Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Tiểu thuyết Bụi trần trên con đường viết văn của Trần Đức Tiến

Tiểu thuyết Bụi trần trên con đường 
viết văn của Trần Đức Tiến 
Một lần, khi tập Tuyệt đối yên tĩnh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành vào 2003, Trần Đức Tiến có nhắc tôi, nếu có nghĩ về anh thì chớ nên quên tiểu thuyết Bụi trần. Cuốn sách được anh hoàn thành khá sớm, vào cuối năm 1990. Nó không hề dài, như phong cách vốn có của anh. Thế nhưng, nếu đặt vào con đường viết văn của anh mà nhìn nhận thì ý nghĩa của nó lại thật dài. Khi ấy, anh đâu như chưa đến bốn mươi, lứa tuổi mà nhiều cây bút văn xuôi cùng lứa còn đang loay hoay với câu hỏi: văn hay, hay thật sự, hay đích thực ấy, là gì vậy? Đọc anh, nhiều người dễ nhận ra là chừng như anh đã tiếp cận rất gần với câu trả lời được xem là thỏa đáng nhất. Quả là văn anh đã kịp chín để bước nhanh vào giai đoạn mãn khai sau này. Không lạ nếu anh nhận được nhiều Giải thưởng văn chương danh giá đến thế! Chúng như là sự xác nhận đáng tin cậy cho hướng đi đúng ngay từ khởi đầu cho cả một sự nghiệp văn chương rồi sẽ được nối dài về phía trước.
Nói vậy, vì tôi luôn tin rằng, một nhà văn nghĩ về văn chương ra sao thì sẽ viết lách, cả bàn luận về văn chương nữa, đúng như thế. Nói một cách khác, quan niệm văn chương của một người sẽ chi phối tất cả, làm nên thành bại của cả một đời văn. Phải tìm đến một quan niệm đích thực nếu anh muốn có một sự nghiệp đích thực. Lầm lẫn ở chỗ khác có thể sửa chữa. Nhanh hoặc chậm. Sớm hoặc muộn. Riêng ở lĩnh vực quan niệm thì không thể. Lầm lạc ở đây có nghĩa là mất hết. Vì là lệch hướng. Sẽ tiêu tan cả một sự nghiệp. Cũng có nghĩa là cả một đời người. Thật chua xót! Nhà phê bình, vì vậy, gắng mà theo sát, biện giải, rồi nắm bắt cho bằng được cái định hình chủ chốt ấy khi có ý định tìm hiểu một nhà văn.
Mà khó thay, rất ít nhà văn ưa đưa ra những suy nghĩ trực tiếp về nghề nghiệp. Ngay nói về quá trình sáng tạo của chính mình, họ cũng rất kiệm lời nữa là. Theo phán đóan của nhà văn Nga Pautovski thì có lẽ họ e ngại rơi vào tình cảnh khó xử của con cuốn chiếu trong câu chuyện ngụ ngôn nọ. Ai cũng biết là giống cuốn chiếu rất nhiều chân, đến 40 cặp cả thẩy. Một lần, nó nảy ra ý muốn quan sát từng cặp trong đó di chuyển ra sao. Kết quả là … Nó đứng yên, gần như bất động, không nhíc lên nổi một bước. Nhà văn Trần Đức Tiến có lẽ thuộc típ người như thế. Nhưng, như người đời thường nói, trong cái rủi lại nảy ra cái may: ta buộc lòng phải lần tìm quan niệm bộc lộ qua tác phẩm, thấm trong hình tượng của anh vậy. Như thế sẽ dễ tránh được nguy cơ rơi vào ngụy tín, ít ra là tránh được khiên cưỡng, áp đặt. Bởi, như một nguyên tắc, chỉ có tác phẩm mới có đủ thẩm quyền trình ra căn cước về một nhà văn!
Trở lại với tiểu thuyết Bụi trần của Trần Đức Tiến. Đập ngay vào tâm trí người đọc là lời Đề từ nhấp nháy ý nghĩa: “Rằng: nến đã tắt, đàn đã sai dây / Lạc những nẻo buồn ai đi tìm ai …” Câu hát ẩn chứa nhiều tâm sự của người viết gợi nhiều tâm sự nơi người đọc được chú rõ làhát một mình. Đúng quá rồi! Văn chương là sản phẩm của xã hội và lịch sử. Cố nhiên! Nhưng suy cho cùng, muốn thật sự hiện hữu như một giá trị thì tác phẩm phải hóa thành chuyện riêng của mỗi người. Viết cũng thế mà đọc cũng thế. Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi (Kiều). Cái chung không biến thành nỗi day dứt của từng nhà văn thì lấy đâu động lực để thăng hoa trong sáng tạo. Cũng vậy, những cái hay trong tác phẩm chỉ được người đọc tiếp nhận khi tự mỗi người tìm đến, bằng những ngả đường riêng, với tất cả sự cảm thông, chia sẻ cần thiết. Tôi nhớ tới nhân vật Vấn, cuộc đời đầy gian truân, lại được Trần Đức Tiến thể hiện với bao niềm ưu ái. Anh luôn nổi bật giữa“đám đông”, “bởi cái đầu cao vượt lên, nghênh nghênh bên nọ bên kia”. Dáng vẻ bề ngòai như báo trước sóng gió của đời anh. Giữa đường đời, quá khổ bao giờ cũng dễ gây phiền tóai, nhất là quá khổ về trí lự. Là một giáo viên văn, anh nhiều tài, mà cũng lắm tật. Đáng nói nhất là hay ngơ ngẩn, hay đa mang. Chúng tồn tại hầu như tự nhiên trong anh. Như là nghiệp dĩ. Gắn với nghề nghiệp. Mà đó lại là nghiệp văn vốn bao giờ cũng mang hơi nóng của thời cuộc. Văn chương khi nào cũng bị điều kiện hóa. Cả cái hay và cái dở của hòan cảnh.
Còn nhớ, lúc mới ra trường, Vấn là cây “sáng tác” nổi đình nổi đám. Anh ta làm thơ, viết truyện, cả kịch nữa, nhưng sở trường hơn cả là ca dao, độc tấu… “Thì đấy, văn nghệ mà cứ như những thứ thầy xơi phải thường xuyên trên sách báo đương thời, thì thầy cũng có thể làm văn nghệ được lắm”. Đó là lời kể phập phồng tâm tưởng của người viết. Nhà văn như cười mỉa. Cái thứ văn chương dễ dãi, nhợt nhạt tràn ngập trên báo chí một thời quả xa lạ với anh. Trần Đức Tiến muốn làm một thứ văn chương khác, đủ sức dung chứa cuộc đời rộng dài và sâu thẳm. Chẳng thế, nhà văn đã đặt vào lời cha Vấn, lúc hấp hối mới mắng con mình: “Ta nói cho anh biết, cả đời ta không thèm cầm bút viết một câu thơ, nhưng ta nghệ sỹ hơn anh nhiều. Là bởi vì ta đã trải mọi nỗi cực nhọc của kiếp người, và cũng biết tận hưởng hết mọi lạc thú được làm người. Còn anh, anh chưa sống. Anh phải tập làm người đi đã…” . Đó có thể xem cũng là cách nghĩ của chính người viết. Ở đây, Trần Đức Tiến đã gặp gỡ nhiều nhà văn thuộc những chân trời khác. Một cách tự nhiên, rất tự nhiên. Tưởng Huân chẳng hạn. Nhà văn Đài Loan này cho rằng: “Nhạt là mùi vị sâu sắc lắm” . Ông giải thích một cách thuyết phục cái vị nhạt của cuộc đời: “Tôi cảm thấy, sau khi nếm trải mọi thứ mùi vị cay đắng ngọt bùi chua mặn, thì một vị giác cuối cùng sẽ xuất hiện, đó là vị nhạt, mọi mùi vị đều đã nếm, bạn mới biết cái hay cái tinh tế của vị nhạt…”
 Lại nhớ lời trăng trối của người cha. Việc“tập làm người” trước tiên theo ông là“ phải có gia đình, phải cưới lấy một cô vợ”. Vì như ông bảo,“làm đàn ông, ngòai ba chục tuổi đầu, đ. biết gì về đàn bà mà đã dở dói chữ nghĩa..”. Đã rõ cái ý của tác giả. Nếu không trải đời đến độ thấm đời thì chỉ có cách là làm thứ văn nói dối, nghĩa là thứ văn giả. Có lẽ vì vậy mà ngay sau đó, tác giả khéo để cho Vấn buâng khuâng trong một nỗi tâm tư rất thật: “Tuổi thanh xuân sắp hết. Không lẽ hy sinh cả tuổi thanh xuân chỉ làm một kẻ ngồi đồng đầu váng mắt hoa, múa may quay cuồng, hò hét  lảm nhảm vì bị sai khiến bởi hồn ma kẻ khác?”. Anh ta đã nghĩ đúng. Phải giải thóat. Bằng mọi cách. Mà trước hết là phải sống thật với mình. Và với đời. Nghĩ là thế, nhưng làm mới khó làm sao. Giữa Bụi trần,anh đã vấp ngã. Không phải một lần. Nhưng, anh không thể sống khác. Đó là cái quý của anh. Chính nó làm nên sức ám ảnh của hình tượng. Người đọc sẽ còn nhớ mãi mối tình của anh dành cho Phượng Ly. Có người cho là phi lý. Họ khác nhau nhiều quá. Từ tuổi tác đến tính khí. Tôi thì đứng về phía tác giả. Chính câu thành ngữ có một vế gắn với …Cá tươi đưa anh tới mối tình nhiều oan nghiệt với Phượng Ly. Vậy nên, khi họ đã trở nên gần gũi, cô ta thành thực giãi bầy: “Một người từng nuôi giấu những câu thành ngữ như vậy trong lòng, không thể là người nhạt nhẽo, dửng dưng”. Không khó hiểu, mối tình của họ ấy, nếu gắn với chất văn, nghĩa là chất người thẳm sâu trong tâm hồn họ. Chúng có tiếng nói riêng, vượt lên tất cả, ràng buộc họ với nhau. Rồi khi hai người buộc phải chia tay một cách nghiệt ngã, trong lọang chọang đến chóang váng, Vấn bị khựng lại bởi một âm thanh trong trẻo bất ngờ dội thẳng vào ngực anh:“cá tươi!”. Đó là câu nói cuối cùng anh nghe được từ miệng nàng, “bằng cái giọng cười cợt và cay đắng”, đúng như chất giọng  chung của Tạo hóa dành sẵn cho cuộc đời cả anh và nàng.
Đến đây có thể nhận ra, với Trần Đức Tiến, văn chương đích thực, không gì khác, chính là tiếng nói cất lên từ đáy sâu của cuộc thế trần ai. Thật khó quên câu nói thẳng thừng của Bằng với Vấn trong Bụi trần: “Xin lỗi ông anh, em chỉ là một thằng làm báo quèn, em cóc phải là nhà văn. Em đến chơi với ông anh cốt để uống rượu tắc kè và nói chuyện đời. Như thế vui hơn, phải lẽ tự nhiên hơn …Nhiều người cứ nghĩ đã ngồi với nhà văn là phải dở chuyện văn chương ra bàn. Sai tóet! Làm như thế nhiều khi quá bằng tra tấn họ”. Tôi đoán, trong đời viết văn của bất kỳ ai, không riêng Trần Đức Tiến đâu, ối chuyện xảy ra tương tự. Có điều, xem ra anh thấm hơn, mà còn bởi hợp với quan niệm của anh hơn. Nên anh mới buộc lòng phải lên tiếng. Qua hệ thống nhân vật, tất nhiên. Nhân vật Liễu nổi loạn cũng nằm trong mạch tư tưởng chung này.
Cô Liễu, lúc con người đàn bà thức dậy vào tuổi hồi xuân, hay mơ tưởng tới “cái người đàn ông có mái tóc nghệ sỹ, có đôi mắt buồn buồn, cái miệng cười rất duyên và cử chỉ thì rõ là hào hoa phong nhã”.Sau cái cảnh cô ta ga lăng tạo ra cơ hội cho cặp tình nhân cũ gặp gỡ nhau, như là cách tháo cũi sổ lồng cho chính mình, nhà văn để cho tâm trạng nhân vật trôi nổi theo dòng cảm nghĩ phải nói là thành thật: “Tình yêu vẫn cứ là tình yêu, nó bất chấp tất cả mọi thứ bèo bọt, nhếch nhác của cuộc đời. Trừ phi người ta già rồi, máu cạn rồi, hết xí quách – như lũ trẻ vẫn nói. Còn không thì nó vẫn ngủ, vẫn ngủ, chờ cơ hội …”. Văn chương là thế, nó không né tránh gai góc của sự đời, như thường thấy, như vốn có. Cần nhất nơi nhà văn là niềm tin vào chính mình. Chân thật trong văn chương trước hết và trên hết là sự chân thật với lòng mình. Tôi muốn nhắc tới câu trả lời đốp chát có phần xấc xược của Liễu về cái gọi lànguyên tắc luân lý ở đời trước người chồng luôn làm nô lệ cho những sợi dây trói tinh thần của một thời đã lùi quá xa: “Ôi dào! Vứt mẹ cái nguyên tắc của ông đi. Nguyên với chả tắc. Ngủ với nhau thì chẳng có nguyên tắc chó nào hết. Miễn là đồng tình cả đôi bên. Suốt đời tôi đã trung thành với đủ các thứ nguyên tắc, bổn phận rồi. Mệt lắm. Ngán lắm”. Ngẫm ra, không ít nhà văn còn khư khư bám giữ, một cách vô lý, cả vô lối nữa, nhiều quan niệm văn chương cũ kỹ thực tế đã bị cuộc đời vượt qua đã từ lâu. Làm sao có thể hy vọng vào các giá trị, dẫu là mỏng manh, nảy ra dưới ngòi bút của họ cho được!
Từ đó, tôi có được sự thích thú thật là đặc biệt trong khi lần tìm ra nguyên cớ bên trong hối thúc người đã viết nên bài ca dao về vụ việc bị xem là bê bối xảy ra trong quan hệ giữa Vấn và Liễu: “Trường huyện có chuyện tày đình / Hai ông bà giáo lình xình với nhau / Đã hai thứ tóc trên đầu / Còn toan mò mẫm nông sâu sự đời / Một đêm tắt lửa tối trời …”Người làm ra thứ cũng được gọi là văn chương ấy là chồng Thu, một anh chàng “xấu xí, gầy nhom, sợ vợ một phép”. Đáng nói là trước đó anh ta lép vế so với vợ về mọi phương diện trong quan hệ gia đình. Từ khi người vợ biết anh ta là tác giả bài ca dao chứng tỏ một “tài năng bất ngờ phát lộ” nói trên, thì điều kỳ diệu trong quan hệ vợ chồng giữa họ đã xảy ra. Bà vợ đối xử với anh ta thiện chí tới mức “chăn gối của chàng bắt đầu được dọn qua giường vợ, và cậu con trai sáu tuổi lập tức được coi là đã trưởng thành, cần phải cho ngủ riêng”. Sức mạnh thực tế của thứ văn chương thứ cấp ấy lập tức được phát lộ. Không thể bảo là không mạnh mẽ. “Thu, người đàn bà quen thói bất công, ruồng rẫy chồng, có thể lờ mờ nhận ra: hạnh phúc gia đình chưa hẳn là một cái gì thiên niên vạn đại, và khôn ngoan hơn là nên thay sự phũ phàng, riết róng bằng thái độ mềm dẻo, phải lẽ hơn”. Tác động của thứ văn chương rẻ tiền về mặt ấy thật lạ lùng quá đỗi! Tuy, tất cả mọi thứ, có khi quái đản, kỳ cục đến khó lường, lại làm nên chính cái gọi là cõi người. Và, cái gọi là cõi văn.
Chưa hết. Người đọc còn lờ mờ nhận ra tác hại của cái thứ văn chương bịa đặt vô lối, không chính đính, không sức sống qua sự tưởng tượng kỳ quái của nhiều cây bút ở nhân vật Tưởng, chung quanh cái chuyện ngọai tình bằng mồm của anh chàng:…“Y cứ thế thao thao khoe cái tài mèo mỡ của mình ra với Thức. Y càng nói càng hăng, càng nói càng như người khát nước…Y bịa ra tất cả những câu chuyện vừa rồi. Bịa hăng hái, bịa như thật. Nhưng sự thật thì y cũng chưa biết mùi người đàn bà nào ngòai vợ, mặc dầu những người đàn bà ấy có nhung nhúc trong đầu y... ”. Tôi rất thú vị khi đọc lời kết của tác giả: “Y đã làm một việc không vẻ vang gì cho lắm: thủ dâm bằng mồm…”. Là nhà văn, thì phải làm việc bằng công cụ ngôn ngữ thôi. Nhưng chớ xem ngôn ngữ chỉ là phương tiện của tư  duy. Nó còn sản sinh ra tư tưởng nữa. Đặc biệt là trong tay các nhà văn tài năng. Người đời gọi văn chương là nghệ thuật ngôn từ chủ yếu là theo nghĩa này chăng? Văn phải giàu sức sống. Muốn vậy, ngôn từ phải giàu hơi thở của sự sống. Không trải nghiệm cuộc đời đến độ cần phải có thì người viết làm sao truyền được sức nóng cho lời, cho văn. Đọc Trần Đức Tiến, tôi muốn nói to lên cái điều giản dị mà không phải nhà văn nào cũng đều thấm nhuần ấy.
Trần Đức Tiến rõ ràng đã có sự khởi đầu đúng hướng vào chặng đường quyết định của văn nghiệp khi viết tiểu thuyết Bụi trần. Anh đã lầm lũi đi tiếp cho tới giờ. Không ngưng nghỉ. Và tôi dám chắc là rồi anh sẽ tới đích. Chỗ anh đến chính là cái nơi văn chương đích thực ngàn đời cần đến. Hạnh phúc của một đời văn lẽ nào lại không phải thế!.
Đà lạt, 2/10/2006
Phạm Quang Trung
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...