Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Nhìn lại những mùa xuân

Nhìn lại những mùa xuân

Nguyễn Đoan Tuyết
Người xưa có câu “Xuân bất tái lai” – xuân của đời người thì không bao giờ trở lại nhưng mùa xuân của thiên nhiên, đất trời cứ quay vòng theo nhịp tuần hoàn của tạo hóa, đến rồi lại đi, rồi lại đang đến thật gần.
Đầu tiên là từ dạo cuối đông, khi hoa cúc quỳ trải thảm vàng rực rỡ trên khắp các nẻo đường ở vùng ven đô hay trên lưng chừng đồi dốc, chen chúc nhau vươn lên đầy kiêu hãnh để thách thức với nắng, gió khô hanh, với tiết trời giá lạnh khắc nghiệt của cao nguyên dù cho mùa đông đã sắp tàn; lòng tôi bỗng thầm yêu biết bao nhiêu loài hoa hoang dại và có sức sống vô cùng mãnh liệt này. Có lẽ vì thế mà nó còn mang tên là dã quỳ. Nếu “hữu sắc vô hương” là để nói về một người con gái đẹp nhưng vô duyên vô hồn thì cụm từ này hiểu theo nghĩa đen cũng rất đúng đối với hoa cúc quỳ. Tuy nhiên, “vô hương” mà không “vô hồn” chút nào, còn cái sắc vàng quyến rũ của nó thì đã đi vào thơ ca của núi rừng từ lâu!
Thật vậy, do thời cuộc đưa đẩy mà phố núi Pleiku đã từng hân hạnh được nhiều tao nhân mặc khách tìm đến. Họ chỉ đến trong một thời gian ngắn rồi lại ra đi nhưng đã kịp lưu lại những dấu ấn khó quên khi dừng bước ở nơi này. Hình như cũng vào mùa hoa quỳ nở:
… Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh 
Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao 
(Hoa quì vàng lạnh Pleiku- Nguyễn Bắc Sơn)
Hay một chút luyến nhớ, bâng khuâng khi sắp phải rời xa vùng bụi đỏ, hoa vàng:
Em có về đường hoa quỳ nở 
Lung linh vàng sắc nắng tháng giêng 
Ngõ gió lạnh buồn không duyên cớ 
Để cho anh mãi mãi đi tìm 
 Tình yêu bay xa theo cánh chim 
Rừng thông xanh một đời ở lại 
Về đâu hỡi mùa hoa dâng trái 
Bụi đỏ ngỡ còn cay mắt đêm 
 (Bụi đỏ- Lê Nhược Thủy)
Tình yêu đối với hoa dã quỳ của những người con Phố núi dường như còn lấn át đối với mai vàng - vốn là một loài hoa truyền thống của mùa xuân .
Dã quỳ vàng thắm 
Cuống quýt gió rông 
Má em chợt hồng 
Làm mây say đắm 
 (Xuân mong- Lê Bích)
Ngày nay, những con đường vàng rực hoa quỳ ngày càng bị đẩy lùi ra xa thành phố.
Tôi nhớ thật nhiều những mùa xuân năm cũ, khi ấy Pleiku còn hoang sơ, thưa thớt lắm. Cứ vào độ rằm tháng chạp trở đi, những người dân tộc địa phương đã mang những cành mai rừng đi bán rong khắp các đường phố nhỏ. Lúc ấy bọn học trò chúng tôi náo nức, rộn ràng vì những tờ đặc san Xuân của học trò sắp được trình làng, để bây giờ có cái mà cùng ôn lại kỉ niệm xa xưa. Náo nức còn vì được nghỉ Tết dài, được xúng xính quần áo mới (không biết cái lệ may đồ mới mặc Tết có từ bao giờ), được du xuân cùng gia đình hay bạn bè... Nói đến du xuân hẳn là người Pleiku ít nhiều còn lưu giữ những kỉ niệm về Biển Hồ. Hồi ấy đường xuống hồ quanh co, lổn ngổn những đá sỏi. Và bụi đỏ mù trời. Thế mà những ngày Tết, Biển Hồ vẫn đông hơn lúc nào hết, vì đâu còn chỗ nào hơn để du xuân và thưởng ngoạn.
Bây giờ, ở Pleiku còn có nhiều nơi để tham quan hoặc vui chơi, giải trí khác như công viên- hồ Diên Hồng, khu du lịch sinh thái Về Nguồn, khu du lịch Đồng Xanh, chùa Quan Âm, nhất là chùa Minh Thành, thủy điện Yaly, thác Phú Cường… luôn thu hút đông người trong dịp Tết. Ngoài ra, còn có hàng trăm quán cà phê với khung cảnh lãng mạn và gợi cảm, nơi để gặp gỡ, tâm tình.
Nói tới Tết đến, xuân về thường không thể thiếu nhạc xuân. Không biết từ bao giờ khúc ca Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối đã gieo vào hồn tôi một ấn tượng đặc biệt. Đối với tôi đó là một bản nhạc xuân hay nhất, vui tươi rộn rã và tưng bừng nhất. Tôi vẫn nghe đi nghe lại bản nhạc ấy qua nhiều thế hệ ca sĩ khác nhau mà không biết chán. Và bây giờ tôi chọn giọng hát của Ánh Tuyết và Đoan Trang vì theo tôi các cô ấy đã làm mới những giai điệu của một thời vang bóng “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, Lòng đắm say bao nguồn vui sống, Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng,…Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa, Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca. Xuân tưng bừng.” Khi mà lòng người đang mở hội hoan ca thì mùa xuân sẽ tưng bừng hơn bao giờ hết!
Tôi quên sao được những giây phút thiêng liêng trước lúc giao thừa, năm nào ba tôi cũng viết đôi câu đối đỏ bằng tiếng Việt nhưng cách viết thoạt nhìn như chữ Hán, rồi dán lên hai bên bàn thờ với hoa quả, bánh mứt mà mẹ tôi đã chuẩn bị chu đáo. Với đèn nến sáng trưng, khói hương lan tỏa! Ai đã từng sống trong không khí ấm áp của một gia đình đoàn tụ trong thời khắc ấy chắc sẽ đồng cảm với tôi. Xuân đến rồi đi đã mang theo bao kỉ niêm êm đềm, mang đi những người thân yêu nhất để không bao giờ ta còn gặp lại. Còn nhớ cái Tết đầu tiên khi mẹ tôi đột ngột qua đời, tôi chưa từng thấy ba tôi khóc vì biến cố này - có lẽ ông không khóc được thì đúng hơn, hoặc muốn kìm nén đau thương và nỗi đau đã lặn vào trong. Thế nhưng nỗi trống vắng thì không gì có thể bù đắp được nên ông đã trải lòng qua những vần thơ: “Xuân này khác hẳn những xuân qua, Bởi lẽ người thương đã vắng nhà, Hoa, rượu đủ đầy nhưng vẫn thiếu, Người đâu còn lại một mình ta”. Bây giờ cả hai ông bà đã được ở bên nhau để cùng nhau “kể lể chuyện trăm năm”. Mãi mãi.
Tôi thả bộ theo con đường xuôi dốc trong trang trại. Cứ mỗi khi gặp khó khăn hay phiền muộn là tôi tìm về nơi đây, giống như nhân vật Xcarlett O’Hara trong “Cuốn theo chiều gió” thường tìm về đồn điền Tara những lần vấp phải bế tắc trong đời để được tiếp thêm sức mạnh- chỉ có khác là tôi chưa có đủ bản lĩnh và tự tin như cô ta để mà “Sau tất cả, ngày mai sẽ là một ngày mới” (“After all, tomorrow is another day!”) và tôi mỉm cười tự chế diễu mình vì sự liên tưởng này. Nhưng lần này không giống trước vì tôi như vừa được trút bỏ bao điều phiền muộn. Phải chăng đó là nhờ trời xuân, sắc xuân đã thấm vào lòng người?
Tôi vừa đi vừa ngắm đất trời bao la thoáng đãng. Từ vị trí này, tôi có thể nhìn xuống một con suối nhỏ dẫn ra một thung lũng xanh ngát màu lúa đông xuân. Bên kia là đồi thông lộng gió và những con đường đất đỏ uốn lượn quanh đồi, cứ mỗi lần gió lốc xoáy là cuốn bụi bay lên nhuộm đỏ một góc trời. Bên cạnh tôi cũng là một rừng thông nhỏ và trong tương lai nơi đây sẽ là thông xanh bao bọc. Vào mùa này nhiều gió, thoảng đưa khúc nhạc thông vi vu, dịu êm như một điệu đàn bất tuyệt dễ ru hồn người. Nhưng sao trong tôi vẫn có lúc gợn lên những con sóng nhỏ? Ai mà biết được bao nhiêu mùa xuân còn lại của đời mình và điều gì đang chờ mình ở cuối con đường? Và lúc này đây không hiểu sao tôi lại thấy đồng cảm với tâm trạng của một nhà thơ:
…“Ai đâu trở lại mùa thu trước 
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? 
Với của hoa tươi, muôn cánh rã, 
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!…” 
 (Xuân - Chế Lan Viên)
Với tôi, không mong chờ xuân đến không có nghĩa là sống bi quan mà chỉ là sự ung dung, bình thản. Khi đã trải qua những sóng gió thăng trầm thì lòng người bỗng chững lại trước những đổi thay. Đổi thay của đất trời thiên nhiên, của lòng người. Để rồi cảm thấy không còn náo nức chờ mong như hồi còn nhỏ. Cũng đâu còn những mộng ước xa vời của thời con gái. Nhưng lòng tôi vẫn chưa vô cảm bao giờ mà ngược lại là đằng khác! Chỉ có điều càng về xế chiều tôi càng thấy cái vòng khổ ải, lẩn quẩn của kiếp người. Người thì “thả mồi bắt bóng”, người thì mãi đuổi theo những khát vọng chưa thành. Điều đem lại hạnh phúc cho người này chưa hẳn đã là hạnh phúc đối với người kia, có người cả đời khát khao hạnh phúc nhưng chưa bao giờ có được trong tầm tay vì thiếu duyên may gặp gỡ, hoặc nếu như không lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc cho chính mình.
Phải chăng hãy cứ sống bình thường như mọi người, vui theo cái vui, buồn cái buồn của số đông thì sẽ dễ tìm được sự yên bình và thanh thản. Cái khó là làm sao dung hòa được để không đánh mất chính mình và giữ lấy niềm tin yêu, hi vọng trong cuộc đời này tuy rằng còn có nhiều gian nan, bất trắc. Hãy giữ lấy mùa xuân trong tâm hồn của mỗi người .
Một mùa xuân nữa, không vội vàng, cũng chẳng chờ đợi ai đâu, vẫn đang chầm chậm lướt qua.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...