Những yếu tố thời gian qua Rousseau
Flaubert - Proust
Khi kể lại một câu chuyện, tức
thì thời gian đã có mặt. Kể lại, tức là làm mất thời gian đi. Những thời gian để
viết ra một câu chuyện, để đọc nó… là thời gian tự nhiên, nó không ngừng bị mất
đi, tiêu biến từ quá khứ sang hiện tại. Thời gian mang tính nghệ thuật là thời
gian nằm trong văn bản, trong quan niệm của tác giả, nó khác với thời gian tự
nhiên. “Truyện kể là một lớp hai lần thời gian… có thời gian của sự việc-được
kể (chose-racontée) và thời gian của truyện kể (temps du récit),
(thời gian của cái được biểu hiện và thời gian của cái biểu hiện). Tính hai mặt
này… một cách sâu sắc hơn, nó thúc giục ta nhận ra rằng một trong những chức
năng của truyện kể là đúc một thời gian trong một thời gian khác”([1]). Tính
hai mặt của truyện kể ở đây bao gồm truyện kể có tính chất điện ảnh, truyện kể
có tính chất truyền miệng (oral), kể cả cái cấp độ đầy chất “văn học” như ngâm
tụng anh hùng ca hay sự kể chuyện trên sân khấu… G. Genette cho rằng tính hai mặt
đó có lẽ ít thích hợp trong các loại truyện kể khác như tiểu thuyết-ảnh hoặc
truyện tranh vẽ, ở đây chúng ta nghiên cứu truyện kể như là tiểu thuyết. Trong
truyện kể, thời gian được các nhà văn khác nhau xử lí khác nhau, ở những thế kỉ
khác nhau cũng xử lí không giống nhau. Bài viết này chỉ bước đầu tìm hiểu sự giống
và khác nhau trong quan niệm cũng như cách xử lí thời gian của ba tác giả Pháp
thuộc ba thế kỉ liên tiếp nhau: XVIII – XIX và XX trong một số sáng tác của họ.
Cũng từ đó thử đi tìm ý nghĩa triết học trong quan niệm về thời gian của ba tác
giả trên.
1. Như mọi người đã biết,
triết lí nền tảng trong toàn bộ sáng tác của Rousseau (1712-1778) là “con người
tự nhiên” để đối lập với “con người xã hội”, tức là đối lập thời gian xa xưa hạnh
phúc với thời gian hiện tại khốn khổ. Vậy, tại sao con người lâm vào tình trạng
khốn khổ, bất hạnh? Rousseau cho rằng trẻ con cũng như người nguyên thủy chỉ là
những hữu thể thiển trí (borné) tồn tại bằng “những cảm xúc thuần tuý”- (pures
sensations). Do chỉ có cảm xúc thuần tuý, nên nó không ý thức được thời gian
tương lai hay quá khứ, không có phán đoán cũng chẳng có kí ức. Nó thuần tuý sống
với cái hiện tại sung sướng và bị động đó. Nó chỉ lờ mờ biết được một cách
không sâu sắc sự tồn tại của cá nhân nó trong cái “bây giờ” đó chứ chưa phải là
một cái “tôi” tích cực. Cái “tôi” tích cực bao hàm sự phán đoán trong lựa chọn
hành động và suy nghĩ một cách có tính toán. Việc lựa chọn đó bao hàm sự trước,
sau, và do đó, yếu tố thời gian có mặt. Khi đã ý thức về thời gian, thì cũng đồng
thời xuất hiện sự so sánh quá khứ vô tư xưa kia với cái hiện tại bận rộn, thúc
bách bây giờ: con người đã bị mất thiên đường. Còn trước đó, trẻ con cũng như
người nguyên thủy chỉ có những hành động giản đơn và nhận thức không rõ ràng về
tồn tại nên họ đã có một đời sống hạnh phúc, giản dị. Không có ham muốn phức tạp,
nên tâm hồn họ cũng yên tĩnh, vui tươi. “Con người tự nhiên” đó được Rousseau
miêu tả trong các bài Luận (Discours) của ông, trong tiểu thuyết luận đề Émile
hay về giáo dục, phần viết về gia đình Julie ở Clarens, trong tất cả những đề
tài khác của ông như tôn giáo, lịch sử, triết học, nghệ thuật, giáo dục, đời sống
(bao hàm trong nó tình yêu, hạnh phúc…). (Xin xem thêm phần viết về Rousseau của
Phùng Văn Tửu trong Văn học Phương Tây thế kỉ XVIII, Nxb. Đại học và Trung học
chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983).
