Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Vô biên tâm hồn

Vô biên tâm hồn
Đó là một bài thơ không có tựa đề, được đánh số 28, trích trong tập thơ Người làm vườn (The Gardener) gồm 85 bài thơ được Tagore sáng tác bằng tiếng Ben-gan và tự dịch sang tiếng Anh theo thể thơ văn xuôi vào năm 1914. Có người gọi tên bài thơ này là Vô biên tâm hồn. Được ngợi ca là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới, được chọn in trong nhiều tuyển tập thơ tình của nhiều nước trên hoàn cầu. Bản dịch thơ được dùng trong bài viết này là của Đào Xuân Quý (R. Tago, Tuyển tập thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1979).
Bài thơ là lời tụng ca tình yêu. Một tuyên ngôn của trái tim được biểu hiện dưới dạng cảm xúc và hệ thống hình tượng nghệ thuật, làm cho tứ thơ vừa trữ tình, huyền diệu; vừa sâu sắc một chiều sâu triết lý. Chất triết lý được trình bày qua những lập luận chặt chẽ với tầng tầng lớp lớp hình ảnh rực rỡ, sinh động. Bằng cách đặt vấn đề, phản đề, nghi vấn, giải thích để đi tới chân lý, bài thơ rất đặc trưng cho tư duy người Ấn Độ: tìm tới chất triết lý trong muôn vàn hiện tượng đời sống. Chất trữ tình kết hợp rất hài hoà và nhuần nhuyễn với chất trí tuệ.
Ấn tượng mạnh mẽ nhất mà bài thơ mang đến cho người đọc, đó là đã thể hiện một cách trữ tình và tha thiết niềm khát vọng không cùng và mãnh liệt của một tâm hồn đang yêu.
Bài thơ được mở đầu bằng một hình ảnh trữ tình, đầy chất thơ:
Đôi mắt băn khoăn của em buồn.
Từ xa xưa, hình ảnh “đôi mắt” vốn đã trở thành biểu tượng của tình yêu: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, “Tình yêu khởi đầu từ đôi mắt”. Rất nhiều thơ ca tình yêu của nhân loại đã đề cập đến hình tượng đôi mắt để biểu lộ tình cảm, cảm xúc. Trong văn chương Việt Nam, hình ảnh đôi mắt vốn đã từng tràn ngập thi ca:
Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lội trong dòng mắt em.
(Lưu Trọng Lư)
Mắt anh không được như xưa,
Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng.
(...)
Mắt em ngày trước hồ trong,
Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi.
(Tế Hanh).
Em cười đôi ngọc mắt đen,
Nửa in sắc nước vừa chen sắc trời.
(Xuân Diệu)
Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm.
(Xuân Diệu)
Mắt đen cô gái long lanh,
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung.
(Nguyễn Đình Thi).
Những đêm dài hành quân nung nấu,
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
(Nguyễn Đình Thi)
Riêng trong thơ Tagore, hình ảnh đôi mắt cũng đã từng được nhiều lần thể hiện:

“Trái tim anh là con chim quen sống cảnh hoang vu,
Đã tìm được nơi mắt em khung trời của nó”.
“Mắt em là cái nôi buổi sáng, là vương quốc của trời sao,
Tiếng hát của anh đã lạc xuống chiều sâu của đôi mắt ấy.”
“Đôi mắt của chúng ta liên kết nhau trong hoà điệu làm cho chúng ta hành động được thống nhất”.
Còn trong bài thơ này, hình tượng đôi mắt đã được sử dụng để mở đầu những trạng thái cảm xúc trong một cái nhìn đầy tâm trạng:
Đôi mắt băn khoăn của em buồn,
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh.
Không phải miêu tả đôi mắt để ngợi ca nhan sắc người yêu, mà nhà thơ khởi đầu từ đôi mắt để bộc lộ nỗi băn khoăn, suy nghĩ trong chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn “em” - được biểu lộ ra bên ngoài từ đôi mắt - về “tâm tưởng anh”, muốn hiểu anh một cách thấu đáo. Đôi mắt ấy được miêu tả trong trạng thái chứa đựng nội tâm, đang muốn khám phá tâm hồn người yêu, như trăng kia muốn vào sâu biển cả. Đó chính là niềm khát khao không cùng và mãnh liệt muốn thấu hiểu tâm hồn người yêu, một nhu cầu thiết tha và thiết yếu. Để diễn tả nỗi trăn trở đó của em, nhà thơ đã sử dụng một hình thức so sánh đầy ước lệ, và cũng đầy hình tượng:
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.
Một cặp hình ảnh sóng đôi quen thuộc: trăng - biển cả. Vừa đẹp, vừa trữ tình, lại vừa nói lên được chiều sâu ước muốn của đôi mắt em, của tâm hồn em, của trái tim em muốn thấu hiểu tâm tư tình cảm người bạn tình yêu dấu của mình. Vì nỗi băn khoăn ấy mà đôi mắt em chứa đựng một nỗi u buồn. Chàng trai đã thấu hiểu được điều ước muốn sâu xa trong tâm hồn người phụ nữ mình yêu.
“Anh” đã thấu hiểu ước muốn đó của em, và anh đã đáp ứng, hay nói cách khác, anh đã tạo điều kiện để em thực hiện điều ước muốn thầm kín và cũng rất cao cả thiêng liêng đó của em. Vậy anh đã tạo điều kiện như thế nào? Chàng trai thổ lộ nỗi cảm thông của mình một cách chân thành:
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,
Anh không giấu em một điều gì.
Vậy là điều kiện để em thấu hiểu anh đã có đầy đủ. Anh đã tự phơi trần cuộc đời dưới mắt em. Tình yêu của anh đối với em thật là bao la, và tấm lòng chân thật của anh cũng rộng lớn. Đâu chỉ riêng em yêu anh chân thành và mãnh liệt, muốn khám phá, thấu hiểu tâm hồn anh! Phải chăng điều ước muốn của em, điều em muốn hiểu rõ anh cũng chính là điều anh mong mỏi, đồng tình. Vậy là đôi bên ý hiệp tâm đầu. Quả thật, còn gì đẹp hơn thế nữa trong tình yêu đôi lứa?
Chàng trai tiếp tục bày tỏ nỗi lòng sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho người yêu. Khát vọng muốn thấu hiểu tâm hồn người yêu diễn ra đồng thời với niềm khát khao dâng hiến, hoà hợp tâm hồn. Đó là khát vọng vĩnh cửu và thiêng liêng của những tâm hồn đang yêu. Chính điều đó làm cho tình yêu trở nên cao quý. Tình yêu trong dáng vẻ cao cả mong muốn thấu hiểu tâm hồn nhau trong sự hòa hợp, đồng điệu, còn gì đẹp bằng, và những người đang yêu nhau ắt hẳn vô cùng hạnh phúc.
Nhưng vốn dĩ tình yêu không đơn giản như thế. Nếu khát vọng đó được thoả mãn đủ đầy trọn vẹn thì có lẽ, muôn đời nhân loại đã không sáng tạo nên được những bi kịch tình yêu và những thiên tình ca diễm lệ bất hủ.
Đến đây, bài thơ mở ra hàng loạt những mâu thuẫn bất ngờ qua biện pháp đối lập được sử dụng nhiều lần trong suốt cả chiều dài bài thơ, mà nghịch lý đầu tiên đó là:
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,
Anh không giấu em một điều gì.
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.
Tại sao lại như vậy? Hoàn toàn trái ngược với trật tự suy diễn thông thường. Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em, lẽ ra chính vì thế mà em hiểu rất rõ, hiểu tất cả về anh mới đúng, mới phải chứ? Tại sao lai có điều nghịch lý như vậy được? Tất cả những điều em tưởng là đã hiểu biết về anh đều mới chỉ là những cái có thể nắm bắt được, những điều mà ai ai cũng đều quan sát được bằng mắt thường như dáng vẻ, trang phục, cử chỉ, ngôn ngữ...; còn những nghĩ suy, cảm xúc thì chìm tận đáy sâu thăm thẳm của tâm hồn anh, em nào có nhìn thấu được! Ngay câu thơ tiếp theo, tác giả bắt đầu giải thích cho điều trái ngược phi lý ấy, bằng một hệ thống hình ảnh so sánh, ẩn dụ mang tính ước lệ rực rỡ và sinh động dưới hình thức câu giả thiết, điều kiện (trong nguyên văn là sự lặp lại trùng điệp một kiểu mẫu câu: If... only... but...)
Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,
anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
và xâu thành một chuỗi
quàng vào cổ em.
Nếu đời anh chỉ là một đoá hoa
tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng
anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.
(...)
Nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú,
(...)
Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau,
(...)
Những hình ảnh hết sức cao quý đẹp đẽ, vốn từ xưa đến nay vẫn thường được dùng để ngợi ca cái đẹp, trở thành biểu tượng của vẻ đẹp và quý giá, hiếm hoi: viên ngọc, đoá hoa đã được nhà thơ vận dụng để diễn tả niềm tự nguyện hiến dâng cuộc đời của mình. Vậy mà những hình ảnh ấy lại được tác giả đặt sau các từ: chỉ là..., chỉ là..., biểu hiện ý nghĩa nhỏ bé, đơn sơ, giản dị, ít có giá trị. Ý nghĩa của cách cấu trúc câu kết hợp với những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ đó là: quý giá như ngọc, đẹp đẽ vô ngần như hoa chưa phải là cái quý nhất. Câu thơ gợi mở một ý nghĩa: Chắc chắn phải có điều quý giá hơn thế nữa. Vậy điều quý giá đó là gì? Theo cách diễn đạt của nhà thơ, thì quý giá hơn cả những vật quý giá kia, đó chính là Cuộc đời anh. Đời anh không chỉ là viên ngọc, không chỉ là đoá hoa:
Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim.
Nhà thơ đã đồng nhất một phần của cuộc đời mình là trái tim với cả cuộc đời mình, đồng nhất bộ phận với toàn thể. Như vậy có nghĩa là toàn bộ cái quý giá nhất của cuộc đời anh chính là trái tim. Vâng, chính là trái tim, chứ không phải trí tuệ, tài năng, ý chí hay nghị lực, càng không bao giờ lại là của cải, tiền tài, địa vị, quyền cao chức trọng. Thế mới biết, mới rõ được tâm hồn của nhà thơ cao cả biết chừng nào! Một điều hết sức đơn giản nhưng có phải ai cũng hiểu thấu, ai cũng nhận ra, lúc nào cũng biết hết được đâu. Con người còn mãi mãi theo đuổi những mộng ước quá xa vời, quá hư ảo, quá phù phiếm, ở mãi tận đâu đâu, ngoài tầm tay của mình; cứ mãi khát khao kiếm tìm, săn đuổi, để rồi ngụp lặn trong những khát vọng không bờ bến của mình: “Tôi đi tìm cái mình không thể có và tôi có cái mình không thể tìm” (Tagore). Nào có mấy ai nhận thức được rằng chính mình đã được tạo hoá phú cho một tài sản vô cùng quý giá, nếu như mình đánh giá đúng, hiểu rõ giá trị và có ý thức trau dồi gìn giữ vốn quý đó. Thứ quý giá nhất của cuộc đời anh mà nhà thơ mượn lời chàng trai bày tỏ với người yêu đó chính là trái tim. Anh đã đồng nhất cuộc đời anh với trái tim. Và anh còn tiếp tục miêu tả, giới thiệu trái tim anh, cuộc đời anh, tài sản vô giá của anh:
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó.
Nghĩa là trái tim anh mênh mông, bát ngát, bao la vô tận như vũ trụ không bến bờ. Nào ai biết, tứ thơ được diễn đạt dưới hình thức câu phủ định. Trong cái “nào ai” đó , bao gồm cả em. Em không biết gì về trái tim anh cả, cho dù anh đã để nó trần trụi dưới mắt em:
Em là nữ hoàng của vương quốc đó,
Ây thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.
Ngợi ca người yêu, tôn vinh người yêu, đề cao người yêu như Tagore quả là tuyệt đỉnh: “ Em là nữ hoàng của vương quốc đó”, vương quốc trái tim anh. Trong tim anh, em chiếm vị trí cao nhất, em ngự ở ngai cao, và em là duy nhất. Không ai, không gì có thể thay thế được em, đứng vào vị trí em trong trái tim anh. Trái tim anh giàu có vô tận, như một vương quốc. Và em là kẻ trị vì, là đệ nhất phu nhân, là bậc mẫu nghi thiên hạ trong trái tim anh. Và vì thế, mà anh đã nói: nếu đời anh chỉ là viên ngọc, chỉ là đoá hoa, thì anh đã đập nó ra làm trăm mảnh... , anh sẽ hái nó ra..., để quàng vào cổ em, để đặt lên mái tóc em.
Cả đoạn thơ là những lời nguyện ước dâng hiến cao cả thiêng liêng của một tâm hồn đang yêu được biểu đạt qua hàng loạt những hình tượng nghệ thuật mỹ lệ, lung linh sắc màu, lấp lánh ánh sáng, dạt dào bao la: trăng, biển cả, viên ngọc, đoá hoa, chiều sâu - bến bờ (của trái tim). Một hệ thống hình ảnh ẩn dụ, so sánh rực rỡ, sinh động đó đã gợi ra những tầng ý nghĩa phong phú: Trái tim của người đang yêu là một báu vật, giàu có, trường cửu, vô tận. Trái tim chính là tặng phẩm tuyệt vời của tình yêu. Đồng thời, trái tim cũng còn là một tiểu vũ trụ chứa đầy bí ẩn. Khó mà khám phá, nắm bắt hết được tài sản quý báu - trái tim của một con người! Và cái khoảng cách vô hình “tuy hai mà một, tuy một mà hai” giữa hai tâm hồn tưởng chừng hoà hợp hoàn toàn chính đã bắt nguồn từ đó.
Tất cả những gì quý giá, sang trọng và đẹp đẽ nhất, anh đều sẵn sàng dâng hiến cả cho tình yêu, cho em. Tình yêu của anh đối với em, dành cho em thật là không bờ bến, là vô tận. Tưởng chừng như vậy là em hiểu rõ lòng anh, hiểu rõ trái tim anh rồi.
Nhưng thật kỳ lạ : em không biết gì tất cả về anh; em có biết gì biên giới của nó đâu. Chính em cũng không biết hết được em giàu có như thế nào, cao quý như thế nào khi em sở hữu được trái tim anh! Làm sao mà sở hữu được một vật quý giá như vậy, trừ khi em có một tâm hồn. Thân thể làm sao chạm đến được bông hoa mà chỉ tinh thần mới chạm được! Chính Tagore, trong một bài thơ khác, đã nói như vậy. Vậy là em cao quý, em tuyệt vời, nhưng cũng chẳng bao giờ em thấu suốt được hết cuộc đời anh, trái tim anh!
Một loạt câu điều kiện, giả thiết - kết quả (lặp lại cấu trúc câu) được tiếp tục đặt ra: Nếu... chỉ... nhưng... (nguyên văn: If... only...but...) nhằm mục đích phủ nhận những giá trị nhỏ bé, tầm thường mà người khác có thể hiểu về trái tim anh: phút giây lạc thú, khổ đau... Không, trái tim anh không đơn giản như vậy. Không chỉ có lạc thú, không chỉ có khổ đau, không chỉ là đoá hoa, viên ngọc... mà là tất cả những cái đó cộng lại, và còn hơn thế nữa. Cao quý hơn thế nữa.
Và rồi, cũng đến lúc anh khẳng định trái tim anh, sau một loạt hình thức phủ định. Một phản đề đã được đặt ra. Anh khẳng định trái tim mình như sau:
Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu.
Cuộc đời anh - đồng nhất với trái tim anh - đồng nhất với tình yêu: đời anh là một trái tim - trái tim anh lại là tình yêu.
Vậy có nghĩa rằng toàn bộ ý nghĩa cuộc đời anh là tình yêu, theo quy tắc suy lý bắc cầu. Tình yêu ấy mới mênh mông, bao la, bất tận và trường cửu làm sao! Tình yêu ấy mới cao quý làm sao:
Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu.
Có lẽ trong tất cả những lời ngợi ca tình yêu xưa nay, chưa từng có ai tôn vinh tình yêu đến tuyệt đỉnh như vậy. Toàn bộ giá trị cuộc đời anh, toàn bộ ý nghĩa cuộc đời anh lại chính là tình yêu. Toàn bộ tài sản mà anh có được chính là trái tim anh. Vậy mà em đã có được trái tim anh. Em qủa thật là người giàu có vô cùng vô tận!
Trái tim anh đâu chỉ tồn tại riêng lẻ những vui sướng, khổ đau mà có thể dễ dàng sẻ chia, thông cảm. Nó bao gồm nhiều mâu thuẫn, đối lập: vừa vui sướng - vừa khổ đau, vừa đòi hỏi - vừa giàu sang, mà tất cả đều vô biên, trường cửu, một thế giới bí ẩn, không giới hạn, không ai có thể đo đếm được. Nhà thơ Việt Phương cũng đã có lần nêu lên những cặp đối lập tồn tại song song trong tình yêu:
Khi chưa gặp em anh chỉ mới sống cuộc đời một nửa,
Chưa biết nỗi đắng cay - ngọt ngào và sự lạnh lùng - bốc lửa.
(Anh bắt đầu từ em)
Còn Xuân Quỳnh thì thổ lộ:
Dữ dội và dịu êm,
Ồn ào và lặng lẽ...
(Sóng)
Em đã yêu quý anh, bằng chứng là đôi mắt băn khoăn của em buồn, đôi mắt em muốn nhìn sâu vào tâm tưởng của anh. Nhưng mãi mãi, chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu, cho dù Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy. Lý do là vì trái tim anh hết sức giàu sang và trường cửu. Khám phá trong tình yêu, khám phá trái tim người yêu là một ước muốn cao quý thiêng liêng, nhưng mãi mãi, đó vẫn là niềm khát khao vô vọng của trái tim, tâm hồn con người mà thôi!
Có một khoảng cách không bao giờ phá vỡ nổi, một đỉnh cao không bao giờ chinh phục được của tình yêu. Đó là khoảng cách của thế giới tâm linh, của chiều sâu thăm thẳm của trái tim! Niềm hoà hợp, đồng cảm dù đẹp đẽ đến đâu cũng không bao giờ trọn vẹn bởi đặc tính này của trái tim con người. Xuân Diệu nói: “Gần thêm nữa cũng vẫn còn xa cách” (Xa cách).
Trái tim, đó là đỉnh cao không bao giờ và không thể nào chinh phục được của tình yêu. Khát vọng khám phá, chiếm lĩnh tâm hồn người yêu là khát vọng cao quý thiêng liêng nhưng mãi mãi chỉ là niềm khát khao vô vọng. Đó cũng chính là nghịch lý muôn đời của trái tim, của tình yêu, của tâm hồn những kẻ yêu nhau.
Bài thơ được kết cấu theo tầng bậc. Có thể diễn xuôi một cách tóm tắt đại ý của bài thơ như sau: Anh xin dâng hiến trọn ven trái tim, cuộc đời anh cho em. Nhưng không bao giờ em có thể chiếm lĩnh được trọn vẹn trái tim anh cả. Hai ý này ngày càng được bổ sung ở mức độ cao hơn trong hệ thống lập luận của toàn bài.
Bài thơ vận dụng biện pháp tăng cấp trong hệ thống lập luận, cho dù đây là bài thơ trữ tình. Điều đó bộc lộ một nét biểu hiện chất trí tuệ trong thơ tình Tagore: nghĩa bài thơ được diễn giải theo tầng bậc từ thấp đến cao, từ cụ thể đến trừu tượng, từ nghĩa thực đến nghĩa triết lý; và cảm xúc trong bài thơ cũng được nâng dần lên theo các tầng nghĩa của bài thơ.
Hệ thống đối lập được bộc lộ dần dần theo suốt chiều dài bài thơ:
Anh để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em / Chính vì thế em không biết gì tất cả về anh.
Đời anh đâu chỉ là viên ngọc, đoá hoa. Đời anh = trái tim: vô cùng cao quý; sẵn sàng hiến dâng cuộc đời - trái tim cho người yêu / em không thấu suốt hết được sự giàu có của tim anh.
Em là nữ hoàng của vương quốc trái tim anh / Em có biết gì về chiều sâu, bến bờ và biên giới của nó .
Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy / Chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.
Hệ thống ý tưởng ấy đã biểu lộ những nghịch lý muôn đời của trái tim. Ý tưởng lặp lại nhưng cách diễn đạt có thay đổi, nhằm khắc sâu, tạo ấn tượng và âm hưởng. Điều mà tác giả hướng tới để biểu đạt là: ”Trái tim, đỉnh cao không chinh phục nổi của tình yêu. Trái tim, biểu tượng của tiểu vũ trụ cũng đầy bí ẩn như vũ trụ, như sự sống”.
Sự đối lập giữa khát vọng giãi bày, dâng hiến, thấu hiểu, chan hòa vào thế giới tâm hồn của người yêu với cái bí ẩn không gì khám phá nổi của trái tim là những đối lập tồn tại vĩnh cữu trong tình yêu.
Khát vọng khám phá trái tim, tâm hồn người yêu là một niềm khát khao không cùng và mãnh liệt của mọi người yêu nhau, trong đó có em, có anh. Đó là một niềm khát vọng cao quý và thiêng liêng.
Tình yêu là sự đồng điệu, hoà hợp, dâng hiến tâm hồn; luôn luôn tin yêu và hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau. Nhưng trái tim con người, thế giới tâm hồn con người lại mãi là một cõi bí mật lớn lao. Chính vì vậy, việc tìm tới sự đồng điệu, chan hoà vào thế giới tâm hồn của người yêu luôn là những khát khao không bao giờ vươn tới nổi. Do đó tình yêu là khát vọng không bao giờ vơi cạn. Điều đó tạo nên vẻ hấp dẫn muôn đời của tình yêu.
Sự hoà hợp trọn vẹn trong tình yêu là niềm khát khao vô vọng, là điều không thể đạt được, nhưng tình yêu luôn luôn là niềm khát khao cái trọn vẹn ấy. Điều đó đã trở thành một nghịch lý vĩnh cửu của tình yêu muôn thuở, của trái tim con người.
Tuy nhiên, nếu mỗi người tình đều biết hướng về cái trọn vẹn để nắm bắt, dựng xây, điều đó sẽ đem đến hạnh phúc trong tình yêu. Phải chăng đây là triết lý sâu xa tiềm ẩn trong thơ tình Tagore?
Tình yêu vô biên, cao cả đẹp đẽ và trong sáng. Để có được hạnh phúc tuyệt vời trong tình yêu, con người luôn luôn phải khám phá sáng tạo, tin tưởng và yêu thương lẫn nhau. Tình yêu không có bến bờ. Vô biên tâm hồn. Khát vọng đối với tình yêu cũng không bao giờ ngơi nghỉ, không giới hạn.
Với tất cả những điều lớn lao mà tác giả thể hiện được qua một bài thơ ngắn, nhà thơ ở đây mang ý nghĩa nhà triệu phú trong tình yêu.
Đề tài tình yêu chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của Tagore. Quan niệm yêu đương của ông rất đứng đắn và tiến bộ, có thể rút ra nhiều bài học quý báu. Một người Ấn Độ nói rằng: “Khi Tagore có những nỗi buồn lớn, ông đã viết những bài thơ tình đẹp nhất trong ngôn ngữ của chúng tôi”.
Nhà văn Nga, Ilya Êrenbua đã nhận xét: “Thanh niên Ấn Độ khi yêu nhau hay đọc thơ ông, bởi ông viết về tình yêu rất hay. Ông hiểu tất cả những gì mới mẻ, tất cả những gì thuộc về con người”.
Tagore dành riêng cho chủ đề này hai tập thơ: Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu. Ngoài ra, còn rải rác trong các tập thơ khác như Những con chim bay lạc, Người thoáng hiện v.v... Trong số đó, tất thảy tinh hoa ông đều dồn vào tập Người làm vườn. Nhà thơ - trong cách biểu đạt của tác giả, chính là người giữ gìn, vun trồng khu vườn tình yêu, kêu gọi hãy tin tưởng vào cuộc sống và tình yêu: tình yêu giữa con người với con người, với cuộc đời, với thiên nhiên vũ trụ.
Rabindranath Tagore (1861 - 1941) thật xứng danh là nhà thơ lớn của Ấn Độ, đó là chưa kể đến ông còn là nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch, nhà soạn nhạc, hoạ sĩ, nhà văn hoá lỗi lạc, một trong những thiên tài của thế giới, là “nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại” của thế kỷ XX như Nêru, nhà cách mạng Ấn Độ lỗi lạc đã nhận xét. Tagore là người châu Á đầu tiên được tặng giải thưởng Nobel về văn chương năm 1913 với tập Thơ Dâng (Gitanjali) (*).
(*) Thơ Dâng: Tiếng Phạn là Gitanjali; Tagore muốn dâng hiến cho đời, cho cuộc sống, cho nhân loại khúc ca mang niềm khát vọng của mình và của mọi người. Tác phẩm có 103 bài thơ được tác giả tự chọn trong số thơ của ông viết bằng tiếng Belgan từ năm 1890 và dịch sang tiếng Anh. Năm 1913 xuất bản ở Luân Đôn (Anh), ngay năm đó được tặng giải thưởng Nobel về văn chương. Từ đó Thơ Dâng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
In trong cuốn: "CẢM NHẬN VĂN CHƯƠNG", NHIỀU TÁC GIẢ, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2002
Đà Nẵng, 1998
Ngô Thị Bích Tuyên
Theo http://daihocquynhon78.com/


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...