Nỗi buồn, biết gửi vào đâu?
Lê Thanh Xuân là nhà thơ của
nỗi buồn. Có một nỗi buồn mênh mang thê thiết, nỗi buồn thẳm sâu trong thơ
anh, nỗi buồn ẩn mật không thốt thành lời (Trở Về, Thời Khắc, Đi Bộ Trên
cao Nguyên, Hà Đông, Con Đò Qua Sông Đà, Gặp Bạn, Bóng Cỏ, Thầm Lặng, Cát).
Nỗi buồn/ Biết gửi vào đâu?
Nhờ trăng cất hộ/ Cỏ lau giữ
giùm
Sợ trăng nhoà nhạt đầu nguồn
Sợ lau úa lá/ sợ buồn cõi
hoang“
(Không đề II)
Không phải là vu vơ buồn của
thơ lãng mạn, cũng không là nỗi buồn về những mất mát hy sinh, mà là nỗi
buồn không gọi rõ tên. Thấp thoáng gian nan đời ghềnh thác, nổi nênh . Một trời
cô độc, bơ vơ. Triền miên đêm thao thức tự tình và nước mắt. Vô vọng
mù khơi muà đông hoá đá ( Thơ Tặng Mình ),”Nghìn xưa vẫn ở một
nơi / Ta thì ta với cuộc đời lênh đênh/ công danh mắc cạn đầu ghềnh “( Nỗi Buồn
Đong đưa), Sống là sống trong chiêm bao :”Giật mình lật nửa mảnh khuya/ Mới
hay mình mới đi về chiêm bao”(Nửa Đêm ). LTX không còn biết mình là người hay
là ma (Bóng ). Như con cò trong đêm bất an vì bẫy rập (Bẫy, Tiếng Cò
Đêm): “Con tôm con tép/ Nào dễ đâu cò?/ bẫy đời giăng mắc / Mảnh trăng đục mờ/
Tiếng cò se sắt / Trong tôi…” Bài thơ Không Đề là cảm nghiệm u
uất của nhà thơ vào lúc tuổi đã cuối chiều : Cuối chiều sót tiếng chim ri/ Nhặt lên mà nhớ thuở đi xa nhà “.
LTX có những tứ thơ diễn tả
nỗi buồn thật thê thiết.
Tôi một đời của số kiếp lang
thang
Con nai dẫn lối
Hoà Bình năm ba mươi mốt tuổi
Đồng Nai tuổi ngót năm mươi
Lau trong đời vẫn trắng
Gió trong đời vẫn thổi
Núi trong đời vẫn mọc
Giấc ngủ đêm bật khóc sông
Đà
(Nhớ Về Nơi Mình Ra Đi)
Độc hành một khúc ngẩn ngơ
Dòng sông bỗng thấy mình vơ
vẩn
(Khúc Sông Chiều)
Thế cũng đủ rồi cho một kiếp
mùa đông
Lạnh đến trống vắng, cô đơn
đến kiệt cù
(Phân Giải)
Đêm mơ một giọt trăng soi
Ngày mơ chút nắng bầu trời
đánh rơi
(Tiếng Chim Gù)
Tuổi già là thực tại ám ảnh
buồn. Già đồng nghiã với muộn màng, đồng nghiã với muà đông, đồng nghiã với nuối
tiếc không sao trở lại được thời vạm vỡ. “Một gã đàn ông tóc bạc thẫn thờ/ Bước
dưới vì sao như mơ như thực / Khẽ gọi tên mình trong tiếng bơ vơ “(Trở Về)
Ta đến. Đò đã sang sông
Chiều kia đang khuất phía đồng
xa xa
Ta đến. Núi đã về già
Đá gồng trổ chút nụ hoa
nghĩa gì
Ta đến. Phố đã vào khuya
Sợ tay gõ cửa. Người nghe giật
mình
Ta đến. Ta thành vô tình
Muộn màng đã xoá tên mình
–thế gian
Đành làm con nhện đa mang
Chăng tơ mà nhớ nắng vàng lối
xưa
(Muộn)
Và dù viết về đề tài nào, hồn
thơ anh vẫn là những suy tư về hiện sinh. Hồn thơ ấy đằm thắm những tình cảm
thiết tha và nhân hậu, không ta thán. Anh “cười trong tiếng nấc xa xôi “. Anh để
hồn tan vào mây vào gió .“Nhưng ngọn gió đã bứt khỏi cuộc đời / Niềm xanh tươi
hy vọng/ Trái đất thành cô đơn/ Anh thành kẻ lang thang hành khất”(Hà Đông).
Gió cũng không bình yên. ”Đời như gió khôn lường/ Chọn sống mà gửi chết” (Phố
Núi). “Ta lạc ta mòn đêm”. Nhưng anh không lạc mất vào hư vô, không
vong thân trong ảo ảnh, không đắm chìm trong tuyệt vọng. Anh vẫn còn niềm tìn,
vẫn còn cõi đi về cuả hồn mình, vẫn còn tổ chim cọng rơm vàng làm bến đợi. Và
đôi khi cũng sáng lên một thái độ quyết liệt, như cát trắng tinh khôi
Hãy yêu đi, màu trắng- Một
màu thôi!
Hãy sống đi, cát không ưa lẫn
lộn
Sự tinh khiết không thể chôn
vùi
Sự phơi bày không hề che giấu
Mưa không ngập ngừng, nắng
không do dự
Biển ngoài kia xanh đến thẳm
sâu
Cát nơi đây vẫn trắng một
màu
Sự thử thách như trò chơi đuổi
bắt
Thôi, cứ để chất mặn sa huỳnh
trong mắt
Để cát vàng đọng lại thịt da
Ta thử sống cuộc đời của cát
Giữa nhân tình thế thái bao
la”
(Cát)
Có thể nhận ra nỗi buồn
trong thơ LTX là nỗi buồn hiện sinh, song thơ anh rất ít nói về hiện thực. LTX
không nói gì về thực tại anh sống, không nói gì về hai cuộc kháng chiến vĩ đại,
không nói gì về đất nước đang chuyển mình trong kinh tế thị trường, về thời đại
toàn cầu hoá về những vấn đề nóng bỏng của hôm nay, như sự tàn phá
môi trường, bão lụt, tệ nạn xã hội, sự đổ vỡ gia đình và hạnh phúc, những xâm
lăng văn hoá làm bạc nhược bản sắc văn hoá dân tộc… Hồn thơ anh ở nơi đầu nguồn
cuối bãi, treo trên mảnh trăng mờ sương, phiêu lưu cùng ngọn gió, lạc loài trên
cánh đồng ký ức. Nhà thơ đi nhiều về miền thảo nguyên núi non, khuất
nẻo thị thành, nhưng lại không siêu thoát. Từ chối tìm kiếm giàu sang nhưng lại phủ
định Phật (Ngẫu Hứng). Chỉ có niềm thương thân : “Chỉ ta với ta – Đường
cũ / Chiều thu tóc trắng, sương nhoà (Thời
Khắc)
Đôi khi anh có ghi đôi nét
nào đấy của hiện thực, nhưng chỉ là sự chia sẻ vô tình. Lụt ở Đồng Tháp (Một
Thoáng Tháp Mười), mất muà (Mưa Chiều.), làng nghèo (Làng Tôi), Ý Tưởng Về Biên
Hoà . Nỗi cô đơn của người phụ nữ trong buổi chiều đang tắt dần vào mất
còn im lặng (Hoàng Hôn). Chuyện người đàn ông đàn bà không tên : ”Họ
ngồi nhớ xa / họ ngồi buồn gần/ Họ lặng im trước những tấm bằng liệt
sĩ/ Họ lặng im trước những mất còn…”(Trong Ngôi Nhà). Anh giảng giải về đá vọng
phu, hoặc ra sông nhớ một người bạn đã cách trở âm dương. Gần như anh thờ ơ trước
thực tại. Điều này là một ẩn mật trong thơ anh. Anh tự coi mình là đá vô tri. “Ta
là đá. Đá là ta ?.../ Vô tri đá khép lâu dài “(Hồn Đá). Đôi khi hồn thơ
anh cũng rạng rỡ khí sắc . Trên Cánh Đồng Mường Thanhlà sự trở về muộn
màng :
Đồi A1, Himlam, bản Kéo
Lật gốc luá còn in bao dấu
Những đường hầm ngoắt ngoéo
dọc ngang
Sắt gỉ của xe tăng, chỏng
chơ vỏ đạn
Bơ hộp, tư trang của kẻ bại
hàng
Vết quả quyết quân đoàn bão
lốc
Còn in dốc cao, lòng núi,
cánh rừng
Những dấu vết khiến quân thù
tan mộng
Tám mươi năm trời nuôi chí
xâm lăng
Tôi đến đây một kẻ muộn màng
(Trên cánh Đồng Mường
Thanh)
Trong tập Hồn Đá có khá nhiều
bài thơ tình. Những Điều Đi Qua, Những Mảnh Vỡ Muà Thu, Một
Năm 12 Tháng, Những Ngọn Cỏ Bên Bờ Sông Đà, Không Đề. Ngã Ba Mãn Đức, Nhớ
Hà Nội Thu, Phân Giải, Bến Đò,Nhớ Xa, Bài Thơ Không Tên. Đó
là những lời tâm sự với người yêu, những lời tự tình với em, một nhân
vật của kỷ niệm, một nhân vật không rõ dáng hình, một gặp gỡ tình cờ nào đó, một
cuộc tình chưa thành tên. Thực ra, LTX chỉ mượn hình thức thơ tình để nói những
khát vọng tình yêu, khát vọng sống và những nuối tiếc khôn nguôi.
Bền ấy có một lần anh và em:
Nửa mảnh trăng đầu tháng, nửa
mảnh trăng cuối tháng
Con đò sang sông trăng vẫn
chưa tròn
Đầu bên này anh chờ. Đầu bên
kia em đợi
Lau đêm sạc xào cứa cắt sườn
non…
Đêm ấy lặng lẽ sông đi về biển
Sông cắt đôi ta hai phiá bãi
bờ
Con đò mệt mỏi ngủ mơ bên
sóng
Chúng mình ngược nhau cho tới
bây giờ
(Bến Đò)
Tất cả rơi.Tất cả tan…
…Những mảnh vỡ của tình yêu
tôi nào biết có còn
Chỉ biết tôi sống mòn sống mỏi
Tìm trước mặt trời, tìm
trong đêm tối..
…Như có tiếng thuỷ tinh vỡ
đau xác vụn
Của một mối tình đâu đó lạnh
tanh
(Những Mảnh Vỡ Mùa Thu)
Anh vẫn biết những điều đi
qua rồi sẽ mất
Lá vàng rơi chẳng thể trở lại
cành
Sợi tóc bạc làm sao xanh nữa
Dòng nước xuôi đâu ngược lại
được ngọn ngành
(Những Điều Đi Qua)
Trĩu nặng trong thơ anh là
tình quê. “Tôi mang miền quê lang thang khắp xứ / Để một ngày trở lại làng
xưa”. Quê hương, đồng quê, tuổi thơ vẫn đi về trong thơ
anh, làm nền cho mọi suy nghĩ về thực tại. Quê hương nghèo nhưng đẹp và ấm áp
nghiã tình (Quê Hương, Một Năm 12 Tháng, Lửa Khoí, Kỷ Niệm Muà Thu, Tiếng Ếch,
Ban Mai Ngoại Thành, Những Đàn Chim Di Cư, Tiếng Chim Gù) Anh khai thác
triệt để chất liệu đồng quê để thể hiện tình quê. Anh hoá thân thành cọng
rơm vàng, thànhao nước phèn, con kênh đọng váng. Anh sống trong tiếng
gió, tiếng ếch um um, tiếng cuốc nhói đêm, tiếng cò se sắt. Anh
đắm mình trong hương cau thơm khắp miền quê, hương hoa ngâu thơm khắp vườn nhà,
hoa xoan tím ướt sũng trong mưa, hoa lau trắng tinh bay qua năm
tháng và hoa bắp lay phơ phất trên đồng. Chỉ có tình quê mới làm ấm
áp hồn anh, chỉ có đất quê, sông quê, nhà quê mới là nơi anh trở về và tìm thấy
sự bình an. Ngoài quê hương, anh chỉ là kẻ lang thang phiêu bạt không bám rễ
vào được bất cứ nơi chồn nào. Anh lạc mất mình trong thành phố:”Ấy cũng là lúc
mặt trời đưa tôi vào khuất lấp/ Trong âm thanh ồn ào, trong nẻo phố xa xôi “
(Đêm Thành Phố). Chỉ có
quê hương chân thật, nhân hậu mới làm anh trẻ lại, mới gieo vào anh sức sống vững
bền (Quê Hương). Cả nơi nghiã điạ làng anh cũng nhìn thấy con người
làng quê sống chết có nghiã có tình
Lúa đây, cơm của mỗi lần
mình ăn
Rau đây, mình ngọt miếng
canh
Hoa đây, mình đẹp thị thành
sắc hương…
Rạ rơm ở lại vấn vương
Tiếng chim ở lại bóng vườn
xanh tươi…
Mơ gặp ruộng, ước gặp sông
Lưng trần, chân đầt đứng
trông phố phường”
(Ban Mai Ngoại Thành )
Vầng trăng của làng mọc lên
từ đất
Mưa của làng, mưa rơi ngang
mặt
Nắng của làng, nắng từ phiá
đôi chân
Tháng ba rỗng tuếch chum
sành
Mẹ tôi đi chợ loanh quanh lại
về
Vậy rồi đình vẫn hội hè…
Vẫn xoan tim tím, bờ tre tiếng
cò
Tôi đi khắp xa gần xứ sở
Nơi đâu cũng làng đầy ắp giấc
mơ
Nhưng chỉ có một làng trong
tôi tháng ngày mong nhớ
Như con thuyền xa vẫn nhớ bến
nhớ bờ
(Làng Tôi )
“Ngọn lửa quê ấm mãi trong
lòng”.
Tôi soi xuống sông quê
Tìm nụ cười thuở nhỏ
(Một Khúc Sông Quê)
Xin kiếp sau cho ta làm ngọn
gió
Dù đi đâu vẫn về bến quê nhà
.
Làng quê luôn gắn người thân. Anh
có những bài thơ rất cảm động với bà (Cây Cau), với mẹ (Hoa Ngâu, Tưởng Nhớ), với
cha (Cha Tôi), với vợ, con (Em, Bài Thơ Viết Cho Con), với bạn (Gửi Người
Bạn Gái Một Thời, Tiếng Gió), với quê hương nghèo (Gửi Quê Hươg, Ngoài
Kia Có Một Con Đường). Những bài viết về quê hương bằng lục bát cuả anh
có khí chất tài hoa (Cây cau, Nghiã Điạ Làng).
Anh cũng gửi tình cảm sâu nặng
về thiên nhiên, con sông, ngọn núi, con dốc, phố xá nơi anh đã đi qua. LTX
không miêu tả mà suy tư về nơi ấy, từ đó tìm ra ngọn nguồn tình yêu thiên
nhiên, đất nước trong lòng mình (Dốc Cun, Mai Châu, Chu Giang, Mường
Thàng, Trên cánh Đồng Mường Thanh, Núi Tiên, Suối Lồ Ồ, Tháp Chàm, Trong Hang Cổ,
Cù Lao Phố,Đồng Nai,Biên Hoà,Đêm Ngủ Lại Nguồn Đồng Nai, Bên Núi Đá Ba Chồng,
Sông Đồng Nai, Một Thoáng Tháp Mười, Cà Mau, …)
Chậm rối, chiều đã xuống non
Thôi, đành ngủ lại với nguốn
Đồng Nai…
…Thủ chung trong vắt đây rổi!
Mai về tôi vẫn gặp tôi với
nguồn”
Đọc thơ LTX, người đọc gặp một
gương mặt rất quen mà rất lạ. Khuôn mặt ấy bị hút vào nỗi buồn xa thẳm
không thoát ra được, khuôn mặt ấy trĩu nặng tình quê hằn lên những khát vọng
mênh mang . khuôn mặt luôn tìm kiếm một bến bãi bình yên nào đó để niềm tin còn
có chỗ neo đậu, một nơi thật tinh khôi như cát trắng, một nơi thật nghiã tình
như làng quê, một nơi thật ngọt ngào như tuổi thơ, một nơi mà sự sống này không
nhai nuốt sự sống kia, một nơi mà cánh chim hải âu không còn bị giập vùi trong
gió bão. Không có nơi ấy trong cõi đời này. LTX chờ đợi như một kẻ xa lạ.
Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt
Chút nắng chiểu lặng lẽ ra
đi
Một gương mặt buồn như
bình hoa đã vãn
Một không gian chờ đợi điều
gì?
Đã như thế nhiều ngày nhiều
tháng
Dòng sông qua và gió đi qua…
(Ô Cửa Sổ)
Ô Cửa Sổ là một bài thơ
lạ của LTX. Anh từ truyền thống nhập ngay được vào dòng chảy thơ
đương đại, với kiểu tư duy nghệ thuật khác. Người đọc tưởng rằng, một nhà thơ
tuổi đã xế chiều, như chiếc lá cuối muà thu, đã run rẫy lạnh buốt
trước muà đông, đã hoá đá vô tri trước thực tại, đã đắm say trong thi
pháp thơ truyền thống, thì LTX khó có thể làm mới ngòi bút của mình, vậy mà LTX
đã có những bài thơ rất lạ so với chính anh. Ô Cưả Sổ là một ví dụ.
Xin đọc thêm Tiếng Ru
Đêm
Tiếng ru của người mẹ chắt
ra từ lồng ngực
Làm ấm lên một chút đêm hoang
Con không khóc lời ru vẫn thống
thiết
Hình như người mẹ đang ru
chính chình?
Trong vòng tay giấc ngủ ngọt
như mật ong
Nhưng đứa trẻ lại mơ về dòng
sưã
Còn người mẹ mơ về giấc ngủ
Xuyên qua vì sao tới tận mặt
trời…
Nhưng mát đêm chỉ dành cho một
người
Còn một người phải
thức
Người mẹ thức, sờ tay lên lồng
ngực
Mặt lo âu, nhìn xuống con
mình
Và tiếng ru cứ thế đi tới
bình minh…
Thơ “truyền thống”
(1945-1975) là thơ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã. Nhân vật chính là công, nông ,
binh ; nội dung phản ánh đời sống chiến đấu và xây dựng của nhân
dân. Tâm tình nhà thơ là tâm tình công dân , kiều bút pháp là kiểu tụng ca lãng
mạn. Tiếng Ru Đêm không nằm trong kiểu thi pháp ấy. Ta
không xác định được nhân vật người mẹ ru con ban đêm là ai. Không gian đêm là không
cụ thể. Tác giả không miêu tả, hay tụng ca người đàn bà này, mà suy tư về nhân
vật. Nhân vật trong đời thực, ”Người mẹ thức, sờ tay lên
lồng ngực/ Mặt lo âu, nhìn xuống con mình”, thoắt trở thành siêu thực.” người
mẹ mơ về giấc ngủ/ Xuyên qua vì sao tới tận mặt trời…” Nhà thơ nhìn người
mẹ mà tra hỏi về hiện sinh :” Con không khóc lời ru vẫn thống thiết/ Hình
như người mẹ đang ru chính chính? Hệ thống hình ảnh thơ là hình ảnh siêu
thực : tiếng ru chắt ra từ lồng ngực, làm ấm đêm hoang, tiếng ru thống thiết,
Xuyên qua vì sao tới tận mặt trời, tiếng ru cứ thế đi tới bình minh…Ngôn ngữ không
còn là phương tiện tái hiện thực tại, mà chuyển hoá thành
thế giới cuả vô thức. Bài thơ không là chuyễn động tự sự mà là dòng chảy cuả ý
thức, nhà thơ đang nghiệm sinh một “hiện tượng” trước mắt mình (kiểu Hiện Tượng
Luận ). Đó là kiểu miêu tả “dòng ý thức” trong văn chương Hiện Sinh.
Những bài Trên Thảo
Nguyên, Sắc Đẹp, Hoa Lau, Tiếng Cò Đêm, đều có những yếu tố mới lạ về thi
pháp như Tiếng Ru Đêm. Đặc trưng thi pháp thơ LTX là thơ suy tư,
(không phải kiểu thơ suy tưởng như thơ Chế Lan Viên). Lê Thanh Xuân đối diện với
hiện thực, nhìn ngắm hiện thực mà suy tư. Hiện thực không phải là đồi tượng miêu
tả của LTX, mà chỉ là cái cớ để nhà thơ truy tìm ý nghiã hiện sinh.(Tôi không
có ý nói LTX là nhà thơ tư tưởng, nhà thơ Hiện Sinh ) Nhìn Cù Lao Phố, anh
không ghi lại cảnh sắc thực tại Cù Lao Phố, mà tra hỏi “Nào đâu,ta chợt ngỡ
ngàng” rồi vui mừng tìm ra điều kiếm tìm “May mà còn một chút đây:/ Bóng
chùa hoang tịch, rêu thay ý lời”. Anh nhìn hoa lau bằng con mắt“mong manh,
hoang tưởng “Hoa lau là nỗi đau đời:” nỗi đau hoang dại/ trắng một đời mơ siêu thoát/ Lau mọc âm thầm“. Hình ảnh cô gái chăn bò rất
lạ:” Cô gái chăn bò tựa vào trời xanh khẽ hát / Đàn bò như đám mây vàng
lang bạt / Trôi hiền lành trong nhịp điệu cô đơn…” Hiện thực đã thăng hoa
vào miền suy tư của nhà thơ .Những suy tư như thế không hề có dính dáng gì với
hiện thực.
Thơ LTX đem đến cho người đọc
sự thú vị của những suy tư rất thật , những tình cảm rất đôn hậu
(không khuôn sáo), và bất chợt những tứ thơ mới lạ vút lên, trong một kiểu tư
duy nghệ thuật khá mới của riêng anh (Ô Cử Sổ, Hoa Ngâu, Tưởng Nhớ,Tiếng
Ru Đêm, Dốc Cun, Trên Thảo Nguyên…). Lắng đọng trong thơ anh là tình
quê thắm thiết cùng với những nỗi niềm không nói thành lời. LTX là một hồn thơ
tài hoa. Khi suy tư và tình cảm cùng cháy lên thì thơ anh toả sáng mới lạ đến
ngỡ ngàng.
(*) Bài viết này trích thơ
LTX trong các tập: Tiếng Ru Đêm- Nxb Văn Học 2001; Đồng Hành - Nxb.
HNV 2001; Hồn Đá- Nxb. HNV 2007.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét