Hoa sim lại nở trên đồi trạng nguyên
Phải nói rằng, trong những năm chiến tranh loạn lạc, niềm
khát vọng day dứt nhất, nung nấu tâm can nhất của dân tộc mình là khát vọng hòa
bình. Người lính hiên ngang trước hòn tên mũi đạn, bền bỉ trong đói cơm lạt muối,
đã khôn nguôi nghĩ về làn khói bếp yên hàn, chồng vác cày
giong trâu về giữa gió chiều mát rượi, sà vào mâm cơm nghi ngút được người vợ
hiền tấm mẳn gắp cho đũa cá rô nướng giầm mắm ớt tỏi, sớt thêm lưng bát canh
hoa lý ngạt ngào. Nhìn ra ngõ, thấy tung tăng những đứa con ôm cặp sách, tay
còn níu những chùm dâu quả ổi căng mọng, miệng đã vòi mẹ mua cho thếp giấy hồng
đào để tối nay nắn nót chép những bài thơ học trò ngọt như khúc mía lau và thơm
dịu tựa mảnh trăng thượng huyền… Một dân tộc có thể đốt cháy cả dãy Trường Sơn
để giành lấy những tháng ngày trong trẻo viên mãn ấy, hơn ai hết dân tộc ấy thấu
hiểu sự hy sinh xương máu mà mình phải gánh lấy và không phải ngày một ngày hai
là kẻ thù buông xuôi từ bỏ những ảo vọng ngông cuồng để ta được rảnh tay vun xới
những luống hoa trang nhã trước sân hoặc mê đắm cùng những phím đàn du dương
nhân ái bên khung cửa sổ. Nhưng rồi cuối cùng, cái ngày vui như trong mơ ấy
cũng đã đến, ngày 30.4.1975 vĩ đại, khi cờ giải phóng tung bay phần phật trên
nóc dinh Độc Lập, đất nước tìm lại sự vẹn toàn với nửa mảnh
thiêng liêng của mình, như ao ước của một nhà thơ: “Một nửa nhân dân ngày
mai ta nhận mặt – Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng – Lại vằng vặc những bến
bờ thương nhớ” (Hữu Thỉnh).
Tôi đón nhận làn hương hòa bình ngất ngây mà ngày 30.4 đem lại,
trong một tâm thế đan xen giữa hiện thực và huyền thoại. Huyền thoại như
thể nhìn thấu những lũy tre ngà vàng óng ngàn xưa, cảm nhận được sắc mầu oanh
liệt mà Thánh Gióng lưu lại sau khi đuổi sạch làu bóng giặc ra khỏi bờ cõi,
giong ngựa sắt bay về trời xanh. Huyền thoại như thể nghe được tiếng
cưỡi gió đạp sóng của Bà Trưng Bà Triệu, sờ được những cọc lim nhọn của Hưng Đạo
Vương đâm tả tơi thuyền giặc trên sông Bạch Đằng, ngắm được cảnh vua Lê trả
gươm cho rùa thần hoặc hưởng được mùi hân hoan trên chiếc áo bào chiến thắng sạm
mầu khói súng của Quang Trung.
Một sự phấn chấn cực độ khi giật mình nhớ lại tháng này năm nọ còn thon thót giữa đầm đìa chiến sự, các nhà giáo tâm huyết ở miền Nam thường dồn nén nỗi niềm thời thế và tư tưởng thống nhất non sông qua các chương trình lịch sử, địa lý, văn chương, cho dù chưa định ước trước giấc mơ trạng nguyên của các sĩ tử mình dìu dắt có thành hay không giữa buổi loạn ly giặc giã. Ừ nhỉ, ở dải đất này, lượng vũ khí mà Mỹ ngụy mang vào còn nhiều gấp bội tổng các loại nông cụ dân ta làm mùa, từ lứa tuổi vỡ lòng tôi đã biết chia sẻ nỗi đau của bà con, bạn bè trong thôn xóm ngày ngày táo tác vì bom rơi đạn nổ, cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em… Trong những đêm nghe tiếng gõ cửa, biết là đàng mình trên núi xuống, xóm làng tôi còn giành những bao gạo lúa thơm vun tém kể cả từ ruộng hương hỏa, những tỉn mắm nục, mắm cơm chuyển cho cách mạng và mong ngóng thư từ tin tức từ xứ Bắc của những người thân đi tập kết. Lên lớp đệ lục, đệ ngũ hồi ấy, lớp tôi có một vài thằng nhỉnh tuổi hơn, nói những chuyện khác thường và thỉnh thoảng se sẽ hát:“Em đi gánh lúa trên ngàn – Còn anh chiến đấu sa tràng – Kháng chiến nhất quyết thành công…”. Và chúng nó nhảy núi thật, trước khi bọn quân cảnh kịp phát hiện đem còng cho vào lao xá. Năm bảy mốt, tôi có cô em họ đi lấy chồng theo sự sắp đặt của đôi bên nhà trai nhà gái. Cô dâu buồn lắm nhưng không hé răng cho ai, chỉ đính ước cùng chàng rể sẽ có con khi nào hết chiến tranh. Bạn tôi dự đám cưới về, bóng gió đọc Mầu tím hoa sim: “ Từ chiến khu xa thương về ái ngại – Lấy chồng đời chiến binh – Mấy người đi trở lại – Chỉ thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê…”.Nhưng rồi không lâu sau đó, đời chiến binh ngang dọc lại là đời người vợ, cô ta đã lên rừng thực hiện đúng câu thành ngữ về trách nhiệm đàn bà khi nước nhà hữu sự. Ở cái thời điểm mà những bài giảng trong nhà trường vùng địch chiếm còn nén chặt những hoài bão của lịch sử, những bông hoa thắm của hạnh phúc lứa đôi còn hằn lên gân máu biệt ly, mọi chuyện tử sinh đều khó lường trước được. Những mái đầu thơ dại tưởng như chỉ biết đến tiếng trống trường xôn xao mùa phượng vỹ, thực ra đã lắng lại bởi bao nỗi niềm và ngấm ngầm chuẩn bị cho một lựa chọn nào đó tùy hoàn cảnh, nhưng luôn đặt dưới sự phán xét nghiêm minh của lương tri và Tổ Quốc.
Một sự phấn chấn cực độ khi giật mình nhớ lại tháng này năm nọ còn thon thót giữa đầm đìa chiến sự, các nhà giáo tâm huyết ở miền Nam thường dồn nén nỗi niềm thời thế và tư tưởng thống nhất non sông qua các chương trình lịch sử, địa lý, văn chương, cho dù chưa định ước trước giấc mơ trạng nguyên của các sĩ tử mình dìu dắt có thành hay không giữa buổi loạn ly giặc giã. Ừ nhỉ, ở dải đất này, lượng vũ khí mà Mỹ ngụy mang vào còn nhiều gấp bội tổng các loại nông cụ dân ta làm mùa, từ lứa tuổi vỡ lòng tôi đã biết chia sẻ nỗi đau của bà con, bạn bè trong thôn xóm ngày ngày táo tác vì bom rơi đạn nổ, cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em… Trong những đêm nghe tiếng gõ cửa, biết là đàng mình trên núi xuống, xóm làng tôi còn giành những bao gạo lúa thơm vun tém kể cả từ ruộng hương hỏa, những tỉn mắm nục, mắm cơm chuyển cho cách mạng và mong ngóng thư từ tin tức từ xứ Bắc của những người thân đi tập kết. Lên lớp đệ lục, đệ ngũ hồi ấy, lớp tôi có một vài thằng nhỉnh tuổi hơn, nói những chuyện khác thường và thỉnh thoảng se sẽ hát:“Em đi gánh lúa trên ngàn – Còn anh chiến đấu sa tràng – Kháng chiến nhất quyết thành công…”. Và chúng nó nhảy núi thật, trước khi bọn quân cảnh kịp phát hiện đem còng cho vào lao xá. Năm bảy mốt, tôi có cô em họ đi lấy chồng theo sự sắp đặt của đôi bên nhà trai nhà gái. Cô dâu buồn lắm nhưng không hé răng cho ai, chỉ đính ước cùng chàng rể sẽ có con khi nào hết chiến tranh. Bạn tôi dự đám cưới về, bóng gió đọc Mầu tím hoa sim: “ Từ chiến khu xa thương về ái ngại – Lấy chồng đời chiến binh – Mấy người đi trở lại – Chỉ thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê…”.Nhưng rồi không lâu sau đó, đời chiến binh ngang dọc lại là đời người vợ, cô ta đã lên rừng thực hiện đúng câu thành ngữ về trách nhiệm đàn bà khi nước nhà hữu sự. Ở cái thời điểm mà những bài giảng trong nhà trường vùng địch chiếm còn nén chặt những hoài bão của lịch sử, những bông hoa thắm của hạnh phúc lứa đôi còn hằn lên gân máu biệt ly, mọi chuyện tử sinh đều khó lường trước được. Những mái đầu thơ dại tưởng như chỉ biết đến tiếng trống trường xôn xao mùa phượng vỹ, thực ra đã lắng lại bởi bao nỗi niềm và ngấm ngầm chuẩn bị cho một lựa chọn nào đó tùy hoàn cảnh, nhưng luôn đặt dưới sự phán xét nghiêm minh của lương tri và Tổ Quốc.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng bán sơn địa, miền của giếng đá
ong và những đồi hoa sim tím. Những ngày chuyển tiếp từ cuộc chiến tranh sang
hòa bình, tôi đã cùng các bạn học trèo lên những ngọn đồi, đọc vào
mây xanh những câu thơ sâu sắc và hào sảng mà chúng tôi nhặt được qua tủ sách
khảm xà cừ truyền đời của dòng họ và qua những con người xẻ dọc Trường Sơn làm
nên kỳ tích của thời đại. Hoa sim đối với tôi là loài hoa hiền dịu và đáng kính
ở cốt cách nhẫn nại, dưỡng nuôi sức sống mãnh liệt trên tầng tầng đá sỏi. Đó là
loài hoa không đẹp một mình, mà đẹp miên man ở sự nối kết, càng giang tay nối kết
càng tôn lên vẻ lịch lãm, chẳng bợn chút vị kỷ. Càng ngắm thảm hoa dày dọc
các sườn đồi, tôi càng say mê như đứng trước muôn trùng gấm vóc mà trời đất đã
hào phóng ban cho dải quê nghèo.
Có người nói mầu tím hoa sim là mầu u buồn. Riêng tôi, tôi thấy đó là mầu của niềm vui, một niềm vui không dễ dãi của những con người từng chịu đựng sóng gió gian truân, chỉ qua làn môi thoáng nhẹ, ai cũng nhận ra nụ cười thăm thẳm bao dung.
Có người nói mầu tím hoa sim là mầu u buồn. Riêng tôi, tôi thấy đó là mầu của niềm vui, một niềm vui không dễ dãi của những con người từng chịu đựng sóng gió gian truân, chỉ qua làn môi thoáng nhẹ, ai cũng nhận ra nụ cười thăm thẳm bao dung.
Bây giờ, sau khi đã đi qua rất nhiều cay đắng ngọt bùi của chốn
trần ai, tôi mới diễn đạt được niềm thán phục trước mầu hoa hoang dã của quê
nhà, còn hồi ấy chúng tôi đã quỳ xuống và ngây thơ hứa với những đồi hoa sim biết
bao điều tốt đẹp khi khôn lớn trong cảnh đất nước thái bình. Mầu hoa dắt chúng
tôi mê mải tưởng vọng về Nguyễn Hiền, về Mạc Đĩnh Chi, về Lương Thế Vinh, về Vũ
Duệ, những thần đồng nước Việt mà giai thoại về họ đã tôn vinh trí thông minh,
sự uyên bác đến độ tài hoa của một dân tộc, đàng hoàng và tự tin nâng uy tín quốc
gia trong mối quan hệ với một lân bang đất rộng người đông. Ánh hào quang của
những trạng nguyên trẻ tuổi ấy đã truyền ngọn lửa lấp lánh trên vầng trán ước
mơ của đám nhóc con tóc râu ngô da bùn đất là chúng tôi, khiến chúng tôi tự dặn
lòng về việc chuẩn bị vào đời với tư thế đĩnh đạc của người trai nước Việt, lớp
hậu sinh của một giống nòi văn hiến. Lúc đó tôi đã nghĩ về những lứa trẻ khắp đất
nước mình, rồi sẽ vụt lớn lên như Phù Đổng, cất tiếng nói có trọng lượng giữa
lòng thời đại, xứng đáng với máu xương cha anh mình đã đổ xuống vì nước non, vì
một bầu trời yên tĩnh giành cho sự thăng hoa của trí tuệ tương lai và song hành
với nó là cuộc gìn giữ, vun bồi những giá trị cao đẹp của truyền thống.
Ngoảnh lại một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ
ngày 30-4 lịch sử. Tóc của thế hệ chúng tôi, thế hệ được gọi là trưởng
thành sau 75, không còn xanh thắm như buổi hoa niên. Chúng tôi có dịp ngẫm nghĩ
về những năm mới hòa bình. Có lẽ hồi ấy, đất nước sau chiến tranh với bao nhiêu
thương tích chưa lành khiến lớp trẻ già dặn hơn so với tuổi mình. Cảnh nằm hầm
ngủ hố, cây đổ nhà cháy, người người xiêu tán trong cuộc chiến hôm qua hãy còn
làm chúng tôi trằn trọc. Những ký ức nóng hổi đó đã nung nấu chúng tôi về một
món nợ thiêng liêng với cha anh, với lịch sử, rằng có nhiều điều thế hệ mình phải
làm cho quê nhà, cho cuộc đời, nếu làm ngơ, nếu để dở dang là có tội. Và chúng
tôi thuở ấy không cho phép mình vô tâm, phù phiếm. Luôn luôn có một sự thôi
thúc nội tại vực chúng tôi vượt qua những cơn đói kém dai dẳng- đến độ sắn lát
và bo bo cũng chưa đủ dằn cái dạ dày réo sôi, để thức đến tàn canh suốt mùa
khoa cử, bước lên ngưỡng cửa giảng đường với tâm niệm mình không chỉ đang học
cho mình, mà còn cho cả những anh chị đã mang tuổi xanh vào vĩnh viễn, cho cả kỳ
vọng đầy thao thức của những thầy giáo làng đáng kính, cho bao mẹ già em dại
đang bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên khoảnh ruộng bạc màu. Thế hệ chúng
tôi chẳng đến nỗi hổ thẹn bởi không thiếu những con người không chút tính toan
khi đặt số phận cá nhân trong số phận dân tộc, với mối liên hệ đầy ân nghĩa giữa
giọt nước và biển cả.
Về lại những đồi sim cũ, mơ màng giữa những triền hoa bát
ngát, tôi muốn vốc cả màu tím thủy chung lên tay, áp mặt mình vào đấy nghe thổn
thức cơn mơ trạng nguyên của bạn bè trẻ dại. Bạn bè ơi, trên đồi trạng nguyên của
chúng mình hoa sim đã nở. Dù những điều chúng mình làm được hãy còn ít ỏi,
nhưng màu hoa vẫn độ lượng tin yêu và mong ngóng. Dường như hoa linh cảm được
tiếng nói đầy vô tư và trách nhiệm giữa mặt đất với bầu trời, giữa khoảnh khắc
với muôn trùng, giữa xưa xa vớiø mai sau, giữa thực tế với ước vọng. Phải chăng
vì thế mà mỗi độ vào mùa, hoa lại khiêm cung thắp lửa, những ngọn lửa
giản dị và sâu lắng như cuộc đời.
Nguyễn Thanh Mừng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét