Áo khoác vai người
Áo khoác vai người - Cuốn tiểu thuyết đầy nữ tính, nhưng qua
một câu chuyện kể rất hấp dẫn đã đặt ra rất nhiều những vấn đề lớn.
Nhân vật “tôi” dẫn chuyện là một người phụ nữ Anh gốc Do Thái
tên Vivien Kovaks còn người họ hàng là ông bác ruột đặc biệt của Vivien –
Sándor Kovaks. Từ mối quan hệ là trung tâm của câu chuyện này, bạn đọc được dẫn
dắt khám phá thế giới nội tâm của các nhân vật với bao cung bậc tình cảm hỉ, nộ,
ái, ố rất đời; với những ưu tư, băn khoăn, dằn vặt; với những nuối tiếc, giằng
xé khôn nguôi; với nỗi cô đơn tột cùng đến mức ám ảnh; với những giành giật, lừa
lọc, bí mật và phản bội; với những thống khổ và đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt;
với tình yêu và cả nhu cầu tình dục rất trần tục của con người.
Vivien sinh ra trong một gia đình người Hungary Do Thái nhập
cư vào Anh năm 1938 với tư cách là dân tị nạn. Nhân vật “tôi” lớn lên giữa những
con người lập dị, “trong một môi trường cô độc”, một bầu không khí cô đơn, khép
kín đến mức ngột ngạt và lặng lẽ đến mức nhàm chán, tẻ nhạt. Không gian sống tuổi
thơ của Vivien chủ yếu gói gọn trong căn phòng ngủ nhỏ bé của chính nhân vật;
người bạn duy nhất của Vivien là một bức tượng ông già Trung Hoa bằng ngà; trò
chơi ưa thích của Vivien là nằm tĩnh lặng hàng giờ trên giường, chơi đùa với những
ý nghĩ tưởng tượng trong đầu. “3 người chúng tôi – bố mẹ và con gái - sống chậm
chạp và lặng lẽ như ba hòn bi uể oải lăn trên sàn nhà lót vải sơn”. “Bố tôi khiếp
hãi sự thay đổi, xáo trộn. Trong khi nó vẫn còn ở tận đẩu tận đâu… bố tôi đã khổ
sở chịu đựng mối lo âu rồi. Ông sợ rằng bất cứ một chút xáo trộn trong hoàn cảnh
của mình cũng có thể làm cho mọi thứ sa sút”. Vì vậy, “khi đã chắc chắn
bước qua phía bên kia của cánh cửa nhà mình, hai vợ chồng họ liền khóa chặt nó
lại và cố gắng ra ngoài càng ít càng tốt”. Và cặp vợ chồng già, “gàn dở”, “kỳ
quặc” này – nói như lời của Vivien – đã nuôi nấng, dạy dỗ đứa con duy nhất của
mình trở thành “một con chuột nhắt” giống họ, tồn tại chứ không phải sống giữa
cuộc đời. “Tôi chưa từng đi tàu hỏa bao giờ. Tôi không hề bước ra ngoài phạm vi
London mãi cho đến năm tôi 18 tuổi”.
Chính hoàn cảnh sống đó đã tạo nên một thiếu nữ Vivien bên
ngoài “tỏ ra là một kẻ thời thượng trải đời, một dân London chính gốc, lớn lên
ngay giữa trung tâm thủ đô, đầy tự tin và cá tính độc đáo. Nhưng bên trong toàn
là những sợ hãi, dao động và khó hòa nhập với xã hội. Người ta bảo tôi có một
kiểu thu hút xa cách, khó gần… Nhưng tất cả những gì tôi cảm thấy lại là một nỗi
cô đơn nhức nhối của những chân trời vĩnh viễn xám xịt một màu”. Mất phương hướng
sống, Vivien trải qua một loạt những rối loạn hành vi và tâm lý.
Không ít lần, nhân vật “tôi” tìm cách thoát khỏi cuộc sống chật
hẹp, ngột ngạt là căn nguyên của nỗi cô đơn, u uất, chán ghét kéo dài lê thê
trong tâm hồn cô – từ quyết định học đại học xa nhà cho đến việc kết hôn lần đầu
chóng vánh khi chưa định rõ mình đã thật sự yêu người đàn ông mình lấy làm chồng
hay không. Thậm chí, Vivien còn tìm đến sự giải thoát trong tình dục với không
ít lần trải nghiệm quan hệ hoàn toàn xác thịt, không tình yêu; nhưng, tất cả chỉ
càng làm cho cô thêm loay hoay, bế tắc trên con đường đi tìm và định hình cái
tôi của mình nhằm khẳng định nỗi khát khao được sống một cuộc sống đầy màu sắc
như đặc tính tự nhiên vốn có của nó.
Vì vậy, chẳng có gì quá ngạc nhiên khi nhân vật nữ chính này
bị cuốn hút mạnh mẽ về phía người bác Sándor của mình – một người trái ngược
hoàn toàn với ông bố, từ ngoại hình, tính cách cho tới những trải nghiệm sống;
một chủ nhà trọ ổ chuột bị tống vào tù vì tội bóc lột, ngược đãi người thuê
nhà; một kẻ bị nguyền rủa là mang khuôn mặt của quỷ sứ; một tên dắt mối cho gái
làng chơi; một nạn nhân sống sót qua nạn diệt chủng tàn bạo của Đức Quốc xã, trở
nên giàu có, nổi tiếng trong giới thượng lưu để rồi cuối đời lại thành một kẻ
giết người và chết vì những gì mắt mình nhìn thấy.
Có thể nói, điểm thú vị, hấp dẫn nhất của cuốn tiểu thuyết
này là những đoạn tranh luận giữa Vivien và ông bác của mình hay đúng hơn là sự
đấu tranh không ngừng giữa những giá trị đạo đức, những niềm tin, những quan điểm
sống trái ngược nhau, giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác. Dù có lúc
Vivien muốn hành động giống như bố mẹ mình - sợ hãi, ghê tởm, tránh xa người
bác bị người đời xem là hiện thân của quỷ dữ - nhưng cuối cùng cô vẫn không cưỡng
lại được sự tò mò muốn tìm hiểu về nhân vật đầy màu sắc cá tính này. Để rồi cuối
cùng, chính từ những hiểu biết đó, Vivien dần dần cảm thông với ông bác Sándor
của mình, nhận ra ông là một người đáng thương hơn đáng trách vì ông không phải
hoàn toàn là một con quái vật vô nhân tính như miệng lưỡi người đời. Thậm chí,
cô còn nhận thấy mình phát triển nhiều tính cách giống người bác: thích làm một
con tê giác đầm mình trong bùn lầy của những cánh rừng hơn là một con chuột nhắt
trốn chui trốn nhủi ở xó nhà; khát khao sống, dám sống và quyết tâm sống
trong mọi hoàn cảnh. Vivien dần dần lột xác từ một người tự ti, nhút nhát, suốt
ngày chìm trong thế giới sách vở lý thuyết với những tưởng tượng viển vông
thành một người chín chắn, trưởng thành và thực tế hơn. Bởi vì, cô nhận
chân một điều: những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần là một điều hiển nhiên tất yếu
của cuộc sống vốn dĩ đa dạng; ta nên bình thản đón nhận để vượt qua và liên tục
tái sinh tâm hồn mình. Dù cuộc đời, theo như cách ví von của Sándor, giống như
một chiếc bánh mà luôn có một phần nào đó ngon hơn bị người ta giấu đi, không
muốn cho ta tìm thấy và đôi khi ta phải giành giật, chộp lấy ngay khi có cơ hội,
thì nó vẫn rất đáng để sống hết mình. Dù con người ta có phải chết vì những gì
mắt mình nhìn thấy nhưng ta vẫn cứ dám nhìn thẳng vào nó để thấy bao điều sinh
động thay vì nhắm mắt, rúc đầu vào một xó nào đó để rồi lây lất chết mòn trong
nỗi cô đơn, buồn chán, tẻ nhạt của một sự tồn tại vô nghĩa.
Với ý nghĩa này, đề tài truyện mang tính phổ quát chung cho
toàn nhân loại và có giá trị chân lý bất biến theo thời gian. Cái tài của tác
giả Linda Grant ở đây là biết lồng nó khéo léo, nhẹ nhàng qua những đối đáp,
tranh luận hay suy nghĩ của các nhân vật về đủ mọi vấn đề - từ chính trị, lịch
sử, tôn giáo, đức tin, nạn phân biệt chủng tộc cho đến triết lý sống. Đủ để
không biến tiểu thuyết thành quá khô khan với những lời giáo điều lên gân lên cốt
mà vẫn đảm bảo chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng. Bố cục truyện khá chặt
chẽ với những tình tiết giàu kịch tính, lôi cuốn, hấp dẫn được dẫn dắt theo trục
thời gian. Quá khứ, hiện tại đan xen một cách mạch lạc với nhau thông qua kết nối
từng mảng đời của các nhân vật – những chân dung được khắc họa một cách sống động,
đầy cá tính riêng.
Trong đó, quần áo cũng được nhân cách hóa thành một tuyến
nhân vật mang đầy tính ẩn dụ. Giống như cuộc đời, con người chúng ta chẳng ai
hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Cái thiện, cái ác luôn tồn tại song hành trong
mỗi con người như hai mặt không tách rời của một chỉnh thể. Quần áo nói riêng
hay vẻ bề ngoài nói chung có thể ví như một lớp giáp bọc bảo vệ con người ta khỏi
những mối đe dọa từ bên ngoài, giúp người ta che giấu được phần nào đó con người
thực của mình, những ẩn chứa sâu kín trong lòng mình: bí mật chôn giấu, nỗi đau
thầm kín, bấn an, mâu thuẫn nội tâm giằng xé hay toan tính, dục vọng tầm thường,
v.v…. Như tác giả Linda Grant từng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo
chí Anh, quần áo bên ngoài có thể xóa mờ nhân dạng thực của một người. Ta có thể
thay đổi nhân dạng của mình để ngụy trang thành những con người khác nhau nhờ
thay đổi lớp vỏ bọc bên ngoài. Nhưng, nếu ta cứ thay đổi liên tục như một con tắc
kè hoa, ta sẽ đánh mất luôn bản sắc riêng có của mình. Qua hàng chục năm, nhân
vật Vivien vẫn không thể nào định hình được một phong cách riêng cho mình. Nhìn
sâu hơn vào vấn đề này, ta có cảm tưởng như tác giả muốn mượn Vivien để nói rộng
ra tới xã hội Anh bất ổn trước những biến động xã hội, đặc biệt vào những năm
70 của thế kỷ trước, và chưa hết loay hoay xác định một bộ mặt phát triển mang
dấu ấn riêng của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh quần áo xuất hiện
trong các trang viết của Linda Grant. Ta có thể bắt gặp nó trong nhiều tiểu
thuyết khác của tác giả. Riêng trong tác phẩm này, quần áo còn tượng trưng cho
những điều tươi mới, tích cực của một tương lai tốt đẹp hơn. (Truyện mở đầu bằng
hình ảnh Vivien ghé vào một cửa hàng thời trang trong bộ dạng già nua, mệt mỏi
và kết thúc bằng hình ảnh nhân vật nữ chính bước đi với một chiếc túi xách đựng
một chiếc váy mới, tâm trạng bình thản hơn dù vừa trải qua liên tiếp hai biến cố
đau buồn trong cuộc đời, tin tưởng vào một khởi đầu mới sáng sủa hơn). Chỉ có
điều hơi đáng tiếc là “nhân vật” đặc biệt này được khắc họa chưa được rõ nét lắm.
Nhân vật Vivien trong truyện mang nhiều dáng dấp của chính
tác giả, một công dân Anh lớn lên tại thành phố Liverpool, con gái một cặp vợ
chồng người Nga - Ba Lan Do Thái di cư sang Anh vào năm 1900. Như Linda Grant
chia sẻ, là thế hệ dân nhập cư thứ hai tại Anh, tác giả từng trải nghiệm phức cảm
giằng xé giữa một bên là giữ lại những giá trị Do Thái của một người gốc Đông
Âu và một bên là thay đổi để hòa nhập với phong cách, lối sống Anh. Ở chừng mực
nào đó, khi đi ra bên ngoài gia đình, Linda Grant cảm giác như mình đang ngụy
trang trong một vỏ bọc. Về nhà, bà lại cảm giác như một người xa lạ với thế giới
trong gia đình. Tác giả thừa nhận phức cảm này mạnh đến nỗi nó tự nhiên thấm đẫm
trong các trang viết của bà, định hình thành một giọng văn tiểu thuyết riêng.
Và cũng chính từ lý do này, Linda Grant chọn đề tài viết về những trải nghiệm
cuộc sống của cộng đồng Do Thái sau Thế chiến thứ II; về thân phận của phụ nữ
trong những phong trào chính trị lớn hay vào những thời khắc biến đổi lịch sử lớn,
về hành trình khẳng định bản ngã, cái tôi nữ tính và khát khao được sống của họ;
về những con người bị gạt ra bên lề xã hội.
Đi vào những đề tài này, tiểu thuyết của Linda Grant luôn đọng
lại trong bạn đọc nhiều suy gẫm, nhiều cảm xúc mãnh liệt, dữ dội sau khi khép lại
trang cuối cùng. Tiểu thuyết này cũng không phải là một ngoại lệ.
Linda Grant
Ngô Thị Tố Uyên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét