biến khi phóng tầm mắt nhìn xuống những mái nhà sàn thấp thoáng sau rặng cây, ruộng lúa tựa như tấm thảm được con suối làng ôm trọn, chở che. Xa xa, từng tốp người mang theo lễ vật lên núi dâng đền. Được biết đây là đền thờ vị tướng quân Ma Doãn Giáo, người đã có công lao to lớn đánh giặc “Cờ đen” hồi cuối thế kỷ XIX được nhân dân tôn thánh.
Điều khiến nhiều du khách thú vị là phía sau đền có hang động rộng lớn có thể chứa hàng trăm người, khí hậu quanh năm mát mẻ. Trong động có nhiều nhũ đá mang đủ các hình thù, lấp lánh kỳ diệu. Sau khi rước lễ từ đền xuống thửa ruộng Nà Mo, thầy mo Ma Công Chiêm tiến hành nghi thức cúng bái cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Những trò chơi dân gian tung còn, đi cầu leo, cầu lút, đánh yến, đánh pàm lần lượt được diễn ra… Đứng nép mình ở góc sân, cô gái Ma Thị Đào cười rạng rỡ khi bạn trai mình là người ném trúng còn. Đào nhìn người yêu bẽn lẽn nói, anh ấy là người làng bên sang chơi hội xuân làng em, đây là năm thứ hai anh ném trúng còn. Vào hội xuân năm ngoái chúng em nói lời yêu nhau còn năm nay thì nhà trai sắp sang dạm ngõ rồi.
Chia tay Bản Cuống để hòa mình vào lễ hội cầu mùa ở làng Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Con đường đến với vùng chiến khu cách mạng những ngày đầu xuân luôn rộn ràng tiếng trống hội. Chủ lễ kính cẩn thắp hương khấn trời đất, Thành Hoàng làng và các vị thần nguyện cầu phước lành cho dân làng nhà ấm no, hạnh phúc. Sau tiếng trống khai hội là nghi thức rước lễ cúng Thành Hoàng làng và các vị thần tới Quảng trường Tân Trào. Dòng người từ khắp nơi đổ về trẩy hội vui xuân càng làm cho không khí lễ hội thêm náo nức. Lễ hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày đã thu hút sự tham gia của du khách xa gần. Từ thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) ông Nông Thanh Tay cho biết: “Năm nay cả gia đình tôi đến tham gia hội cầu mùa, cầu may. Ước vọng sang năm mới có sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn”. Các trò chơi bắt trạch trong chum, thi cày bừa, thi cấy, thi leo cầu vồng, đẩy gậy, tung còn, kéo co và các làn điệu hát then, hát cọi ca ngợi tình yêu lứa đôi, ca ngợi Đảng, Bác Hồ đã tạo sự sôi động cho lễ hội. Trò chơi bắt trạch trong chum do đôi trai gái thực hiện và dâng đôi trạch bắt được tại kiệu Thành Hoàng làng. Các trò chơi tái hiện lại cảnh sinh hoạt của người nông dân như cày bừa, bắt tôm cá, bán thuốc nam, tắc kè gọi mưa... đã thể hiện khát vọng của người dân và mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc.

30 phút trước thời khắc giao thừa, các ngả đường về thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) trở lên đông đúc. Dòng người tập trung tại vườn hoa trung tâm thị trấn Sơn Dương để chờ màn bắn pháo hoa chào năm mới. Ông Nguyễn Trí Đã, tổ nhân dân Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương cho biết, cùng với mọi người gia đình ông háo hức xem bắn pháo hoa. Cái hay là không ai bảo ai, người đến sau nhường người đến trước, người thanh niên nhường cụ già và trẻ nhỏ, không chen lấn, xô đẩy tất cả mọi người cùng hò reo vui mừng chào đón năm mới, cảm giác ấy thật thân thiện và thú vị.

15 phút bắn pháo hoa tại thị trấn Sơn Dương đã để lại cho những người dân nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm về một phố núi rực sáng, náo nhiệt trong thời khắc giao thừa. Nhiều người đã kịp ghi lại những hình ảnh, những thước phim đẹp về khoảnh khắc ấy và nhanh chóng chia sẻ. Em Đào Thị Hà, sinh viên Trường Đại học Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu tiên em đến Tuyên Quang và may mắn được cùng người dân nơi đây chứng kiến màn bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa. Được tham gia sự kiện này, khiến em thấy chuyến du xuân lên Tuyên Quang của mình càng thêm ý nghĩa.
Xuân đã về trong câu hát gọi bạn của các chàng trai, cô gái miền sơn cước. Những đôi mắt dịu hiền, thân thiện ánh lên niềm tin hạnh phúc lan tỏa khắp phố phường, làng bản.
Giang Lam, Đào Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bên thềm quê cũ – Tản văn Nguyễn Hữu Trung 30 Tháng Bảy, 2023 Cuối cùng tôi đã được đặt chân đến đây, an toàn và ấm áp. Ngạc nhiên với...