I.1.1. Từ khi loài người
xuất hiện cho đến nay, dường như, không một sản phẩm tinh thần nào lại được
xã hội quan tâm rộng rãi như văn chương. Có người từ bản chất nhân văn phổ biến
của văn chương để tìm lời giải. Có người lại đi từ bản chất ngôn từ sâu rộng
của văn chương để tìm câu trả lời. Ưu thế của văn chương so với các họat động
tinh thần khác của con người là ở đó. Mà sự phức tạp của văn chương so với
các họat động tinh thần ấy cũng từ đó mà ra. Cần nhấn mạnh tới mặt sau của vấn
đề. Ai cũng quan tâm, nên ai cũng có thể bàn luận về văn chương, thậm chí ai
cũng có thể đưa ra quan niệm văn chương của riêng mình. Mọi rầy rà khởi nguồn
từ đây. Cùng với sự phát triển của tri thức, sự rầy rà xem ra ngày một tăng.
Để rồi, cho tới giờ, từ hữu hạn, quan niệm về văn chương vốn mang tính ý thức
rất cao đang có nguy cơ bị đẩy dần tới ranh giới của vô hạn. Nghĩa là vô
cùng. Nghĩa là càng ngày càng rời xa, hơn thế, đi tới xóa nhòa mọi tiêu chí.
Giờ thì không một ai còn đủ can đảm liệt kê những quan niệm văn chương đã từng
được công bố mà lại không e sợ rơi vào thiếu hụt. Dầu chỉ là những quan niệm
cơ bản nhất. Dẫu chỉ là những ý kiến do những tên tuổi có thẩm quyền nhất cho
mọi thời đại đã từng phát ngôn.
I.1.2. Từ đó đã thật sự xuất hiện những hiểm họa văn học mới. Trước đây, văn
hào Lỗ Tấn bảo rằng, trên đời vốn không có đường, người đi mãi thành đường.
Giờ lại khác, trên lãnh địa văn học, người đi lại nhiều quá, đến mức chẳng
còn đường nữa. Bởi thế đã xuất hiện sự hoài nghi nhận thức mới khi nhân lọai
bước vào thời kỳ mà các học giả phương Tây gọi là hậu hiện đại. Nhiều
người đã đặt trong ngoặc đơn các lọai hình tri thức mà họ gọi là truyện và tự
sự, nhất là các siêu truyện và siêu tự sự. Bất tín
nhận thức đã trở thành cảm quan chung chi phối, quán xuyến chủ nghĩa hậu hiện
đại. Trong tình hình đó, không lấy làm ngạc nhiên nếu như vài thập kỷ trở lại
đây trên thế giới xuất hiện ngày một lan rộng xu hướng phủ nhận mọi ý định
đưa ra định nghĩa về văn chương. Nhiều người, như các học giả Hoa Kỳ, tiêu biểu
là Morris Weitz, William Kennick, Morgart Macdonald …đều nhất loạt lên tiếng
chỉ trích những ai cố công đi tìm khái niệm văn chương. Đơn giản vì, với họ,
là không thể. Họ tỏ ý rất tâm đắc với câu nói của Augustin: “Xét cho
cùng thời gian là gì? Không ai hỏi, tôi còn cảm thấy rõ ràng, nhưng nếu có
người bảo thử giải thích, thì tôi liền cảm thấy mông lung, mơ hồ”(1, tr.
337). Sự hòai nghi lý luận của họ dựa hẳn vào triết học phân tích ngôn ngữ của
nhà nghiên cứu người Anh L. Wittgenstein (1889 - 1851). Ông đã đưa ra lý thuyết
nổi tiếng cho rằng, mọi diễn ngôn (discourse), về bản chất, đều chỉ
là những trò chơi ngôn ngữ. Như mọi trò chơi khác, theo ông, diễn
ngôn nào cũng tùy thuộc vào cách chơi. Mà cách chơi lại do luật chơi được quy
ước trong từng trường hợp cụ thể chi phối. Không có luật chơi chung cho mọi
trò chơi, cho mọi diễn ngôn. Rõ ràng, ông hướng trọng tâm chú ý vào hiệu quả
thực tế, hiệu quả cụ thể của từng diễn ngôn. Đã thế thì mọi hình thái phát
ngôn trừu tượng sẽ không còn cơ sở tồn tại. Mọi khái niệm, do vậy, cũng mất hết
ý nghĩa.
II.1.1. Cho dầu như vậy, nhân loại từ ngàn năm nay, và có lẽ ngàn năm sau nữa,
vẫn không thôi khắc khoải trước một câu hỏi: rốt cục văn chương là gì? Trên
Báo Văn nghệ số 31 / 2006 mới đây, một nhà văn phải nói là khá
thành đạt, hai lần trong một bài báo ngắn, thảng thốt một cách thành thật bởi
chính câu hỏi ấy, để rồi phải tự thú nhận là “không thể tự trả lời”. Cũng
nên xem đó là cách trả lời của một nhà văn. Riêng những người chuyên nghiên cứu
văn chương thì không thể không tự trả lời. Bằng một hệ thống chứng lý rõ
ràng. Bởi lẽ, làm sao có thể tìm hiểu, phân tích, đánh giá văn chương mà lại
không có một quan niệm cho thật rành rọt và xác định về đối tượng hành động của
mình? Sẽ hòan tòan lạc lối, mất phương hướng – ai cũng đều biết như vậy! Chỉ
còn mỗi một việc làphải bằng mọi cách xác lập quan niệm văn chương cho bản
thân. Trước quá nhiều quan niệm văn chương hiện tồn, tính chủ động của nhà
nghiên cứu phải rất cao. Vì ai cũng muốn có một quan niệm đáng tin cậy nhất,
theo nghĩa là đúng đắn và phù hợp hơn cả với bản chất đích thực của văn
chương chân chính xưa nay. Buộc phải có cách ứng xử khoa học và hữu hiệu đối
với những quan niệm văn chương đã có. Xem ra quan niệm nào cũng có những cơ sở
tồn tại riêng, có sức cuốn hút riêng đến mức gần như không thể không cần trau
dồi và vận dụng. Kinh nghiệm cho hay, không nên quá đề cao đến mức độc tôn một
quan niệm, một phương pháp nào cả. Cần soi tỏ văn chương từ nhiều góc nhìn, bằng
nhiều cách xem xét. Chúng bổ sung cho nhau, giúp ta dần dà có một hình dung
tương đối đầy đủ về văn chương vốn là một đối tượng sống động, xa lạ với mọi
sự áp đặt và mọi định kiến khác nhau trên đời.
Riêng những người chuyên tâm làm lý luận thì lại có một chức phận khác, cần
xem là đòi hỏi mang tính đặc thù. Đó là phải có một hệ thống quan niệm
văn chương riêng cho mình. Không nhất thiết phải hòan tòan khác lạ - thật khó
có sự khác lạ như vậy, nhưng phải riêng – riêng trong hệ thống, riêng trong
cách tiếp cận, để đi tới cái riêng trong niềm tin khoa học. Trên cơ
sở cái riêng của cá nhân, nhà lý luận có điều kiện tiếp nhận, thâu
thái cái đa dạng, khác biệt và độc đáo của người khác. Có thể coi đây chính
là lẽ tồn tại của nhà lý luận với tư cách là một nhân cách khoa học. Chưa
tạo lập được cái riêng này chưa thể được gọi là nhà lý luận theo
đúng nghĩa của nó. Trong bài viết này, tôi xin tập trung trình bầy quan niệm tác
phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần, rất mong nhận được sự chia sẻ của
bạn đọc xa gần. Đây là vấn đề rộng, lớn. Và khó, tất nhiên. Do vậy, tôi chỉ
xin được trình bầy suy nghĩ bước đầu trên những nét đại lược nhất.
II.1.2. Trước nay, quan niệm văn chương thật đa dạng, nhưng nếu nhìn từ
các yếu tố tạo nên đời sống văn chương thì có thể quy vào 5 hướng
quan niệm chính sau:
1. Xu hướng xã hội (như quan niệm của R.
Stone:“Văn chương là sự thật được hiển lộ và được nhận diện ” );
2. Xu
hướngtâm lý (như quan niệm của G. Santayana: “Văn chương là bản
năng sáng tạo khi ý thức được mục đích của bản thân”);
3. Xu hướng ý
thức (như quan niệm của Nguyễn Đăng Mạnh: “Văn chương là một hình
thái tư tưởng nghệ thuật bằng ngôn ngữ của con người”;
4. Xu hướng tiếp
nhận(như quan niệm: “Tác phẩm văn chương là một quá trình”);
5. Xu
hướngbản thể (như quan niệm S. Langer: “Văn chương là sự sáng tạo
hình thức ký hiệu tình cảm nhân lọai”). Bốn hướng đầu có thể xem là cách
nhìnngọai quan.
Duy hướng sau cùng xuất phát từ cái nhìn nội quan. Nhiều
trào lưu, trường phái lý luận, phê bình văn chương chủ chốt xuất hiện và ảnh
hưởng sâu rộng trong thế kỷ XX như Hình thức luận Nga, Phê bình Mới
Anh – Mỹ, Ký hiệu học nghệ thuật, Cấu trúc luận … thuộc xu hướng này. Trong
việc xác định bản thể văn chương, rõ ràng, cách nhìn nội quantỏ ra
có ưu thế hơn hẳn. Tất nhiên, ở đây, mỗi trào lưu, mỗi trường phái có những sắc
thái khác nhau mặc dầu cùng coi tác phẩm (đúng hơn làvăn bản) văn
chương là chủ âm (xin mượn từ dùng của R. Jacobson).
Cũng có thể dựa vào mối quan hệ giữa văn chương với các hình thái ý thức
xã hội khác trong định hướng nghiên cứu của nhà lý luận để phân chia các
quan niệm trước nay. Đại để có 3 hướng cơ bản sau: 1. Xu hướng khoa
học nghiêng về nhận thức luận, coi lý luận là khoa học về văn
chương ; 3. Xu hướng triết học nghiêng về ý thức luận, coi lý
luận là triết học về văn chương; 3. Xu hướng nghệ thuật nghiêng về
bản thể luận, coi lý luận là cốt tủy của văn chương. Theo tôi, hai
xu hướng sau, nhất là xu hướng nghệ thuật có nhiều triển vọng hơn cả
trong việc đi sâu vào đặc trưng của văn chương, bởi hai lẽ sau:
- Một là, hướng tiếp cận này tỏ ra thích hợp với đối tượng của lý
luận làvăn chương hơn. Như nhiều người đã nói, tác phẩm văn chương là một
loại sản phẩm rất đặc thù, không chỉ hòan tòan khác biệt với các lọai sản phẩm
vật chất, mà còn khác biệt với mọi sản phẩm tinh thần của con người và xã hội.
Rất thú vị là ngay từ đầu thế kỷ XIX, điều này đã được học giả Phan Huy Chú
phát hiện ra trong khi phân biệt hai khả năng trước thuật và ca
vịnh tập trung trong con người bách khoa Lê Quý Đôn. Trong bài Đề tựa
Quế Đường thi tập, ông nhận xét tinh tế : “Việc trước thuật của Lê
công như sông dài bể rộng, đầy tràn, tít tắp, không nơi nào không đến, thế mà
sự kỳ diệu của những lời ngâm vịnh của ông lại cũng như chim (ríu rít) mùa
xuân, hoa (tươi nở)đúng kỳ”(2, tr. 101). Không gì thỏa đáng hơn từ kỳ diệu để
nói về văn chương, Cũng không gì thích hợp hơn khi so sánh văn chương với tiếng chim, với
sắc hoa, nghĩa là với những sinh thể sống động nhất. Hẳn nhiên, lý
luận văn chương muốn thật sự là“cái danh để gọi cái thực”(Công Tôn Long tử)
thì buộc phải mang những nét đặc thù. Chẳng phải vô cớ mà ngay từ năm 1894,
trong Lời nói đầu cuốnLịch sử văn học Pháp, nhà nghiên cứu nổi tiếng G.
Lanson đã nhất mực khẳng định: “Cả đối tượng, cả phương tiện nhận thức,
văn học đều không phải là khoa học hiểu theo đúng nghĩa của từ này”(4, tr.
72).
- Hai là, nếu ta thừa nhận có tiến bộ trong văn chương, thì hướng
tiếp cận nghệ thuật giúp ta có thể dễ dàng nhận ra sự vận động, tiến
triển của bản thân văn chương hơn các cách tiếp cận khác. Vì chỉ với cách xem
xét này, quan niệm mới đích thực được xem là ý thức của văn chương. Quan
niệm tựa như cái tôi của một chủ thể. Chỉ một khi văn chương ý thức
được chính mình trong quan hệ với những lĩnh vực khác nhau của xã hội mới nảy
sinh cái tôi, nghĩa là mới hình thành được quan niệm tồn tại dưới dạng thông
thường hoặc dạng lý luận. Dưới hình thái lý luận, cố nhiên, tự
giác và triệt để hơn nhiều. Để rõ hơn, ta có thể so sánh hai khái niệm thân
xác và tính dục. Không nên đồng nhất chúng với nhau. Tính
dục không phải là một nhân tố tự nhiên mà mang tính lịch sử rõ rệt. Điều
này đã được M. Foucaulk biện giải đầy sức thuyết phục trong cuốn Lịch sử
tính dục (1976). Ông dựa vào thực tế xưng tội – thú tội của những người
theo đạo mà bản thân hiểu biết khá kỹ, và cho rằng, trong thời Trung đại, người
ta chỉ kể về lỗi lầm của hành vi gắn với thân xác của con người, Tuy nhiên, bắt
đầu từ thời Cải cách và Phản cải cách thì “diễn ngôn xưng tội” mới có hình thức
mới: trước linh mục, các con chiên không chỉ kể về hành vi đã phạm,
mà còn thú nhận cả ý nghĩ nảy sinh trước, trong và sau hành vi đó nữa.
Và ý thức về tính dục từ đó mới dần dà được hình thành, góp phần
nâng cao tính chủ thể toàn diện của cá nhân con người (3, tr. 60 - 61).
II.1.3. Nhiều nhà lý luận đã đưa ra những quan niệm văn chương theo hướng bản
thể - nghệ thuật, đóng góp những cái nhìn sát đúng, mang hơi thở
hiện đại, làm phong phú thêm tư tưởng văn chương, mở rộng thêm cách thức tiếp
cận văn chương, tăng hiệu quả của mọi họat động, nhất là sáng tác và phê bình
văn chương. Đóng góp của họ là lớn, rõ, và quý. Càng đáng trân trọng đối với
công cuộc Đổi mới văn chương và văn học ở nước ta diễn ra từ 20 năm nay, khi
mà tinh thần hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa, trên nền tảng thực tiễn,
lý luận dân tộc đang đặt ra nhiều vấn đề vừa cấp thiết vừa lâu dài, buộc
chúng ta phải nhanh chóng có lời giải thỏa đáng và phù hợp nhất. Tuy nhiên, cần
thấy giới hạn của mọi lối nhìn và cách tiếp cận. Thái độ tôn sùng một lọai
quan niệm văn chương nào đó không chỉ tỏ ra lỗi thời, mà còn trở nên nực cười
trong con mắt của những người am hiểu. Chẳng phải ở ngay trên quê hương của
những quan niệm đó đã từng xuất hiện không ít lời phàn nàn, chê trách lắm khi
gay gắt đó sao! Chẳng phải nhiều khi các chủ nhân của chúng cũng đã thẳng thừng
tuyên bố rời bỏ hoặc thực chất đã vượt qua quan niệm một thời của chính họ đó
sao! Xin nêu một trường hợp điển hình: R. Barthes. Ông là nhà cấu trúc
luận, rồi hậu cấu trúc luận người Pháp danh tiếng. Đóng góp của ông cho tư
duy văn học của nhân lọai trong thế kỷ XX vừa khép lại là không thể phủ nhận
được. Thế nhưng, nhiều đồng hương giàu tâm huyết và có hiểu biết của ông lại
không ngớt lên tiếng phê phán ông. Óai oăm thay, thái độ khoa học của họ về
cơ bản lại hòan tòan có cơ sở. J. Brenner cho rằng: “Barthes (và một
vài tên tuổi khác) lôi cuốn vào các buổi giảng và diễn thuyết của họ rất
nhiều sinh viên để làm cho họ lạc đường”. Còn Le Clézio, một nhà văn hiện
đang rất được hâm mộ tại Pháp thì lại viết về những năm tháng thống trị của
chủ nghĩa cấu trúc thế này:“Người ta đã tưởng văn học sắp chết. Đó là thời kỳ
sấy khô”. Còn thái độ của R. Barthes thì ra sao? Vào những năm cuối đời,
khi viết hồi ký, chính ông cũng cảm thấy mình có thời đã lầm lạc, rồi lên tiếng
phàn nàn là các học trò của ông khiến ngay bản thân ông cũng không thể nào đọc
cho nổi(Xem Văn học Nước ngòai, Số 4 / 1997).
II.1.4. Từ đó, chúng ta buộc lòng phải suy nghĩ thật kỹ càng trước khi có ý định
cổ xúy hoặc đưa ra một lọai quan niệm văn chương nào đó là vì thế. Tuy nhiên,
cũng khó mà hòan tòan tuân theo cách thức của Giáo sư Phan Ngọc. Bằng thao
tác luận quen thuộc của mình, một lần Giáo sư đòi hỏi một định nghĩa thơ phải:
1.
Có giá trị phổ quát …;
2. Mang tính hình thức, giúp người ta nhận diện được
ngay thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có kết quả” (Xem Tạp chí
Văn học, số 1 / 1991). Yêu cầu đầu thì phải nhẽ. Vì, nói gì thì nói, đó
là một đòi hỏi mang tính bắt buộc đối với mọi khái niệm, phạm trù khoa học.
Yêu cầu sau thì không thể. Bởi, không một định nghĩa nào làm được như thế cả.
Mà cũng không nên theo. Bởi, một định nghĩa thơ, hay văn chương nói chung, mang
tính hình thức tương tự sẽ khó tránh khỏi sơ giản, máy móc. Có lẽ ý kiến
của Giáo sư Lê Chí Dũng đáng để nhiều người tham khảo hơn. Một lần, ông bảo, chẳng
quan niệm văn chương nào tránh khỏi phiến diện cả. Muốn hạn chế sự phiến diện
chỉ có cách nương theo quy luật của sinh học (ý ông muốn nói đến tính tự
nhiên của vạn vật).Ta có thể chia sẻ với Giáo sư. Đâu như nhà thơ yểu mệnh
Lãng Thanh có một bài thơ mang cái tên đầy ý nghĩa -“Thiên nhiên là người
thầy vĩ đại của tôi”. Vậy nên, cái cần tránh nhất là sự khô cứng của lý
luận. Tôi nghĩ tới những ý thơ thật thấm thía của Nguyễn Duy. Không mấy người
có nhiều vần thơ chế nhạo những cái nhợt nhạt, thô thiển, chết chóc, thiếu sức
sống sâu sắc như anh. “Người đâu tơ lụa xênh xang/ Chạm tay da thịt mọc
tòan cỏ may”(Lụa) - Không nên trở thành một nhà lý luận như thế! “Lụa
chi mà nõn mà nà/ Thò tay lành lạnh yêu ma quỷ thần” (Bạch) – Cũng
không nên viết một công trình lý luận như vậy!
III. Từ những điều vừa phân tích, tôi muốn tin theo quan niệm:“Tác phẩm văn
chương là một sinh thể tinh thần của con người và xã hội”.
III.1. Người ta có thể từ nhiều điểm xuất phát khác nhau để tạo lập hệ thống
lý thuyết. Phổ biến ở ta là từ triết học và mỹ học. Ưu thế của điểm tựa này rất
dễ thấy: lý luận tìm ngay được tính phổ quát – một yêu cầu cơ bản trước tiên
của bất cứ một hệ thống lý thuyết khoa học nào. Mặt hạn chế cũng dễ bộc lộ:
lý luận dễ rơi vào xám ngắt – cái điều mà bất cứ nhà lý luận nào cũng
muốn tránh. Nên theo khuynh hướng chiết trung:vừa coi trọng nền tảng triết –
mỹ, vừa chú ý thích đáng tới thực tiễn văn chương, đặc biệt là các ý kiến
phát biểu về nghề của các nhà văn. Chẳng hạn, nhận xét của nhà văn Nguyễn
Khải về“những trang viết đẹp”còn lại mãi với cuộc đời, khi chúng khiến ta “luôn
luôn chan chứa lòng thương yêu, sự đồng cảm”, khi ở chúng “sự sống
hiện lên rực rỡ, tươi tắn, chói lòa nhiều màu sắc”(Tạp chí Văn học, Số 11 /
2002). Rồi ý nghĩ của nhà văn Cuba A. Carpentier về quá trình sáng
tạo: “Tất cả những điều tôi viết là sự dựng lại những sự kiện
từng xảy ra, từng được quan sát, được nhớ lại và tập hợp lại, sau đó biến
chúng thành một cơ thể hòan chỉnh, một cơ thể sống”(Tạp chí Văn học, Số 2 /
1977). Tôi đặc biệt quan tâm tới cụm từmột cơ thể sống, diễn tả rất chuẩn
xác kết quả lao động sáng tạo linh diệu của nhà văn. Nếu vậy thì cần lưu tâm
tới sự thừa nhận của nhà văn M. Proust về vai trò to lớn của vô thức
trong quá trình sáng tạo: “Càng ngày tôi càng ít coi trọng trí tuệ … Chỉ
khi không dùng tới trí tuệ, nhà văn mới có thể nắm bắt phần nào cảm xúc của
mình, có nghĩa là một phần của cái tôi và chất liệu duy nhất của nghệ thuật. (4,
tr.77). Xem trọng ý kiến phát biểu trong những tình huống khác nhau của các
nhà văn, nhất là những tác gia cổ điển, không có nghĩa là một mực tin theo họ.
Cái chính là giúp các nhà lý luận thêm hiểu họ, tăng sự cảm thông với tư chất
do nghề văn tự nhiên tạo ra trong họ. Nếu thiếu những điều này sẽ không hy vọng
tạo lập nên một thứ lý luận dồi dào sự sống và sức sống văn chương như mong mỏi
da diết bấy lâu của chúng ta.
Cố nhiên, chúng ta cũng không được rời bỏ hệ thống triết - mỹ khi xây dựng lý
thuyết văn chương. Chỉ có điều, bấy lâu nay, nhiều người có khuynh hướng đề
cao triết – mỹ phương Tây, giờ thì nên bổ sung thêm triết – mỹ
phương Đông, gồm ít nhất là Trung Hoa và Ấn Độ. Nên nhớ, người phương Tây
càng ngày càng bị cuốn hút bởi minh triết ảo nghĩa Á Đông. Không có cớ gì mà
ta lại xem thường. Đặc biệt lưu tâm là những trào lưu mà trước đây, do nhiều
nguyên do lịch sử đặc biệt, không ít người xem nhẹ, thậm chí bỏ qua. Tư tưởng
Lão gia, Phật giáo là những ví dụ điển hình. Chủ trương “thần vận” của
Tư Không Đồ, “diệu ngộ”của Nghiêm Vũ đã đành là có xu hướng huyền bí,
nhưng chẳng lẽ lại không giúp ta tránh bị sa vào giản đơn tới mức thô thiển
khi tiếp nhận thực thể văn chương? Từ đó, chúng ta cũng sẽ đỡ khe khắt hơn
trong nhìn nhận, đánh giá để đi tới tiếp thu nhiều điểm khả thủ trong quan niệm
nghệ thuật của Nhóm Xuân Thu nhã tập trước Cách mạng. Rồi Bản tuyên ngôn
tượng trưng của Nhóm Dạ Đài ngay sau Cách mạng nữa. Ví như, yêu cầu cảm
thụ thơ sau của họ: “Chúng ta không được dùng lý trí, không được dùng cảm
tính, có nghĩa là không được chỉ dùng một quan năng tách bạch của chúng ta –
dù là quan năng nào đi nữa. Hãy đem tất cả linh hồn, hãy mở tất cả cửa ngách
của tâm tư mà lý hội”.
Ta cũng cần nhấn mạnh tới cơ sở tạo dựng lý luận văn chương từ những thành tựu
mới mẻ của khoa học hiện đại, nhất là tóan học, vật lý học, tâm - sinh lý học… Ở đây, có thể chia sẻ với nhà thơ Lê Đạt. Khi đi tìm mối liên hệ giữa “thơ
và vật lý hiện đại”, ông cả quyết rằng: “Những nguyên lý bất định,
nguyên lý bổ sung của vật lý lượng tử đã giải phóng nhân lọai khỏi lý thuyết
nhân quả tất định cứng nhắc…góp phần thiết kế cho nhân lọai một phạm trù mở,
cái khác…mở ra kỷ nguyên đối thọai” (Xem Văn nghệ, Số 30 /
2006). Tôi chỉ xin đề cập tới lĩnh vực tóan học, cụ thể là quan niệm
fractal. Đó là một dạng hình học mới do nhà tóan học Mỹ gốc Do Thái B.
Mandelbrot sáng tạo ra vào năm 1975. Fractal là gì? Có thể
hình dung cấu trúc này qua một ví dụ tiêu biểu. Lấy một tam giác đều có cạnh
là đơn vị độ dài. Chu vi của nó sẽ là 3. Nếu giữa các cạnh, ta dựng
tiếp 3 tam giác đều nhỏ, có cạnh là 1/3. Chu vi vi hình thu được sẽ
là: 3 x 4/3. Tiếp tục quá trình đó mãi, ta sẽ thu một hình giống bông tuyết với
chu vi 3 x 4/3 x 4/3 … Điều kỳ diệu là diện tích bông tuyết có chu vi vô hạn
đó lại rất hữu hạn, vì nó không thể vượt quá tam giác ban đầu. Sở dĩ có dạng
hình học mới này vì các loại hình học phẳng Euclide, hay hình học cong
Riemann không thể mô tả chính xác được các cấu trúc xù xì, gồ ghề, phức tạp,
không đều. Mà trong thực tế thì đầy rẫy những cấu trúc loại này. Hình học
fractal biểu lộ một dạng cấu trúc có tổ chức ẩn chìm trong những loại hình
phi tổ chức. Đó là thứ trật tự trong hỗn lọan, rất tương thích với cấu trúc của
sự sống, trong đó có văn chương. Nhưng tại sao fractal lại là hình học của tự
nhiên? Nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường giải thích: “Tôi cho rằng căn nguyên
có lẽ khá đơn giản. Tự nhiên luôn họat động một cách giản dị, tiết kiệm và hiệu
quả. Cách thức càng giản dị càng tốt. Chi phí thì tối thiểu mà kết quả phải tối
đa. Fractal chính là một cách để đạt được các mục tiêu dường như mâu thuẫn đó
một cách đồng thời”. Bằng cách nào? Ông luận giải tiếp: “Hình học
fractal dựa trên một quy cách không thể đơn giả hơn, đó là tự đồng dạng Nó
tiết kiệm và hiệu quả, khi có thể thu được cái vô hạn từ cái hữu hạn, như
bông tuyết …(Xem Văn nghệ, Số 17 – 18 / 2003). Tôi cho rằng cấu
trúc fractal khá tương hợp với cấu trúc của một tác phẩm văn
chương vốn là một thực thể tinh thần đồng dạng với chính sự sống
muôn màu muôn vẻ của tự nhiên.
III. 2. Từ những cơ sở nêu trên, thấu triệt cách nhìn bản thể - nghệ thuật,
ta nên xem văn học là một ngành khoa học nhân văn thuần túy .
Vì đối tượng của văn học là văn chương. Mà văn chương thì như bất cứ hình
thái nghệ thuật nào khác“khi tính người đã mất thì nghệ thuật cũng không còn
nữa” (B. Brecht – 5, tr. 107). Đã vậy thì có thể từ đặc tính cơ bản củacon
người để xác định tính chất chủ yếu của tác phẩm văn chương, như:tính hữu
cơ, tính độc đáo, tính cụ thể, tính vận động, tính gợi cảm, tính giới hạn …Nói
khác đi, ở đây, ta xem tác phẩm như một thực thể sống, có điều, đây là một
dạng sinh thể tinh thần linh diệu vào bậc nhất của con người và xã hội . Giáo
sư Hồ Ngọc Đại tại cuộc Hội thảo về dạy văn tổ chức ở thị xã Hòa Bình vào
ngày 23/11/ 1987 đã gọi văn chương là “cái - con- văn”. Ông còn
ví văn chương với “một người con gái xinh đẹp”(Xem Tạp chí Cửa Việt,
Số 1/1990). Ta không nghĩ là ông chỉ nói chơi chơi cho vui. Rất nhiều sự thật
ẩn trong câu nói ấy. Chẳng phải Nhóm Xuân Thu nhã tập trước ông đã từng so
sánh thơ với giai nhân là gì! Sự thật này được nhiều nhà văn thuộc
các chân trời và các thời đại khác nhau thừa nhận. Nhà thơ Pháp S. Mallarme
coi thơ là sự sống của ngôn từ (6, tr. 211). Nhà văn Nga V. Oveskin
yêu cầu người sáng tác phải“đem được vào tác phẩm của mình hơi thở của cuộc sống
thực sự (4, tr. 230). Nhà văn Đan mạch P. Tafdrup lại đòi hỏi: “Mỗi
từ (trong thi ca) dang cánh chim bay” (Tạp chí Thơ, Số
2 / 2006, tr. 75). Nhà thơ Hy Lạp Y. Ritsos chê trách một số nhà văn đã “không
biết sử dụng hơi thở của ngôn ngữ” (Văn học Nước ngòai, Số 2/
1997, tr. 137)... Nhiều nhà mỹ học nổi danh trên thế giới cũng lớn
tiếng chia tay với thứ lý thuyết khô cứng bằng những đòi hỏi tương
tự. Nhà ký hiệu học văn hóa E. Cassirer cho rằng, mặc dù nhà thơ không thể
sáng tạo ra thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ, “nhưng nhà thơ đã thêm vào tất
cả cái vốn có không những chỉ một sắc thái mới, mà còn thêm vào một sức sống
mới” (Bàn về con người -1, tr.439). Đặc biệt, nhà ký hiệu học nghệ thuật
S. Langer còn nói đến tính đồng cấu và tính đối ứng của ký hiệu nghệ
thuật với hình thức của sự sống. Bà viết: “Nếu muốn làm cho một ký hiệu
được sáng tạo ra có thể khơi gợi được mỹ cảm mọi người, thì nó phải được triển
khai dưới hình thức của tình cảm, tức là nó phải xuất hiện với tư cách một ký
hiệu hoặc hình ảnh thu gọn của họat động sự sống, phải tự trở thành một loại
hình thức logic tương tự với hình thức cơ bản của sự sống” (1, tr. 460).
Bà còn chỉ ra sự gặp gỡ giữa tác phẩm nghệ thuật và sự sống ở các tính chấthữu
cơ, vận động, nhịp điệu, và sinh trưởng. Tác phẩm nghệ thuật như vậy được sáng
tạo ra, chứ không phải do chế tạo mà thành (1, tr. 461).
III. 3. Quan niệm bản chất của tác phẩm như một thực thể tinh thần sẽ chi phối
tới cách nhìn nhận lao động sáng tạo của nhà văn. Liên quan tới vấn đề này,
thiết tưởng cần lưu ý tới bài thơ được nhà văn gốc Czech M. Kundera rất ưa
thích: Các nhà thơ không sáng chế ra các bài thơ/ Bài thơ nằm đâu đó
phía sau kia/ Lâu lắm rồi nó vẫn ở đó/ Nhà thơ chỉ có việc khám phá ra nó (Văn
học Nước ngòai, Số 4 / 2006, tr. 171). Chắc ông không có ý định phủ nhận tinh
thần sáng tạo đích thực của người nghệ sỹ. Có lẽ, ông chỉ muốn đề cao tính
độc lập tương đối của tác phẩm – con đẻ tinh thần của nhà văn với
chính người đã cho nó sự sống. Dễ liên tưởng đến bài“Cho một ngày sinh”của
Đòan Thị Tảo. Bài thơ sinh ra như đứa trẻ ra đời là hiện tượng giao hòa kỳ diệu
của Đất và Trời, đâu có giản đơn, thường tình như nhiều người
nghĩ.“Ngày chị sinh trời cho làm thơ / Cho nết buồn vui bốn mùa trăn trở/
Cho làm một câu hát cổ/ Để người lý lơi”. Thì ra, cụm từ quen thuộc thai
nghén tác phẩm nhằm để chỉ quá trình ấp ủ dự đồ sáng tạo của nhà văn tồn
tại từ bao đời nay lại hàm chứa một sự thật sâu xa mà cũng rất hiển nhiên.
Nhà văn viết ra một tác phẩm thực ra là sinh hạ một sinh thể. Mà đã là sinh
thể thì thật linh diệu - phức tạp khôn cùng mà biến hóa cũng khôn lường. Muốn
vậy, nhà văn phải chiếm lĩnh, rồi đi tới đồng hóa đời sống. Trong
nghệ thuật, hiểu thôi là chưa đủ, hiểu phải đi cùng với cảm. Hơn
thế cảm, hiểu phải đi cùng với tin. Cao hơn, hiểu,
cảm, tin phải chuyển thành hành động. Đúng như chúng ta thường
đòi hỏi, nhà văn không chỉ quan sát mà còn phải chiêm nghiệm,
không chỉ nhìn ngắm, lắng nghe mà còn phải tham gia, hơn thế, phải chủ động
can thiệp vào đời sống. H. Miller trong “Thời của những kẻ giết người” có
những nhận xét rất xác thực về Rimbaud: “Đây là một người cắt đứt
với bằng hữu và thân quyến vào lúc tuổi còn xanh để cảm nghiệm cuộc đời trong
sự tròn đầy của nó …”. Rồi: “Chàng bị xâu xé từ đầu tới chân
trong tất cả mọi lãnh vực của con người chàng”(7, tr. 54 - 55). Chỉ khi ấy,
nhà văn mới có được chất liệu sáng tạo, từ đó mới mong truyền linh
hồn làm nên sức sống cho tác phẩm.
Vậy nên, trong lĩnh vực sáng tác văn chương, không nên chỉ dừng lại ở yêu cầu nắm
bắt chân lý. Ngay cả cầu tìm chân lý, với nhà văn, xem ra cũng
chưa đủ. Đúng hơn, có lẽ là cầu tìm sự thật ở đời. Khi đó, nói
như người Ấn Độ xưa, nhà văn mới mong thâu nhận được chân tri, để
có được sự giải thóat trong tự do vô cùng tận của sáng tạo. Đúng như Kinh
Thánh dạy: “Chân lý sẽ giải thóat cho ngươi”. Theo ý nghĩa này, nhà văn
đích thực, ở một mức độ nào đó, cần có phẩm chất của người hiền, nếu
không muốn nói là của bậc thánh. Tài và tâm ở họ không bao giờ tách
rời. Họ không thể nghĩ một đằng mà nói và làm một nẻo. Nhất quán đến cùng.
Chân thật đến cùng. Không còn tồn tại ranh giới giữa người sáng tạo và thành
phẩm sáng tạo. Dẫu là mong manh nhất. Sức sống và sức mạnh thật sự của sáng tạo
nghệ thuật đích thực có lẽ là nằm ở chỗ đó.
TÀI LIỆU CHÚ THÍCH
1. Phương Lựu - Lý
luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học, 2001.
2. Viện Văn học - Tạp
chí Văn học, Số 2 / 1977.
3. Nhiều tác giả - Văn
học hậu hiện đại thế giới–Những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2003.
4. Viện Văn học - Phê
bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học, 1995.
5. Nhiều tác giả - Nhà
văn bàn về nghề văn, Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng, 1983.
6. Đỗ Đức Hiểu - Đổi
mới phê bình văn học, Nxb KHXH, 1993.
7. H. Miller - Thời của
kẻ giết người, Hồng Hà xuất bản, 1971.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét