Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Xuân về miên man nỗi nhớ chợ quê

 Xuân về miên man nỗi nhớ chợ quê
      Khi tết đến xuân về, có lẽ trong mỗi chúng ta vẫn nhớ những ngày tết xưa được theo mẹ đi chợ quê sắm tết. Cái khoảnh khắc đó thật vô tư hồn nhiên nhưng vẫn đọng lại sâu thẳm trong tiềm thức mỗi con người. Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì dấu ấn chợ quê cũng đang phai nhạt dần. Vậy nhưng trong dòng chảy của nền văn hóa đất nước chúng ta, chợ quê vẫn có một vị trí quan trọng cho dù có bị lớp bụi của thời gian phủ lên.
       Việt Nam với nền văn minh lúa nước đã có từ hàng ngàn đời nay, cái nền văn minh ấy là cái nôi sản sinh ra văn hóa chợ quê. Người ta nói rằng, muốn biết đời sống ở một vùng quê nào đó ra sao thì hãy ra ngắm chợ. Chợ là trung tâm văn hóa cộng đồng. Chợ là hồn của quê. Cái hồn Việt ấy trải dài từ Bắc chíNam, từ xuôi lên ngược. Dù trên bến hay dưới thuyền, dù giữa dòng sông hay lưng chừng núi, dù vùng sầm uất trù phú hay xơ xác chốn nghèo… Ở đâu thì chợ quê vẫn mang bóng dáng như nhau. Chợ quê là một vẻ đẹp tinh túy của một nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Để thấy được dáng dấp của chợ quê xưa, chúng ta hãy quay lại lịch sử xem các nhà nghiên cứu và học giả ghi chép thế nào.
Năm 1929, trong cuốn “L’Indochine en Ziggzas”, ông Pierre Billotey - một nhà nghiên cứu người Pháp đã viết: “Trên con đường chính, cả một đoàn người nối đuôi nhau đi. Phải chăng họ từ phiên chợ trở về, những người dân quê gánh nặng và đông đảo ấy? Họ bước thoăn thoắt vội vàng, chiếc đòn gánh tre trên vai có lủng lẳng thõng xuống như hai đĩa cân, hai rổ sảo giống như hai chiếc ly hoặc những thúng mủng. Trong những cái thúng mủng này chồng chất hàng ngàn thứ khác nhau, thóc, gạo, chuối, rau, cỏ, hạt, cau, trầu, rơm, nồi đất buộc rất tài tình và nhiều thứ khác nữa…”. Đó là cảm nhận của một học giả nước ngoài. Còn trong cuốn: “Việt Nam văn hóa sử cương” mà học giả Đào Duy Anh đã viết từ năm 1938, ông đã miêu tả về chợ quê như sau: “Ở quê thì cái chợ là nơi dân xung quanh họp nhau mỗi ngày hay mỗi phiên để đổi chác những đồ thổ sản hoặc về nông nghiệp hoặc về công nghiệp, cần dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Ngoài những người nhà quê đến chợ để bán thổ sản, còn có ít nhiều người lái buôn chuyến như hàng vải, hàng xén, hàng cau, hàng thuốc, hàng thịt, hàng bánh, cứ gánh hàng đi chợ này chợ khác để bán rong…”
Chợ quê đi vào tiềm thức mỗi chúng ta bởi nó đơn giản không cầu kỳ, chỉ cần có một bãi đất trống, một bến sông hay một ngôi đình… thì ở đó vẫn hình thành chợ. Chợ quê có chợ mở theo phiên vào những ngày âm lịch cố định hoặc có những chợ mở hàng ngày. Người ta gọi người thành phố là “dân kẻ chợ” và đã sinh ra câu thành ngữ “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì kẻ chợ” để vạch một nét chuẩn cấp độ trong phép so sánh. Nhưng lịch sử của phố thì có sau lịch sử của chợ, bởi chợ là người mẹ của phố, người mẹ ấy ra đời từ quê. Văn hóa chợ quê của chúng ta có từ rất lâu rồi khi những con người trong cộng đồng người Việt có nhu cầu trao đổi hàng hóa. Hình thức giao thương sơ khai nhất trong lịch sử thương mại là “vật đổi vật”. Nói cách khác chợ quê là một điển hình của một nền kinh tế tự cung tự cấp của vùng nông thôn thuở xa xưa.
Không hoành tráng cũng chẳng cầu kỳ nhưng chợ quê vẫn náo nhiệt bởi ở đó vẫn có những tiếng cười rôm rả, vẫn lời qua tiếng lại trả giá của những người mua kẻ bán chứ không khô khốc, cứng nhắc như những trung tâm mua bán ngày nay với giá niêm yết được đánh dấu trên mỗi sản phẩm. Hàng hóa đem ra bán ở chợ quê cũng không có gì đặc biệt mà chủ yếu là các sản phẩm mang tính cây nhà lá vườn của từng vùng quê, chỉ cần vài con cua, con cá bắt được ở ngoài đồng, vài nải chuối, mấy mớ rau, vài con gà, vài bò gạo nếp hay gạo tẻ người ta vẫn mang ra chợ bán hay đổi chác với các sản phẩm khác. Bên cạnh đó ta thấy một sự chân thành gần gũi ở những con người vùng quê qua những phiên chợ, nó như một sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm của những con người vùng quê, bởi có khi đem mặt hàng gì đó ra chợ mà người ta chẳng bán mà gặp người thân đôi lúc lại san sẻ hoặc gửi về cho một thân nào đó không đi phiên chợ hôm nay.
Việt Nam ta, xứ nhiệt đới với nền văn minh lúa nước từ cổ xưa đã đẻ ra cái chợ quê mà nó trở thành tâm thức cộng đồng, là một yếu tố cấu thành nền văn minh làng xã. Trong nền văn minh ấy không thể thiếu được chợ quê bởi nó vừa là quy chuẩn vừa là nhân tố để duy trì mối quan hệ cộng đồng. Chợ quê là trung tâm văn hóa sinh hoạt tự nhiên trong đời sống cộng đồng làng quê. Chợ đã đi vào tâm thức người Việt Nam, hòa vào dòng chảy văn hóa ngàn đời của cư dân Việt với những nét truyền thống khó phai mờ. Nó đơn sơ mộc mạc nhưng vẫn đi vào lòng người bằng những nét chân thật, sâu lắng.
Chợ quê, một không gian sinh động của đời sống và đã gắn bó với chúng ta qua nhiều thế hệ. Nét văn hóa thiêng liêng đó đi vào lòng người bởi nó là một nét chấm phá tiêu biểu hòa vào đời sống mang tính đậm đà bản sắc dân tộc. Không những thế, chợ quê còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam. Nhiều thi nhân đã để lại những câu thơ, bài thơ hay và nhiều cảm xúc trong nền thơ của dân tộc. Những câu thơ đó đi vào lòng người đọc bằng những hình ảnh khác nhau tạo nên một không gian chơ quê đa chiều.
Bà Huyện Thanh Quan khi bước tới Đèo Ngang đã có cái nhìn rất tinh tế trước một không gian trầm mặc nhưng bà vẫn cảm nhận được một điểm nhấn từ xa xa:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà…
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ vương vấn trầm ngâm với không gian cuối buổi chiều chợ Tết ở một làng quê để rồi khi cái buồn đè nặng lên mình, ông đã phải thốt lên.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ…
Nguyễn Bính nổi tiếng là nhà thơ tình với những câu thơ mượt mà. Thế nhưng ông cũng có những lúc miệt mài trên bước đường giang hồ lưu lạc. Và những lúc lang thang đó ông đã bộc bạch với bản thân mình:
Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thì cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà khóc thế nhân ơi!
Trong bài “Bên kia sông Đuống” Hoàng Cầm đã thể hiện mọi cung bậc cảm xúc khi nhớ về làng quê của mình. Trong những ngày thi nhân theo bước đoàn quân diệt Pháp, nhà thơ bày tỏ niềm vui khi nghĩ đến quê hương mình, và trong niềm vui đó nhà thơ đã không quên cảnh chợ quê Kinh Bắc bởi ở đó có.
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng…
          Ngày xuân đến, trong mỗi chúng ta lại ùa về không gian xưa, nơi chợ quê là cái gì đó rất thiêng liêng bởi không khí rộn ràng chuẩn bị cho ngày tết. Ngày nay khi mà các trung tâm mua sắm ngày càng mọc lên nhiều thì vai trò chợ quê cũng giảm đi bởi mọi người phải thay đổi cách mua sắm theo hướng hiện đại. Đó là sự thay đổi để phù hợp với cuộc sống mà chúng ta đang hướng đến. Cũng chính vì thế mà chợ quê lại càng thiêng liêng hơn nếu chúng ta biết giữ nét văn hóa độc đáo này. Có đôi lúc ta thấy chạnh lòng vì những ngôi chợ quê cứ dần dần biến mất, thoảng trong đầu là những ý nghĩ miên man, một nổi buồn không nói ra được bằng lời bởi không gian chợ quê cứ mai một theo từng ngày. Chợt liên tưởng đến một ngày nào đó ở các làng xã cứ đua nhau mọc lên các chợ lớn theo hướng hiện đại, và khi ấy không biết có còn không gian nào cho câu ca dao mộc mạc, tình tứ, quê mùa:
Chàng buông vạt áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa…
Hồng Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...