Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Cõi Thiền trong âm nhạc

Cõi Thiền trong âm nhạc
Từ ngàn xưa đến nay, lịch sử của âm nhạc thế giới hầu như đã gắn bó một cách chặt chẽ với sự tiến hóa trí tuệ và tâm tư tình cảm con người, đồng thời 1ũng kèm theo sự phát triển không ngừng của nó.
Thông thường, một bản nhạc được định tính theo sự bao gồm về thể điệu và dòng nhạc đặc thù nơi thể loại được gọi chung là nhạc tính. Đó là trường hợp thuộc về thể loại nhạc giao hưởng, hòa tấu hoặc nhạc chủ đề được soạn làm nhạc nền cho phim ảnh, kịch nghệ, nhảy múa, đại hội thể thao v.v…Còn lại các ca khúc thì chỉ dựa vào nền nhạc và tùy theo nhạc tính để soạn lời ca. Do đó, nương theo bố cục, người nghe chỉ cần nhận diện một số nét chính trong sự tổng hợp âm sắc của bản nhạc là đã có thể nắm vững cốt lõi trọng tâm của bài nhạc.
Nhu cầu nghe nhạc ngày nay đã trở nên thiết thực và chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống của con người. Người ta nghe nhạc để giải trí, để thưởng thức, để ca múa, để lãng mạn yêu đương, để sầu thương xúc cảm…
Nhưng có lẽ trong chúng ta ít ai lại tìm hiểu đến một thế giới đặc biệt vô hình, vô chất của âm nhạc: đó chính là Cõi Thiền!
Trước tiên, chúng ta cần trở lại định nghĩa của Thiền với cách nhìn đơn giản nhất: Thiền là sự tập trung tư tưởng để hòa đồng bản ngã (chứ không phải quên đi) của mình với tất cả muôn vật! Thật ra cũng không có gì gọi là cao siêu hay khó hiểu khi gọi âm nhạc chính là cửa Thiền. Vì theo định nghĩa trên, khi ta nghe một bản nhạc, tất nhiên có sự tập trung của tư tưởng và thính giác để thu thập tất cả những âm thanh, cũng giống như hiện tượng Lỗ Đen (Black Hole) có sức hút mãnh liệt vạn vật vào trong nó. Lúc đó, ta sẽ cảm thấy gì? nếu không phải là hòa cùng dòng nhạc để tưởng tượng, để mơ màng, để biểu hiện theo cảm tính của bản nhạc? Thế thì đó chính là Thiền…đứt đuôi con nòng nọc rồi còn gì? Chưa hết, tùy theo nhạc tính và lời ca, âm nhạc còn làm cho ta thông quán, chứng ngộ các cảnh giới trong một cõi thiền vốn bao la vô lượng! Xin được phép đưa ra một vài thí dụ các bạn nhé:
Nếu bạn nghe tổ khúc “Chinh Phụ Ngâm” của Cung Tiến, bạn sẽ thấy mình trở về vài chục thế kỷ trước để ngộ thành người chinh phụ ngày đêm trông ngóng tin chồng nơi chiến trận với những nỗi niềm tương tư khắc khoải, tha thiết ray rứt trong tình phu thê chia cắt đôi đường và cảm nhận rõ nét hơn bằng chính cái tâm của mình nơi thân phận của người phụ nữ trong thời tao loạn.

Nghe tiếp Trường Ca Tam Khúc “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, bạn sẽ càng quán ngộ thêm khi hoà nhập vào cõi truyền thuyết với nỗi lòng thương nhớ, chờ mong của người phụ nữ ôm con hóa đá. Nghe những “Nương Chiều”, “Tình Hoài hương” của Phạm Duy, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh quê hương thật thanh bình và trữ tình, êm ả những cánh đồng lúa, trong vắt những tiếng sáo diều, mơ màng những làn khói tỏa nhẹ như sương từ những mái nhà bên chân núi. Còn nữa, nếu bạn nghe “Bài Ca Hạnh Ngộ” của Lê Uyên Phương, bạn sẽ thấy mình là người lữ khách cất bước phiêu du trên đường đời để hưởng thú chờ trăng thưởng nguyệt, nghe chim hót suối reo bên núi rừng hùng vĩ và được hạnh ngộ cùng người tri kỷ để ước hẹn mai này cùng chung cảnh đời. Nếu nghe “Ta thấy em trong tiền kiếp” của Trịnh Công Sơn, bạn sẽ trở về kiếp trước để gặp người duyên nợ trong một khu rừng đầy mưa rơi cũng như bạn sẽ nhìn thấu được kiếp người tạm bợ ở cõi ta bà này. Đến đây, bạn sẽ hiểu được vì sao xưa kia người đẹp Mỵ Nương chỉ nghe qua tiếng sáo của chàng lái đò Trương Chi mà phải sinh lòng tương tư đến ngã bệnh. Mỵ Nương đã yêu nhạc rồi trở thành yêu người tấu khúc trong sự chứng ngộ của bản thân…
Bạn thấy không? Các cảnh giới nói trên rất dễ đạt tới nếu ta so với Thiền Yoga của Ấn Độ, Thiền Trúc Lâm của Thiên Trúc, Thiền Zen của Nhật Bản. Đâu có gì huyền bí, phức tạp, cao sâu, khó hiểu. Chỉ cần có tâm nhạc tất đã có tâm ấn nơi nẻo thiền rồI! Còn không bạn hãy nhìn những nhạc công đang nhắm mắt say sưa, rung động toàn thân khi tấu lên các nốt nhạc cảm hứng, và hãy nhìn khán giá cũng đang nhắm nghiềm cặp mắt lại lắc lư quay cuồng theo dòng nhạc tuôn chảy. Họ không nhập thiền thì gọi là gì đây? Ta gọi bản ngã đã hòa đồng cùng dòng nhạc là vì vậy. Nếu quên đi hẳn bản ngã tất không có được những biểu hiện “phê” một cách dễ thương như vây? Các bạn đồng ý không?
Cõi thiền của âm nhạc cũng không bị gò bó nơi dạng thể tĩnh hay động như các loại Thiền khác và cũng không nhất thiết phải ngồi tĩnh tọa như người ta thường gọi là ngồi thiền. Bạn có thể đi vào cửa thiền dòng nhạc ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất cứ đang làm việc hoặc nghỉ ngơi, khi bạn đang lắng nghe tiếng nhạc bằng tâm nhạc của mình.
Như vậy bản chất của âm nhạc vốn đã ẩn chứa cái Thiền thì các “Thiền Gia” tác giả còn đưa vào những lời ca Thiền rồi tác tạo ra Thiền Ca, Thánh Ca, Đạo Ca v.v…để làm gì? Đơn giản lắm! Họ chỉ muốn tăng thêm phần đạt tới cảnh giới bằng cả sự cảm nhận của âm thanh lẩn ngôn ngữ, họ làm cho chúng ta thêm phần hội nhập cùng Thiền, cùng Đạo, cùng Thượng Đế.
Carlos Santana, tay guitar trứ danh của ban nhạc nổi tiếng Santana đã sang tận Ấn Độ mà ngồi tịnh trước các cổng chùa để tìm chất liệu sáng tác, George Harrison của The Beatles cũng từng đến các chùa chiền ở Tích Lan và đặc biệt rất say sưa tìm hiểu các âm sắc loại đàn Jita của Ấn Độ, danh cầm synthesize Kitaro của Nhật Bản thường trình diễn trước công chúng nơi các đền thờ Thần Đạo, linh mục Thành Tâm của Việt Nam sau biến cố đau thương 1975 đã đề xướng và thực hiện việc trình diễn Thánh Ca trong giáo đường bằng dàn nhạc gồm đầy đủ nhạc cụ chứ không đơn độc một chiếc đàn organ như trước đó v.v… tất cả đều là mục đích nói trên.
Cõi thiền trong âm nhạc còn được biểu hiện qua các câu hát, những điệu huýt sáo khi ta vui miệng bật ra mà đôi khi không nhớ đó là câu nhạc của bài hát nào, tác giả là ai, ca sĩ nào trình diễn. Hiện tượng này cho thấy sự thấm nhập trong tâm thức chúng ta một trường âm thanh lắng đọng để thỉnh thoảng bật phá lên những cơn sóng nhẹ nhàng trong cõi thiền hư vô. Nó cũng như việc những người ngồi thiền lâu lâu chợt bắt gặp những hình ảnh, cảnh vật mà mình đã trông thấy hoặc cảm nhận qua rồi. Hơn nữa, với âm nhạc bạn còn có thể đi vào những cảnh thiền mà mình thích hợp: Thiền Rock, Thiền Jazz, Thiền Blue, Thiền Fusion, Thiền Pop, Thiền Giao Hưởng v.v…
Những thiên tài âm nhạc như Johann Sebatian Bach, Ludwig Van Beethoven, Wolfgang Amadeus Mozart, Frédéric Chopin, Franz Schubert v.v… nếu không đạt đến mức vô vi tối cao trong cõi thiền của âm nhạc thì chắc là không thể nào để lại được cho hậu thế những tác phẩm giao hưởng vĩ đại và kỳ ảo như vậy. Ngoài Bach ra là tương đối có một cuộc sống đầy đủ, còn lại hầu hết những danh nhân kể trên đều đã trải qua một kiếp phù sinh đầy gian truân, phong trần và thống khổ.
Còn gì đau đón và trớ trêu hơn khi một nhà soạn nhạc bị tê liệt thính giác chẳng khác nào một họa sĩ bị mù! Nhưng Beethoven vẫn nghe nhạc, vẫn chơi nhạc, vẫn sáng tác nhạc một cách đều đặn. Và trường tấu khúc Giao Hưởng Số 9, một trong các kiệt tác hàng đầu của dòng nhạc giao hưởng thế giới lại được ra đời trong hoàn cảnh ông bị điếc hoàn toàn! Cái gì đã khiến cho Beethoven vượt qua trở ngại, thử thách lớn lao đó nếu không phải là trình độ nhập thiền của ông đã đến mức siêu việt? Beethoven đã nghe nhạc bằng mắt, bằng óc và bằng cái tâm!
Mozart, một vĩ nhân âm nhạc của Áo Quốc, thời sinh tiền phải lang thang khắp đó đây để mưu sống. Nhưng kiếp thanh bần đã không cản trở nổi tiếng đàn dương cầm quyến rũ diễm ảo của chàng nghệ sĩ phong trần và những tác phẩm vượt thời gian của Mozart càng giàu về âm điệu càng tao nhã về tiết tấu nơi dòng nhạc êm ái bao nhiêu thì càng chứng tỏ nội tâm nơi cõi thiền của ông càng tích cực và mãnh liệt bấy nhiêu khi muốn đạt đến mơ ước vượt qua kiếp nghèo túng, Để rồi cuộc đời tài hoa của Mozart đã kết liễu trong một bi kịch định mệnh: đám tang của Mozart gặp phải ngày bão tuyết nên chỉ có chú chó trung thành và người đánh ngựa chở cỗ quan tài theo ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, do đó cho đến nay cũng không ai biết rõ mộ ông ở nơi nào. Mozart đã sống một đời rất thiền trong thế giới âm nhạc khi cống hiến cho trần thế những tác phẩm nghệ thuật bất hủ trong cảnh túng quẩn nợ nần, cũng như việc hoàn trả lại thân xác tục lụy của ông cũng rất thiền: cái thân, cái xác, cái mộ, cái bia đều là vật hữu hình, có cũng như không!
Từ đó cho đến mãi ngàn sau, những “Thiền Sư Âm Nhạc” nói trên đã hòa nhập tinh thể cùng những nhạc công để tấu lên những nốt nhạc tươi sáng, trữ tình mà đem nguồn vui đến cho đời.
Con người có quá nhiều triết lý để sống, nhưng lại ít khi áp dụng những điều thực tế đơn giản để thăng hoa cuộc sống, đó chính là những giây phút lắng đọng để tâm hồn hòa vào thế giới thiền của âm nhạc mà nhận diện về chính mình và vũ trụ này. Được như vậy, ít ra con người sẽ trở nên yêu thương nhau hơn qua một cái tâm đồng cảm: tâm nhạc.
Theo http://vietnamcayda.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...