Mùa tựu trường, nhớ Thanh Tịnh
Thủ bút của nhà văn Thanh Tịnh.
Nhà văn Thanh Tịnh
(1911-1988, có tài liệu ghi ông sinh năm 1917) nổi tiếng với những tập truyện
ngắn Ngậm ngãi tìm trầm, Quê mẹ... từ trước năm 1945. Nhưng nhiều thế hệ học
sinh vẫn nhớ đến ông với bài Tôi đi học đầy chất thơ.
Nhân mùa tựu trường, xin kể
lại vài hồi ức về ông, để thấy ông còn là một người đau đáu với những vấn đề về
thời cuộc và đạo đức xã hội…
Đúng 30 năm kể từ ngày chúng
tôi tham dự Hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 3 vào năm 1985 tại Hà Nội,
nhưng kỷ niệm về nhà văn Thanh Tịnh như vẫn mới hôm qua. Lúc ấy, đêm nào chúng
tôi (ở miền Nam ra) cũng được các nhà thơ, nhà văn đàn anh đến thăm và nói chuyện
ở khu nhà khách của Tổng cục Chính trị. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh của thời Xuân
Thu nhã tập, nhà văn Bùi Hiển tác giả Nằm Vạ, Vũ Cao của Núi Đôi... đều
rất thích “các bạn miền Nam”. Nhưng có lẽ nhà văn Thanh Tịnh là người để lại ấn
tượng mạnh nhất với tôi lúc đó. Mỗi lần đến nhà khách, ông cũng nói chuyện tới
khuya, dù trời Hà Nội đêm cuối năm rét căm căm...
Một hôm, sau lễ tang nhà thơ
Xuân Diệu, Thanh Tịnh đến chơi cùng chúng tôi ở phòng số 9 đến khuya. Dường như
ông cố che giấu nỗi buồn mất bạn nên cứ ngồi kể chuyện liên miên, từ tiếu lâm
ta, tiếu lâm tây, rồi tiếu lâm cổ..., làm cả phòng rộn tiếng cười. Từ chuyện tiếu
lâm, ông lại nói về Kim Thánh Thán - nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn
tượng của Trung Quốc, được người đời sau mệnh danh là “Vua của thể loại văn bạch
thoại Trung Quốc; nói về văn hóa Ấn Độ, rồi quay lại tuồng Việt Nam lúc nào
không hay... Trong tấm áo dày và chiếc khăn quàng cổ đã thẩm màu, nhưng trông
Thanh Tịnh không có vẻ gì yếu đuối. Là nhà văn đi nhiều, đọc nhiều, rất tâm huyết
với giới trẻ và cũng là lần đầu tiên sau hòa bình, những người viết trẻ cả nước
tụ họp ở đây, nên như lời ông nói, đây là “một cơ hội hiếm có để một ông già
như tớ tâm sự, cả những chuyện trong lẫn ngoài trang viết...”.
Lúc ông dừng lại uống nước,
tôi nhìn thẳng vào ông và đọc: Mỗi năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rơi
rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc..., rồi nói với ông đó là
bài học thuộc lòng của bất cứ học sinh tiểu học nào ở miền Nam trước đây. Ông hết
bắt tay tôi lại bắt tay các bạn ngồi bên, ánh mắt ông trông rất cảm động. Ông kể
một lần đi thực tế sang chiến trường Campuchia, khi nghe một anh lính trẻ đọc lại
bài văn đó giữa mùa khô trên đất bạn, ông đã không cầm được nước mắt. “Hạnh
phúc của người viết là thế đấy, các cậu ạ!”, ông nói.
Chúng tôi tranh thủ lúc đó để
xin ông ký tên và viết lưu bút làm kỷ niệm. Thanh Tịnh viết cho tôi ngay trên mặt
sau tấm giấy mời dự hội nghị. Đó là hai câu: “Dễ trăm lần không dân cũng
chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thấy chúng tôi ngơ ngác vì
chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện, ông giải thích: “Vào những năm sau năm 1954 ở
ngoài Bắc, tớ được phân công viết ca dao để tuyên truyền chính sách. Nhân việc
phổ biến chính sách thu mua lương thực cho cách mạng, tớ đã viết những câu này.
Khi viết xong bài, tớ đưa cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đọc.
Anh Thanh chê câu: “Dân
no thì lính cũng no” và cho rằng đó là diễn ý câu nói của người xưa“Dân
túc binh cường”, nhưng không rõ sao sau đó anh lại trình cho cụ Hồ xem. Rồi
trong một lần nói chuyện khi đi thăm cơ sở, cụ Hồ đã nhắc lại hai câu “Dễ trăm
lần...” đó. Sau này, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã trả lại nó cho chính tác giả
là tớ rồi... Chứ hồi đó dễ gì được gặp được lãnh tụ...”.
Từ chuyện ca dao, Thanh Tịnh
lại nói chuyện du lịch.
Ông kể: “Tớ đi nhiều nơi,
cũng từng được tháp tùng nhiều đoàn đi các nước, thấy ở đâu cũng có các nền văn
hóa 2.000-3.000 năm cả chứ không riêng gì ở ta. Do vậy, khó mà hiểu biết hết. Tốt
nhất, nếu được ra nước ngoài, các bạn nên tranh thủ làm 3 việc: thăm bảo tàng lịch
sử, nghe vài câu ca dao tục ngữ, vài làn điệu dân ca và cuối cùng là nên... đi
chợ. Chợ là nơi diễn ra cuộc sống văn hóa, kinh tế của mỗi cộng đồng rõ nhất. Ở
chợ, cái ăn cái mặc và sự cư xử của từng dân tộc được biểu lộ rất chân thật...”.
Đến đây, một người trong
chúng tôi hỏi: “Thế còn ở ta, bác từng viết ăn Bắc, mặc Kinh chắc
cũng vì mục đích quảng bá du lịch Việt Nam?”.
Nhà văn Thanh Tịnh cười:
“Năm ngoái, Báo Nhân Dân đặt tớ viết một bài về thủ đô ngàn năm văn vật. Trong
bài, tớ nhắc đến 5 cái ăn của người Hà Nội từ xưa, như là những nét đẹp: ăn
nói, ăn mặc, ăn làm, ăn học và ăn ở. Riêng ăn mặc thì tớ viết ma mặc áo
vàng, quan mặc áo xanh, thường dân mặc áo đen, con gái mặc áo trắng, nhưng con
gái chưa chồng thì mặc áo tím...Không ngờ sau đó hơn nửa tháng, một anh bạn đại
tá đã gửi cho tớ một lá thư trách rằng nhà văn không biết 5 cái ăn đó giờ đã
thay đổi; hoặc là biết nhưng không dám viết vì sợ bài không được đăng! Rồi anh
ta kể ra 5 cái ăn mới là: ăn trộm, ăn cắp, ăn xin, ăn gian và ăn... hối lộ! Lá
thư ấy làm tớ mất ngủ và nghĩ đến một anh bạn khác từng tập kết ra Bắc hồi năm
1954. Sau khi trở về Nam năm 1975, anh ta trở lại Hà Nội vài lần thăm bạn cũ.
Gặp nhau, anh ta đã nói với
tớ: “Cái gì trước đây là bình thường thì bây giờ bị cho là lập dị, cái gì trước
đây là lập dị thì bây giờ lại bình thường. Và anh ta ví dụ: Ngày trước, ra đường
thấy vòi nước ai mở bỏ quên, ta đến đóng lại. Bây giờ, việc đó bị bọn trẻ gọi
ngay là ông già hâm. Thấy cụ già hay phụ nữ lên xe buýt đã hết chỗ, ta đứng dậy
mời họ ngồi vào chỗ mình, cũng bị cho là hâm tuốt!”.
Bất ngờ nhà văn Thanh Tịnh đứng
dậy, nhìn đồng hồ rồi bắt tay từng người: “Thôi tớ về nhé! Không chừng tớ cứ
nói lung tung thế này cũng sẽ bị các cậu coi là ông già hâm mất!”.
Và ông tự mở cửa, bước nhanh
ra ngoài không chờ chúng tôi đứng lên tiễn. Tác giả Tôi đi học (năm ấy ngoài 70
tuổi) đã đi rồi, nhưng chúng tôi cứ ngỡ tấm lòng nhiệt huyết, trẻ trung và cách
kể chuyện lôi cuốn của ông vẫn ở mãi bên chúng tôi.
Thế mà chỉ 3 năm sau, ông lại
ra đi cùng Xuân Diệu, về cõi vĩnh hằng…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét