Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Những điều nghe, nhìn, cảm nhận là thấy Tết

Những điều nghe, nhìn, cảm nhận là thấy Tết
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán – Tết cổ truyền Việt Nam. Tết là ngày đoàn tụ, là nỗi mong mỏi của các thành viên trong gia đình, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong đến Tết để sum vầy. Với mỗi người Việt Nam, Tết luôn là sự kiện ý nghĩa và mang lại nhiều cảm xúc nhất.
Tết không phải là cái gì đó cao xa, nó đơn giản là cuộc sống, là những điều bình dị luôn có trong tim mỗi người Việt Nam. Để rồi đi đâu, người ta cũng không thể quên được hương vị Tết quê nhà. Có những điều chúng ta chỉ cần nghe, nhìn, cảm nhận là thấy Tết để rồi háo hức khôn nguôi.
Mọi người chuyển sang tính lịch âm
Bước sang tháng cuối cùng của năm, khi bạn thấy tất cả mọi người đã bắt đầu chuyển sang tính lịch âm có nghĩa là Tết đã đến rất gần. Ngay tại thời điểm này, ông bà, bố mẹ đã gắn cho ngày tháng chữ Tết rồi đấy, ví dụ như: 15 Tết, 20 Tết,...
Mưa phùn lạnh
Ở miền Bắc mỗi dịp Tết về cũng là lúc những hạt mưa phùn nhỏ li ti mà văn thơ hay miêu tả là “mưa như rây bột” bay bay theo từng cơn gió lạnh khiến lòng người xốn xang. Mưa phùn khiến cả đất trời trầm buồn, bao trùm trong một làn sương khói lững lờ, quấn quít trên vòm cây, mái phố. Chẳng biết từ bao giờ, mưa phùn mùa xuân đã trở thành đặc trưng rất riêng trong những ngày Tết.
Mưa làm ẩm ướt phố xá, mưa khiến những loài hoa bung nở khoe sắc. Mưa phùn luôn có một “hương vị” rất riêng hòa lẫn trong mùi hương trầm lại khiến cho người ta cảm thấy ấm áp, thèm cảm giác sum họp hơn bao giờ hết.
Nhạc xuân
Mỗi khi nghe giai điệu rộn rã của những bài hát như “Ngày Tết quê em”, “Xuân đã về”, “Phút giao thừa lặng lẽ”, “Tết nguyên đán” hay “Ngày xuân long phụng xum vầy”… là mỗi người lại cảm nhận được Tết đã đến rất gần.
Những khúc ca xuân đặc sắc luôn được mọi người yêu thích trong những ngày đầu năm mới. Nhạc xuân giúp mỗi người gần hơn với không khí Tết và tìm thấy bóng dáng quê hương trong từng lời ca tiếng hát.
Ti vi ngập tràn quảng cáo Tết
Ngay từ Tết Dương lịch, nhiều quảng cáo rộn ràng sắc xuân đã được trình chiếu trên ti vi. Tết Nguyên Đán càng đến gần thì lại càng có nhiều quảng cáo liên quan đến Tết hơn. Điều này khiến không ít người chỉ muốn ra khỏi nhà đi sắm đồ Tết ngay và luôn.
Mùi hương trầm
Độ 23 tháng Chạp, ngày cúng đưa ông Táo lên trời, trong nhà ngoài ngõ bắt đầu phảng phất mùi hương trầm dịu ngọt, thanh khiết. Mùi hương báo hiệu ngày Tết đã cận kề trong mỗi gia đình. Vào ngày 30 Tết, khi nhà nhà nghi ngút khói hương thì mùi hương thành kính này lại càng thêm lan rộng, bay trong không gian khiến người ta cảm thấy ấm cúng.
Mùi thơm ngan ngát, mênh mang của hương trầm được thắp liên tục trong ba ngày Tết. Mùi hương trầm còn lắng đọng, thấm sâu vào lòng gợi lên niềm nhớ thương da diết quê nhà của những người con đi xa. Có lẽ vì thế, trong những ngày thường, bất giác ngửi thấy mùi hương thơm, lòng người lại bồi hồi nhớ Tết.
Hoa đào, hoa mai
Mùa xuân là mùa cây cỏ đâm chồi nảy lộc nên không thể thiếu những cây hoa mừng Tết. Tùy theo mỗi vùng miền lại có những loài hoa đặc trưng khác nhau. Nếu như phố phường miền Bắc thắm hồng với những cây đào thì miền Nam lại có những nhành mai vàng chen nhau đua nở.
Vẻ đẹp của cây đào, cây mai mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu và hy vọng vào năm mới an khang thịnh vượng.
Bánh chưng
Ai đó nói “thấy bánh chưng là thấy Tết” quả không sai. Trong một ngày trời lạnh ngửi mùi bánh chưng thơm phức được bóc ra đĩa hẳn ai cũng rộn ràng nghĩ về Tết.
Bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết cổ truyền của mỗi gia đình Việt. Niềm vui càng nhân lên khi cả nhà nhộn nhịp rửa lá dong, chuẩn bị đậu xanh, thịt lợn, gạo nếp. Những đứa trẻ còn líu ríu, thích thú hơn khi được cha mẹ làm riêng cho một cái bánh nhỏ xíu, đáng yêu.
Đến tối mọi người cùng quây quần bên nồi bánh chưng to, hàn huyên những chuyện thường ngày, kể cho nhau những câu chuyện cũ chờ đến lúc hương thơm ngào ngạt của bánh tỏa ra khắp không gian. Tất cả những điều này đã thành tập quán, văn hóa sống trong gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về khiến cho ai dù đi đâu cũng không thể quên được.
Màu sắc mứt quả, hạt dưa
Chỉ cần nhìn những màu sắc sặc sỡ của các loại mứt quả là ta lại thấy không khí Tết rộn ràng khắp nơi. Những khay mứt như mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai, các loại mứt dẻo như mãng cầu, me, khế,… kèm theo màu đỏ của hạt dưa được bày bán thu hút người mua.
Vào dịp gần Tết, mỗi ngày chúng ta đều chuẩn bị những món này để bày lên khay đĩa cho trẻ con, người nhà và khách đến cùng thưởng thức.
Dưa hành, câu đối
Bên cạnh bánh chưng xanh, ngày Tết không thể thiếu dưa hành, câu đối đỏ. Mùi nồng nồng, vị chua, cay của củ hành (củ kiệu) muối chua luôn là một món ăn được ưa chuộng giữa mâm cao, cổ đầy ngày Tết.
Câu đối đỏ cũng mang đến phong vị xuân vô cùng ấn tượng trong mỗi gia đình Việt Nam. Đó là nét văn hóa tồn tại lâu đời thể hiện tinh thần hiếu học của con người Việt Nam. Mỗi chữ viết trên câu đối mang đến một ý nghĩa khác nhau và luôn được trân trọng, nâng niu.
Còn với bạn, điều gì khiến bạn nhớ Tết, hãy kể cho chúng tôi nghe nhé!
Theo Dung Nhi/Baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...