Đời là một khúc nhạc buồn*
Khi hỏi một Phật tử đâu là nguyên nhân của khổ, ai cũng có thể
trả lời: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Đúng nhưng chưa đủ. Sinh lão bệnh tử là một biểu
hiện của vô thường. Nghịch lý thay, không có vô thường thì không có đời sống!
Cứ tưởng tượng một em bé sơ sinh, không lớn lên, không già thêm một chút nào,
lúc đó chúng ta mong em ‘được’ già, bệnh và chết như mọi người khác! Vô thường
là khổ mà cũng là sướng, hay vừa khổ, vừa sướng, tùy cái nhìn của mỗi người!
Đời như là một khúc nhạc buồn (Thơ Phạm Cao Hoàng). Nhưng đời cũng là
khúc nhạc vui: trời xanh, tiếng cười trẻ thơ, mái tóc người thương. Tây phương
cũng có thành ngữ ‘Thousand sorrows and joys’. Đức Phật thường được xem là một
lương y chẩn bệnh, cho toa, hốt thuốc. Chẩn bệnh trong Tứ Diệu Đế, toa là Bát
Chánh Đạo, đó là Đạo Phật ‘nguyên chất’, không phải là Nguyên thủy hay Đại
thừa. Điều cần biết là mình bị bệnh gì, cần uống thuốc gì, và uống thuốc, nếu
muốn khỏi bệnh. Khi bác sĩ cho mình biết bị bệnh, không phải là Bác sĩ bi quan
hay lạc quan, mà chỉ muốn nói ra sự thật. Khổ là bước đầu, tất cả
tinh yếu của Đạo Phật là cứu khổ, hết khổ tức là hạnh phúc. Giản dị là thế. Ai
muốn nói Đạo Phật là bi quan, yếm thế, cứ để họ nói: trời vẫn xanh, mây vẫn
trắng, mái tóc phất phơ làm chúng ta rung động. Ai thấy được thì hạnh phúc thì
tốt, cải vã, triết lý, chỉ là huyền đàm vô ích.
Nguồn gốc của khổ: Não bộ
Sinh lão bệnh tử, vô thường là khổ. Nhưng
các nhà khoa học não bộ cho là như thế vẫn chưa đủ. Các khám phá gần đây về
những hoạt động của não cho biết các hoạt động của tế bào não trong quá trình
tiến hóa và duy trì quân bình thân tâm chính là thủ phạm đã
làm cho chúng ta đau khổ triền miên. Con người hiện đại xuất hiện khoảng chừng
3 triệu năm sống trong một môi trường đầy thú dữ, bộ tộc thù nghịch cho nên lúc
nào cũng phải cảnh giác, đề phòng. Khi cần phải tránh nguy hiểm thì dùng hệ
thống giao cảm SNS để chuẩn bị hành động như ‘đánh hay chạy’, các
hóa chất như cortisal, norepinephrine được tiết ra và tuồn vào các bắp thịt để
đánh cho đau và chạy cho mau. Nếu nhận thấy có phần thưởng cà rốt thì khích
động hệ thống đối giao PNS tiết ra các hóa chất làm chúng ta vui thú như
dopamine, opioids và endorphine … giúp chúng ta vui thú và ‘xông tới kiếm ăn’
(sex, bạn đời...) Phần não bộ phóng tín hiệu có tên làamygdala và cingulate
cortex. Khi vui hay buồn, dĩ nhiên chúng ta không để ý tới các hóa chất
này, tuy nhiên kiến thức về cơ chế hoạt động của não giúp chúng ta có những
phản ứng thích hợp hơn. Thành thử vui hay buồn không phải do con tim mà tùy
thuộc vào cơ sở vật lý (các dòng điện não) và hóa chất được tiết ra. Có thể quý
vị thất vọng khi thuyết tiến hóa tiết lộ là tổ tiên của loài người là khỉ,
không phải là con cái của một đấng sáng thế nào đó. Nhưng khoa học là khoa học,
giả định này có giá trị cho đến khi quý vị có những bằng chứng ngược lại.
Hoạt động của não nhằm thực hiện ba chức năng
chính: một là tránh cây gậy, (thú dữ, thù nghịch) và hai
là tìm nguồn vui (thực phẩm, sex, bạn bè), và ba là yêu
thương. Chỉ trừ khi tâm của quý vị đạt tới mức như các hiền giả, mất
chẳng lo, được chẳng mừng, quý vị đau khổ, uất hận khi không được người
khác yêu quý, kính trọng, chăm sóc…. Cả ba chức năng trên của não đều làm quý
vị đau khổ!
Khi não bị thương nặng, một người có thể phải
sống một đời ‘thực vật’, thế mà khi não mạnh khỏe thì chúng ta cũng đau khổ?
Đúng là hữu thân hữu khổ, tác giả bài ca dao sao biết được chuyện
này?!
Khi não kích động trục hệ thống SNS>
hippothalamic> tuyến nội tiết >và tuyến thượng thận (pituitary gland) các
nhà khoa học não bộ gọi tắt là dây chuyền phản ứng này là SNS-HPAA.
Các stress hormones bơm vào cơ thể đến một lúc nào đó thân tâm không còn chịu
đựng nổi nữa thì bị ‘sụp đổ’ (nervous breakdown). Nhẹ thì vào các bệnh viện tâm
thần, nặng thì vào các dưỡng trí viện.
Khi thân tâm sụp đổ, hệ thống bao tử-ruột
(gastrotestinal) bị ảnh hưởng và các chứng như lở bao tử, viêm kết tràng
(colitis), tiêu chảy, táo bón và rối loạn tiêu hóa xuất hiện hành hạ quý vị. Hệ
thống miễn nhiểm cũng bị suy thoái và cơ thể dễ bị nhiễm trùng và hay bị cảm
cúm; hệ thống tim mạch cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của sự sụp đổ này, mạch
máu trở nên cứng hơn đưa đến các chứng tim mạch; hệ thống nội tiết cũng không
thoát, ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và các bệnh rối loạn về sinh lý
(erectile dysfuncrion chẳng hạn).
Về tâm thần quý vị trở nên lo âu mãn tính, lúc
nào cũng lo nhưng không biết là mình lo gì; trí nhớ giảm sút vì tế bào
não không được sinh sản thêm và thông thường nhất là bị trầm cảm. Buồn mà không
hiểu tại sao mình buồn như câu thơ của Huy Cận: tôi buồn không hiểu vì
sao tôi buồn.
Giữ thân tâm quân bình trong một thế giới biến dịch
· Tách
mình ra khỏi thế giới bên ngoài: tạo một biên giới phân cách giữa mình và các thú dữ và bộ tộc
thù nghịch khác, biết người biết ta.
· Gìn
giữ quân bình các hệ thống
thân tâm ở mức an toàn.
· Đi
tìm củ cà rốt để hưởng vui thú
và tránh cây gậy để sống còn và còn có khả năng truyền hậu duệ.
Vào thời đồ đá cũ (1.6 M years) hay ngay cả
thời ông cha chúng ta định cư săn bắn hay sống bằng nông nghiệp, tuổi thọ trung
bình chừng 40 và nguyên nhân bị tử vong phần lớn là bạo động (từ thú dữ hay các
thành phần thù nghịch khác) nên nhu cầu sống còn cấp thiết
nhất, nên có bị đau khổ chút ít còn hơn bị cây gậy đập chết. Hệ thống não bộ
tạo ra đau khổ và căng thẳng vì cố gắng giữ quân bình các hệ thống thân tâm là
một công việc vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả. Cũng giống như một
thác nước, khi nước đến kè đá, trong khoảnh khắc sẽ rớt xuống dưới mất tăm.
Ngăn chặn cho nước khỏi rơi xuống kè đá cũng giống như cố gắng giữ bất dịch
trong một thế giới biến dịch. Khổng Tử thấy được điều này nên trước đây ngậm
ngùi “thệ giả như tư phù, bất khả trú dạ”. Không ai tắm hai lần trong một dòng
sông! Ai bảo Đông tây không gặp nhau!
Sự bất ổn của các tế bào não
bộ là nguyên nhân tình trạng bất an của thân và tâm. Thay đổi
biến dịch là bản chất của thế giới bên ngoài và bên trong. Vùng liên hệ đến ý
thức của não bộ PFC đổi mới từ 5 đến 8 lần một giây. Quý vị không cần nhớ tới
mấy con số này làm chi. Chỉ cần biết thế giới bên ngoài và bên trong thay đổi
không ngừng bất kể ngày đêm, để biết tại sao tâm không lúc nào an.
Phần chính của não bộ liên hệ đến Chánh Niệm
Anterior Cingulate Cortex (ACC): duy trì chú ý trong khi thực hành chánh niệm,
ra lệnh các tuyến tiết các stress hormones
Insular là phần chú ý đến những cảm giác bên trong cơ thể khi quý
vị thực tập rà soát cơ thể (body scan). Biết những cảm giác và tình cảm bên
trong (buồn vui, nóng lạnh.)
Thalamus: chuyển báo động từ amygdala đến các hệ thống khác trong cơ
thể để sẵn sàng hành động
Limbic system: phần liên hệ đến tình cảm, gồm Basal
ganglia,hippocampus lưu giữ ký ức và sinh sản các tế bào não
mới. Mỗi giây có chừng 10 ngàn tế bào não trong hippocampus bị
héo tàn nhưng não có tới 1.1 tỷ tế bào não nên nếu không có bệnh hoạn gì, đến
80 tuổi chúng ta mất chừng ¼ tế bào não. Càng mất nhiều tế bào não ở phần hippocampus,
ký ức sẽ thoái hóa (lú lẫn, dementia...)
Hypothalamus: Điều hướng các nhu cầu căn bản: ăn uống, sex...chế tạo oxytocin (tình
yêu) và kích hoạt tuyến pituitary để tiết các stress hormone.
Tuyến Pituitary: chế tạo và tiết các chất làm tâm an tĩnh và
vui thú như endorphins, dopamines, opioidsvá
các stress hormones khi SAS bị kích hoạt.
Estrogen: liên hệ đến tình dục libido.
Hệ giao cảm (SNS) và Đối giao cảm (PNS)
Là hệ thần kinh tự động khi não nhận tín hiệu
đe dọa dùng trong trường hợp ‘đánh hay chạy’ hay khi có cơ
hội tìm thấy của và rốt. Nếu mức dopamine giữ nguyên khi quý
vị thấy thỏa mãn, nhưng nếu quý vị không hài lòng, lượng dopamine giảm
xuống và quý vị lại đi tìm thú vui mới. Điều này giải thích tại sao ham muốn
chúng ta thường không đáy. Mức độ ‘tham lam’ tùy thuộc vào mức dopamine trong
não. Nhưng theo luật duyên khởi thì cái gì hợp cũng có lúc phải tan. Tham lam
vô đáy, không bao giờ làm chúng ta hài lòng. Đồng cỏ bên kia lúc nào cũng xanh
hơn! Nói theo thiền sư Ajahn Chan, nếu ai đau khổ vì những điều bất như ý cũng
giống như bị rắn cắn; nhưng khi tham luyến bám víu vào lạc thọ thì cũng giống
như cầm đuôi rắn, trước sau gì cũng bị rắn cắn.
Mũi tên thứ nhất và mũi tên thứ hai
Đau không thể tránh được. Nhưng khổ thì do mình quyết định và chọn
lựa. Đau có thể là một chiến thuật bảo vệ an toàn cho thân thể. Ví như quý vị
bốc nhằm lửa, phản xạ đau khiến quý vị rụt tay lại. Một vài cơn đau tâm thần
cũng không thể nào tránh được. Như chúng ta đã ‘đầu tư’ tình cảm vào con cái và
những người thân yêu và hy vọng sẽ truyền giống hậu duệ mai sau, nếu họ bị tổn
thương dĩ nhiên là chúng ta đau xót. Khi sống tập đoàn, chúng ta quan tâm về
nhu cầu trực thuộc đoàn thể, nếu bị hất hủi chúng ta thấy tủi thân. Những nỗi
đau cơ thể và tâm thần là mũi tên thứ nhất, nếu còn sống và còn yêu, thế nào
chúng ta cũng bị mũi tên thứ nhất bắn vào người.
Tuy nhiên có những mũi tên mà chúng ta tự
phóng vào chính mình. Đó là những phản ứng sau khi bị mũi tên
thứ nhứt bắn. Như người bạn đời quên mua sữa dùng điểm tâm. Chúng ta nghĩ là
người bạn đời không lo cho chúng ta, hay tệ hơn nữa là lạnh nhạt với mình.
Chúng ta phản ứng lại và cho rằng mối liên hệ đang có ‘vấn
đề’. Ý nghĩ này làm chúng ta đau khổ hơn trăm hộp sữa quên mua! Và mũi tên thứ
hai lại khích động thêm nhiều mũi tên khác. Như quý vị tỏ ra lạnh nhạt với
người bạn đời và có thể ‘tự kiểm điểm’ về mối liên hệ ngay từ lúc mới gặp chẳng
hạn và có thể viết một cuốn trường thiên tiểu thuyết ... dài hơn cả cuốn Mùa
Biển Động của Nguyễn Mộng Giác, bắt đầu chỉ vì một hộp sữa quên mua.
Điều đáng nói là có nhiều trường hợp chúng ta không thấy mũi tên thứ
nhất, nhưng vẫn sẵn sàng bắn mũi tên thứ hai chỉ vì muốn người khác phải làm
theo ý mình, do it my way! Đau khổ tâm thần cũng kích động nhiều tế
bào não như các đau đớn về thân thể. Nếu bị từ chối hất hủi nhiều khi còn đau
đớn hơn khi nhổ một cái răng cấm, nếu không muốn nói là còn đau hơn!
Cây gậy: Amygdala > Thalamus> SNS>
hippocampus> pituitary> hormones {epinephrine, Adrenaline và cortisal}
> stress> Đánh hay chạy
Củ cà rốt: Amygdala>Thalamus> PNS >
hippocampus>pituitary> hormones (dopamine, endorphine, opioids...) Vui
thích
Người đốt nhà và lính chữa cháy
Khi bị stress quý vị không cần biết tên những
hóa chất tuồn vào máu làm quý vị stress, tuy nhiên biết cơ chế làm việc của não
chúng ta có thể có những quyết định đúng đắn, responsive không
phải chỉ reactivethiếu ý thức. Hơn nữa nếu biết đau và khổ do các
dòng điện não và hóa chất gây ra, chúng ta có thể chấm dứt hay ít nhất là giảm
bớt nguyên nhân của những hoạt động này.
Hệ Đối Giao Cảm (PNS): Lính chữa cháy
SNS chỉ là một trong hai hệ thống tự động
chính của não bộ. Hệ thống kia là hệ giao cảm PNS. Hệ thống này giúp não bộ,
thân tâm quý vị yên tĩnh, dưỡng sức, bồi dưỡng sinh lực và làm ổn định hành vi.
Nó tạo ra cảm giác thư giãn, hài lòng, cho nên nhiều khi còn được gọi là “nghỉ
ngơi và bồi dưỡng”, khác với hệ thống ‘Đánh hay chạy’ của SNS. Hai hệ thống này
như trò đu ‘cù cưa’ của trẻ em: cái này lên thì cái khi xuống. Nếu vì lý do nào
đó, dây thần kinh SNS bị cắt đứt, quý vị chỉ mất khả năng cảnh giác nhưng chưa
chết. Nếu dây thần kinh PNS bị cắt đứt, quý vị sẽ ngã quỵ và qua đời ngay thức
khắc.
Nếu quý vị hít vô hay thở ra dài hơn thường
lệ, điều này kích động hai hệ thống SNS (thở vào) và hệ thống PNS (thở ra). Đó
là lý do các huấn luyện viên khuyến khích một đấu thủ quần vợt, thở sâu một vài
hơi thở ra và vào, thay vì nổi giận đánh bậy và càng đánh banh càng ra ngoài
sân hay vào lưới.
Hệ thống SNS không phải lúc nào cũng có ảnh
hưởng xấu, như đã nói là nó giúp quý vị tránh khỏi bị cây gậy đánh chết, và nếu
bị khích động ngắn hạn, nó có thể giúp quý vị dễ chú ý, có thêm nhiều sinh lực
để đối phó với những trường hợp khẩn cấp. Và nhất là thích hợp cho những người
thích cảm giác mạnh, như chơi các trò đua xe, vì những người này cần chất nhiều adrenaline trong
máu!
Phạm Văn Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét