Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Thêm một khám phá đáng trân trọng về cái đẹp

Thêm một khám phá đáng trân trọng về cái đẹp
Tôi có dịp quen biết Nguyễn Anh Tuấn đã lâu, từ khi chúng tôi cùng khoác ba lô lên nhận công tác ở Thuận Châu cách đây gần 40 năm, vào mùa đông năm 1972. Anh dạy cấp III còn tôi thì dạy ở Trường Sư phạm ngay bên cạnh. Cùng tuổi lại cùng nghề, chúng tôi tự nhiên tìm đến nhau trong sự đồng cảm, sẻ chia có phần đặc biệt của những người cùng cảnh ngộ. Có điều, anh may mắn đến với văn chương lại sớm hơn tôi. Dạo ấy, anh đã viết nhiều, cả thơ cả văn. Có bài rất ấn tượng. Cứ nảy ra ý muốn đọc đi đọc lại… Dầu không nói ra, nhiều người trong chúng tôi vẫn xem anh là mẫu giáo viên văn đáng khâm phục và nể trọng. Rồi khi rời Tây Bắc, anh quyết định đến với điện ảnh như một nghề nghiệp. Lại vào thời buổi đất nước diễn ra nhiều chuyển đổi bộn bề. Vẫn như xưa, anh lao vào công việc, mê mẩn và hết lòng. Rất nhiều tâm huyết anh bỏ ra để sống chết với cái nghề mới chọn. Và, phải nói là anh đã gặt hái được không ít thành công trong lĩnh vực xem ra càng dấn thân càng gặp nhiều chông gai này. Bằng cớ là anh đã có trong tay không ít giải thưởng về điện ảnh và truyền hình - cả phim lẫn kịch bản văn học điện ảnh. Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn nghĩ, hồn anh hợp với chất văn chương hơn kia. Nghệ thuật ngôn từ như máu chảy trong huyết quản Nguyễn Anh Tuấn từ những ngày xa xưa ấy dễ gì đổi thay được! Có thể vì vậy mà khi đã mải mê với nghề điện ảnh, thi thoảng anh vẫn cứ cảm thấy cấn cá ở đâu đó. Không lúc này thì lúc khác. Bởi, nói gì thì nói, văn chương và điện ảnh vẫn cứ là hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Càng ngày càng khác nhau, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường trắng đen thật giả lẫn lộn như nhiều năm trở lại đây… Ý nghĩ ấy càng trở nên rõ rệt giữa lúc tôi lần giở từng trang, từng trang truyện vừa đặc sắc Xòe trinh nữ * vốn được anh ấp ủ trong nhiều năm trời.  Khởi đầu có lẽ là vào cái thời gian khó mà đẹp đẽ ở Tây Bắc, và kéo dài cho đến mãi sau này. Tôi ngạc nhiên vì ý tưởng bao quát của tác phẩm. Đó chính là lời giải cho một câu hỏi tồn tại từ ngàn đời nay của nhân loại là: Rốt cuộc cái Đẹp đích thực là gì vậy? Tôi càng ngạc nhiên hơn vì cách xử lý tài liệu khá thanh thoát, khá nhuần nhị của tác giả. Xin được xác minh những cảm nhận ấy của riêng tôi.
Câu chuyện mà Nguyễn Anh Tuấn kể chỉ đơn giản là chuyến đi tìm lại người xưa cảnh cũ của một nhà dân tộc học Pháp tên là Cornaul. Ông từng là thiếu úy biên chế ở một tiểu đoàn lê dương, tham gia chiến trường Đông Dương, đóng quân ở Tây Bắc vào những năm đầu 1950. Ông nói tiếng Thái khá sành sỏi, thông thạo nhiều phong tục tập quán dân tộc bản địa, như biết ăn món nậm pịa hay biết rót rượu ra hai chén nhỏ đặt ở đầu mâm trước khi vào tiệc… Sau gần năm mươi năm, giờ quay trở lại Việt Nam, ông mong muốn tìm lại hình bóng cô gái Thái tuyệt đẹp tên là Mây “với đôi vai trần trắng bóc và mái tóc dài như suối ẩn hiện” từng là gái xòe số 1 phục vụ trong dinh thự của vua Đèo Văn Long. Đúng như nhận xét của một vị mo mường nọ: “Đấy là cô xòe đẹp nhất của chẩu - phén - đin (chủ cõi đất toàn xứ Thái)”… Cảnh nay cứ đan xen vào cảnh xưa trong bàn tay sắp xếp của một nhà biên kịch có nghề. Thế rồi sau nhiều ngày đi khắp hơn 20 huyện thị của vùng "thập châu Thái" xưa để tìm Mây, có lúc tưởng như hoàn toàn mất hết hy vọng, hai người đã gặp lại nhau như một chuyện thần kỳ khó tin. “Chúng ta là những người tin vào điều kỳ diệu, phải không, thiên thần bé nhỏ của tôi?” - Trong giây phút bồi hồi xúc động, Cornaul nói với bà Mây như thế.
Tuy nhiên, thông điệp mà Nguyễn Anh Tuấn muốn truyền tải tới người đọc sâu xa và lay động hơn nhiều. Có thể nhận ra ngay từ đầu tác phẩm: ở mục đích của chuyến đi. Như Cornaul từng thú nhận là ông “cần đi tìm những gì thiêng liêng nhất trong tuổi trẻ” của mình.  Đó là tình yêu trong trẻo và lãng mạn hiếm có. Đúng rồi! Nhưng không chỉ có vậy. Đó còn là vẻ Đẹp có một không hai ẩn chứa trong nghệ thuật xòe Thái. Cả hai quyện hòa làm một trong tác phẩm. Nhớ lại vào lúc mới gặp Cornaul, Mây chưa hết lo sợ, hoảng loạn, lại thêm nghi ngại. Nhưng khi Cornaul chậm rãi đọc từng lời bài dân ca Thái, thì “ánh mắt Mây trở lại trong trẻo bình thản theo từng lời thơ dân gian”, rồi “bất giác cô cất lên tiếng hát của chính lời ca đó, mỗi lúc một ngạc nhiên cộng thêm niềm biết ơn khó tả”. Đó là những lời ca quen thuộc: Ta yêu nhau không tính tháng tính năm/ Không tính mùa ban nở/ Không tính mùa ban tàn/ Mãi mãi như mùa hoa ban đầu/ Đôi ta yêu nhau… - những lời ca từ lâu đã ngấm vào hồn cô cũng như bao chàng trai cô gái khác vốn được lớn lên nhờ dưỡng chất của núi của rừng. Tình yêu nam nữ hòa nhập với tình yêu cái Đẹp, toát lên vẻ trong trắng, tinh khiết vốn là đặc trưng của mọi vẻ đẹp đáng khao khát xưa nay. Còn nhớ hình ảnh Cornaul loay hoay chữa vết thương khắp người Mây trong lúc cô ngất xỉu đi. Mọi cử chỉ của anh đều dè dặt, cẩn trọng, không hề vẩn đục bởi những cảm giác liên quan tới thân xác: “Cặp đùi và đôi chân Mây thâm tím, xây xước và máu còn chảy ra ri rỉ. Anh thận trọng băng bó lại các vết thương, lấy dầu xoa vào những vết tím bầm…”. Bởi vậy, sau gần 50 năm xa cách, giờ có dịp trở lại, lòng Cornaul lúc nào cũng bồn chồn, cặp mắt ông lúc nào cũng ngấn lệ. Trên đường đi, Cornaul bấm máy liên tục: trước mắt ông là cảnh núi non trùng điệp của Tây Bắc đúng vào mùa ban nở. “Những vạt ban rừng trắng xóa, long lanh như muôn vàn hạt ngọc phía xa. Bên vực sâu hun hút, những cây ban nhô lên, khoe những cánh ban trắng như giơ tay ra là hái được”. Và từ thẳm sâu ký ức của ông chợt thức dậy những “cánh ban rừng trắng muốt có màu đỏ như máu hiện về”. Năm cánh hoa sao chỉ một cánh hồng? -những ngày đầu ở miền Tây, tôi thường tự hỏi như vậy. Cái Đẹp trong đời thường đặt trước không ít thử thách. Ở đâu và khi nào cũng thế. Nguyễn Anh Tuấn đặt ra sự đối lập đầy nhân bản ấy - trong sự khác biệt giữa hai nhân vật: nhà khoa học khoác áo nhà binh Cornaul và vua Đèo. Lại tập trung biểu hiện trong thái độ ứng xử với nghệ thuật xòe Thái…
Đèo Văn Long là chủ toàn xứ Thái tự trị do Pháp dựng lên vào tháng 3 năm 1948 nhằm “bảo vệ đất Thái chống lại người Kinh”- như mưu đồ chia để trị của bọn thực dân. Vua Đèo rất quan tâm gây dựng các đội xòe nhằm phục vụ cho mục đích của riêng mình. Và hắn biết rõ: trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái Tây Bắc, nghệ thuật xòe có một vai trò đặc biệt... Xòe có tới 39 điệu, trong đó có 8 điệu cơ bản. Lại còn có rất nhiều loại khác nhau: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, và xòe nhạc. Nhất là xòe nến. Đó là một điệu rất khó. Làm thế nào khi xoay vòng, nhấn gót, uốn mông và đưa tay thật uyển chuyển mà nến phải không được tắt. “Những vạt lụa hồng và trắng bay bay trong tay và trên vai những chiếc áo cóm đặc biệt làm bập bùng thêm những ánh nến tỏa ra từ mu bàn tay của các cô gái”.
Người học xòe cần kiên tâm, chăm chỉ và đặc biệt phải say mê. Các cuộc hầu xòe ở dinh thự họ Đèo thường diễn ra triền miên. Có bao nhiêu đội xòe và bao nhiêu gái xòe dưới trướng Đèo Văn Long thì chính hắn cũng không thể nào nhớ xuể. Có lần, hắn khoe khoang công tích của mình trước các quan Tây: “Các ngài thấy đấy, lòng ham mê nghệ thuật xòe khiến tôi thực vất vả, tốn kém... Nhưng rồi mọi người sẽ nhớ đến tôi, không phải chỉ là một chúa đất giàu có, nắm giữ vận mạng của nhiều châu mường Thái, mà còn là người vun trồng và phát triển nghệ thuật múa xòe ngay trên quê hương rừng rú này…”.
Có điều, chính hắn không thể nào hiểu nổi điều căn bản sau: lối ứng xử ra sao trước cái Đẹp mới thực sự quan trọng. Cornaul có lần lịch sự yêu cầu tên chúa đất: “Ngài có thể cho phép tôi được gặp gỡ trò chuyện với các cô xòe để tìm hiểu?”, liền được vua Đèo trả lời trong tiếng cười sằng sặc: “Ngài không chỉ tìm hiểu, mà sẽ còn được thưởng thức họ nữa…”.Thưởng thức ở đây được hiểu là có thể chiếm đoạt thân xác họ. Nên, đúng theo lời của Mây: “Bị bắt vào các đội xòe của vua Đèo thì không còn hy vọng gì để thương ai và được ai thương nữa… Đây là nhà mồ của các cô gái xòe”. Mẹ cô thì bảo: “Phận gái xòe cho chúa đất lớn là phận tôi đòi trọn kiếp”. Đèo Văn Long trong tác phẩm tỏ ra là một tên chúa đất có hiểu biết, không bị mô tả giản đơn một chiều như thường thấy ở một vài cây bút non tay. Hắn tự bộc lộ như một người từng trải: “Nghệ thuật xòe là phải kỳ công học hỏi”. Và hắn có thể khích lệ gái xòe: “Hãy nhớ lấy nhé, khi đã thành thục các điệu xòe, các con sẽ là bà chúa của các lễ hội”. Hơn thế, hắn còn biết đánh giá tầm vóc tri thức của Cornaul khi nhìn ngắm xòe Thái: “Hoan nghênh cái năng lực cảm thụ nghệ thuật của ngài...”. Trong những lời khoe khoang của vua Đèo cũng cho thấy ít nhiều cái năng lực khai thác, tổ chức một loại hình nghệ thuật dân gian có cơ hội trở thành đỉnh cao: “Ngài hãy xem những bước xòe uyển chuyển duyên dáng kia!… Tự tay tôi đã tuyển chọn ở khắp các châu mường Thái. Những cô gái nào tốt vóc, da trắng sáng, dáng điệu mềm mại, giọng tốt… Họ sẽ là các nữ thần trinh trắng gìn giữ ngôi đền nghệ thuật xòe… Còn tôi, mọi người sẽ biết đến tôi như một lão quản gia trung thành của ngôi đền, một anh hầu tận tụy của các nữ thần ấy”. Song, gắn với một tham vọng ngầu đục ích kỷ, những lời huênh hoang trên càng tô đậm sự xảo trá; hay chí ít cũng là sự ngộ nhận được biểu lộ ra một cách trâng tráo!
Tác giả khéo léo để cho ý nghĩ thành thật tự nhiên nảy ra trong đầu Cornaul: “Một con thú đói say máu thì đúng hơn… Sự điên rồ của một tên bạo chúa kiêm nghệ sỹ Nêrô có lẽ cũng chỉ đến thế này mà thôi!”. Ở đây, ta không thể nhầm lẫn hai thái độ đối chọi nhau như nước với lửa: một bên bao giờ cũng trân trọng và nâng niu cái Đẹp, còn bên kia thì lúc nào cũng tìm cách lợi dụng để rồi cuối cùng chà đạp lên cái Đẹp. Hãy nhớ lại: kể từ lúc Mây xuất hiện, Cornaul như bị thôi miên, “ánh mắt anh dịu đi, rồi cứ thế nhân lên sự say đắm”. Tại dinh thự họ Đèo, giữa cảnh ăn chơi trác táng của quan tây và quan ta, hình ảnh Cornaul có gì rất khác biệt. “Trong khi những người khác gào thét”, anh ta lại “lặng lẽ uống”, “chăm chú quan sát mọi cảnh vật”. Với Cornaul, Mây như là biểu trưng của cái Đẹp hoàn thiện. Sau khi thắng cá độ trước Marc, Mây chính thức thuộc về anh, thì “Marc méo xệch mặt vì tiếc rẻ nhưng cũng cố mỉm cười lịch sự, dắt tay Mây đưa cho Cornaul. Nhưng lúc đó, cô như một tàu lá héo rũ. Thay vì cầm tay cô, Cornaul bất giác quỳ xuống dưới chân cô…”. Một hành vi thật khác thường trong hoàn cảnh ấy. Trước đó, khi thấy Marc kéo tay dẫn Mây đi, anh ta nhìn theo với vẻ “thất thần, khổ sở, tuyệt vọng”.  Đưa Mây vào phòng khách dành riêng cho quý tộc Thái, Cornaul mới có dịp ngắm kỹ cô, rồi bỗng thốt lên: “Cô đẹp quá!... Nhưng cô không việc gì phải sợ… Tôi không phải là kẻ đáng sợ đối với cô…”.
Rồi sau này gặp lại, trong cặp mắt “già nua ươn ướt lệ”, Cornaul thành thật thú nhận: “Lúc đó, không hiểu ai là người sợ hơn, tôi hay bà? Tôi sợ đã xúc phạm tới bà”. Câu nói nhiều ngụ ý của tên quan ba Marc tình cờ diễn tả thật đúng một phần ý nghĩa công việc mà Cornaul theo đuổi: “Hy vọng… những cuốn sách của anh viết về một xứ sở tuyệt đẹp, đầy những quyến rũ và bí ẩn, giống như những bước xòe kia…”. Múa xòe, cũng như cái Đẹp, bao giờ chẳng “đầy những quyến rũ và bí ẩn”!
Cũng khó có thể quên câu nói của Cornaul với Mây trong lúc sự nghi ngại của cô chưa hết: “Đừng ngại gì cô Mây ạ. Từ giờ trở đi, tôi sẽ là bạn của cô. Cô múa xòe đẹp lắm, giỏi lắm… Cô đúng là thiên thần của nghệ thuật múa… Tôi sẽ tìm cách giúp đỡ cô”. Giúp ra sao và bằng cách nào? - Mây hỏi lại và Cornaul lúng túng thú nhận: “Giờ đây, tôi chỉ có một lòng cảm thông và kính phục năng khiếu của cô ở lĩnh vực nghệ thuật đặc biệt này”. Chẳng là Mây đã nguyện suốt đời vâng theo lời dặn của người cha trước khi dấn thân vào phận nữ xòe của vua Đèo: “Mưa không nản, nắng không sờn… ngửa tay thành hoa thơm, úp tay thành dao sắc…”. Và cô đã phấn đấu để thật sự trở thành hiện thân của vẻ Đẹp lý tưởng mà con người bao đời nay từng ao ước - dù ở trong một cảnh ngộ thật trớ trêu! Còn nhớ, trên đường tìm Mây sau này, khi chứng kiến các thiếu nữ Thái đang tập múa xòe, Cornaul lên tiếng ca ngợi một cách lịch thiệp mà không giấu nổi sự xúc động chân thành: “Chào những đôi chân thiên thần của xòe Thái!”. Tác giả hoàn toàn có lý trong sự liên tưởng: “Trông họ như một đàn bướm xuân giữa núi rừng đang tràn ngập những dải hoa ban và hoa mơ trắng ngần”. Chính Cornaul khi đó đã hứa: “Tôi có thể giúp cho thế giới phương Tây hiểu được tất cả cái đẹp mê hồn của nghệ thuật xòe Thái cổ truyền, như một sự chưng cất của thiên nhiên và con người Tây Bắc Việt Nam”.
Vậy nên, người đọc không thể bị lừa phỉnh trước lời trách cứ hành vi thô bạo của người con phát ra từ cửa miệng vua Đèo: “Ồ, cậu cả! Anh thực xử sự không đáng là một tri châu có hiểu biết. Hãy cởi trói ngay cho họ, lấy áo lông thú choàng cho họ đỡ lạnh. Anh không biết xấu hổ với những người Pháp đang tôn thờ và tìm hiểu cái Đẹp của xòe hay sao?”. Một vai hài kịch đích thực! Hắn nói với những người bị bắt trở lại: “Ta thật bất ngờ và cảm động trước tình yêu của hai người. Tình yêu nâng cánh cho cái Đẹp, lẽ nào ta phản đối tình yêu của các người!”.  Lại cái Đẹp! Không hiểu sao những kẻ phàm phu tục tử trên đời từ cổ chí kim lại hay nhắc nhiều tới phạm trù thiêng liêng này đến thế! Và tới khi hắn đề nghị Mây múa trong thân hình tơi tả và tâm trạng rối bời thì tấn hài kịch dần chuyển thành bi kịch: “Cô hãy xòe để giúp mọi người hiểu được hết cái sức mạnh tình yêu đã giúp hai người bỏ trốn vương quốc tốt đẹp của ta… Hãy đứng dậy xòe đi!”. Cái mệnh lệnh đanh thép tàn nhẫn có thể khiến những trái tim đa cảm rung lên vì đớn đau, khiếp sợ hơn là vì sửng sốt mà vẻ Đẹp thuần khiết có thể mang lại.
Thế nhưng, con người không khi nào hết sửng sốt trước cái Đẹp. Chính nhân vật Mây đã neo giữ lòng tin ấy nơi người đọc. Cô hiện lên với vẻ ngoài có phần thanh mảnh yếu ớt: thân hình “cao dong dỏng”, “mái tóc để xõa dài óng mượt như làn rêu giữa suối trong”. Khi bị đẩy ra giữa vòng xòe, ban đầu cô tỏ ra ngơ ngác, sợ hãi, nhưng rồi “các điệu xòe của bạn xòe đã cuốn cô vào không khí say sưa của nó. Cô múa, ánh mắt ngời sáng long lanh”. Mây như quên mọi thứ trên đời. Chỉ còn nguyên vẹn một nỗi đắm say khôn tả. Kịch tính được đẩy lên cao trong đoạn cô bị bắt trở lại, bị ép buộc múa điên cuồng trong nỗi xót đau cả về thể xác lẫn tinh thần trước các quan tây và quan ta: “Các cô xòe bước ra… Mây đang ngồi rũ rượi. Một sức mạnh bất ngờ khiến Mây ngẩng phắt người lên, mắt cô long lanh, nảy lửa. Cô gạt mái tóc mai còn ướt nước rồi vụt đứng dậy múa. Tấm thân Mây óng ả trong bộ đồ ướt. Một người gẩy đàn tính bên ngoài ném cho Mây tấm khăn lụa. Mây múa mấy vòng, rồi giật cây nến đang cháy trên một chiếc bàn để làm đạo cụ. Mây như nhập đồng, cô múa mê mải. Đôi mắt lúc ráo hoảnh uất hận, lúc nhòe ướt khổ đau”. Trong khi đó, Đèo Văn Long cười khoái trá tột độ, rồi thầm thì bên tai Cornaul: “Ngài thấy chưa, bây giờ nó là bông hoa rực rỡ nhất của các ban xòe họ Đèo ta…”. Người đọc nhớ mãi tâm trạng bị xáo tung lên bởi bao ý nghĩ trái ngược nơi nhà dân tộc học người Pháp: “Phải, tôi chợt nhận thấy nỗi khổ đau tột cùng, sự đọa đày tột cùng hiện hình trong cái Đẹp não lòng. Vì sao những điều đó lại có thể trộn lẫn được với nhau, tôn vinh cho nhau?... Đâu là giới hạn của cái Đẹp, và đâu là giới hạn của sự độc ác?... Phải chăng nghệ thuật cũng là nơi ẩn náu của sự nhẫn tâm, của sự trả thù hèn hạ?... ”. Tôi nghĩ, bạn đọc có thể nhận ra bức thông điệp khẩn thiết mà người viết muốn gửi gắm qua truyện vừa này ở những dòng chữ lấp lánh ý nghĩa như thế.
Và tưởng chừng không thể kìm giữ nổi, những dòng chữ cứ tuôn chảy ào ạt dưới ngòi bút của tác giả: “Mây nhảy múa quay cuồng như điên dại, lôi kéo cả đội xòe trong cái không khí quái đản kia. Dưới mắt cô, tất cả đều trở nên méo mó, dị dạng, đảo lộn. Bàn chân đã bị thương của Mây từ chiều đến lúc này bật máu tươi ròng ròng. Trên mặt sàn là những vệt máu tươi uốn lượn…”.  Sức bút của người viết có thể nói đã đạt tới mức thần tình. Trong mô tả? Không, đúng hơn là trong biểu hiện. Đó là những trang viết nhập thần của Nguyễn Anh Tuấn khiến tôi củng cố thêm niềm tin rằng: dầu anh có làm gì thì hồn cốt nơi anh vẫn cứ trở lại với chất văn thuần khiết mà đằm thắm, mà da diết và ám ảnh ấy!
Càng rõ cái bức thông điệp thống thiết kia trong lời nói chân tình sau đó của Cornaul: “Hôm nay thì chính tôi phải cảm ơn cô, vì cô đã cho tôi nhìn thấy một khía cạnh đặc biệt của nghệ thuật xòe, đó là những điều vốn không thể kết hợp được”. Thế nhưng, cô gái này bằng tài nghệ, và hơn thế, bằng tấm lòng với đời với nghệ thuật đã kết hợp được những cái thật khó kết hợp, đem lại cho chúng một hình thái nhuần nhị, sống động và xót xa đến thế! “Dĩ nhiên là cô phải trả giá bằng đôi chân quý báu này…” - như nhận xét xác đáng và hóm hỉnh của nhà dân tộc học người Pháp. Tôi cứ muốn biết vì lẽ gì mà giữa Cornaul và Mây lại có được sự đồng điệu đến vậy? Cũng chính ông đã giải thích cái điều sâu xa này: “Chúng ta có cùng một thân phận… Thân phận bị lưu đầy, bị lợi dụng, bị nguyền rủa…”. Ở đây, nhân vật đã tiếp cận được cái lẽ tồn tại ngàn đời của văn chương, của nghệ thuật chân chính. Bỗng hiểu vì sao tác giả lại lấy đoạn văn của Nguyễn Tuân trong Tùy bút sông Đà làm Đề từ cho truyện vừa này: "… và trong đêm tiệc, máu đồng trinh cứ rỏ theo bước chân của đôi chân khiêu vũ, cô gái xòe cứ dẫm lên máu mình mà múa”.
Chợt hiện lên bức ký họa chân dung Mây trong cảm nhận chân tình mà sống động của Cornaul. Cô gái ngượng nghịu: “Em mà lại đẹp thế này sao?”. Cornaul buột miệng nói ra những lời có chiều văn vẻ nhưng lại có lẽ tồn tại riêng trong tình cảnh đó: “Tiếc rằng trang giấy này không phải là một dòng nước trong vắt để tôi được nhìn thấy cả tuổi thơ của em nữa” - “Ông nói cứ như Tản chụ xiết xương ấy thôi” - “Em đã quên tôi là kẻ chuyên đi mót nhặt những tinh hoa đẹp đẽ của các dân tộc sao?”. Một quan niệm nếu không phải là độc đáo thì ít ra cũng mang dấu ấn rất riêng của nhân vật được xây dựng khá thành công này. Câu nói hoàn toàn nhất quán với tư tưởng đặc sắc của tác phẩm. Đúng vậy, “dân tộc học… là một nghề đẹp đẽ”. Tôi hiểu vì lẽ gì mà Nguyễn Anh Tuấn lại dựng Cornaul thành một trong những nhân vật chính yếu của Xòe trinh nữ. Lời nói đĩnh đạc của Cornaul trước Ún cứ như một tuyên bố khẳng khái của cái Đẹp giữa cuộc đời không ít tục lụy này: “Này Ún, đây không phải là cuộc đấu súng vì danh dự hay vì người đẹp, vì thực ra mày không đủ tư cách để đấu súng với tao…”. Và, câu nói vô tình của vua Đèo - “Từ cái Đẹp sẽ sinh ra tất cả” lại tình cờ đụng chạm tới một chân lý vĩnh cửu. Tiếp ngay sau đó, hành vi ném khẩu súng xuống đất của Cornaul là một thông điệp khác nối dài thông điệp trung tâm không ngớt vang lên từ tác phẩm.
Hình ảnh nổi bật kết thúc tác phẩm cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi. Đám đông cùng bước xuống thang nhà sàn. Hoa xoan rụng tím khắp sân. Cornaul một tay dắt bà Mây, một tay dắt cháu gái từ giờ đã là con nuôi của ông. Từ trên cao nhìn xuống, ông ngắm nhìn “hội xòe vòng trông giống một bông hoa lớn tuyệt đẹp đang chuyển động và long lanh sắc màu giữa bản mường bình dị”. Xòe Thái nổi bật giữa cảnh tượng bình yên của bản làng Tây Bắc.
Tôi còn muốn nói thêm: chính sức sống của nghệ thuật xòe vượt lên trên mọi hoàn cảnh ngang trái đã thực sự góp phần làm nên sự bình yên muôn đời đó
*Trong tập truyện ngắn - truyện vừa Lũ muộn - Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội - 2007.
Đà Lạt, Mồng 5 Tết Canh Dần
Phạm Quang Trung
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đường vòng - Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn Nó đĩnh đạc bước tới trước cái mặt đắc thắng của bà Doan, rồi thình lình giơ tay tát cái đốp...