Con sông trong "Tống biệt hành" của Thâm Tâm riêng
ra một lối, như muốn vĩnh viễn cắt đôi số phận người đi và người tiễn. Vì thế,
điểm nhìn cảm xúc đã rọi chiếu bắt đầu từ người tiễn, lại không muốn đưa qua
sông, mà dùng dằng ly biệt người đi.
Đất Việt là nơi cư dân trồng lúa Việt đã ở ngàn đời, với nét
hoa văn hoá, văn minh lúa nước, cùng ba thông số: xứ nóng ẩm, xứ sông nước,
giao điểm văn hoá văn minh thế giới. Sông nước, tất thành yếu tố tâm linh người
Việt "kỳ diệu". Mọi cử chỉ sống Việt: yêu đương, hôn phối, sinh tồn...
đều mang dung dáng sông nước.
Yêu đến ước gì sông rộng một gang, bắc cầu dải yếm cho chàng
sang chơi. Xuân Diệu ví: Mắt em là một dòng sông, thuyền anh bơi lội trong dòng
mắt em. Xa quê Hà Nội, tôi nhớ sông Đáy bãi bờ biêng biếc, dọc triền sông Nhuệ
ngan ngát nương dâu. Và điếng lòng nhớ chùm thơ lai láng hình tượng sông, chói
chang vẻ đẹp thuần Việt: "Tràng giang" của Huy Cận, "Tống biệt
hành" của Thâm Tâm và "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính...
Từ thời điểm dừng lại của cuộc dùng dằng ly biệt, bài thơ “Tống
biệt hành” dường như tĩnh tại, không lưu chuyển. Điểm nhìn thơ thành âm tính,
quay ngược về thẳng nội tâm, nghe sao có tiếng sóng ở trong lòng? Mắt soi trong
mắt, thấu thị một bóng chiều ra màu dở dang không thắm không vàng vọt, đến mức
nội tâm bật sáng nghi vấn nữa: Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Con sông đang hiện hữu dường như biến mất. Tâm trạng đau đớn,
biết chắc người đi sẽ "một đi không trở lại" đã làm mờ nhoè cả hình ảnh
con sông lẫn con đò hiện thực, lẽ ra phải rời bến sang sông để hoàn tất tiễn
đưa, song, chỉ vì cử chỉ "không đưa", mà bài thơ đã cấu tứ ngược với
tên “Tống biệt hành”, vốn mang nghĩa dương tính: "Tiễn một người bạn đi
chiến khu" (như bạn cũ của Thâm Tâm từng cho biết). Vì sự ngược chiều này
mà bài thơ đã quyến quyện được hai hơi thở trữ tình và chính luận - triết học,
vốn không dễ có mẫu số chung trong tác phẩm thơ trữ tình.
Nhất là khi nó được cấu trúc mạch cảm xúc trên tình huống biệt ly, (cũng là tên ca khúc buồn não ruột của Dzoãn Mẫn), vốn thường là mảnh đất thuận cho "sầu riêng trổ bông"...
Nhất là khi nó được cấu trúc mạch cảm xúc trên tình huống biệt ly, (cũng là tên ca khúc buồn não ruột của Dzoãn Mẫn), vốn thường là mảnh đất thuận cho "sầu riêng trổ bông"...
Nỗi buồn mang vẻ vô thường kín đáo này được xác tín trong cuộc
biệt ly riêng đưa người ta chỉ đưa người ấy, với lý do sâu kín chỉ hai người biết,
hà tất chia xẻ cùng ai. Người đưa lại ngược về nội tâm, lý giải người đi, bằng
những câu thơ hàm nghĩa, toả bóng dài rộng trong cõi âm vang của dồn nén tu từ.
Người đi được gọi là "Ly khách! Ly khách!" với thức mệnh lệnh đượm
mùi "kiếm hiệp". (Có nhẽ Thâm Tâm muốn gợi lại điển tích Kinh Kha, kiếm
khách thời Chiến Quốc, tự nguyện nhận hành thích bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, khảng
khái ngâm thơ tặng người tiễn mình, trước khi vượt sông: Gió đìu hiu hề/ Nước
sông Dịch lạnh ghê/ Tráng sĩ ra đi chừ không về).
Tuy nhiên, Thâm Tâm chuyển ngay sang một đoạn thơ hoàn hảo tu
từ thuần Việt về người đi, với tâm nguyện: Chí nhớn chưa về bàn tay không/Thì đừng
bao giờ nói trở lại/Ba năm mẹ già cũng đừng mong. Vậy, người đi, với một niềm
câm lặng, chỉ người tiễn tự sự triết học: Ta biết người buồn chiều hôm trước...
Ta lại biết người buồn sáng hôm nay. Biết, để sực tỉnh thảng thốt, trở lại sự
thực không thể dối lòng, dù rất sâu xa vẫn thoảng nhẹ nghi vấn khắc khoải: Người
đi? Ừ nhỉ, người đi thực/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em
thà coi như hơi rượu say…
Ta không khi nào có thể nghĩ dòng chảy thơ Việt hiện đại lại
vắng thiếu con sông ly biệt đặc hiệu Thâm Tâm này.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét