Hồi nhỏ, tôi ưa hướng đôi
mắt tò mò ham hiểu biết vốn có của trẻ thơ tới những vì sao xa xăm, mờ mờ tỏ
tỏ. Ánh sáng của chúng có thể khó nhận ra. Phải kiên trì tập trung hết tinh lực
để quan sát mới có hy vọng nhận ra được. Nhưng khi đã cảm nhận được thứ ánh
sáng huyền ảo mà lung linh của chúng thì trong lòng tôi bỗng trào dâng một nỗi
thích thú lạ kỳ, rất khó diễn tả bằng lời nói. Đến giờ, tôi vẫn luôn xem đó
là một trong những phút giây quý giá nhất mà ý thức sớm dâng tặng cho tuổi
thơ non trẻ của mình. Lớn lên, khi quyết định lấy việc tìm hiểu văn chương
như là cái đích lớn để hiến thân, thật không ngờ, cái thói quen còn lưu giữ ấy
của tuổi thơ lại giúp ích cho tôi nhiều đến thế! Nhất là khi có ý định dựng lại
chân dung văn học của một nhà văn nào đó. Tôi thích những sự nghiệp âm thầm
mà tỏa sáng. Nguyễn Công Trứ đã từng dạy, sự hành tàng ở đời chẳng phải là
hai chuyện khác nhau như nhiều thường nghĩ. Còn trước đó, Nguyễn Trãi lại
khuyên, hướng xuất xử của một người trên đại thể cũng không khác nhau là mấy.
Xin nhớ là các cụ chỉ ngẫm về lẽ hành tàng và xuất xử ở những con
người hành thế. Lười nhác trong suy nghĩ và hành động hẳn nhiên nằm ngoài lời
bàn hữu lý của các cụ. Riêng với nhà văn thì đó là công việc viết lách hàng
ngày, gắng thể hiện con người mình lên trên mặt giấy trắng. Nói như văn hào
Nga Pushkin, hành động của nhà văn chính là lời nói của anh ta đấy thôi!
Nguyễn Thành Long là một
trong những nhà văn từ lâu cuốn hút suy nghĩ của tôi là bởi vậy. Ông là tác
giả của truyện ngắn Lặng lẽ Sapa – một tác phẩm nổi tiếng đến mức được nhiều
người xem là đã đạt tới trình độ cổ điển. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Hoài Anh mới
quyết định đặt tên cho bài viết dựng lại chân dung nhà văn của ông là Lặng lẽ
sống, lặng lẽ viết, lặng lẽ ra đi. Còn tôi cũng xin mạo muội học theo để tìm
cho bài tiểu luận này cái tên Lặng lẽ để tỏa sáng. Trong cuộc đời
cũng như trong văn chương, tôi nghiệm thấy, cái gì tồn tại lặng lẽ cũng có sức
cuốn hút riêng, khiến người ta khó lòng mà dừng bước một khi có ý định tìm
tòi, khám phá một cách nghiêm túc. Bởi, nó thường ẩn chứa nhiều vấn đề đối mặt
với ta, khó mà né tránh như: Nguyên cớ của sự lặng lẽ ở đâu? Thực chất của sự
lặng lẽ như thế nào? Rồi bài học đựơc rút ra từ sự lặng lẽ ra sao nữa?... Tôi
đã đọc bài viết ngắn Khách quan và cá tính của Nguyễn Thành Long với một tâm
trạng đợi chờ những câu trả lời như thế. Sự xuất hiện của nó cũng rất…thầm lặng
– công bố trên tập san (chưa phải là tạp chí) Thông báo nghệ thuật (chưa phải
là thông báo chuyên về văn học) số 26 năm 1978 của Viện Nghệ thuật thuộc Bộ
Văn hóa và Thông tin. Đây chỉ là nội san, dành cho các nhà quản
lý, sáng tạo, nghiên cứu và giảng dạy nghệ thuật tham khảo là chính. Chỉ
riêng việc in ấn bằng hình thức rônêô cổ lỗ cũng đủ nói lên lẽ tồn
tại âm thầm của nó. Tuy nhiên, càng đọc tôi càng nhận ra rất nhiều
ánh sáng tỏa ra từ mỗi con chữ của bài viết. Cứ như một bài tiểu luận chỉn
chu của một nhà lý thuyết đích thực. Mà đúng là một tiểu luận văn chương hòan
hảo thật. Chớ nên quên là ngay từ năm 1943, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Thành
Long đã cộng tác với Tạp chí Thanh nghị - một trong những biểu trưng sáng
chói của trí tuệ và trí thức dân tộc trước Cách mạng tháng Tám, với tiểu luận
phải thừa nhận là rất táo bạo: Một quan niệm nghệ thuật. Rồi sau đó, ngay những
ngày đầu Cách mạng, ông từng viết bài trên Tạp chí Tân văn hóa xuất bản ở Huế
mang tính định hướng cho nền văn nghệ mới, chung quanh các nguyên tắc được đề
ra trong Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng Cộng sản là Dân tộc hóa, Khoa học
hóa, Đại chúng hóa.
Động lực thôi thúc ông viết
bài này là từ thực tế sáng tác văn chương, chủ yếu là văn xuôi, còn quá nhiều
non yếu của nước ta sau chiến tranh. Tập trung ở những cây bút trẻ. Mấu chốt
sâu xa suy đến cùng theo ông là nằm ở quan niệm viết văn còn giản đơn đến mức
thô thiển của người viết: “Bây giờ không ít anh em viết trẻ nghĩ rằng khối
chuyện viết, “chúng em chỉ tiếc là còn kém về cách thể hiện thôi”. Và kết quả
như thế nào? Không cần phải dè dặt nữa, chúng ta viết quá nhiều những chuyện
giống nhau, và tình hình giống nhau đó lại nghiêm trọng hơn bởi chúng không
rung động”. Kết thúc bài viết, ông nâng cao, mở rộng thêm cái ý
khai triển lúc ban đầu: “Bệnh viết chung chung, giống nhau, bệnh
mình lặp lại người khác, mình lặp lại mình, khéo tay xuông…là một bệnh cần chữa
chạy ngay”. Theo ý ông, nguyên nhân chính là do nhiều tác phẩm ở
ta thiếu cá tính của tác giả. Ngẫm kỹ, những gì xuất phát từ chính đời sống
văn chương, lại được đặt ra một cách khẩn thiết và tâm huyết thường thiết thực
và hiệu quả. Sau này, trong bài viết về quá trình sáng tạo Lặng lẽ Sapa, ông
có dịp khái quát cao hơn: “Nhưng viết thế nào thì viết, truyện ngắn phải mang
dấu ấn của tác giả, biểu hiện sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là ở
tấm lòng đằm thắm của anh, sau đó là bút pháp, giọng điệu, nhịp điệu câu chuyện
của anh, những “cái áo” “làn da” của tấm lòng tác giả”.
Riêng trong tiểu luận này,
ngay từ đầu, Nguyễn Thành Long đã không chọn cách nói vòng vo, úp mở mà thẳng
thắn nêu ra quan niệm của mình: “Sáng tác = sự vật khách quan + cá tính của
tác giả, đó là một tình cảnh không thể khác”. Cứ như một định lý tóan học.
Đáng nói nhất là thái độ khẳng định dứt khóat như đinh đóng cột của người viết.
Đến giờ, nguyên lý như một định đề văn chương này chắc chả còn mấy xa lạ với
chúng ta. Thời ngay sau 1975 thì có khác. Người ta quen đề cao một chiều vai
trò của yếu tố khách quan đối với sáng tạo nghệ thuật. Phổ biến là cách nghĩ
giản đơn cho rằng, cứ nhiều tư liệu thực tế, nhất là thực tế cách mạng, rồi
kheo khéo kể lại là ắt sẽ có sáng tác hay. Nên mới có phong trào đi vào thực
tế mà đúng ra phải là sống với thực tế. Nguyễn Thành Long chú tâm phê phán hướng
trau dồi vốn sống không mấy phù hợp với sáng tạo văn chương này: “Tóm thâu
công việc sáng tác còn lại chỉ hai động tác: thu nhặt (chứ không phải thu nhận)
vốn sống – nghĩa là đi lấy tài liệu – và thể hiện bằng bút pháp, đó là một
quan niệm sai lầm”. Nói cách khác, các văn nghệ sỹ có phần sao nhãng việc
trau dồi cách cảm nhận đời sống và sau đó là cách thể hiện đời sống. Ông cho
rằng: “Muốn thật hiện thực, muốn thật khách quan, nhiều người viết đã không
tính đến cái phần của bản thân mình, thậm chí đã bỏ qua nó…Đừng có ảo tưởng
xóa bỏ mình mà hiểu được sự vật khách quan” . Rồi ông gắn việc hiểu đúng cái
khách quan của đời sống với chủ trương học tập, trau dồi tư tưởng của người
nghệ sỹ: “…Học tập chính trị, cải tạo tư tưởng là để củng cố, để tăng thêm chất
lượng cho cái tôi đó, để dùng cái tôi đó, sao mình lại xóa bỏ mình”. Quả là
ông đã chủ động hiểu và hơn thế chủ động vận dụng theo tinh thần chứ không
quá nệ vào câu chữ của chủ trương cần thiết và đúng đắn nổi lên một thời
trong định hướng sáng tạo nghệ thuật vốn thường xuyên biến hóa, lại hết sức
đa dạng của người nghệ sỹ. Ông không cực đoan chối từ như một ai đó. Mà cũng
không hiểu một cách máy móc, giản đơn như nhiều người khi ấy. Để rồi, ông giải
thích cái mà ta quen gọi là vốn sống của người sáng tác phải nói thật chí lý,
đồng thời có ý nghĩa phổ quát rộng rãi:“Cái mà người ta gọi là vốn sống thật
ra bao gồm cả anh (tức người nghệ sỹ)”. Nói một cách khác: “Anh là người có vốn
sống, anh là chủ từ”. Tôi hiểu vì lẽ gì mà khi viết Lặng lẽ Sapa, Nguyễn
Thành Long lại chân tình thổ lộ: “Tôi tìm ra được một nhân vật chính là tôi,
cái đó trải qua một quá trình suy nghĩ dài”. Theo tôi, có lẽ không hiểu cặn kẽ
điều này nên nhà thơ Hòai Anh mới chê nhiều truyện của ông là thiếu chất sống
thực. Nổi lên là nhận định quan trọng sau:“…Tôi nhận thấy anh Tế Hanh có cái
thực, nhưng nhiều khi tỏ ra vụng về kỹ thuật, còn anh Nguyễn Thành Long lại nặng
về kỹ thuật quá nên đã làm giảm bớt cái thực vốn có ở anh”. Từ đó, anh tỏ ý
không hài lòng truyện Lặng lẽ Sapa được nhiều người nhất trí khen là thành
công:“…Tôi lại thấy cả bộ ba (nhân vật trong truyện) này có nhiều điệu bộ kịch
quá mà người quen viết kịch thường hết sức né tránh để cho câu chuyện được tự
nhiên hơn” (Xin xem Chân dung nhà văn – Nxb Hội Nhà văn, 2001, tr. 1421 và
tr. 1422). Tôi không thật tán thành với cách đánh gía rõ ràng là rời xa quan
niệm xác tín của người viết như thế.
Với một quan niệm về vốn sống
như thế, Nguyễn Thành Long đi tới lời bàn xung quanh việc trau dồi vốn sống
đích thực ở nhà văn. Ở đây, ta lại bắt gặp cách hiểu tích cực một nguyên lý
văn chương quen thuộc rất dễ giải thích một cách thô thiển: “Người ta hay so
sánh văn chương là tấm gương phản chiếu cuộc đời”. Nguyễn Thành
Long đã không rơi vào thiên hướng dung tục. Ông viết: “Có hai cách chuyển dịch.
Cuộc chuyển dịch thứ nhất là từ sự vật khách quan soi lên thành hình ảnh thu
nhận trong tâm hồn người viết văn, cuộc chuyển dịch thứ hai là từ hình ảnh
thu nhận trong tâm hồn trở thành hình ảnh trên trang giấy”. Vậy là tới hai lần
sáng tạo. Sự chuyển dịch thứ nhất, qua tâm hồn người viết, theo
ông, mang tính quyết định. Ông giải thích tâm hồn của chủ thể sáng tạo thật
khóang đạt, mà cũng thật sát hợp: “Tâm hồn nhà văn là hợp thành của nhiều thứ
trình độ: chính trị, văn hóa, thẩm mỹ, thêm vào đó, cũng không kém phần quan
trọng, là trình độ trải đời, trình độ nhạy cảm, khả năng căm giận, khả năng
yêu thương…và cũng không kém phần quan trọng nữa là khả năng ước mơ, khả năng
ước vọng…”. Ông đồng thời nhấn mạnh một cách biện chứng, tỏ rõ sự
hiểu thấu công việc sáng tạo đặc thù của nhà văn: “Khi nhà văn thu nhận, anh
huy động cùng một lúc tất cả những cái đó, tất cả tâm hồn anh, tất cả cuộc đời
anh”. Từ thu nhận được Nguyễn Thành Long nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến tôi
nhớ tới câu nói giàu sức thuyết phục mang dấu ấn hiện đại của Tzvetaeva: Thay
vì thế giới quan – tôi chỉ có cảm quan vụ trụ (Tạp chí Văn học Nước ngoài,
3/2007, tr. 160).
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ,
ta thấy đôi lúc ông quả đã đi hơi xa, để rồi có phần hạ thấp vai trò của bước
chuyển dịch thứ hai là sự thể hiện của người nghệ sỹ ngôn từ: “Một câu chuyện
hay ít hay hay vừa căn bản là ở chỗ lao động thu nhận này cùa nhà văn, không
phải ở giai đọan thể hiện”. Ông đã đúng khi cho rằng cái đầu quyết định cái
sau. Có điều, cái sau cũng có vai trò quan trọng của nó chứ! Nên nhớ là ta
đang bàn về nghệ thuật. Mà ngẫm kỹ thì tách biệt chúng ra sao được. Có lẽ vì
thế Nguyễn Thành Long mới trở lại bàn thêm: “Thông thường, ở trong đời, người
ta diễn đạt một cách cẩu thả, bằng cách lặp lại diễn đạt của người khác, người
khác lại người khác nữa, thành những vết mòn, những ngôn từ mòn, những đọan
văn mòn”. Ý ông muốn nói, nhà văn thì khác, phải hết sức tránh lối
mòn trong diễn đạt. Chỉ là trên phương diện diễn đạt thôi! Thu hẹp giai đọan
thể hiện chỉ còn ở khả năng diễn đạt, tác giả trên thực tế đã rơi vào giản
đơn. Cũng như nhiều tài năng khác, ông khó lòng hòan tòan thóat khỏi sự giàn
buộc tất yếu của thời đại là thế. Cũng có phần thiên lệch tương tự khi ông
khái quát phạm trù cá tính sáng tạo của nhà văn như thế này: “Song nhiều người
vẫn hay nhầm cá tính của tác giả ấy là bút pháp, điều đó không đúng”. Đã rõ
là ông có xem thường bút pháp thể hiện trong việc hình thành cá tính sáng tạo.
Hình như cảm thấy như vậy là chưa thỏa đáng, nên ngay sau đó ông trở lại nói
rõ thêm ý mình: “Nó (bút pháp) chỉ là một phần mà không phải là tòan bộ cái
mà ta gọi là cá tính của tác giả”. Rồi vẫn thấy như chưa đủ, ông đã quyết định
bổ sung đọan sau: “Cá tính của một nhà văn bắt đầu từ đâu? Từ…cảm quan bằng cảm
quan của mình…rồi đi đến chỗ tìm cách diễn đạt của mình với những từ chữ của
mình”. Cứ từ những gì nhận biết được ở đây, trong thiên hướng xem nhẹ vai trò
của sự thể hiện ở Nguyễn Thành Long, tôi không thể tán đồng với nhận xét chưa
được biện giải rõ ràng và thỏa đáng của nhà thơ Hoài Anh liên quan tới đánh
giá của anh khi nhìn vào dòng bút tích ông để lại: “Cái mà ta cần học, nhắc
đi nhắc lại, không phải là kỹ thuật. “Em có vốn sống, chỉ thiếu kỹ thuật”
không đúng. Cái mà ta muốn, mà ta tin là văn học thiếu là cái gì? Nếu không
làm được cái đó, thày trò ta không đáng sống – cuộc đời này”. Không chút ngần
ngại, nhà thơ đảm trách phê bình này cho rằng: “Phải chăng anh viết điều đó
ra chính là để tự nhắc nhở mình, một người có nhiều kỹ thuật nhưng còn ít vốn
sống?” (Xin xem Chân dung nhà văn – Nxb Hội Nhà văn, 2001, tr. 1426). Không,
không phải vậy đâu! Từ trong thẳm sâu quan niệm, Nguyễn Thành Long thật lòng
nghĩ thế và đã làm thế. Vậy nên khi gập cuốn sách ngót một nghìn năm trăm
trang chứa nhiều công sức của Hoài Anh, đôi lúc tôi cứ thấy lòng mình phấp phỏng
không yên.
Trở lại vấn đề trau dồi vốn
sống đích thực của nhà văn mà Nguyễn Thành Long bàn tới. Không ít thách thức
và trở ngại, để nhằm thỏa mãn yêu cầu rất cao: biến cái tự
nó thành cái cho ta. Ông viết rằng: “Để thực hiện cái “của
mình”đó, anh phải vận động như người ta thường nói, hết mình”. Ông đưa ra một
dẫn dụ như diễn tả một cuộc tiễn biệt. Yêu cầu thật rõ và thật cao, nhưng
không thể khác: cuộc tiễn biệt của người viết phải “có cái khác, có cái mới”,
nghĩa là phải đặc biệt về ý nghĩa và đặc sắc trong thể hiện. Do đâu và ở chỗ nào?
Từ các cuộc tiễn biệt ta từng trải qua, từng bắt gặp, từng đọc hay từng nghe
kể trong cuộc đời và trong văn chương. Chẳng thể khác được! Đó là bột để
gột nên hồ. Nhưng như thế là chưa đủ khi người viết “muốn mô tả được
cuộc tiễn biệt thật xuất sắc” như đòi hỏi tất yếu đặt ra đối với một
người cầm bút chân chính. Nguyễn Thành Long nói tới một cuộc tiễn biệt mà nhà
văn “phải kể”. Thế nào là “phải kể”? Ông biện giải thế này: “Thấy không đủ phải
hiểu”. Chưa hết: “Phải viện đến một cuộc tiễn biệt mà chính ta là người đi
hay ở”. Dầu không nói ra, tôi có thể hiểu ông coi trọng yêu cầu sau hơn.
Không dễ dàng thỏa mãn được yêu cầu cốt tủy này. Vì anh phải sống với nó, biến
nó thành máu thịt của anh. Khi ấy,“cảnh tiễn biệt vốn chỉ là khách quan, hóa
ra thân thiết, hóa ra của mình là như vậy”. Chỉ như thế mới mong đặt tiền đề
cho sự thành công của sáng tạo. Bởi, chỉ có thế, tác phẩm mới dễ dàng tìm được
con đường ngắn nhất, lại hiệu qua nhất đi vào trái tim người đọc, như ông viết:
“Con đường từ ta đến sâu thẳm lòng người đọc là một con đường không có vạch sẵn,
rất tế nhị, rất thầm kín”. Chìa khóa nằm ở ngay tấm lòng chân thật
của nhà văn do cách thức tiếp nhận đời sống của anh ta chi phối: “Thành thật
là điều quan trọng nhất - Ông rút ra - Những truyện hay, những truyện trong
đó tác giả, trước tất cả mọi sự, thành thật hơn người… ”. Lại trở về với quy
luật ngàn đời của văn chương nghệ thuật, nhưng rõ ràng là tính quan niệm đã
triệt để hơn nhiều.
Đi sâu tìm hiểu quá trình
mà Nguyễn Thành Long gọi là thâu nhận đời sống của nhà văn ta thấy in hằn rõ
nét tính chủ thể của sáng tạo. Đây có lẽ là điểm đặc biệt quý giá trong cái
nhìn sâu sắc của ông. Tôi nói vậy, vì ông có sự phân biệt rành rẽ hai lọai
kinh nghiệm mà các nhà tâm lý học nghệ thuật hiện đại gọi là kinh
nghiệm sự kiện và kinh nghiêm quan hệ. Lọai trước gắn với nhận thức, lọai sau
gắn với quan niệm. Chúng không tách rời nhau, thậm chí hòa quyện vào nhau,
cái trước làm tiền đề cho cái sau. Nhưng chúng khác nhau, đặc biệt về trình độ,
dầu cũng đều là những kinh nghiệm, nghĩa là đều mang dấu ấn chủ
quan. Ông đưa ra một dẫn dụ, chẳng hạn nghe một câu chuyện của một tỉnh ủy
viên, và cho rằng, là một nhà văn thì“trước hết anh phải suy nghĩ về câu chuyện mà
đồng chí tỉnh ủy viên kể với anh, xem phong trào ở tỉnh này có thật hơn các tỉnh
khác không…(Tôi hiểu đây là kinh nghiêm sự kiện), nó có ý nghĩa gì đáng kể về
xã hội, về triết học, về người đời không viết không được? (Tôi hiểu đây là
kinh nghiệm quan hệ). Lọai kinh nghiệm sau, kinh nghiệm quan hệ, trong nghệ
thuật quan trọng và cần thiết hơn cả. Văn hào M. Gorki thậm chí còn cho rằng
chân lý sự kiện tự nó không quan trọng, điều quan trọng chính là chân lý của
cái mà ông gọi là “tâm lý sự kiện”.
Xem ra, Nguyễn Thành Long
đã bằng sự trải nghiệm sáng tạo chật vật của mình để tiến tới quan niệm có thể
xem là hòan tòan đúng đắn này. Như khi viết truyện ngắn Lặng lẽ Sapa. Ông muốn
nói lên ý tưởng: “Trong cái im lặng của Sapa…Sapa mà chỉ nghe tên, người ta
đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy
cho đất nước”. Còn ở bài tiểu luận này, ông đưa ra một
dẫn chứng khác: “Một câu chuyện kể cho nhiều người nghe, cái chết và đám ma một
bà cụ thì có gì là đặc biệt, những người nghe nghe rồi quên đi. Nhưng nhà văn
xúc động và thu nhận hình ảnh đó ví dụ với cái ý nghĩa này: con người suốt đời
thu vén nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ đủ để xóa bỏ hết vết tích của bà”. Rồi
ông đi tới một nhận xét quan trọng: “Thì cũng là câu chuyện ấy mà trong tâm hồn
nhà văn in lên thành một dạng khác”. Mượn cách nói của người xưa, ông bảo như
thế là ngòi bút đã có thần. Cái mà ta quen gọi là lượng thông tin nghệ thuật
chủ yếu nằm ở chỗ đó. Sự giàu có của nghệ thuật cũng chủ yếu là theo nghĩa
này. Đó là sự giàu có nhờ sức soi rọi của tư tưởng nhà văn. Nếp rêu con cũng
chói lòa ánh sáng / Khi mặt trời tư tưởng rọi hang sâu (Chế Lan Viên). Bởi vậy,
cái quan trọng nhất trong nghệ thuật nằm ở độ sâu về ý nghĩa nhân sinh mà tác
phẩm mang lại cho người đọc.
Đến đây, nhà văn Nguyễn
Thành Long đã hòan tòan có đủ lòng tin và nhận thức để kết luận bài viết chất
chứa tâm huyết của mình, rằng “nghề văn khó khăn và nghiêm túc hơn nhiều”, và
rằng cái mà nhà văn cần nhất chính là “đi đúng trên con đường chăm chỉ và đầy
ưu ái của tâm hồn”. Vâng, lại trở về câu chuyện của tâm hôn muôn thuở. Hiểu
quy luật thầm kín, biến ảo của tâm hồn, thể hiện một cách thần tình, cuốn hút
nó trong hình tượng. Tâm hồn nhà văn tất sẽ tìm được sự đồng điệu nơi người đọc
- người đọc hôm nay và người đọc mai hậu, người đọc trong nước và người đọc
thuộc những chân trời xa xôi khác. Bảo là đơn giản thì đúng là đơn giản thật,
cái con đường đi vào lòng người thẳm sâu và huyền bí ấy. Nhưng, có lạ không,
ngộ được nó nào có dễ dàng gì. Trở ngại nằm ở đâu? Nhà triết học Pháp
Descartes nói thật thâm thúy: “Mọi chân lý đều có thể được tiếp thu một cách
sáng tỏ, nhưng do định kiến nên không phải mọi người đều tiếp thu
đựơc chúng”. Cần bắt đầu từ nhận thức đúng đắn về nghề cầm bút. Mà muốn vậy
thì theo cách nói của nhà Thiền hãy mạnh dạn phá chấp. Rất cần tới lòng can đảm
bứt phá của người cầm bút. Trong hành trình đi về phía trước, hình ảnh lầm
lũi của Nguyễn Thành Long lạ thay lại có sức cổ vũ kích lệ thật lớn lao! Đột
nhiên sống dậy trong tâm trí tôi hình ảnh con tàu vun vút lao đi trong đêm tối
băng mình về phía trước trong truyện Nửa đêm về sáng của ông: “Con tàu vẫn tiếp
tục đi xuyên đêm thâu, với cái ý chí làm cho xong công việc của mình, bất chấp
lạnh lẽo và tối đen…Người đi tàu, cùng thức với nó trong đêm, tẩn mẩn nghĩ về
vũ trụ, lại thấy bóng dáng cái mà ta gọi là hạnh phúc con người, mình bắt gặp
mình có cái ý thật trẻ thơ. Không gian thăm thẳm, đời người không bằng một
kilômét, chẳng làm được mấy việc. Con người sinh ra và chết đi, cái chết là tất
nhiên của cái sinh thì cái chết có gì đáng sợ. Cái đáng sợ là kiểm lại thấy
mình chẳng làm được việc gì để lý giải được vì sao mình đã sống”.
Các nhà nghiên cứu văn
chương hiện đại gần như đi đến chỗ nhất trí cho rằng dấu hiệu dễ nhận ra nhất
của sự đổi mới trong tư duy lý luận chính là ý thức về tính chủ thể. Như
ở Trung Quốc, người ta thường nhắc tới cột mốc đáng nhớ khi mà giới khoa học
văn chương nước này long trọng kỷ niệm 200 năm ra đời tác phẩm bất hủ Phê phán
lý tính thuần túy của I. Kant vào năm 1981. Khi ấy, nhà mỹ học Lý Trạch Hậu mạnh
dạn đề xuất ý thức chủ thể trong văn chương liền được nhiều nhà nghiên cứu
tán đồng và hưởng ứng. Nổi lên là bài viết Bàn về tính chủ thể của văn chương
của nhà lý luận Lưu Tái Phục.
Ông đặt vấn đề tính chủ thể khá rộng rãi, cả ở
nhà văn, ở nhân vật lẫn ở người đọc. Còn ở ta, ngay sau Đại thắng 1975, vào
năm 1979, đã xuất hiện gần như cùng một lúc hai sự kiện đáng nghi nhận trong
tiến trình đổi mới tư duy văn học. Đó là Bản đề cương Đề dẫn lịch
sử chuyên bàn về nâng cao chất lượng sáng tác của Đảng đòan Hội Nhà văn Việt
Nam trong Hội nghị tổ chức vào các ngày 11, 12, 13 tháng 6 và bài viết in
trên Báo Văn Nghệ Số 23, ngày 9 tháng 6 của Hòang Ngọc Hiến có tên
Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đọan vừa qua. Có thể
nhận ra ý thức về tính chủ thể qua hai sự kiện lý luận nổi bật này. (Xin xem
thêm bài viết của Phạm Quang Trung – Khởi đầu công cuộc đổi mới văn chương ở
nước ta trong tập Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng
dạy - Nxb Giáo dục, 2006). Trong bài viết đi sâu vào tính chủ thể
dưới cái nhìn và sự trải nghiệm ở người sáng tác của Nguyễn Thành Long, như
đã phân tích, có thể chưa thật bao quát và hệ thống về phương diện lý luận,
nhưng rõ ràng có sức thuyết phục riêng. Vấn đề được người viết biện giải một
cách dung dị, nhuần nhị và sáng tỏ, thấm nhuần nỗi ưu tư trong nhiều năm trời
của một nhà văn giàu kinh nghiệm nghề nghiệp mà cũng rất giàu trách nhiệm với
xã hội. Đặc biệt có ý nghĩa khi nhớ lại thời điểm xuất hiện của bài viết vào
năm 1978. Còn trước hai sự kiện nói trên tới một năm trời! Cảm quan nghệ sỹ ở
Nguyễn Thành Long quả vô cùng bén nhạy. Sức tỏa sáng của bài Khách quan và cá
tính âm thầm và lặng lẽ như cuộc đời và văn nghiệp của ông rất cần
được nhìn nhận cho thật thỏa đáng.
Viết tới đây, tôi chợt hiểu
thêm vì lẽ gì mà con đường viết văn của Nguyễn Thành Long lại không mấy xuôi
chèo mát mái như phần đông các nhà văn cùng thời khác. Nhiều người làm văn học
sau hòa bình năm 1954 chắc còn nhớ đến “sự cố” Cái gốc của ông. Tác phẩm viết
về số phận của nhiều người phụ nữ làm việc vất vả ở các nông trường nhưng mãi
không có điều kiện xây dựng gia đình để có thể được hưởng hạnh phúc bình dị
như bao người phụ nữ khác trên đời. Từng trang, từng trang bút ký thấm đẫm tấm
lòng sẻ chia của người viết. Nhưng không ít người khăng khăng liệt tác phẩm
vào khuynh hướng bôi nhọ hiện thực, không có cái nhìn sáng sủa, tích cực đối
với cuộc sống mới. Cũng như vậy, trước đó, khi vừa tập kết ra miền Bắc, công
tác ở Hà Nội, Nguyễn Thành Long có viết một truyện ngắn gây lao xao trong dư
luận lúc bấy giờ có tên Một trò chơi nguy hiểm. Ông đề cập tới một thực tế
khá phổ biến và rất đáng khuyến cáo khi Thủ đô vừa giải phóng là nhiều cô gái
con nhà tư sản có ý đem nhan sắc quyến rũ và lung lạc cán bộ ta. Đáng nói là
không ít cán bộ đã thật sự bị gục ngã. Thế nhưng, nhiều người khi ấy, vô tình
hoặc cố ý, đã hiểu lầm và xuyện tạc thiện ý của ông. May mà cả hai “tai nạn
nghề nghiệp” Nguyễn Thành Long gặp phải đều được nhanh chóng giải tỏa. Có lẽ
vì ông là một cán bộ miền Nam tập kết lại từng có quá trình tham
gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khu Năm. Không rõ có gì là lệch lạc về
tư tưởng ở đây nhỉ? Phải chăng chỉ bởi ông sớm tỏ rõ mình là một tài năng. Sự
nhạy bén hơn người chẳng phải là một biểu hiện dễ thấy của một tài năng đó
sao? Họ bao giờ cũng đi trước thời đại. Rồi gắng bộc lộ cảm quan hiện thực mới
mẻ của mình bằng hình thức này hình thức khác.Và bởi vậy mà lắm khi họ gặp phải
những tai ương. Cứ như một thứ định mệnh khó bề tránh khỏi! Vậy là, tài năng ở
Nguyễn Thành Long còn lấp lánh một sắc thái này nữa: sự dũng cảm. Nhưng, cũng
như con người và văn nghiệp của ông: sự dũng cảm ở đây thật là lặng lẽ!
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét