Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Yếu tố không gian và thời gian trong tri thức đi biển của ngư dân Thuận An

Yếu tố không gian và thời gian trong 
tri thức đi biển của ngư dân Thuận An
1/ Dẫn luận 
Xu hướng khai hóa, truyền bá văn minh trong thời kỳ thống trị của chính sách thuộc địa ít nhiều đã tạo nên những quan niệm lệch lạc hoặc không thấy hết giá trị của tri thức bản địa. Trong những thập niên vừa qua, khi tiếp cận và lý giải nhiều bài toán hóc búa trong việc giải quyết môi trường, sinh kế, nạn nghèo đói, kể cả những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, tri thức bản địa đã được đặt ra và được nhìn nhận một cách khách quan, tích cực hơn nhiều. Người ta đã nghĩ đến việc phải học và tổng kết được tri thức bản địa một vùng đất, một tộc người, một cộng đồng trước khi chuyển giao hay hỗ trợ những chương trình nâng cao, cải thiện cuộc sống của đối tượng tiếp nhận. Vấn đề sở hữu trí tuệ tri thức truyền thống/tri thức bản địa cũng được thế giới đặt ra một cách nghiêm túc bởi những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội mà nó đem lại. Hệ thống tri thức bản địa, vì vậy, từng bước có địa vị bình đẳng như bất cứ ngành khoa học nào.
Tri thức bản địa cũng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau (1). Trong đó, các đường ranh phân chia địa hạt nghiên cứu mà người ta thường cố thiết lập trở nên mềm mại, nếu không muốn nói là không cần thiết. Một thực tế khác cũng đặt ra, đó là những hình ảnh quen thuộc của các xã hội truyền thống đã và đang lùi xa, mờ nhạt đi một cách nhanh chóng trước nhịp sống hiện đại. Vì thế, nghiên cứu tri thức bản địa không chỉ dừng lại ý nghĩa thực dụng - “gạn đục khơi trong” để đem lại lợi ích (kinh tế, xã hội, môi sinh…) cho con người - mà còn góp phần tái hiện lại “khẩn cấp”(2) , “mô hình tư duy” trong quá khứ của một cộng đồng nhất định. Dưới góc độ nhân học, điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng để chủ thể của mỗi nền văn hóa có thể nhận chân chính mình, không chỉ là những phẩm chất, những hình ảnh trong lịch sử mà cả trong quá trình tiếp biến văn hóa đang diễn ra một cách tất yếu trước yêu cầu của thời đại.
Thông qua một khảo sát cụ thể về Yếu tố không gian và thời gian trong tri thức biển của của ngư dân Thuận An (3) (Thừa Thiên Huế), chúng ta sẽ thấy được sự chi phối của điều kiện sống đến tâm lý, tư duy, văn hóa của một cộng đồng; những dạng thức bảo tồn, lưu giữ, truyền bá và tác dụng của những kinh nghiệm truyền thống trong cuộc sinh tồn của người dân địa phương.
2/ Sự tri nhận không gian và thời gian của ngư dân vùng biển Thuận An 
Không gian 
* Núi ñồi, sải tay - những ñơn vị không gian vật lý 
Ngày nhìn núi, túi (tối) nhìn sao - lấy núi làm vật định vị là hình thức nhận biết các thuộc tính và quan hệ của không gian không xa lạ đối với nhiều dân tộc. Trong sinh cảnh núi biển liền kề của miền Trung Việt Nam, núi song hành cùng biển, có núi “trên cao chót vót đến tầng mây, dưới chạy dăng đến bờ biển, gần như ñứng trong biển…” (QSQ Triều Nguyễn, 1997: 132), núi là hiện thực bày ra trước mắt của người đi biển. Hay đúng hơn, họ chăm chăm nhìn núi như một tiêu điểm, mà từ ñó, sẽ xác định được thị trường mưu sinh mang tính sống còn. Từ núi, những ý niệm đầy cảm tính về không gian cũng hình thành và được thể hiện một cách giàu cảm xúc, giàu hình ảnh bằng ngôn ngữ tự nhiên của người dân địa phương. 
Trong hệ thống núi giữ vai trò như những “ngọn hải đăng” của ngư dân vùng biển Thuận An, phải kể đến hòn Đăng, hòn Đụn, hòn Bò, hòn núi Mẹ và ba hòn non/ba lao Kế Đợi. Thoạt nhìn, từ “hòn” ñứng trước mỗi tên núi không có gì đặc biệt, bởi nó thường dùng để “mô tả hình khối, thường là tròn, gọn của đơn vị sự vật: hòn bi, hòn đạn, hòn núi, hòn đảo…(Lý Toàn Thắng, 2005: 222). Song, trong tiếng Việt, nhóm các sự vật có hình khối, không gian ba chiều còn có thể đi kèm với: ngọn (ngọn núi), quả/trái (quả/trái núi), viên (viên núi - ít dùng). Khoảng trống những từ chỉ loại này trong cách định danh trên khiến người ta có thể liên tưởng về một sự đồng nhất thuộc tính không gian (4) của các núi. Trên thực tế, hòn Đăng đối lập hoàn toàn với hòn Đụn về hình dáng, kích thước, khoảng cách và không có mối liên hệ nào với hòn Bò (5). Tương tự, nếu như hòn núi Mẹ nổi lên khá đơn độc thì ba hòn lao Kế Đợi sát bên nhau lùi khá xa về phía ðông Nam. Lý giải hiện tượng “ñồng nhất” này, theo chúng tôi, phải xuất phát từ khung quy chiếu và tầm mắt của người đi biển. Giữa trời biển bao la, tỷ lệ kích thước giữa núi và mặt nước là quá lớn, sự thay đổi kích thước hay đường nét của núi dường như không đáng kể ñể thay đổi loại từ không gian (6). Hơn thế, núi càng lớn, người đi biển càng lùi ra xa mới có thể nhìn nhận và mô tả nó như một hình khối. điều đó có nghĩa là mẫu số (kích thước mặt nước) và tử số (kích thước núi) luôn luôn tỷ lệ thuận. Để minh hoạ ñiều này, chúng ta có thể quan sát cách định vị của người ñi biển vùng Thuận An qua hệ thống núi đã nêu. 
Trong khoảng chừng 5 hải lý trở vào, người đi biển nhìn về phía Tây Nam, căn cứ vào hòn Đăng, hòn Đụn, hòn Bò để xác định vị trí. Theo thứ tự thấp trước, cao sau, đỉnh của những ngọn núi này dần dần xuất hiện hiện trong tầm mắt của ngư dân và tạo thành một tam giác thẳng góc với mặt đất (7), đỉnh là hòn Đụn (ở giữa) và cạnh đáy là đoạn thẳng nối hai ñỉnh của hòn Đăng (phía Nam) và hòn Bò (phía Bắc). Lấy hòn Đụn làm tiêu điểm, càng đi về phía Bắc, người ta có cảm giác như cạnh bên: hòn Đụn - hòn Đăng ngắn hơn; ngược lại, càng đi về phía Nam, hòn Bò dường như “chạy” tới gần hòn Đụn hơn. Từ sự thay đñổi ñộ dài ngắn này, người ta sẽ xác định được vị trí của các rạn như: rạn Bò, rạn Thầy, rạn Nhà Toan, rạn Dù…, những nơi tập trung nhiều tôm cá. Cũng có khi người đi biển căn cứ vào vị trí tương ñối của các vệt dài (ñường mòn) trên núi so với một tiêu điểm khác gần bờ (ngọn cây dương, cửa Eo, trấn Hải Đài…) để bắt rạn hay tìm đúng ổ mực. 
Khi bắt đầu không thể thấy hòn Đụn, ngư dân vùng biển Thuận An sẽ nhìn sang hòn núi Mẹ (hướng Đông Nam). điểm nhìn này cùng là ranh giới giữa khơi và lộng. So với vùng biển được xác định là khơi hiện nay, quan niệm truyền thống về khơi (ra khơi, vào lộng) rất hạn hẹp, thực chất, nó không xa hơn 10 hải lý và luôn chịu sự “neo lại” của những ngọn núi trong đất liền. Với ngư dân ở Thuận An và vùng lân cận (Vinh Thanh, Vinh Hiền…), hòn núi Mẹ và ba hòn lao Kế Đợi (8) chính là những “cột neo” ñó. Và, cũng từ đây, ngư dân Thuận An đã hình thành một cách tính khoảng cách bằng cách đếm số núi.
Ban đầu, người đi biển chỉ nhìn thấy hòn núi Mẹ, nhưng nếu càng di chuyển về phía ðông hoặc Đông Nam, góc nhìn thay đổi, ba hòn non dần dần ra khỏi tầm che khuất của núi Mẹ khiến người ta có cảm tưởng như chúng càng lúc càng lao ra biển. Số non có thể nhìn thấy càng nhiều, khoảng cách giữa người đi biển so với bờ càng lớn. đơn vị tính độ dài của không gian lúc này được biểu thị bằng: một non, hai non, hai non rưỡi, ba non, bốn non, năm non - vốn không hề có mặt trong hệ thống danh từ đơn vị đại lượng của tiếng Việt (như: mẫu, sào, thước, mét, sải, gang, nắm, vốc…). Trong cách đo khoảng cách bằng số lượng núi này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến các đơn vị: bốn non hở một cùi, năm non. Bốn non hở một cùi là góc nhìn mà 3 hòn lao Kế Đợi và hòn núi Mẹ tạo thành một hàng ngang, và núi Mẹ tách ra cách ba hòn còn lại với khoảng cách bằng một cùi tay. Cách nhìn này phản ánh một sự nhận thức đầy cảm tính về không gian của người đi biển, khái niệm hòn dường như không hề có không gian bên trong như nó cần phải có; khoảng cách thực giữa các ngọn núi được tính bằng một tỷ lệ xích rất độc đáo, trong ñó, tử số chính là độ rộng của một phần cơ thể người: cùi tay. Cũng xuất phát từ lối tư duy đầy hình ảnh về hình học, vật lý học, ngư dân vùng biển Thuận An còn có một cách đo bằng… tưởng tượng. Sau khi bốn non hở một cùi đã khuất, không hề có một tiêu điểm nào có thể nhìn thấy, nhưng bằng cách dạt chừng, năm non vẫn hiện hữu trong tâm thức của họ như một đơn vị có thực. Từ góc độ tâm lý, thêm một lần nữa, chi tiết này giúp ta có thể thấy sự hạn hữu trong cách nhìn truyền thống về biển của ngư dân, cũng như của người Việt. 
Không chỉ đo khoảng cách so với bờ, dò độ sâu ở từng khu vực biển là việc làm rất cần thiết đối với ngư dân. Bởi, nếu với những người làm nghề khô, mặt đất được nhìn nhận như vật nâng đỡ sự sống - hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - thì với người đi biển, không gian bên dưới mặt nước mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc mưu sinh. Cũng như nhiều vùng khác, sải (9) là đơn vị đo ñộ sâu được ngư dân vùng biển Thuận An sử dụng. điểm đáng lưu ý ở đây là phương thức xác định và cách đối chiếu mực nước của người bản địa. 
Câu chì (hay câu chìm, câu thẩm) không chỉ là một ngư cụ mà còn là một chiếc trường xích hữu hiệu. Mỗi lúc thả câu chì xuống nước, ngư dân có thể cảm nhận được khi viên chì to buộc ở đầu dây câu, ngay phía trên lưỡi câu, chạm vào đáy biển. Một cách hiển nhiên, ai cũng có thể nhìn thấy, căn cứ vào dây câu, người ta có thể tính được mực nước biển. điều thú vị là sợi dây câu mỏng mảnh ấy còn có khả năng “khảo sát địa hình” mà “bộ máy cảm ứng” chính là đôi tay nhạy cảm của ngư dân. Nếu đôi tay được thông báo cảm giác “rít” thì bên dưới chính là lẹc (luồng); ngược lại, cảm giác “va chạm” sẽ cho ngư dân biết họ đang đứng trên cồn. Từ những thông số thu được, ngư dân có thể quyết định sử dụng công cụ đánh bắt một cách hợp lý, nhằm đem lại hiệu quả tối ưu (10)
Như một biện pháp dự phòng và tiết kiệm thời gian, từ những kinh nghiệm đo lường khoảng cách và độ sâu, ngư dân Thuận An đã thiết lập được một “hệ tọa độ” cho phép họ xác định nhanh chóng vị trí của mình trên biển.
Như vậy, trong trường hợp điều kiện thời tiết không cho phép nhìn núi, căn cứ vào độ sâu người ta có thể xác định khoảng cách so với bờ; ngược lại, chỉ cần nhìn núi, ngư dân cũng có thể quyết định loại ngư cụ nào nên sử dụng. 
Về cách nhìn sao, ngoài sao Hôm (phía Tây), sao Mai (phía đông), sao Bắc đẩu (dân ñịa phương gọi là sao bánh lái - ở phía Bắc), người đi biển còn căn cứ vào sao Cây dừa (phía Nam). đặc biệt, sao đòn cân nằm về phía ðông Bắc và hầu như không di chuyển trong giới hạn góc nhìn từ ngư trường của người đi biển vùng Thuận An nên nó là cơ sở để ñịnh hướng chính xác nhất. 
* Côi (trên), đưới (dưới), trong, ngoài và lên, xuống, vào, ra Lên/xuống, vào/ra là những cặp đối lập, biểu hiện lối tư duy lưỡng hợp (11) của người Việt, là “các cấu trúc tri nhận đơn giản và cơ bản được phái sinh ra từ tương tác của chúng ta với thế giới mỗi ngày” (Lý Toàn Thắng, 2005: 243). Tuỳ theo khung quy chiếu, vùng định hướng không gian có những khu biệt nhất định, dưới sự chi phối của nhiều nhân tố: vị trí địa lý, địa hình, lịch sử, xã hội… Với người Việt, trong đó có các ngư dân sinh sống ven biển như Thuận An, vào trong Nam, ra ngoài Bắc; lên trên rừng (Tây), xuống dưới biển (đông) (12) là hướng định vị cơ bản. Tuy nhiên, ngay khi rời đất liền để đến với biển, sự hình dung về hướng di chuyển của họ hoàn toàn thay đổi: lên côi (lên trên) - lên Bắc; về thấp - về Nam; ra (ngoài) - ra đông, vào (trong) - vào Tây. Từ đây, một “hệ đẳng thức” được thiết lập khi người đi biển cần nhận biết các hiện tượng tự nhiên khác: 
Gió đông Nam (Nam ngoài/gió nồm) = mọ dưới = mòi nồm (mòi dưới) 
Gió Tây Nam (Nam trong/gió làng) = mọ dưới 
Gió đông Bắc = mọ côi = mòi côi 
Mọ là âm thanh ñược tạo thành do sự va đập giữa sức gió và sóng biển, nghe rất rõ vào ban đêm (có gió mọ mới xao). Từ trong đất liền, nếu nghe thấy mọ côi tức là đang có gió mùa đông Bắc thổi về, báo hiệu biển động; ngược lại, với mọ dưới, ngư dân có thể yên tâm căng buồm ra biển. 
Sự tương tác lực giữa gió và mặt nước biển còn tạo ra mòi - những gợn nước nhỏ cùng với hướng gió, chỉ xõa nhẹ, không vỗ vào bờ như sóng. Trong trường hợp sương mù hay ñêm tối, để tránh đi sai vị trí của các rạn hay những nơi đã đặt trà, bằng cách chia mòi, ngư dân cũng có thể xác định đúng phương hướng cần đến. Ví dụ, từ bờ (hướng Tây Bắc - ðông Nam), nếu muốn đi ra hướng chính đông, mũi thuyền phải “chia” phần trên (phía Bắc) của mòi côi (hướng Tây Bắc - đông Nam, do tác động của gió đông Bắc) ngắn hơn phần dưới; ngược lại, nếu có gió đông Nam, mũi thuyền phải chia phần trên của mòi dưới (hướng đông Bắc - Tây Nam) dài hơn. đây chính là những công thức chế nước mà các nhà “vật lý dân gian” đã đúc rút bằng kinh nghiệm truyền đời. Song, nếu có kinh nghiệm nhưng thiếu sự nhạy cảm của các giác quan thì đôi lúc cũng dễ dàng dẫn đến sai một ly đi một dặm, thậm chí cứ đi quẩn quanh một chỗ. Ngoài đôi mắt phải tinh, đôi tai phải thính, người đi biển còn phải dùng xúc giác để định hướng. Nếu gió đang tạt vào bên má bỗng dưng lại thổi từ sau gáy, người cầm lái nhận ra ngay mình bắt đầu lệch hướng và phải điều chỉnh lại như ban đầu. 
Thời gian 
* Lịch con nước 
Vòng quay của mặt trăng và mặt trời là những cơ sở để con người tạo ra lịch - một loại thước đo thời gian với những đơn vị cơ bản: ngày, tháng, năm. Vốn là nguyên nhân sinh ra thủy triều, chu kỳ mặt trăng cũng giúp người đi biển xác lập cho mình một loại lịch riêng: lịch con nước - giúp họ tránh ra khơi nhằm vào ngày sinh nước (13). để dễ thuộc, dễ nhớ, một phương pháp cổ truyền được ngư dân Thuận An vận dụng là “làm lịch ” bằng....văn vần (14): Tháng Hai mười bảy mùng ba 
Tháng Giêng mùng năm mười chín vậy là nước lên 
Tháng Ba ôm rằm, mồng một thanh minh 
Mỗi tháng hai con nước Thìn sinh Tỵ hồi (15)
“Cuốn lịch” trên còn có thêm một số “phàm lệ”: 
- Các tháng phải ñược tính theo chu kỳ mặt trăng (Âm lịch) 
- Ngày sinh nước của tháng sau phải lùi hai ngày so với tháng trước - “Tháng Ba ba con nước” 
- Với những năm nhuận, nhuận nhằm tháng nào thì ngày nước sinh của tháng đó vẫn không ñổi. 
Ví dụ: tháng Hai, nước sinh vào ngày 3 và 17 thì tháng Hai nhuận cũng có ngày nước sinh là 3, 17. 
Ngoài lịch ngày nước sinh, việc tính lịch dòng triều hằng ngày cũng rất quan trọng. điểm đặc biệt của vùng biển Thuận An so với cả nước là có chế độ bán nhật triều ñều với biên độ dao động thuỷ triều rất nhỏ (16) (Sở Khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế, 2004). Như vậy, trong một ngày, nơi đây có hai lần triều lên và hai lần triều xuống. Thời điểm trăng mọc và trăng lặn cũng đồng thời là lúc thuỷ triều lên (trăng mọc nước lên, trăng lặn nước cũng lên, trăng nghiêng nước xuống). Tất nhiên, không phải ngày nào cũng giống nhau mà trăng mọc/lặn ngày sau thường muộn hơn khoảng nửa canh giờ so với ngày trước. 
Việc nắm bắt lịch con nước không nằm ngoài mục đích giúp ngư dân có thể đánh bắt có hiệu quả, vì mỗi loại hải sản đều có một tập quán riêng, gắn liền với từng dòng chảy, từng thời điểm khác nhau. * Thời tiết và lịch mùa vụ 
Nếu như lịch con nước liên quan đến hiệu quả sản xuất thì thời tiết quyết định trực tiếp sinh mệnh của người đi biển, nhất là trong điều kiện phương tiện đánh bắt vốn rất thô sơ (17). Vì vậy, như nhiều vùng khác, ngư dân Thuận An rất chú trọng nắm bắt những thời điểm dễ xảy ra thiên tai: 
- Tháng giêng, tháng hai kéo chài không kịp 
- Tháng giêng tố dài, tháng hai tố cụt 
- Tháng bảy xem ra, tháng ba xem vào (18)
- Hỡi ai đi lộng về khơi 
- Mồng hai tháng tám bão rơi phải về 
- Tháng năm thì chười, tháng mười thi ăn 
- Trong mây, ngoài chướng 
- Đêm nằm lão nói với trai 
- Chớp trên bãi Dài thì chớ ra khơi (19)
Sự chi phối của thời tiết ñến cuộc mưu sinh của ngư dân còn thể hiện ở chỗ họ lấy hướng gió để gọi tên mùa vụ: Vụ Bấc (gió ðông Bắc) và vụ Nam (gió Đông Nam và Tây Nam). 
3/ Kết luận 
Những kinh nghiệm của ngư dân Thuận An được trình bày trên đây là biểu hiện sinh động về giá trị của những kinh nghiệm cảm tính trong đời sống truyền thống của một cộng đồng gắn liền với nghề biển. Đặt trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng, ý nghĩa thực dụng của những cách nhìn núi, nhìn sao, nhìn trời, nhìn nước… không còn đáng kể so với những hỗ trợ lớn của máy móc. điều đó cũng đồng nghĩa với sự “lắng nghe” và “thấu hiểu” của con người đối với thiên nhiên không còn nhạy cảm như họ từng có. Thiên nhiên cũng trở nên “trái tính, trái nết” bởi sự “ơ hờ” của con người. Trên thực tế, chúng tôi đã không dễ dàng khơi gợi lại ký ức của người già để họ kể về những “thủ thuật” của mình thời quá vãng. Người trẻ hầu như không biết/không cần kinh nghiệm của cha ông; ngược lại họ nhận được nhiều lời khen của thế hệ trước về năng lực đánh bắt bằng phương pháp hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta không dừng lại ở sự còn/mất của những tri thức biển hay vấn đề sinh thái nhân văn truyền thống bởi ñó là câu chuyện chung cho tất cả vốn văn hóa dân gian. điều ñáng nói ở đây là tri thức bản địa của một cộng đồng, cho dù chỉ là đơn vị đo lường, nếu được nghiên cứu nghiêm túc, sẽ phản chiếu đặc điểm không chỉ của chính nó mà có khi còn là căn cứ để khái quát đặc trưng văn hóa của một vùng mà nó chỉ là một bộ phận. Những gì đã mô tả, phân tích về sự tri nhận không gian và thời gian của ngư dân vùng biển Thuận An ít nhất cũng cho chúng ta hiểu hơn về: 
- Khái niệm đi khơi - đi lộng của người bản địa. Thực chất, ranh giới giữa khơi và lộng là không đáng kể và chúng không vượt ra khỏi “tầm kiểm soát” của những tiêu điểm trên đất liền. 
- Tầm nhìn hạn chế về biển của người bản địa. Nó là hệ quả của: 
+ Quan niệm về hải sản trong tri thức bản địa. Người ta không xem đây là nguồn lợi chiến lược, chúng chỉ được khai thác cầm chừng, bằng những phương tiện và kỹ thuật hết sức thô sơ, với tính chất là nguồn thu bổ trợ. 
+ Sự hạn chế trong “hành trình chinh phục” khoảng cách vật lý lẫn tâm lý của của cư dân lấy nông nghiệp làm trọng. Vốn quen với ruộng đồng, người bản địa không đủ sức để tạo ra những phương tiện giúp họ có thể đi quá xa đất liền; nếu như giao thương có thể là một động lực để họ “mặn mà” với biển thì cuối cùng, họ cũng đành quay lưng bởi trật tự sĩ, nông, công, thương của quan niệm Nho giáo. 
Ghi chú
1/ Tri thức bản địa: đó là toàn bộ những hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, hình thành và tích lũy trong quá trình lịch sử lâu dài của cộng đồng thông qua trải nghiệm trong quá trình sản xuất, quan hệ xã hội và thích ứng môi trường. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội” (Ngô Đức Thịnh, 2004: 3). 
Người ta cũng có thể đưa ra nhiều cách định nghĩa khác, tuy nhiên, dù quan niệm như thế nào, những khía cạnh không thể không nhắc đến khi bàn về tri thức bản địa là: 
(1) Nội dung/lĩnh vực của tri thức: Có thể phân chia theo từng lĩnh vực gắn liền với đời sống của con người: Tri thức về tự nhiên và môi trường; Tri thức về bản thân con người (cơ thể học, dưỡng sinh, trị bệnh…); Tri thức về sản xuất, khai thác và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Tri thức về ứng xử xã hội và quản lý cộng đồng; Tri thức về sáng tạo nghệ thuật (Ngô ðức Thịnh, 2004). 
(2) Hình thức tồn tại của tri thức: Bằng trí nhớ, truyền miệng, hay bằng thực hành (thực hành sản xuất và thực hành xã hội). 
(3) Tính truyền thống và tính địa phương: Sự tích lũy và “chuyển giao” tri thức, kinh nghiệm qua nhiều thế hệ trong một cộng đồng tương đối hẹp trên một không gian địa lý nhất định và được cộng đồng đó thừa nhận. 
Như vậy, ngay trong khái niệm, tri thức bản địa đã thể hiện mình là đối tượng quan tâm của nhiều lĩnh vực khác nhau. 
2/ Từ ñầu thế kỷ XX, nhà nhân học Claude Levis Straus đã tiên đoán “Ngày xưa, nhân loại có nhiều nền văn minh khác nhau nhưng cách biệt không có liên lạc gì với nhau. Người ta có thể dự đoán đến thế kỷ 21 chỉ còn lại một thứ văn hóa, một thứ nhân loại. Do đó, chúng ta (những nhà nhân học văn hóa) tựa những nhà thiên văn học đứng ở địa điểm dễ quan sát sự xuất hiện những vì sao đặc biệt và sẽ không còn xảy ra nữa. Trong hai thế kỷ và chỉ hai thế kỷ mà thôi, một nhân loại đi qua bên cạnh một nhân loại khác và có thể quan sát nó. Chính vì thế mà chúng tôi nghĩ rằng, công việc của chúng tôi khẩn cấp hơn là việc nghiên cứu nguyên tử hay chinh phục không gian là những công trình không như nhân học, bị hạn chế bởi thời gian”. Dẫn theo: (Bùi Quang Thắng, 2001: 75). 
3/ Thuận An chính là một phần của làng Thai Dương được nhắc đến trong “Ô Châu Cận lục” (thế kỷ XV), cách kinh thành Huế hơn 10 km về phía Đông Bắc. Sau lưng là biển cả, trước mặt là đầm phá, cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với ngư nghiệp từ ngày mới khai thiết lập làng. Do đó, nhiều kinh nghiệm đánh bắt đã được đúc rút và trao truyền qua nhiều thế hệ. 
4/ Mặc dù quả, hòn, ngọn, viên đều là những loại từ mô tả các sự vật có không gian ba chiều nhưng giữa chúng có sự phân biệt nhất định: 
- Quả/trái: mô tả hình như quả cây, thường là khối tròn, của đơn vị sự vật 
- Ngọn: mô tả hình ngọn hoặc hình nón của sự vật 
- Hòn: mô tả hình khối, thường là tròn, gọn của đơn vị sự vật 
- Viên: mô tả hình khối thường là nhỏ và tròn của đơn vị sự vật 
5/ Hòn Đăng chính là núi Ngự Bình theo cách gọi khác của người vùng biển Thuận An; còn hòn Đụn chính là ngọn Kim Phụng (hay Thương Sơn). Về hình dáng khác nhau của hai núi này có thể thấy rõ với những gì được miêu tả trong Đại Nam Nhất Thống Chí: “Núi Ngự Bình ở phía Tây huyện Hương Trà, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước kinh thành, tục gọi núi Bằng (…), đỉnh núi bằng phẳng khắp nơi trồng cây thông” (QSQ Triều Nguyễn, 1997: 121); “Núi Thương: ở phía Nam huyện Hương Trà, có tên nữa là núi Thiên Dữu, hình thể khum khum cao lớn, như vựa thóc tròn, nên gọi tên thế” (Thương có nghĩa là vựa thóc) (QSQ triều Nguyễn, 1997: 122 - 123). Trước đó, “Ô Châu Cận Lục” cũng đã ghi: “Núi Thương Sơn: tại đầu nguồn huyện Kim Trà. Dáng núi đẹp cao nhọn lên hơn hẳn các núi non bên hữu. Sánh nhìn bốn phía, trông như một kho Đụn” (Vô danh thị, 2001: 22); hòn Bò nằm ở phía Bắc của hòn Đụn, hình thể chỗ cao, chỗ thấp trông giống như Đầu bò nên dân gian gọi tên thế. Tên của hai ngọn núi này cũng được nhắc đến trong hai câu đối ghi ở đình làng Thuận An: 
“Sa động sức thanh cao, Phụng lãnh Bình sơn triều bão thiên nhiên kình tứ trụ; 
Hải Thành chiêm ngoạn cảnh, Cáp châu Hương thủy cảnh hồi địa thế xuất Tam Thai” (Lê Văn Kỳ, 2000: 124 - 125). 
6/ Các nhà ngôn ngữ học cho rằng: tùy thuộc vào tính nổi trội thuộc tính không gian của sự vật (hình dáng, tư thế, kích thước) được mô tả ở thời điểm nói, người ta có thể gắn cho nó những loại từ không gian khác nhau (định hướng không gian tương đối). Ví dụ: nếu núi nổi trội hình dáng tròn thì gọi là quả núi, nếu nổi trội hình dáng nhọn thì gọi là ngọn núi. Trường hợp hòn núi và quả núi dường như không có sự phân biệt, nhưng đặt trong liên tưởng với quả núi/ hòn non bộ thì rõ ràng chúng biểu thị những kích thước khác nhau (Lý Toàn Thắng, 2005: 224 - 225). Mặt khác, “hòn” trong từ điển Tiếng Việt còn có nghĩa là cù lao nhỏ mà cù lao có nghĩa là đảo: “trong các ngôn ngữ thuộc dòng Nam đảo, Bù - lao hay Pu - lao có nghĩa là đảo. đến Nam bộ, từ này được việt hóa thành Cù lao (Cù Lao Thượng, cù lao Thới)” (Nguyễn Duy Thiệu, 183). Xâu chuỗi những điều này lại với nhau, chúng tôi có thể liên tưởng đến một quy luật, hay ít ra là một hiện tượng phổ biến, tất cả những địa hình lồi (núi, đồi, đảo), dù hình dáng, kích thước như thế nào, nếu được người đi biển nhìn qua khung quy chiếu là mặt nước biển đều được mô tả chung bằng từ loại hòn. Trong một số Nhật trình của người đi biển, các núi hay đảo cũng chủ yếu được gọi là hòn: hòn Sầm, hòn Nhạn, hòn Cầu, hòn Nan, hòn Mực, hòn Cương Gián, hòn Ông, hòn Mụ, hòn Vũng Tàu…Xem thêm: (Nguyễn Thăng Long, 2005: 104 - 108). Đây cùng là điểm khác biệt khá lý thú trong cách nhìn thế giới của người đi biển. 
7/ Bằng trực giác, người ta có cảm tưởng như các ngọn núi trên cùng nằm trên một mặt phẳng. 
8/ Hòn núi Mẹ, hòn lao Kế Đợi là những tên gọi dân gian do người địa phương đặt cho các hòn núi và đảo ở Đà Nẵng. Chúng tôi chưa xác định chính xác “tên chữ” của chúng. 
9/ Sải: Độ dài ước tính bằng khoảng cách giữa hai đầu của hai bàn tay dang ngang thẳng cánh (Nguyễn Như Ý, 1999: 1425). Đây cũng là đơn vị/phương thức đo mực nước phổ biến trên thế giới. Trong tiếng Anh, (fathom: sải) không chỉ mang ý nghĩa là đơn vị đo chiều sâu 1,82m mà với tư cách động từ, nó còn có nghĩa tìm hiểu, đo độ sâu (của nước). 
10/ Tùy theo độ sâu của nước, ngư dân đặt các loại trà (hay còn gọi là phao, chà: là dụng cụ để dụ cá đến, được làm bằng cây tre, có đá và phao dằng bên dưới và xung quanh) khác nhau: trà 17, trà 18, trà 20… tương ứng với các độ sâu: 17sải, 18 sải, 20 sải…
11/ Tính lưỡng hợp (dualism) của tư duy đã chi phối mạnh mẽ nhận thức thế giới hiện tượng cũng như các khái niệm rút ra từ đó ñều được phân thành các cặp ñối lập: đất/nước, chim/thú, đực/cái…” (Hà Văn Tấn, 1994), “Quá trình hình thành và bản sắc văn hóa Việt”, trong Văn hóa và phát triển kinh tế xã hội, Hà Nội, tr.42. Dẫn theo: (Lý Toàn Thắng, 2005: 265). 
12/ Từ năm 1955, Phan Khôi đã có một so sánh khá tinh tế: “Người ta cũng nói đi từ đông đến tây là lên, đi từ tây đến đông là xuống, đi từ bắc ñến nam là vào, đi từ nam đến bắc là ra. Là vì ở nước ta, suốt cả nước, phía tây đều là cao nguyên hay núi, cao hơn phía đông, phía đông ñều là biển thấp kém phía Tây; phía Bắc mở mang trước coi như quang, phía nam mở mang sau, coi như kín.
Cho nên khi nói lên tây, xuống đông, vào nam, ra bắc, cũng tức là cái nghĩa: từ chỗ thấp đến chỗ cao, từ chỗ cao đến chỗ thấp, từ chỗ quang đến chỗ kín, từ chỗ kín đến chỗ quang (…) tiếng Pháp nói lên phía Bắc, xuống phía Nam là họ theo hình quả đất phía Bắc ở trên (…) người 
Tàu cũng vậy, họ cũng nói xuống phía Nam, lên phía Bắc, tức như nam hạ, bắc thưởng, hay là hạ Giang Nam, thưởng Bắc Kinh. Đó là vì người Tàu đã quen phân biệt địa thế nước mình như người xưa có nói: phía Bắc đất cao, nhiều rừng núi, phía nam đất thấp, nhiều chỗ chằm” (Phan Khôi, 1997: 118 – 119). Theo Nguyễn Tài Cẩn, cách nói vào trong Nam ra ngoài Bắc xuất hiện ít nhất là từ thế kỷ XV, khi cương giới của Việt Nam chỉ từ Thừa Thiên Huế trở ra. Ông cho rằng, vì so với đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có không gian hẹp hơn, lại là nơi mới khai phá còn “man rợ” nên mới có cách định hướng vào Nam, ra Bắc. Hiện nay, quốc lộ 1 và việc phân chia địa giới hành chính được xem là những nhân tố quan trọng chi phối việc định hướng vào Nam ra Bắc. Xem thêm: (Lý Toàn Thắng, 2005). 
13/ “Một chu kỳ biến động của mực nước - từ lúc nước biển rút xuống tới mức tối thiểu, cho tới lúc nước biển lên cao tới mức tối đa - kéo dài 15 ngày, và được gọi là một con nước (…). Ngày bắt đầu một chu kỳ được gọi là ngày sinh nước. Trong quan niệm của người đi biển, ngày này rất quan trọng. Qua kinh nghiệm, họ biết rằng đây là ngày thiên nhiên có nhiều biến đổi: trời mưa to, gió lớn hoặc nước trong lòng biển xoáy ngầm, chảy xiết…” (Nguyễn Duy Thiệu, 2002: 186 - 187). 
14/ Đây cũng là cách mà ngư dân dọc các tỉnh miền Trung sử dụng để tính chu kỳ con nước. Ở vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh), ngư dân có “bài lịch con nước” như sau: Tháng giêng, tháng bảy cho mình. Mồng năm, mười chín dần sinh tỵ hồi. Tháng 8 cho nhận tháng đôi. Mồng ba mười bảy Ngọ lai, Tỵ hoàn” (Nguyễn Duy Thiệu, 2002: 188 - 189). Vùng biển Bảo Ninh (Quảng Bình) cũng có bài ca tương tự: 
Tháng Giêng, tháng Bảy giao mình 
Tháng Tư, tháng Mười cập kê 
Mồng năm, mười chín Thìn sinh Tỵ hồi 
Mười ba, hai bảy nước cường ngập ñê 
Tháng Hai, tháng Tám đi đôi 
Tháng Năm, Mười Một cùng chung 
Mồng ba, mười bảy, hai chín nước trồi một con 
Hai ba, mồng chín ñúng tuần không sai 
Tháng Ba, tháng Chín lãi tròn 
Tháng Sáu với tháng Mười hai 
Hai lăm, mười một nước kề hai con 
Mồng bảy, hai mốt chàng ơi chớ lầm 
(Hồ Viết Hoàng, 2006: 97). 
15/ Giờ Thìn: 7 - 9 giờ; 
Tị: 9 - 11 giờ. 
16/ Đây là nguyên nhân khiến vùng biển này có những ngày nước lên rồi ñứng thế mãi, không chịu xuống như nhiều người Thuận An phản ánh. 
17/ Không phải ngẫu nhiên trong vốn từ vựng của người Thuận An lại có từ hầu sóng. Thay vì cưỡi sóng, rẽ sóng, những chiếc ghe nhỏ bé làm bằng tre chỉ cho phép họ chờ những con sóng lớn qua đi, mặt nước êm trở lại, mới chèo hết tốc lực để rời/vào bờ nhằm tránh đợt sóng tiếp theo. 
18/ Nếu vào tháng bảy, sấm chớp ở phía Đông Bắc của biển đông thì trời thuận; tháng ba nhìn vào phía Tây Nam nếu có sấm chớp thì trời thuận. Nhưng ngược lại thì phải tránh ra khơi. 
19/ Thuận An xưa (Thai Dương Hạ, hạ giáp) phân bố trên các cồn bãi: Cồn Dài, Cồn Nại, cồn Dâu 
- Cồn Ngang, cồn Cỏ, Hạp Châu, cồn Tè (Lê Văn Kỳ [Ch.b], 2000: 27). Bảy cồn này phân bố ... theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Khi thấy chớp trên bãi Dài tức là chớp về phía Đông - Nam, ngư dân chỉ nên đi lộng mà không ra khơi vì ½ ngày sau biển sẽ động. 
Nguyễn Thị Tạm Hạnh 
(Trích từ Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Thông tin tại Huế, số tháng 9/2007, trang 56-71) 
Theo http://vanhoamientrung.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...