Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Uống cafe trong không gian 300 món đồ cổ ở Đà Nẵng

Uống cafe trong không gian 300 món đồ cổ ở Đà Nẵng
Với gần 300 món đồ cổ độc đáo và có giá trị, quán cà phê ngay đối diện ga Đà Nẵng là điểm dừng chân cho những ai đam mê và muốn tìm hiểu về đồ cổ.
Không quá khó để tìm được quán cà phê Hoài Cổ bởi xung quanh được xếp đan xen hàng chục chiếc xe Mobyletter, VeloSolex, Sicde car cổ… Ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ quán cho biết: "Ý định sưu tầm cho mình một bộ đồ cổ đã có từ rất lâu nhưng do bận việc làm việc ở ga tàu Thống Nhất nên bẵng một thời gian dài tôi không thực hiện được. Giờ mình nghỉ hưu nên quyết tâm sưu tầm đồ cổ cho thỏa niềm đam mê bấy lâu".
Chiếc xe Mobyletter được giới 
chơi xe cổ rất yêu thích. Ảnh: Vân Anh.
Không gian của quán 2 tầng, được bày trí bởi những món đồ rất đa dạng và độc đáo từ đầu máy khâu, xe máy cổ, đồng hồ, TV, điện thoại… Các món đồ được bố trí một cách đơn giản, ngẫu hứng nhưng vẫn tạo ra cảm giác mới lạ cho những người đến thưởng thức cà phê.
Trong gian phòng rộng chừng 50 m2 của quán, từng món đồ cổ nhỏ bé cũng tạo nên nguồn cảm hứng để ông chủ trang trí. Trên chiếc bàn nhỏ xinh là chiếc TV có tuổi đời hơn 50 năm, hay chiếc cân bám đầy gỉ sét được treo trên trần nhà... bất ngờ tạo ra nét độc, lạ. Đôi khi chỉ với chiếc chén, điện thoại hay những máy ảnh nhỏ cũng là nguồn cảm hứng giúp ông Cường tạo ra những đồ vật trang trí. Lợi dụng khoảng đèn thắp sáng cho căn nhà, ông thiết kế chiếc chùm đèn treo bên dưới bóng để khi bật, ánh đèn sẽ hắt xuống làm nổi bật lên những món đồ. Cách thiết kế này cũng dễ dàng trong việc quan sát, dù ngồi ở bất cứ vị trí nào mọi người cũng có thể chiêm ngưỡng hết tất cả những món đồ trên đó.
Những món đồ cổ được bày trí đầy 
ngẫu hứng của ông Cường. Ảnh: Vân Anh.
Vừa bước vào quán, bỏ hành lý nặng trĩu vai khi đến Đà Nẵng du lịch, hai vợ chồng người Pháp ồ lên thích thú khi nhìn thấy được chạm tay vào chiếc điện thoại cũ kỹ. Họ còn nán lại để chụp ảnh với bạn bè rồi đăng lên mạng xã hội.
Hơn chục người khách đang uống cafe trên tầng 2 đôi khi bỗng chú ý bởi tiếng kẽo kẹt của chiếc gầm máy may. Ông Cường chia sẻ: "Ngày bé gia đình có chị gái làm may nên từ năm 10 tuổi ông đã biết mày mò tìm hiểu cách may vá quần áo. Ý tưởng sử dụng chân máy may làm bàn cafe cũng bắt nguồn từ đó".
Cùng chung niềm yêu thích với ông, nhiều bạn trẻ chưa biết đến nghề may là gì nhưng họ vẫn thích thú khi được tự chân đạp những vòng quay đều đặn.
Chiếc đèn được treo nhiều đồ cổ 
nhưng vấn bắt mắt. Ảnh: Vân Anh.
Để thỏa sức với đam mê của mình ông đã dành toàn bộ thời gian và công sức sáu năm để sưu tầm đồ cổ. Cứ hễ đi đâu ông cũng luôn nghĩ đến chuyện phải tìm mua cho bằng được những đồ vật cổ có giá trị để đem về nhà. Ông bảo, có khoảng thời gian từ 4 giờ sáng ông lại có mặt ở chợ trời Đà Nẵng để chờ người ta đem hàng đến là mua ngay.
Đi đâu ông cũng nghĩ đến việc tìm kiếm được những món đồ mới. Chuyến đi Đông Giang, Tây Giang Quảng Nam chơi, trong khi bạn bè ông vui chơi, chụp ảnh rất hào hứng thì ông lại đi theo người dân vào bếp để tìm mua mấy cái gùi hay dụng cụ lao động. "Cơ duyên nhiều lúc cứ đến với mình như tinh cờ ấy" ông hào hứng kể. Ra đường gặp hai cô bé người dân tộc đang đeo hai gùi lá cây đầy. Thấy ông có ý đinh muốn mua, hai cô đồng ý rồi đổ lá cây ra đưa gùi cho ông mang về.
Gần 300 món đồ cổ ngoài việc tự tìm mua thì một số món đồ cổ do khách hàng mang đến tặng cho ông Cường. Chỉ tay vào chiếc TV đen trắng, ông kể gia đình một người mới quen không dùng nên mang đến, bởi họ biết khi đặt ở quán sẽ có nhiều người hiểu hơn về những ký ức một thời.
Không gian trên tầng 2 cũng được 
bày trí nhiều đồ cổ. Ảnh: Vân Anh.
Cuộc rong chơi cùng đồ cổ của ông Cường đôi lúc cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài việc đi tìm những món đồ ưa thích, đôi khi ông cũng gặp phải "chướng ngại vật" là chính những người thân. "Có khoảng thời gian chị em trong gia đình ông nói với nhau hay là thằng Cường nó bị tâm thần, có nói nó cũng chẳng nghe, toàn mua mấy thứ đồ đắt tiền đem về nhà. Nhiều lúc còn bàn với nhau đưa tôi đi chữa trị trong bệnh viện tâm thần nữa", ông kể.
Nhưng rồi niềm đam mê, sống với đồ cổ dường như đã ngấm vào máu, để nhiều lúc ông Cường tặc lưỡi: "Rồi sẽ có lúc mọi người hiểu và ủng hộ niềm đam mê của mình thôi! Miễn sao quán có nhiều món đồ gắn với tuổi thơ của nhiều người để có chút hoài niệm cho cuộc sống thêm sắc màu".
Vân Anh
Theo http://ngoisao.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...