NHỮNG VÒNG XE ĐẠP
Hãy ôm chặt nữa đi em
Như thời son trẻ êm đềm ngày xưa
Hẹn hò sớm đón chiều đưa
Vòng xe đạp lượn nối mùa yêu thương.
Ta từng vượt những dặm trường
Áo cơm vương víu nẻo đường thi ca
Chung lòng tát cạn giang hà
Yên nhôm khung sắt hóa ra kiệu vàng.
Bon bon xe đạp cà tàng
Vợ chồng con cái dọc ngang đất trời
Băng qua thế kỷ hai mươi
Cười ngờm ngợp mắt, thở sùi sụt tai…
(NGUYỄN THANH MỪNG - Tuyển thơ
Việt Nam hiện đại
1975 – 2000)
Lời bình:
Bằng những tín hiệu thẩm mỹ của thi ca, bài thơ thông báo với
chúng ta, nếu nói bằng văn xuôi, thì như sau :
Đây là tiểu gia đình một nhà thơ nghèo nhưng hạnh phúc. Hai
vợ chồng cùng “nuôi chí lớn” trong văn nghiệp. Dẫu đã con cái đèo bòng, họ vẫn
yêu nhau như thuở ban đầu và lạc quan qua mọi gian lao của đời thường. Việc
tóm tắt nội dung bài thơ (một việc đáng ra không bao giờ nên làm) tôi có cái
thú vị là đã nói hầu như đầy đủ mọi thông báo cũng bằng đúng 48 từ, 48 âm vị
của bài thơ, nhưng thật buồn là tôi đã làm cái việc “dã man”: bẻ đôi cánh của
chú chim đang bay, khiến chú nằm quay ra đó, tuy đếm không thiếu một chiếc
lông vũ nào, nhưng đó chỉ còn là cái xác chim, còn cái thần thái, sức bay của
nó thì đã bị hủy diệt!
So sánh như vậy để thấy hiệu ứng thi ca của một bài thơ hay
nó tác động đến thế nào tới người đọc!
Ngôn ngữ thơ thông thường là súc tích, ngắn gọn hơn văn
xuôi mang cùng thông báo ấy. Nhưng khi cần nó vẫn giãn ra để thu tóm mọi sắc
thái của một hoàn cảnh, một thời điểm:
Hãy ôm chặt nữa đi em
Như thời son trẻ êm đềm ngày xưa
Hẹn hò sớm đón chiều đưa
Phương tiện của yêu thương chỉ là chiếc xe đạp để nói cảnh
nghèo của tác giả, nhưng chiếc xe đạp ấy lại có khả năng vẽ lên bức
tranh hạnh phúc: Vòng xe đạp lượn nối mùa yêu thương.
Khổ 2, vẫn chiếc xe đạp thô sơ ấy đã mang đôi bạn tình qua
mọi dặm trường, nhưng đây là dặm dài của thời gian: nẻo đường thi ca.
Khi họ cùng chung chí hướng “thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn” nữa
là tát cạn giang hà, thì chiếc xe thô sơ yên nhôm khung sắt ấy
có thua gì một chiếc kiệu vàng để “đón nàng về dinh”!
Khổ cuối là khúc ca khái quát về lòng tự hào (và tự trào) của
tác giả: ta tuy nghèo vậy nhưng vẫn dọc ngang trời đất như ai mà vượt
sang thế kỷ mới, dẫu có vất vả hơn người đôi chút:
Bon bon xe đạp cà tàng
Vợ chồng con cái dọc ngang đất trời
Băng qua thế kỷ hai mươi
Tác giả đã phát hiện ra thật chính xác thần thái của người
đạp xe đường trường: cười ngờm ngợp mắt, thở sùi sụt tai
(thấy cả mồ hôi trên mi mắt và hơi thở ra đằng tai của họ).
Khai thác mặt đối lập, đặt chúng cạnh nhau để làm nổi bật ý
đồ là thủ pháp thường dùng của thơ, nhưng mỗi nhà thơ sử dụng một khác. Nguyễn
Thanh Mừng mở riêng cho mình một cách đi: anh thường dùng hệ thống từ Hán Việt
với những khái niệm, từ ngữ ước lệ thời “thanh gươm yên ngựa” xa xưa đặt lẫn
vào những chi tiết đời thường ngày hôm nay, làm cho cái đời thường trở nên lấp
lánh, không phải để làm sang mà để đùa cợt, tự trào: kiệu vàng bên yên
nhôm khung sắt, rồi tát cạn giang hà, dọc ngang trời đất… Hẳn đó là âm
hưởng vùng đất văn hóa lịch sử từng vang động thuở thiếu thời của tác giả?
Đây là một bài Lý ngựa ô dành suy tôn
con ngựa sắt xe đạp, sang trọng chẳng kém gì, mà lại “hiện đại”, với giọng tự trào
có duyên của tác giả. Cười trên nỗi gian lao, gian lao chỉ còn một
nửa mà phẩm cách người thì đáng trọng gấp hai!
Cũng cần giới thiệu thêm với độc giả: Nguyễn Thanh Mừng là
nhà thơ Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bình Định,
Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Bình Định. Vợ anh là Trần Thị Huyền
Trang, cây bút trẻ đang sung sức có nhiều truyện ngắn hay và thơ hay xuất hiện
trên các mặt báo.
Vân Long
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét