Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Đôi mắt qua văn chương

Đôi mắt qua văn chương
Trước hết, mắt là một cơ quan đặc biệt và nhậy cảm nhất trong con người. Chúng ta thường nghe nói: "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn". Khi còn ở bậc Trung Học, tôi đã có lần tranh luận với vị nữ giáo sư môn Việt Văn về câu này, vì tôi cho rằng nếu ví tâm hồn con người như một căn nhà, thì thật ra phải nói là "đôi mắt là cánh cửa của tâm hồn", vì cửa sổ không quan trọng bằng cửa chính để ra vào căn nhà, và một căn nhà nhiều khi không có cửa sổ. Hình như ngày ấy, vị nữ giáo sư đã nói với tôi để kết thúc cuộc tranh luận rằng: "Câu này của người khác nói, không phải của cô. Em đừng cãi với cô nữa. Chúng ta sang bài khác." Tôi ấm ức cho đến bây giờ. Nhưng hôm nay, xin phép Quý Vị cho tôi được nói qua về đôi mắt của CAIN trong Triết Học. Theo Kinh Thánh, Cain là con trai của ông Adam và bà Evà. Vì ganh ghét nên Cain đã giết chết em ruột là Abel. Từ đó, tuy đã chết, nhưng đôi mắt của Abel đã đi theo ám ảnh Cain suốt đời. Đi đâu, làm gì, đêm cũng như ngày, nhắm mắt cũng như mở mắt, Cain đều thấy đôi mắt của Abel ai oán nhìn Cain không rời. Triết Học muốn mượn đôi mắt của Cain để nói đến lương tâm của con người.
Có nhiều loại mắt đẹp như mắt bồ câu, mắt nai, mắt lá răm, mắt nhung, mắt huyền, nhưng cũng có những loại mắt kém thẩm mỹ như mắt ốc lồi, mắt ti hí, mắt lươn. Câu ca dao, tục ngữ đã khẳng định: 
"Những người ti hí mắt lươn 
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người" 
nhưng chúng ta lại thấy nhiều kẻ gây trọng án trộm cướp, giết người có những đôi mắt bình thường, mở to và những phụ nữ chuyên phá hoại gia cang người khác đã có những đôi mắt đẹp trên mức trung bình. Vậy thì chúng ta phải xét lại câu tục ngữ trên, kẻo ... "oan" cho những người chẳng may sinh ra có đôi mắt ti hí như mắt con lươn! 
Và người xưa đã từng đánh giá: 
"... Đôi mắt lá răm, 
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền." 
Một thi nhân đã thú vị kêu rằng: 
"Mắt em là một dòng sông. 
Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em." 
Hoặc: 
"Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô"
hai chữ "ngơ ngác" đã ngầm ám chỉ về đôi mắt của chú nai. Cái gì đã khiến cho chú nai vàng của Lưu Trọng Lư trở nên ngơ ngác, thưa đó chính là đôi mắt nai của chú. 
Một thi sĩ đã diễn tả đôi mắt người yêu: 

"Đôi mắt đa tình trông lẳng lắm, 
Với bàn tay ngọc, ngón măng tơ." 
Khi còn ở bậc trung học, giáo sư môn Vẽ đã dạy cho học sinh vài nét vẽ biểu thị cho con mắt. Con mắt buồn bã, nhìn xuống, được vẽ bằng một đường nằm ngang như dấu trừ. Con mắt ngạc nhiên, trố lên, được vẽ bằng hai dấu mũ của chữ ô. Con mắt tươi cười, vui vẻ vẽ bằng hai dấu vòng cung của chữ ă. Con mắt gian xảo được vẽ bởi hai chấm đen nằm ở cuối hai đuôi của hai con mắt. 
Trong lĩnh vực ca nhạc, đôi mắt đã đóng góp nhiều cho thế giới âm thanh. Những nhạc sĩ như Phạm Đình Chương đã phổ thơ Quang Dũng với "Đôi Mắt Người Sơn Tây". Nhạc sĩ Thông Đạt vớí "Đôi Mắt Huyền". Rồi Ngô Thụy Miên với "Mắt Biếc" và "Giọt Nước Mắt Ngà". Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ "Đừng Nhìn Em Nữa Anh Ơi!" của Minh Đức Hoài Trinh. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn trong "Nắng Chiều". Và nhạc sĩ Hoàng Quý trong "Cô Láng Giềng" cũng đã hơn một lần đem con mắt vào âm nhạc của họ. 
Trong văn xuôi, đã có tác phẩm "Loan Mắt Nhung" của nhà văn Nguyễn Thụy Long với nhân vật chính là Loan có đôi mắt nhung rất đẹp và rất mơ mộng. Tác phẩm đã được quay thành phim mang cùng tên. Trong kho tàng truyện cổ dân gian cũng có câu chuyện "Năm Anh Thầy Bói Mù Xem Voi" cho ta thấy sự quan trọng của đôi mắt, và khuyên người đời nên nhìn kỹ để đánh giá kỹ mọi việc xẩy ra quanh ta, không nên quá chủ quan, phiến diện mà có kết luận vội vàng, hấp tấp như năm anh mù xem con voi trong truyện. 

Nhưng trong thi ca, các thi sĩ là người đã ca tụng đôi mắt và làm rất nhiều bài thơ về đôi mắt. Với Lưu Trọng Lư, chúng ta đã có: 
"Đôi mắt em lặng buồn 
Nhìn nhau mà chẳng nói 
Tình đôi ta vời vợi 
Có nói cũng không cùng." 
Với Xuân Diệu: 
"Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử. 
Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây." 
Hoặc Thế Lữ: 
"Đôi mắt cô em như say như đắm. 
Như buồn in hình ảnh giấc mơ xạ" 
Trong Kim Vân Kiều, Nguyễn Du diễn tả đôi mắt đẹp của Thúy Kiều long lanh như nước hồ thu, mờ ảo như nét núi mùa xuân, khiến cho hoa ghen tức vì không tươi thắm bằng và liễu giận hờn vì không được xanh tốt bằng qua những câu thơ đầy ước lệ như: 
"Làn thu thủy, nét xuân sơn 
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh."
Và cập mắt của anh hùng Từ Hải:
"Râu hùm, hàm én, mày ngài." 
Nhưng về đôi mắt của Thúy Vân khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, suy nghĩ, không biết thực hư thế nào: 
"Khuôn trăng đầy đận, nét ngài nở nang." 
Cho ta thấy Thúy-Vân có khuôn mật tròn như vầng trăng với đôi mày to và rậm như con ngài nằm vắt ngang trên đôi mắt. Giống như bộ râu của lãnh tụ độc tài Sađam Hussein chăng? Có lẽ đây là một nét đẹp phúc hậu trong tướng số, báo hiệu cho ta thấy cuộc sống thanh nhàn, bình thản, không sóng gió của nhân vật Thúy Vân. 
Các thi sĩ Thu Hồng, Đoàn Văn Cừ, Nam Trân, Tế Hanh, Xuân Tâm cũng đã lồng đôi mắt trong thi ca của họ. Nhưng có lẽ người đem Đôi Mắt vào Thơ một cách say mê và nhiều nhất có lẽ là thi sĩ Bích Khê, một nhà thơ của quê hương Quảng Ngãi. Bích Khê là một thi sĩ thuộc trường phái Tượng Trưng (symbolisme) thi ca hiện đại của Việt Nam. Theo Nguyễn Tấn Long và Phan Canh thì: 

"Tượng trưng bắt nguồn tự thực thể đi vào hư thể của con người sống bằng suy tư, bằng cảm giác.

Lãnh vực nội thức của con người luôn luôn vươn lên đòi hỏi ngoại vật là một tiềm năng cung ứng. Tuy nhiên, ngoại vật là thực thể khách quan không thể nào phù hợp với tâm tư là ảo tưởng chủ quan của con người.
Phái tượng trưng chủ trương phát triển khả năng tâm tư trên hiện thân của sự vật, mà tâm tư là lãnh vực mờ ảo, chịu ảnh hưởng tiềm năng nội thức, nên biến thế giới vật chất thành thế giới trừu tượng của tâm hồn." 

Qua những bài thơ nói về đôi mắt của Bích Khê trong thi tập Tinh Huyết, chúng ta sẽ thấy điều này.

Hàn Mặc Tử khi nói về thơ Bích Khê, đã viết: 

"Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế, thực tế sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu: 
"Bỗng đôi mắt hiện hình - Đôi mắt ngọc! 
Ôi đôi mắt! - Toàn thân tôi rởn ốc! 
Toàn thân tôi tràn ngấm vị say sưa 
Và cảm giác và khoái lạc, xô bồ 
Hoặc ở một đoạn khác cũng trong bài "Đôi Mắt": 
"Hỡi đôi mắt! Nơi Người mà ngọc thạch, 
Nơi giống Người phản chiếu ánh thiên thần. 
Nơi suối Người giữ kín tiếng châu ngân, 
Nơi triển lãm cả một bầu tiên động. 
Nơi rung rinh cả một trời thơ mộng 
Người là ai? Người hỡi? Người là ai?" 
Khi hình tượng đã bước vào địa hạt tâm linh thì không là thực thể nữa. Đôi mắt không còn là cặp nhãn cầu vật chất của nhà phẫu thuật, mà đã trở thành một hư thể, liên tục quay cuồng, làm lệch lạc sự nhận thức bình thường của cảm giác: 
"Hỡi đôi mắt châu báu của muôn đời, 
Cho lòng ta ấp yêu nguồn suối lệ 
Hồn ta dâng trong gợn sóng thu ba 
Cả máu đào, tủy trắng với xương ma 
Cùng tinh loãng là bao nhiêu bảo vật 
Để xây đắp bàn thờ cao chất ngất 
Lút mây xanh là lút cả Thiên Thai" 
Những thực thể bình thường được thi nhân trong trường phái Tượng Trưng tâm tư hóa đến độ không còn hình ảnh rõ rệt. Chúng ta chỉ thấy lờ mờ trong hào quang, tỏa ra ngàn vạn sắc hương. 
Ở một bức tranh lõa thể, Bích Khê đã viết:

"Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố-Nữ 
Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?
Nàng ở mổ Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm 
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm? 
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương? 
MẮT ngời châu rung ánh sáng nghê thường 
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc 
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc, 
Vài chút trăng say đọng ở làn môi." 
Chính bài thơ "Đôi Mắt" của Bích Khê đã là nguồn thi hứng dồi dào cho Hàn Mặc Tử viết lên bài thơ "Đôi Ta": 
"Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết 
Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt 
Đừng nghe chi âm hưởng, địa cầu đang 
Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian, 
Cả thời gian, từ tạo thiên lập địa 
Đều trộn trạo, điều hòa và xí xóa 
Thành hư không như tình ái đôi ta." 
Trong dân gian có một câu đố thuộc loại đố tục giảng thanh nói về con mắt, tôi chắc rằng trong quý vị đây ai cũng đã từng biết, nên tôi không cần nhắc lại.
Và điều đậc biệt là trên khuôn mật, ngoài Mắt ra, nhiều cơ quan đã bắt đầu bằng chữ M như Mắt là Mày, Mi, Môi, Má, Mũi và Miệng.) 

Trước khi kết thúc bài nói về Đôi Mắt Qua Văn Chương, xin nhắc lại một vài câu thơ vui về tác phẩm Lục Vân Tiên của Cụ Nguyễn Đình Chiểu. Như Quý Vị đã biết, Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu bị mất mẹ, vì khóc thương Mẹ nhiều, nên Cụ bị mù mắt. Để an ủi cuộc đời tăm tối của mình, Cụ tạo dựng nên nhân vật Lục Vân Tiên cũng bị mù như Cụ. Thế nên trong đám học sinh tinh nghịch, đã có những câu thơ nói lên sự mù lòa, lúng túng đáng thương của Lục Vân Tiên: 

"Vân Tiên cõng Mẹ đi ra, 
Gập phải cột nhà, cõng mẹ đi vô. 
Vân Tiên cõng mẹ đi vô, 
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ đi ra." 
Và trước đó, có những câu thơ cho biết Lục Vân Tiên không phải là một thanh niên thông minh, xuất chúng, bằng chứng là khi còn sáng mắt, mà Lục Vân Tiên đã phải "cọp bi" bài của Kiều Nguyệt Nga làm gái giả trai đi thi như chàng: 
"Vân Tiên cắn bút, chống cằm 
Chăm chăm chú chú, "liếc" bài Nguyệt Nga. 
Nguyệt Nga chẳng nói chẳng la, 
Vân Tiên được thể, "liếc"... ba bốn lần."
 Hoa Hoàng Lan 
Theo http://mdc68-75.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...