Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Về một đặc trưng của trường ca qua “Người cùng thời” của Mai Văn Phấn

Về một đặc trưng của trường ca qua 
“Người cùng thời” của Mai Văn Phấn 
Nhân bàn về những ý kiến tranh luận xoay quanh ý nghĩa đích thực của hai chữ “Chín móng” trong bài thơ “Hư vô” của Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa có đưa ra một số nhận xét đáng phải suy nghĩ: “Khổ! Chỉ có một chữ, cũng chẳng phải chữ Xuân Diệu, mà rồi cũng bàn ra tán vào đến mấy số báo! Chẳng lẽ các bác phê bình không còn chuyện gì để nói nữa ư? Phê bình mà cứ lủn mà lủn mủn, trong khi văn học có bao điều lớn lao đang đặt ra kia thì chẳng bàn” (Văn nghệ, số 42, 16/10/1999). Một trong những vấn đề lý luận cốt lõi, “lớn lao” (theo ý của Trần Đăng Khoa) cần bàn bạc, tháo gỡ giữa lúc này theo tôi là đặc trưng thể loại của thể trường ca vì nhân loại đang đứng ở điểm giao của thiên niên kỷ mới, rất cần một thể tài văn chương có sức dung chứa lớn.
Cũng trên “Văn nghệ” (Số 40 - 2/10/1999) có đăng bài “Mặt đường khát vọng và nghệ thuật trường ca” của Phạm Khánh Cao rất đáng được trao đổi. Bài báo chia trường ca ra làm ba thể mà người viết gọi là “loại hình”(ở đây nên gọi “thể” mới xác đáng): Trường ca chức năng; trường ca tự sự; và trường ca trữ tình. Một quan niệm chưa mang sức thuyết phục bởi hai lẽ:
1. Tác giả chưa xác lập được một tiêu chí phân loại nhất quán.
2. Tác giả chưa chỉ ra đặc điểm chung của ba thể nói trên khiến chúng đều được gọi là “trường ca”.
Nhân đọc trường ca “Người cùng thời” của Mai Văn Phấn, tôi xin được làm sáng tỏ tính sử thi - một trong những đặc trưng nổi trội của thể trường ca. Người ta thường đề cao ý nghĩa lịch sử - xã hội - nhân văn rộng lớn của trường ca- ý nghĩa này có được là nhờ gắn liền với tính sử thi của nó.
Suy từ nghĩa Hán - Việt, có người giải thích “Trường ca” là “Thơ dài”.“Trông mặt mà bắt hình dong“ kiểu ấy thật không phải. Cái quyết định ở chất chứ đâu phải ở lượng. Tuy nhiên, để triển khai ý đồ nghệ thuật sâu rộng của một bản trường ca, người viết buộc phải huy động một dung lượng tương thích. “Người cùng thời” có cả thẩy 10 chương, không theo cấu trúc tự sự quen thuộc mà theo mạch suy tưởng. Điều này giúp Mai Văn Phấn cảm nhận mọi chuyện mọi sự từ một tầm nhìn có sức bao quát: “Đầy ắp những râm ran cộng hưởng trong các chiều không gian, thời gian”. Kể ra, khi có ý định viết về và viết cho những “người cùng thời” thì dường như tác giả không thể có cách chọn  lựa nào khác thế.
Ta đang sống trong những ngày tháng ít ỏi còn lại của thế kỷ 20. Thời đại cho phép ta đủ điều kiện về nhiều mặt để nhìn nhận 100 năm vừa trôi qua. Biết bao sự kiện chấn động cả địa cầu! Biết bao nhân vật làm lay chuyển cả lịch sử! Trong thời gian ấy, những gì được gìn giữ và tiếp nối, và những gì được phát triển và sáng tạo? Rồi nhân loại phải đi về hướng nào? Đâu là cơ hội cần nương theo, còn đâu là thách thức phải vượt qua?... Toàn những vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh mệnh, đến lẽ sống của hàng triệu, hàng triệu con người. Nhân loại muốn tiến nhanh về phía trước buộc lòng phải trả lời. Mà nhân loại là ai? Là tập hợp mỗi người chúng ta - những người tự ý thức về bản thân trong tiến trình lịch sử -“Không là ai hết - Khi chưa là mình”.
Là một nhà thơ đầy trách nhiệm xã hội, Mai Văn Phấn đã can đảm cất lên tiếng nói. Xác đáng hay không? Xác đáng ở mức nào? Điều đó tùy thuộc ở sức vóc trí lự từng người. Nhưng cái đáng quý, không ai có thể bác bỏ được, là tâm huyết của người viết. Và cả tài năng nữa! Vì chỉ nội việc dám đặt ra những câu hỏi lớn lao dường ấy cũng đã chứng tỏ trí não của anh dồi dào sức nghĩ đến mức nào! Anh phán xét nền văn minh nguyên thủy; cật vấn nền văn minh cơ học; và khát khao về nền văn minh tâm học của tương lai:
Bàn chân tương lai rồi sẽ đi qua
Bông hoa hiện thời dâng hương ngợi ca nhân tính
Ánh mắt tỏa vào không gian muôn hạt mưa dịu mát
Tiếng nói cười thơm trong lòng trái cây
Anh lên án Thế chiến I, Thế chiến II, đồng thời đặt ra câu hỏi: “Có thể lọc từ ngân nga ra một nỗi lo âu, ai nấy cố che đi câu hỏi kiêng không nói mà cũng kiêng không viết: Có hay không Cuộc Đại chiến Thế giới III?” Anh hình dung ra trong tâm tưởng hình hài đất nước luôn đổi mới và tái sinh:“Hiện dần lên từng mạch sông Mêkông, sông Mã, sông Hồng... Những dòng chảy nghìn xưa đang âm thầm cuộn trong lõi chì, ruột bút. Bàn tay ngỡ ngàng trên trang giấy trắng tinh” Anh bàn đến sự chuyển giao thế hệ theo quan điểm biện chứng kế thừa, và theo ý nghĩa nhân văn cao cả:“Cứ thầm mong sao mỗi trái tim/ Có một ngọn đèn/ Trong buổi giao ca thế hệ”. Anh cũng không ngại ngùng đụng tới những vấn đề vốn rất nhạy cảm bằng thiện tâm có thể có của người nghệ sĩ: “Có cái chết không tên/ Trồng khoai... cuốc sân gạch/ Nơi cha mẹ đã quỳ/ Vết thâm còn trên đất”. Và người đọc cũng được soi sáng và thức tỉnh như anh trước bao vấn đề tưởng không thể xảy ra lại cứ xảy ra như một tất yếu lịch sử: “Khi phá bỏ bức tường Berlin/ Khi Xô viết Liên bang tan rã/ Nắng đã gắt gay rồi / Lại càng gay gắt quá / Nhân loại đi chuếnh choáng dưới mặt trời”...

Biết bao vấn đề thiết cốt dồn nén trong một bản trường ca. Người ta có thể băn khoăn rằng ý đồ sáng tạo của “Người cùng thời” chưa phải đã thật chín, rằng sự thể hiện ý đồ của tác giả chưa phải đã thật nhuyễn, nghĩa là bản trường ca chưa hoàn toàn tới được cái điểm mà nghệ thuật tầm cao cần tới, nhưng rõ ràng không một ai không cảm phục cái ý muốn của Mai Văn Phấn nhằm chiếm lĩnh bề rộng và bề sâu của thực tại bằng nghệ thuật. Theo chỗ tôi được biết thì dường như chưa một ai, ngay cả những nhà thơ giàu tiềm lực sáng tạo, lại dám đặt ra trước ngòi bút mình một thách thức tương tự. Tôi trân trọng trường ca “Người cùng thời” trước hết vì lẽ đó.
Mai Văn Phấn luôn nghĩ con người ta sống không thể tách rời quá khứ -“Dĩ vãng quanh ta rưng rưng sương khói”. Với dân tộc cũng vậy - “Lịch sử cùng cuộn chảy với bao mạch ngầm tha thiết ngàn sau”... Cho nên, muốn có khả năng đi tới không thể không trang bị cho mình khả năng nhìn lại. Trong thần thoại Trung Quốc có tám vị tiên, duy chỉ có Trương Quả được coi là Triết tiên. Sở dĩ như vậy là do chỉ có mình ông biết cách cưỡi ngựa theo kiểu quay lưng ngược lại mà nhìn ở phía sau. Chỉ những ai biết nhìn lại phía sau mới có thể biết nhìn về phía trước. Người ta nói: “Ôn cũ để biết mới”; cũng cần phải nói thêm: “Từ mới để hiểu cũ”. Hãy nghe Mai Văn Phấn luận về những “Cái chết không tên” mới xảy ra đây thôi mà có sức ám ảnh dai dẳng có lẽ phải qua một vài thế hệ nữa may chăng mới nhạt nhòa nguôi ngoai: “Nỗi đau không nhãn mác/ Nghèo khó được tấn phong”. Rồi: “Kẻ châm lửa đốt đền/ Thu chuông và giữ mõ”.
Đó là dĩ vãng gần. Còn đây là dĩ vãng xa: “Những hạt bụi vô danh/ Phủ kín ngai vàng/ Vun chúng lại/ Từng bầy ngơ ngác/ Lũ gian thần / Lấp lênh khuôn mặt/ Nơi phòng the từng thu xếp thế gian”. Không ít người hôm nay đọc mà vẫn cứ phải giật mình thon thót. Ông Bao Công Lịch sử bao giờ cũng công minh. Vì suy cho cùng, đó là lương tri luôn thức tỉnh của nhân dân - lương tri ấy như “Mặt đất uy nghiêm/ Minh bạch/ Nhân từ” để có thể phán xét “Từng nỗi oan/ Dẫn ra từ bóng tối/ Từng cái chết/ Dẫn ra từ bóng tối”, và rồi mọi giá trị sẽ được an bài đúng với thang bậc vốn có của chúng:
Ngày Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan
Mây trắng Bạch - Vân - Am thẫn thờ bao thế hệ
Khi Nguyễn Trãi kề đầu dưới lưỡi dao đao phủ
Đá lở Côn Sơn phun mạch nước lên trời
Lòng người đọc rưng rưng cùng người viết. Chi tiết sống động - đó là văn chương. Cảm xúc dào dạt - đó là thi ca. Mai Văn Phấn nhìn chung không vì đuổi theo ý tưởng cao sâu mà bỏ rơi nghệ thuật như cần phải có:
Trong lời hịch năm xưa lóe lên binh khí
Xương cốt cha ông chôn bên xác quân thù
Những câu thơ chờ ta hôm nay vuốt mắt
Cọc sông Bạch Đằng đã nhổ hết chưa?
Tôi cứ như được đọc những vần thơ sang sảng hào khí Đông A thuở nào. Tác giả đã thật sự sống lại những năm tháng hào hùng của lịch sử ngàn xưa dân tộc, bằng cảm quan của thời đại mới: “Hình Tổ quốc nghìn năm đóng đinh vào ký ức/ Mang nét vẽ dáng tổ tiên ta đội nón đứng bên trời/ Giờ Tổ quốc cùng tôi mỗi buổi sớm lại tưng bừng tái hiện/ Mang khuôn mặt mình thời mọc tóc thay răng”.
Tôi chợt hiểu vì lẽ sâu xa gì mà Mai Văn Phấn - con người của thời nay lại không một phút rời xa quá khứ. Anh đặc biệt luôn có ý thức “Soi vào lịch sử chiến tranh/ Những nền văn minh hủy diệt”. Có gì lạ đâu? Dân tộc Việt Nam ta bốn ngàn năm lịch sử đã có tới một ngàn hai trăm năm buộc lòng phải cầm súng chống giặc ngoại bang: “Cuộc chiến tranh lại đi qua những thời thiếu nữ/ Ngọn lửa napan lùa vào giấc mơ làm mẹ làm vợ”.
Điều khiến tôi thường ngạc nhiên khi đọc “Người cùng thời” là Mai Văn Phấn luôn sống trong thời gian ba chiều: quá vãng, hiện thời, và vị lai. Đó là cuộc sống thực như đang diễn ra, và anh tỏ ra hoàn toàn có lý. Vậy nên, tôi không thấy xa lạ khi chứng kiến những cuộc chiến tranh âm thầm, dai dẳng mà không kém quyết liệt xảy ra ở quanh ta hàng ngày: “Ngỡ chiến tranh về theo sau lưng mình/ Phòng lạnh cơ quan như thoảng mùi thuốc súng/ Nọc độc chạy trong công văn, dây điện thoại, bò cả vào vi tính.../ Những dại khờ mắc bẫy dưới bình minh”. Anh đã thuyết phục tôi nhờ cảm quan tinh nhậy đa chiều của mình. Để rồi ở chương IV có tựa đề “Nỗi đau phát sáng”, anh có thể vĩnh cửu hóa những tội ác đi kèm theo chúng là những nỗi oan khiên có thể tồn tại ở một đâu đó và vào một lúc nào đó: “Những con dao ém trong chéo khăn / Những chiếc lưỡi mọc xương/ Những mũi tên bắn lén / Những khuôn mặt bịt kín / Những vỏ đạn gỉ hoen mở mắt / Những nét vẽ ăn gian trên tấm bản đồ/ Những nét chữ đóng đinh vào lý lịch...”. Tôi cứ muốn dẫn ra nhiều, nhiều nữa. Những câu chữ nóng bỏng và chói sáng! Tưởng như một người ưa im lặng cũng dễ biến thành kẻ lắm lời khi được đọc những dòng chữ ăm ắp sự sống kết tinh như thế. Cố nhiên, đây là một bản trường ca rất khó đọc. Phải được trang bị một vốn văn hóa nhất định.
