Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Hà Nội - Nguồn cảm hứng dạt dào của thơ, nhạc

Hà Nội - Nguồn cảm hứng dạt dào của thơ, nhạc
Hà Nội, trái tim Tổ quốc như ta thường gọi, khởi đầu từ Thăng Long của hơn nghìn năm trước, trải qua những biến động dữ dội của thế cuộc, của lịch sử, thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và máu của nhân dân, xứng đáng là vùng đất linh thiêng, anh hùng, hào hoa. 
Phù sa của sông Cái – sông Mẹ vĩ đại đã đắp bồi nên một vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội oanh liệt và lãng mạn trong hơn một thiên niên kỷ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 
Ở một mốc gần hơn, khi những Người lính Cụ Hồ áo vải dép lốp mang hào khí chiến thắng Điện Biên Phủ tiến vào Hà Nội, tháng 10 năm 1954, đến mùa thu này cũng vừa tròn 60 năm. Có thể nói rằng từ hơn thiên niên kỷ nay, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội là nguồn cảm hứng dạt dào của thơ nhạc. Tập hợp những tác phẩm sáng tác về Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, ta sẽ có một kho tàng văn học nghệ thuật đồ sộ in dấu ấn sáng tạo của các thế hệ thi sĩ, nhạc sĩ trong đó có những người rất nổi tiếng. Các tác phẩm thơ, nhạc về miền đất nghìn năm văn hiến này có nhiều cung bậc, màu sắc: Hoành tráng vang vọng, cảm hoài u uất, trầm lắng thiết tha, dạt dào sôi nổi, chậm rãi thủ thỉ, truyền thống hiện đại…
Sông núi, phố làng, mùa màng và con người Hà Nội xưa và nay mang những dấu ấn văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của Đất nước, dân tộc đồng thời cũng lấp lánh những nét đẹp, cái đẹp riêng của vùng Thủ đô. Dù có thể không sinh ra trên mảnh đất này nhưng đã là người Việt Nam, ai cũng cảm nhận được một Hà Nội của chúng ta từ sông Hồng đỏ nặng phù sa đến Hồ Gươm lung linh truyền thuyết, Văn Miếu-Quốc Tử Giám thâm nghiêm, chùa Một Cột khiêm nhường thanh thoát, phố cổ lô xô, ngôi nhà sàn của Bác Hồ đơn sơ gần gũi… Thăng Long-Hà Nội đi vào trang viết của rất nhiều thi nhân nước nhà; cổ đến kim đều có những áng thơ hay về nơi địa linh nhân kiệt tài hoa trăm miền tụ hội này.
Từ thời Lý, triều đại có công dựng nên Thăng Long thành trên nền Đại La, Vạn Hạnh thiền sư đã viết: Hướng Nam, thần hộ đất Phù Ninh/ Trai gái đầy thôn nức tiếng lành/ Thiên Đức giàu sang, no đủ khắp/ Giữa trời sao Nữ, thánh quân sinh để ngợi ca quê hương Lý Công Uẩn. Cứ nhắc đến Thăng Long, ta lại nghe vọng vang âm hưởng tự hào bởi Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời và từ Xung Thiên thần vương của Lê Thánh Tông: Vọt vàng ngựa sắt hằng di đế/ Làng Gióng non Trâu miếu hãy còn. Trải qua nhiều biến loạn bể dâu, Thăng Long ghi dấu những hợp tan, những thăng trầm khôn xiết. Bởi thế mới có những tiếng thở dài u uẩn trong thơ Nguyễn Trãi: Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải/ Góc thành Nam, lều một gian (Góc thành Nam), xa xót hoài niệm trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương(Thanh Long thành hoài cổ), ngỡ ngàng nuối tiếc trong thơ Nguyễn Du: Thành mới trăng xưa dõi dõi soi/ Thăng Long đô cũ dãi dầu phơi/ Dọc ngang phố xá mờ trăm vết/ Trầm bổng cầm ca nhạc đổi lời (Thăng Long).
Lịch sử sang trang, Hà Nội hiện lên với nhiều cảm xúc, dáng vẻ, góc cạnh, màu sắc, hình ảnh trong thơ tiền chiến, thơ thời toàn dân chống thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ xâm lược, hòa bình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Hàng trăm, hàng nghìn bài thơ viết về Hà Nội, kể sao hết nhưng không thể không nhớ: Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu/ Hàng Trống, Hàng Khay rộn bước người/ Sách vở lên hương trầm ngát nẻo/ Hoa xoan, hoa phượng chói màu tươi (Phố cũ) nhiều bâng khuâng mơ màng của Vũ Hoàng Chương; Đường Láng thơm bạc hà, canh giới/ Ôi trăng soi trên lá xà cừ (Đêm trăng đường Láng) đầy trực cảm của Xuân Diệu hay: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy… (Đất nước) man mác của Nguyễn Đình Thi và đặc biệt hai câu thơ để đời của Huỳnh Văn Nghệ: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc)… Nhiều lắm những bài thơ viết về Hà Nội, từ Hà Nội xuất hiện trong thời chống Mỹ và sau năm 1975 mà những ví dụ sau đây là vô cùng ít ỏi: Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ;Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ; Đường ở Thủ đô của Lâm Thị Mỹ Dạ;Một góc chiều Hà Nội của Nguyễn Duy; Mẹ ra Hà Nội thăm con của Lê Đình Cánh; Xóm đê của Phan Thị Thanh Nhàn, Viếng Lăng Bác của Viễn Phương;Em ơi, Hà Nội phố của Phan Vũ; Ca bình minh của Lý Phương Liên; Những ngôi sao hình quang gánh của Nguyễn Phan Quế Mai…
Tôi vẫn thích những vần thơ đằm thắm, đắm đuối, ngọt ngào về Hà Nội trong thời chiến tranh; nó giống tâm hồn người Hà Nội, dù trong hoàn cảnh nào vẫn tinh tế thanh lịch như Lưu Quang Vũ cảm nhận: Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/ Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về (Vườn trong phố). Tôi thương đến nao lòng Em của Phan Vũ hòa quyện trong từng góc phố, con đường, mùi hoa của Hà Nội: Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai/ Tóc xõa vai mềm (Em ơi, Hà Nội phố). 
Nên nhớ, Phan Vũ viết bài này trong những ngày Thủ đô bị pháo đài bay B52 của Mỹ rải thảm và đã làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy tháng Chạp năm 1972. Sao lại nhớ đến thế cái hồn nhiên trong suốt, nhẹ nhàng của Lý Phương Liên trong Ca bình minh của thời bom đạn khốc liệt: Em đi làm ca ba/ Đêm buông đầy đường phố/ Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ/ Em đi giữa lòng đường hát khẽ… Lại rất muốn chia sẻ với một Hà Nội tần tảo hôm nay như thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Những ngôi sao của tôi/ Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận/ Vô danh giữa đời thường/ Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình dấu hỏi. (Những ngôi sao hình quang gánh)… 
Thăng Long-Hà Nội cũng đi vào nhạc như là mạch nguồn của những cảm hứng sáng tạo nhiều men say. Kinh kỳ là nơi mời gọi, thu hút nhiều tài danh đến và chính họ góp phần làm rạng rỡ thêm văn hiến non sông. Những người làm thơ tài giỏi thời phong kiến như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh… đã viết nhiều lời về Thăng Long cho ca trù, chầu văn. Trong các ca khúc trữ tình về Hà Nội thời tiền chiến người ta hay nhắc tới Giọt mưa thu mang nỗi buồn êm dịu thánh thót của Đặng Thế Phong hay Phố buồn đắng đót của Phạm Duy. 
Nhưng phải chờ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiếp theo là sự đồng hành cùng hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này, những tác phẩm âm nhạc về Hà Nội mới thực sự tuôn chảy dạt dào. Thời nào cũng có bài hay, cũng có những nhạc phẩm nằm lòng công chúng. Giá trị về nội dung và nghệ thuật của nó vượt qua thử thách thời gian, vượt lên cả yếu tố tuyên truyền để sống lâu, sống mãi với người nghe, người thưởng thức. 
Cũng như thơ ca, đặc điểm lớn nhất của âm nhạc Cách mạng là gắn bó, đồng hành, cộng hưởng với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Đất nước của dân tộc. Chúng ta có thể kể tới các tác phẩm: Mười chín tháng Támcủa Xuân Oanh; Ngày về của Lương Ngọc Trác-Chính Hữu; Tiến về Hà Nộicủa Văn Cao; Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi… thời chống Pháp. Tác phẩm Người Hà Nội hoành tráng là một trong những đỉnh cao của nền âm nhạc Cách mạng viết về Thủ đô. Hát lên, ở thời nào, chúng ta vẫn đều cảm nhận rất rõ rệt và lắng lại hồn thiêng Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội qua những Sông Hồng reo, Hồ Gươm xanh thắm, bóng Tháp Rùa, những cửa ô xưa cũ, những tên phố Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai... thân quen. 
Thời cả nước đánh Mỹ và miền Bắc xây dựng CNXH, nhiều ca khúc hay về Hà Nội đã ra đời như Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu; Bài ca Hà Nộicủa Vũ Thanh; Em là thợ quét vôi của Đỗ Nhuận; Khi thành phố lên đèn của Thái Cơ; Hà Nội-Điện Biên Phủ của Phạm Tuyên; Em ơi, Hà Nội phố của Phú Quang-Phan Vũ; Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp; Hà Nội niềm tin và hy vọngcủa Phan Nhân… Lòng ta như càng yêu dấu Hà Nội hơn khi nghe lời ca cất lên:Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta/ Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình/ Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè/ Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối... (Nhớ về Hà Nội) hay: Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau (Hà Nội, niềm tin và hy vọng). Âm nhạc viết về Hà Nội cũng không hề từ chối đề tài tình yêu lứa đôi. Những ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của Trương Quý Hải; Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn; Ngẫu hứng sông Hồng của Trần Tiến; Có phải em mùa thu Hà Nội của Trần Công Lộc-Tô Như Châu... được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. 
Hà Nội linh thiêng và hào hoa, Hà Nội xưa và nay, Hà Nội thành phố Anh hùng - thành phố Hòa bình mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thi sĩ, nhạc sĩ. Mảnh đất này là chất liệu sống sinh động cho các văn nghệ sĩ khai thác, suy ngẫm để làm nên những tác phẩm tâm đắc của mình. Hà Nội không của riêng ai, Hà Nội của chúng ta, vẫn ẩn chứa biết bao trầm tích lịch sử và văn hóa dân tộc gợi mở sáng tạo cho các văn nghệ sĩ.
Nguyễn Hữu Qúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...