Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Hồi ức Quy Nhơn

Hồi ức Quy Nhơn
Mỗi lần nhớ đến Quy Nhơn tôi như bị chìm ngập trong tiếng sóng biển, tiếng sóng ầm ào đập vào những ghềnh đá, dưới chân dãy núi Ghềnh Ráng, nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Vùng eo biển ấy (thời tôi ở gọi là Khu 6) với tôi như một cái túi đựng mọi biến thiên của thành phố biển Quy Nhơn, cả đất trời, cả con người. Trịnh Công Sơn đã ở đây vào những năm 60, đã viết những tình khúc đầu đời trong ngôi trường nằm in bóng dưới hàng dương liễu: Trường sư phạm Quy Nhơn, một trường sư phạm cấp tiểu học được lấp đầu tiên ở miền Trung. Thời ấy vẫn còn “sóng yên, biển lặng”, lặng đến hoang vu. Bởi thế, sau này, mỗi lần nghe những tình khúc của Trịnh Công Sơn, tôi nghe như có âm vang của sóng, của gió nơi vùng eo biển này. Phải chăng chất huyền hoặc trong tình khúc của họ Trịnh đã được gây men từ đây? “Ngày mai em đi / biển nhớ tên em gọi về / gọi hàng liễu rũ lê thê…/ ngày mai em đi/cồn đá rêu phong rủ buồn…/ Sầu lên đây hoang vu…” (Biển nhớ).
Thời tôi đến đây trú ẩn, Quy Nhơn không còn bình lặng và “sầu lên đây hoang vu” như thời của họ Trịnh. Đó là năm 1969, chiến tranh đã bộc phát dữ dội, cái thành phố nhỏ này bỗng trở thành “đầu sóng ngọn gió” của miền Trung, sóng đã không còn yên và biển đã không còn lặng. Cả Khu 6 bị phong tỏa, giăng mắc đồn lính, trại giam, sân bay quân sự… Năm ấy, không hẹn nhưng một số bằng hữu văn nghệ của tôi cũng đến đây, mỗi người một hoàn cảnh. Tôi vừa đào thoát từ một trại giam của quân cảnh tư pháp ở Huế, trốn tránh trong một xóm lao động ở Khu 6. Lê Văn Ngăn, trốn lính, bỏ dạy học ở Phan Rang về làm gia sư cho em một chủ cửa hiệu bán vật liệu xây dựng, nằm trên đường Gia Long. Thế Vũ bị bắt lính từ Nha Trang, đang đối mặt với đạn bom chết chóc hàng ngày ở huyện Phù Mỹ… Những ngày ấy, chúng tôi như bị nuốt chửng trong tiếng ầm ào của những chuyến bay quân sự, những đoàn xe chuyển quân, những cuộc hành quân cảnh sát… Và chính trong vòng vây phong tỏa ấy, từ cái góc tối tăm trong kho vật liệu xây dựng, Lê Văn Ngăn đã viết bài thơ Sóng vẫn đập vào eo biển nổi tiếng, như gióng lời xác tín của trái tim mình vào quê hương và trước họng súng của bạo lực:
Sóng vẫn đập vào eo biển
Tiếng sóng dịu dàng và cương quyết
Tiếng sóng chất chứa những điều gì khiến tôi xác tín một điều
Vâng điều ấy
Chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được…
Điều ấy của Lê Văn Ngăn chính là tình yêu quê hương, một tình yêu vĩnh cửu, như tiếng sóng ngày đêm vẫn đập vào eo biển. Bởi vì:
Quê hương, quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
Nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc.
Và bởi vì:
Chết cho tình yêu
Đấy là việc của con người…
Có lẽ nhờ sự xác tín ấy mà sau này, khi tôi bị ngụy quyền bắt trở lại trong một cuộc hành quân cảnh sát ở Khu 6 rồi lại ném lên một tiền đồn ở ngã ba biên giới Đaktô, tôi lại đào thoát trở về để trái tim mình không có gì phải hổ thẹn với quê hương. Và cả với Quy Nhơn muôn đời sóng vẫn đập vào eo biển…
Thái Ngọc San 
Báo Thanh Niên
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...