Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Hôm nay, ''Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh''

 Hôm nay, ''Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh''
Mãi đến hôm nay tôi mới xem được bộ phim này, phần vì tò mò, phần vì sợ không theo kịp trào lưu và phần vì ... sợ phim hết chiếu. Dẫu có nhiều luồng ý kiến trái chiều về bộ phim, nhưng với tôi, một gã trai quê miền Trung chính hiệu đã thấy cay cay nơi khóe mắt. Với những ai đã từng đọc truyện, ắt hẳn sẽ có sự so sánh NHƯNG với mình, phim được chuyển thể từ truyện chắc chắn sẽ không làm vừa lòng những người đã quá ấp ôm và lý tưởng hóa phiên bản gốc của truyện. Ở đây chúng ta chỉ nên cảm nhận khi xem phim chứ đừng nên quá khắt khe và quá lý tưởng phiên bản từ truyện để rồi có những sự so sánh khập khiễng.
Tôi đã thẩn người với những khuôn hình của ký ức. Hạt cơm nguội để dán con diều làm bằng giấy, loại giấy vàng khè bóng bóng. Cây ná bắn chim. Cái đèn trung thu bằng lon sữa bò. Cái bẹ chuối làm thuyền những ngày nước lụt tràn ngập cả vào nhà. Những chuyến xe lam. Cái "lò" người chen chúc coi mô tô bay... Mỗi cảnh như dựng lên trong tim mình một khoảng trời thơ dại, nhớ đến đớn đau và nao lòng. Mọi người nói nhiều về cảnh đẹp, về đạo cụ. Nhưng, ngay eo biển miền Trung ấy, làng quê nào cũng có. Cảnh quay ấy, mình nghĩ có thể quay đẹp ở khắp nơi, cũng lúa, cũng mía, cũng đường làng, cũng biển. Ai lớn lên ở miền Trung hẳn chưa quên và chỉ có những người con miền Trung mới cảm nhận được đủ đầy về nó, tôi tin chắc thế.
Phim đẹp, quay cái gì cũng đẹp, con trâu con bò chết trương sau lũ cũng đẹp, vì là góc nhìn của trẻ thơ chưa hiểu rõ gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng chúng ta thì khác, một bên trách cứ cảnh thật vốn có lộng lẫy như vậy đâu, một bên ngơ ngẩn nhớ đến ngây ngô ngày trước của mình, nhớ rằng dù đói nghèo mình cũng vẫn vui đùa. Chúng ta buồn khi nhận ra cảnh đẹp của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh cũng giống như đôi mắt của mình ngày ấy, vượt qua đói khổ mà chẳng biết mình đã chịu khổ.
Đã có quá nhiều lời khen, chê dành cho Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh. Với tôi, lời khen hay nhất dành cho nó chính là một từ “đủ”. Đủ chỉn chu, đẹp, vui, buồn và “đủ Nguyễn Nhật Ánh” vốn bay bổng và lãng mạn, đúng như lời chú Ánh từng miêu tả: “Con người ta khóc cũng giống như trời mưa. Chỉ khi nào hết nước thì trời mới thôi mưa và chúng ta mới thôi khóc.” Với tôi, hình ảnh đắt nhất phim chính là lúc ba đứa nhỏ ngồi nhìn trời đổ mưa qua ô cửa sổ với những ước mơ xa vời kiểu "thả tương lai u uất lên trời cao". Thật buồn, nhưng nét!!!
Không có... sex, không có... bạo lực (có ác, nhưng cái ác hồn nhiên), không có đồng tính, không có diễn viên ngôi sao, cũng chẳng có tấu hài, không hành động, không kinh dị, có nhát ma nhưng là nhát ma con nít... vậy mà Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khiến khán giả vừa cười lên thích thú đấy, lại vừa rơm rớm nước mắt với cảnh đẹp quyến rũ đến bất thường của trời đất Phú Yên, diễn xuất tuyệt vời của ba bạn nhỏ, tình cảm thiêng liêng, trong trẻo và đầy cảm động của hai anh em trai và dĩ nhiên, công lớn thuộc về bàn tay nhào nặn của Victor. Victor Vũ cũng thắng được chính mình bởi gần đây có nhiều ý kiến cho rằng anh đang theo một lối mòn với những phim nặng tính thương mại, thì “nước cờ” này Victor Vũ đã chiếu tướng được khán giả, không bằng các chiêu trò đã dần quen thuộc, mà bằng một cách bất thường đầy... hư chiêu!
Cái đáng tiếc nhất của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là việc Victor Vũ khoác một chiếc áo hồi ức cho quá khứ chứ không phải là trải nghiệm của người đã từng đi qua nó. Cái đẹp trong phim của anh, đôi lúc giống như gánh quà quê người ta bày trong resort. Đẹp đấy, ngon đấy, nhưng nó là cái đẹp và cái ngon của sự dụng công sắp đặt!
Dù gì đi nữa, TÔI vẫn muốn thêm một lần được THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH, và chỉ một mình để rưng rưng cảm nhận...
TRẦN THIỆN PHÚ SĨ
Theo http://www.ninhhoatoday.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chính danh và háo danh

Chính danh và háo danh Giở cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” ra, tôi giật mình. Trong số hơn 1.000 hội viên cũng có nhiều người từ lâu khôn...