Và cái quyết định hơn là còn phải dám gạt bỏ ra khỏi thị hiếu thẩm mỹ của mình những thiên kiến, định kiến cũ kỹ và lỗi thời. Nhờ vậy, ta mới chấp nhận những gì mới lạ. Tâm hồn con người có thể giàu có nhờ được thường xuyên bồi bổ những món ăn tinh thần quen thuộc, nhưng sẽ không trở nên đa dạng nếu chỉ quen tiếp xúc với những giá trị quen thuộc kể trên. Nếu tôi không lầm thì khái niệm tiến bộ trong nghệ thuật bao giờ cũng gắn liền với những đề xuất tư tưởng mới mẻ.
Trong nhiều quan niệm mới lạ về thế giới và nhân sinh được bộc lộ qua“Người cùng thời”, tôi đặc biệt chú tâm tới nền văn minh tâm học mà tác giả cố ý nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi hướng tới tương lai của dân tộc và nhân loại: “Đã hé mở cánh cửa nền văn minh tâm học, những linh hồn tâm hồn có đủ lương năng, lương tri rời thể xác tìm nhau / Vượt gấp nhiều lần tốc độ ánh sáng, trái tim hiền lành rung động các vì sao”. Trong lần đọc đầu tiên, thú thật, tôi có ý ngờ vực. Nền văn minh tâm học ư? Liệu anh có rơi vào một dạng khác của “duy ý chí” không? Tôi nghĩ tới nhà Tâm học Vương Dương Minh (1472 - 1528) bên Trung Quốc. Ông từng viết:“Tâm ngoại vô lý, tâm ngoại vô vật” (Ngoài cõi lòng ra không có lý, vật nào hết). Tôi đồng thời nghĩ tới Vương Phu Chi (1619 - 1692), người sống sau ông chừng hơn một thế kỷ. Học giả họ Vương - Hậu thế đã phê phán học giả họ Vương - Tiền nhân thế này: Trong nhận thức của con người nếu không có “cảm quan tai mắt” thì “tâm linh” cũng thành thứ bỏ đi (Chu Dịch ngoại truyện). Khi đọc lần thứ hai, thứ ba “Người cùng thời” thì tôi hiểu nền văn minh tâm học trong quan niệm của Mai Văn Phấn không hề tách rời “cảm quan tai mắt”: “Trên mạng lưới thông tin đại chúng hàng ngày / Chuyện giải thoát con tin, chuyện đặt bom khủng bố / Những chiêu bài tự do, nhân quyền, dân chủ... / Thiện - Ác bây giờ cùng lôi kéo văn minh!”. Tuy nhiên, phải đọc bản trường ca tới lần thứ tư, thứ năm tôi mới hiểu thêm một điều khác nữa: cái hàng ngày nhất thời nằm trong cái quy luật ngàn năm đó thôi! “Quyền sở hữu ở bên ngoài Thiện - Ác” - Mai Văn Phấn viết vậy. Từ đó, anh hoàn toàn có cơ sở để lên án thiên hướng lệch lạc của nền văn minh cơ học khi đề xuất ra cách thức sản sinh con người bằng phương pháp nhân gen: “Anh được sinh ra bằng phương pháp nhân gen nhân bản anh thấy mình lạc cuối con đường ra ngoài bản ngã giọng nói vỡ tan hay tiếng thét vô thanh”. Nền văn minh cơ học này nếu không khéo điều khiển sẽ đi những bước nguy hiểm, hủy hoại bản thể của con người, nghĩa là có nguy cơ hủy hoại tất cả. Do vậy, tôi tán đồng với lời kết được in đậm của bản trường ca: “Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!”.
Trường ca “Người cùng thời” của Mai Văn Phấn kết thúc trong âm điệu ngợi ca con người và thiên nhiên. Đó là con đường mà các nhà nhân văn chủ nghĩa xưa đã đi, nay đang đi, và mai sau còn đi. Do vậy, khái niệm“Người cùng thời” được tác giả hiểu theo nghĩa rộng: “Cùng thời với cả những người chưa kịp sinh ra mà gương mặt đã hiển hiện trong vòm cây, bóng nước. Cùng thời với cả những người đã chết bởi những từ ngữ hàng ngày ta vẫn thường gọi đến tên nhau”. Sự bao quát và tầm sử thi của bản trường ca “Người cùng thời” của Mai Văn Phấn mới rõ rệt làm sao!.
Đà Lạt, 25.10.1999
(Đã đăng báo Người Hà Nội)
Phạm Quang Trung
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...