Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Dự cảm mùa xuân

Dự cảm mùa xuân
Một mùa xuân mới lại về trên quê hương đất Hạ thân thương, cái hương sắc của đất trời mùa xuân ngàn năm xưa vẫn thế, ánh nắng vàng nhè nhẹ, gió thổi mơn man, chim chóc chuyền cành hót véo von, cây cối ra hoa, nhú nụ…trong cái khung cảnh giao mùa giữa trời và đất, làm cho tâm hồn con người thấy mới mẻ, lâng lâng, dịu dàng, khoái cảm. Trước cảnh vật, vẻ đẹp của mùa xuân lòng người tràn đầy xúc cảm, suy tư, nghĩ về những mùa xuân đã đi qua và dự định cho một mùa xuân tới.
1.  Tôi đang bước đi trên con đường Bạn của làng, con đường bê tông cao ráo sạch sẽ, kết nối với 20 lối xóm, trong đó nhiều xóm cũng đã được bê tông hóa. Phía ngoài đường Bạn là cánh đồng lúa đang nhú chồi non đón ánh nắng xuân, một màu xanh tít tắp vào tận nơi xóm rẫy, hứa hẹn một mùa vàng bội thu, thấp thoáng bóng cò trắng chao liệng, thoảng chốc chúng lại vỗ cánh rủ nhau bay về nơi xa xa kia là Lều cù, Vực Sanh, hòn Đá bạc…
Nhớ lại những mùa xuân qua, cũng trên con đường này và những con đường xóm nữa, cảnh lầy lội, ướt át, trơn như đổ mỡ, bùn quá mắt cá chân, đi phải bấm thật sâu vào đất , ngày xuân, đi chúc Tết,  đi họp Họ gặp nhau, chào nhau nhưng không dám nhìn kỹ mặt nhau bởi phải dè đường kẻo trượt. Người đi làm đồng cũng vậy, tất tưởi trượt lên, trượt xuống bởi gánh nặng oằn vai. Nay xe cộ chạy bon bon xuôi ngược, bà con ra đồng bằng xe máy, từng tốp xe bỏ nghiêng bên bờ ruộng, xe vận tải nhỏ ra đến tận Cồn cui, Cồn Xã, Bàu Mật, Bàu Đưng...
Đường Bạn trước khi xây dựng mới
Người đi xa về cảm nhận sự đổi thay, rõ nhất chính là ở những con đường. Không biết ai đã “xin” được dự án con đường Bạn, nghe nói: Có vai trò của anh Lưu Văn Bài nguyên trưởng phòng tổng hợp Văn phòng UBND tỉnh. Nếu quả đúng như thế thì quý lắm thay, những người con làng Hạ quê tôi dầu ở vị trí nào, nơi nào cũng luôn nghĩ về quê hương, làm cho quê hương những gì có thể, bởi trong từng đường gân thớ thịt của mỗi người, được kết tinh từ hạt lúa củ khoai của đất làng Cao lao hạ.
Nụ cười của O thôn nữ Cao Lao trên Đường Bạn mới 
Đường Bạn rồi đến đường xóm, năm qua, có đến 6 con đường xóm được bê tông hóa theo tiêu chuẩn Nông thôn mới, rộng, dày, đẹp, chất lượng. Phong trào hiến đất, hiến vườn, phá bỏ bờ rào, cây cối, hoa màu để nhường chỗ cho những con đường, được mọi người hưởng ứng. Con em quê hương làm nghề xây dựng mạnh dạn về đầu tư, thi công. Trước tạo công việc làm cho Doanh nghiệp sau trả nghĩa với quê hương. Anh Lê Văn Quảng  một thanh niên năng động tháo vát, tự bỏ vốn của mình  tạm thời thay cho phần đóng góp của bà con rồi thu dần sau để xóm 11; 12; 16 sớm có đường mới, thật quý trọng lắm thay, đáng tiếc đường chưa xong thì anh đã ra đi…Xin thắp một nén hương tưởng nhớ anh, một con người giàu lòng nhân nghĩa. Anh Nguyễn Trọng Khánh chủ DN Khánh Huy nhận làm đường xóm 6; 7; 15 xóm nào anh cũng giảm phần đóng góp cho bà con, coi như một phần tình cảm của anh giúp đỡ, đóng góp với quê hương. Nhiều bà con ở xa đóng góp đến hàng chục triệu đồng, có gia đình đóng góp đến 50 triệu như gia đình anh Trần Văn Chiến; quỹ caolaoha.com cũng tham gia hỗ trợ với bà con các xóm.... 
Đi trên những con đường mới, lòng thấy lâng lâng khấp khởi, mừng với quê hương, hãnh diện với bạn bè rằng quê mình nay ô tô vào tận ngõ. Vẫn không ít những tiếng ra tiếng vào, có người nói: Đường Bạn làm sai thiết kế, thất thoát XYZ %, đường xóm thì chỉ định người thầu chưa theo ý của dân…Riêng tôi, tôi thấy những công trình đó quá tốt, lãnh đạo xã đã biết tranh thủ mọi nguồn lực, lo cho dân, lo cho quê hương, những nghi ngại nhỏ nhoi kia, nơi nào chẳng có, điều quan trọng vì lợi ích toàn dân. 
Vấn đề chính là phải bảo vệ và sử dụng tốt những công trình, phải làm cho dân thấy được đó là tài sản của chính mình, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”  mọi người, mọi nhà tự bảo vệ, tôn tạo, tránh đào bới lắp đặt thêm các công trình cá  nhân làm hư hỏng biến dạng. Thêm nữa, các xóm còn lại, xã nên tiếp tục bê tông hóa đúng tiêu chuẩn, bởi xóm làm, xóm không, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, phân tâm lòng người…
Những con đường đã và đang làm thay đổi căn bản bộ mặt làng quê tôi, một sự đổi thay, thỏa mong ước ngàn đời, dân quê tôi đang từng bước thoát ra khỏi cảnh lầy lội, tối tăm.
2. Tôi đã đi khá nhiều làng quê, không  nơi nào có hệ thống nhà thờ HỌ như Cao lao hạ quê tôi. Nhà thờ được trang trọng bố trí trước mặt làng, bên cạnh con đường Bạn, mỗi nhà thờ, dẫu to hay nhỏ đểu có 2 cây Bàng và 2 cột cờ trước nhà. Ngày Tết, ngày Lễ, ngày rằm cờ bay phấp phới, tiếng trống tiếng chiêng âm vang khắp mọi xóm, con cháu rộn ràng xúng xính trong những bộ quần áo mới theo sau các bậc cao niên áo dài khăn đóng bâng xôi cúng Tổ.
Năm Nhâm thìn 2012 vừa qua, có lẽ là năm vượng khí nhất của các họ tộc  trong làng, đọc tin trên trang mạng thì biết, rất nhiều Họ xây mới, tôn tạo nhà thờ, la thành, đường đi, lăng mộ…Công trình nào cũng hoành tráng nguy nga, huy động hàng tỷ đồng, con cháu khắp mọi miền đều gửi tiền về đóng góp, cung tiến TỔ TIÊN, có người ủng hộ hàng trăm triệu. Nét văn hóa tâm linh của cha ông được con cháu truyền giữ và phát huy rất đỗi nhân văn.
Tôi còn nhớ một nhà văn hóa lớn đã nói, đại ý: Sức mạnh của dân tộc chúng ta được bắt nguồn từ nơi thờ cúng tổ tiên, Đình, Chùa, Miếu mạo, có một thời chúng ta bỏ quên cội nguồn sức mạnh đó. Cũng đúng thôi, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần, là niềm tin, là tập quán thuần phong mỹ tục, nơi đó cố kết sức mạnh dòng tộc và từ từng dòng tộc kết nối thành sức mạnh dân tộc.
Trên thực tế công tác vận động nhân dân có những việc chính quyền làm không hiệu quả bằng từng dòng Họ, ông đại diện cho chính quyền  nói không có tác dụng bằng ông trưởng Họ, bởi ông trưởng Họ là bề trên là đại diện cho tiếng nói của TỔ TIÊN.
Bài học về vận động kinh phí xây dựng Đình làng vừa qua, ngoài vận động qua các tổ chức, đoàn thể, thì vận động qua từng dòng họ rất hiệu quả, sự thi đua giữa các dòng Họ là sự thi đua có yếu tố Tự tôn, tự trọng cao nhất.
Tôi còn nhớ, hội đồng hương Đồng Hới tổ chức họp các Họ để vận động kinh phí xây đình, có các ông trưởng tộc ở ngoài làng vào dự, đêm hôm, mưa gió sự có mặt của các ông làm con cháu xúc động hưởng ứng ngay, con cháu còn góp tiền để làm lộ phí cho các cụ nữa.
Trong một cuộc hội thảo toàn quốc, đánh giá vai trò của già làng trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, đối với công tác vận động nhân dân, có một vị tướng trong ngành Công an chuyên gia đấu tranh chống bọn phản động lợi dụng đồng bào dân tộc, đề xuất ý kiến: Hàng năm Chính phủ nên giành một khoản kinh phí để thăm tặng quà các cụ. Thủ tướng chính phủ có hỏi: Một khoản là bao nhiêu? Đồng chí cán bộ nọ liền nói: Thưa thủ tướng, nếu tặng mỗi cụ 200 ngàn đồng thì tổng số tiền chưa bằng đầu tư xây dựng 2 km đường quốc lộ. Thế đấy, công tác dân vận rất rẻ nhưng hiệu quả mang lại vô cùng to lớn, nhất là vận động cá biệt.
24 dòng họ là kết tinh sức mạnh của làng ta, Đảng, chính quyền, MTTQ xã nên biết nhân sức mạnh đó lên trên cái nền tảng đã được đắp bồi hàng trăm năm nay. Nên chăng, khi các Họ tổ chức động thổ, khánh thành Chính quyền, MTTQ xã có món quà nhỏ chúc mừng, động viên. Ngày xuân, tổ chức gặp mặt các cụ trưởng Họ chúc Tết, tặng quà, về lâu dài MTTQ xã nên hướng dẫn để các Họ xây dựng TỘC ƯỚC (Quy ước của họ tộc) đảm bảo thống nhất, nền nếp quy củ, phù hợp với chủ trương chính sách của địa phương, làm được như vậy thì ý Đảng sẽ thuận lòng Dân, Tổ tiên thiên niên thịnh.
3. Có một câu chuyện của ngành giáo dục, trong giờ toán, thầy hỏi một học sinh lớp Tám: 10 chia 0,1 bằng mấy ? Học sinh đó không trả lời được, thầy bèn đưa ra đáp án, giải thích: 10 chia 0,1 bằng 100, và ngược lại lấy 100 nhân với 0,1 thì bằng 10. Thầy vừa dứt lời có một cậu học trò chửi tục: Mẹ…không thể hiểu được, chia thì to ra, nhân thì nhỏ lại. Từ chuyện đó, có người kết luận học sinh thời nay dốt và vô lễ. Ý kiến khác phân tích lại, do không hiểu bản chất của phép toán với số thập phân nên học sinh đó mới phát ngôn vô lễ, chứ em đó không dốt như ta nghĩ, bởi em đã phát hiện ra cái điều mà em cho là vô lý: Nhân thì nhỏ lại mà chia thì to ra, lỗi trước hết thuộc về thầy thì nhiều hơn.
Tôi không hiểu lắm về mục tiêu “ đạt chuẩn” của ngành giáo dục, nhưng theo tôi hiểu nôm na, thì phải: Chuẩn thầy, chuẩn trường và chuẩn trò. Chuẩn thầy là trình độ năng lực, phẩm chất của đội ngũ giáo viên, chuẩn trường là cơ sở vật chất, còn chuẩn trò là kết quả học tập và đạo đức của học sinh, chuẩn trò là kết quả của 2 chuẩn kia. Học trò dốt, vô lễ trước hết phản ảnh kết quả của người dạy.
Trường Lưu Trọng Lư quê ta đạt chuẩn quốc gia mừng lắm, tự hào lắm, đây là kết quả của một quá trình phấn đấu bền bỉ, gian khổ của thầy, trò, của phụ huynh, của Đảng bộ, chính quyền, của từng thôn xóm…Thật cảm động biết bao khi đọc danh sách ủng hộ tiền để xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, danh sách thật dài nhưng có những món tiền thật ít, âu đó cũng là của ít lòng nhiều, góp gió thành bão. Tiền xây hòn non bộ phải quyên góp mấy đợt mới xong, bác Tuấn tóc bạc, hội trưởng hội đồng hương tại Đồng hới chạy ngược chạy xuôi gõ cửa các Doanh nghiệp con em quê hương, bí quá thì lấy quyền cha chú ra lệnh, quyên cho đủ để góp mấy chục bộ bàn ghế, bởi nếu thiếu thì chưa “đạt chuẩn”.
Nhớ lại mấy năm trước, cho dù khi đó trường còn chưa đạt chuẩn nhưng chất lượng học trò cao lắm. Mùa thi cấp III năm 1998 tôi đưa con đi thi vào trường Chuyên của tỉnh, trong lúc chờ con làm bài, thấy nhiều phụ huynh  nói tiếng “Kẻ hạ” phải đến hơn 20 người, chào hỏi nhau mới biết người làng mình, liền rủ nhau, ra quán chờ con, rồi thân nhau. Năm đó con cháu Cao lao hạ đỗ trường Chuyên của tỉnh kết quả rất cao, người xã khác thấy mà khâm phục, đến nay phần lớn các  cháu đã thành đạt (Lưu Anh Tiến nhà vô địch Robocon là học sinh trường Chuyên khóa đó)
Nay, học trò làng ta còn nhiều vấn đề phải bàn, tốt nghiệp trường Lưu Trọng Lư đa số các cháu thi vào trường THPT số 3, phần để gần nhà đỡ tốn kém, nhưng phần quan trọng hơn là thi trường khác thì khó đỗ. Năm rồi, thầy Cảnh Giang có viết một bài về sự xuống cấp đạo đức của học sinh trường THPT số 3 Bắc Hạ trong đó có  nhiều em là học sinh làng mình. Học sinh ngổ ngáo, say trò chơi điện tử, uống rượu, đánh nhau, gây rối trong giờ học ngay cả với giáo viên, học lực yếu kém, bỏ học, chơi bời, lêu lổng, Ban biên tập trăn trở  mãi khó khăn lắm mới quyết định tạm thời chưa đăng. 
Ngày trước đi học, chẳng những được thầy dạy trên lớp, giáo viên chủ nhiệm còn theo học sinh đến từng nhà, kiểm tra góc học tập, kiểm tra học nhóm, học đêm, phụ đạo kèm cặp…có thầy, có cô bên cạnh ai ai cũng sợ, cũng nể, đố trò nào hư.
Thiết nghĩ, nhà trường nào cũng phải bảo hành sản phẩm của mình, như nhà sản xuất phải có trách nhiệm với hàng hóa của mình vậy, những sản phẩm bị lỗi phải được khắc phục, phải có giải pháp hữu hiệu ngay từ khi còn trong xưởng, đó là lương tâm là trách nhiệm nghề nghiệp.

Tin rằng, trường Lưu Trọng Lư của chúng ta, sẽ phát huy truyền thống trong quá khứ, tích cực xây dựng trong hiện tại để chuẩn thực chất, chuẩn thứ thiệt, mục tiêu cao nhất là chuẩn trò, phải làm sao để bạn bè khâm phục, ngưỡng mộ, các bậc phụ huynh tin tưởng, mến yêu.
4. Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, những vết thương do bom đạn đã lành, đau thương mất mát đã được nguôi dần, nhà cửa đã được ngói hóa, tầng cao, nhưng đâu rồi bóng dáng của làng xưa… Cây Đa bến cũ đâu còn nữa, Miếu lặng, Chùa tan vẳng chiến tranh.
Nhìn bức ảnh Cây đa làng còn sót lại do anh Nguyễn Chung Quý chụp đăng trên Cao lao hạ,com mà mọi người không khỏi bùi ngùi xúc động. Cây đa trơ trọi cô đơn, khô quắt minh chứng cho một thời khốc liệt của bom đạn, sự phai tàn trước gió bụi, thời gian. Cái mong ước của con cháu làng Hạ muốn tìm lại bóng dáng xưa, tìm lại cái hồn của làng, cốt cách quê hương. Năm 2012 vừa qua, Cao lao hạ.com phát động chương trình trồng lại những cây đa làng, được con cháu khắp mọi miền hưởng ứng, góp tiền, hiến kế, đề xuất, người ở làng thì lên kế hoạch thống nhất phương án, địa điểm để trồng lại những cây đa xưa. Đến nay 12 cây đã được trồng lại trên những vị trí mà cha ông đã trồng, đang được chăm sóc, từng ngày, từng ngày phát triển, bén rễ sâu vào đất mẹ, vào mạch nguồn của cha ông. Cái hay, cái đẹp cái văn hóa ở chỗ, thứ nhất: Trồng ở nơi các bậc tiền nhân đã trồng để kế thừa linh khí, phúc, lộc. Thứ hai, cây không mang tên của ai cả, chỉ ghi nhận là cây đa của làng, mặc dầu người đó hiến cây. Thứ ba, không trồng cây đã trưởng thành (cây cổ thụ), bởi cây đó có thể đã mang hồn khí của nơi khác, chỉ trồng cây nhỏ chăm sóc để cây lớn lên mang linh khí, tình cảm, tâm hồn người Cao lao hạ.
Năm mươi năm trước, thế hệ chúng tôi, chơi đùa dưới những gốc đa, được các đấng tiền nhân che chở. Tin rằng, năm mươi năm sau cháu, chắt chúng tôi sẽ lại được hưởng phúc lộc của ngàn xưa.
Chương trình trồng lại những cây đa xưa đã kết nói tình cảm của con em quê hương khắp mọi miền, sự chung tay, chung lòng đó thể hiện đạo lý: Nước có nguồn; Cây có cội.
Một làng quê văn hóa, thanh bình không thể thiếu những cây cổ thụ, trong đó có những cây đa.
5. Đất quê tôi thắm máu con người qua bao cuộc chiến tranh, cho dầu đó là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn thời Trịnh- Nguyễn, đến cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc
Bến Phà gianh, ngầm Hói hạ, đường Ba trại trong kháng chiến chống Mỹ là những tọa độ ác liệt. Máu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, của người dân quê tôi nhuộm đỏ trong mỗi mét đường, mét ngầm. Năm 2012, những bài viết và những ý kiến (comment) gan ruột của người Cao lao hạ xung quanh những địa danh này thật vô cùng xúc động. Mong muốn của mọi người là ở nơi đây có một tượng đài, một khu di tích tưởng niệm xứng tầm, một sự ghi công xứng đáng đối với những người đã ngã xuống trên mảnh đất này vì độc lập tự do.
Những người viết về các sự kiện hôm nay, thời đó còn là những đứa trẻ nhỏng nhẻo với các cô thanh niên xung phong, vô tư chơi quanh trận địa pháo của các chú bộ đội, không hiểu gì về lý tưởng, hy sinh, cống hiến. Ngày đó, đi qua nghĩa trang chôn cất các liệt sĩ Phà gianh ngầm Hói hạ ở đầu xóm 16 trước làng, thấy bạt ngàn những mộ, là mộ, toàn mộ mới, cứ mỗi ngày đêm qua đi, số mộ lại nhiều thêm…
Lớn lên trong cảnh thanh bình, lõm bõm nhớ lại, nghe lại những chuyện xưa mà quặn thắt lòng, nay mộ các liệt sĩ đã được người thân cất bốc về với quê hương, nhưng hồn của họ như còn phảng phất đâu đây, thôi thúc người dân quê tôi hãy làm một cái gì đấy giúp họ lấy lại sự công bằng của lịch sử, để nơi chốn vĩnh hằng họ được an lành, siêu thoát.
Những tiếng nói cất lên, những bài ký, bài viết, bài thơ, chứa đựng những tình cảm, những thông tin tư liệu, cũng được lục tìm, công bố. Rồi những dự định, kế hoạch, đề xuất cũng đã được khởi động, …nhưng chưa mấy thuyết phục.
Có một việc, mong hương hồn các liệt sĩ hãy ghi nhận cho người dân quê tôi. Đó là, tại nơi các liệt sĩ đã ngã xuống, nơi ác liệt, linh thiêng nhất- Bến phà gianh; Ngầm hói hạ người ta định xây dựng ở đây một cái nhà máy bột cá gì đó với lời hứa sẽ đưa no ấm đến cho mọi người. Nhưng dân quê tôi không đánh đổi no ấm đó bằng việc quên đi lịch sử, quên đi xương máu của bao người và đã đồng lòng nhất trí KHÔNG XÂY, những ai định làm, sẽ làm thì mang tội với vong linh các liệt sĩ, phạm vào hồn thiêng sông núi ngàn năm.
6. Có một câu nói: Biết được một bản nhạc hay con người thấy thêm yêu cuộc sống, biết thêm một câu thơ sẽ bớt đi một lời nói tục.
Từ hai câu thơ: Cao lao hạ trạch quê mình / Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non của nhà quân sự lỗi lạc, người con ưu tú nhất của làng: Trung tướng Lê Tri, đã dấy lên một phong trào làm thơ rầm rộ, sôi nổi. Tôi chưa thấy nơi nào như quê tôi, cả làng làm thơ, khắp nơi làm thơ, trong làng, ngoài làng, già trẻ, gái trai, cả ở nước ngoài. Cái hay ở chỗ BBT trang web phát động, thống nhất luật lệ, có nhạc trưởng cầm chịch rất chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết (thầy Cảnh Giang), từ hai câu thơ đó, được mọi người chắp thêm để có một bài thơ dài hoàn chỉnh, và rất hay, có thể nói bức tranh làng Cao lao hạ được vẽ bằng thơ. 
Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều bậc anh tài, hình thành nhiều trang thơ khác, trang thơ Đường dưới sự dẫn dắt của Trường Lưu Cao Lao cũng làm sáng lên trang web của làng, có xướng, có họa, xúc động nhất là chùm thơ nhân ngày lễ Vu lan. Năm 2012 là năm làng tôi sáng tác được nhiều thơ nhất, chất lượng nhất, và xuất hiện nhiều nhà thơ nhất. Trong năm tới, Ban biên tập dự định sẽ cho in mấy tập thơ của làng để giới thiệu với bè bạn, công chúng.
Thơ làm cho con người tốt lên, xích lại gần nhau hơn, sống có tình cảm, văn hóa hơn.
Trang thơ làng tôi phần nào đã làm được điều đó.
Thay lời kết.
Tổ tiên thiên thu tại, con cháu tứ thời tân. Vâng đúng thế! Ngàn năm sau tổ tiên chúng ta vẫn tại làng Cao lao hạ, con cháu thì ngày một đổi thay, phát triển, dẫu đi xa muôn nẻo, dẫu xuống biển lên rừng, cho dù có thành danh thành trạng, hay cơ khổ bần hàn, vẫn  một lòng hướng về cố hương, tiên tổ. Một chút cảm xúc khi mùa xuân đến, một vài dự cảm khi tiết xuân về, những mong quê hương mình khởi sắc đi lên. Xin kính chúc mọi người:

Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai.
Đặng Văn Quang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...