Khi bị rơi vào xã hội, con
người trở thành “con người xã hội”. “Trong tình trạng mới đó chủ thể đối lập với
khách thể, cái tự ngã phát hiện ra cái phi ngã. Con người không còn sống trong
một kiểu tuyệt đối nữa, nó cũng không giới hạn mình ở cảm giác thuần tuý nữa, không
đồng nhất hoá mình với thiên nhiên nữa, cũng không còn tự khẳng định mình trong
tình cảm duy nhất về tồn tại hiện hữu của nó nữa. Bên cạnh thì hiện tại, tương
lai và quá khứ tự hiện ra, chúng xui nên những so sánh và những sự ưu thắng
hơn. Đó là trật tự của quan hệ, và đó là trật tự của thời gian”([2]). Thời gian
đã xuất hiện. Quá khứ giờ đây không chỉ dùng để so sánh nữa mà nó còn là đối tượng
của tiếc nuối:
“Luôn luôn ở phía trước hoặc
phía sau chúng ta, mọi vật nhắc gợi cái quá khứ không còn nữa hoặc tiên báo cái
tương lai mà thường khi chẳng hề có: ở đó không có một chút gì là bền vững
để trái tim ta có thể ràng buộc”([3]).
Rousseau thường trực đi săn
tìm hạnh phúc cá nhân trong sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Một cách
biện chứng: “con người tự nhiên”, theo miêu tả của Rousseau có hạnh phúc, đạo đức
thủa xưa là sống trong lòng thiên nhiên; vậy con người văn minh ngày nay-“con
người xã hội” muốn tìm lại thiên đường đã mất thì phải quay về với thiên nhiên,
sống giữa lòng thiên nhiên. Thiên nhiên là một đối tượng thưởng ngoạn và suy tư
triết học hết sức quan trọng trong toàn bộ sáng tác của Rousseau. Từ bài Luận về
Khoa học và Nghệ thuật được giải của Viện Hàn lâm Khoa học ở Dijon năm 1750 đến
những tác phẩm sau này như: Luận về sự bất bình đẳng, Khế ước xã hội,
Émile hay về Giáo dục, Julie hay nàng Héloise mới và nhất là các tác phẩm
xuất bản sau khi ông qua đời: Những mơ mộng của người dạo chơi cô lánh, Những
điều tự thú đều có sự đề cập đến thiên nhiên.
Trong hành động trở lại với
thiên nhiên để đi tìm hạnh phúc của Rousseau có hai chiều thời gian: quá khứ và
hiện tại.
Để tìm lại sự thanh tĩnh xưa
kia, ông đã rút vào “những giây lát hạnh phúc” trong sự “cô lánh” của riêng
mình giữa thiên nhiên thơ mộng và lắng nghe trái tim mình. Đó là chiều thời
gian hiện tại của Rousseau:
“Niềm hạnh phúc mà trái tim
tôi nuối tiếc không hề được cấu tạo nên bởi những giây lát thoáng qua mà là một
trạng thái giản dị và thường trực”([4]).
Cái “trạng thái giản dị và
thường trực đó” ông đã tìm thấy trong hiện tại, trong sự “sùng bái khoảnh khắc”
mà ông đã sáng tạo ra. “Chừng nào mà trạng thái đó còn kéo dài, thì cũng giống
như Chúa trời, người ta tự thấy đầy đủ với chính bản thân mình”. Trạng thái mà ở
đó thời gian dường như không còn tồn tại và hiện tại là vĩnh cửu. Khoảnh khắc
phi thời gian thuần tuý này được ông miêu tả trong những trang nổi tiếng của cuộc
daọ chơi thứ 5 bên hồ Bienne. Âm thanh của thiên nhiên, khung cảnh thơ mộng
xung quanh đã đưa tâm hồn Rousseau vào trạng thái không có sự hiện diện của thời
gian, hay đúng hơn, ông không chú ý đến sự ra đi của thời gian. Ta chú ý đến
mô-tip nước thường để chỉ sự trôi chảy của thời gian; nhưng nước ở đây “lên xuống”
đơn điệu, mơ hồ: thời gian đối với Rousseau lúc này là những khoảng khắc giống
nhau, kế tiếp nhau nhưng không tiêu biến, mất đi. Đó là những giây lát, thời điểm
tách biệt nhau. Tác phẩm Những mơ mộng của người dạo chơi cô lánh được cấu tạo
bởi những thời điểm, những giây lát xuất thần, ngây ngất (extase), phi thời
gian như vậy. Những giây lát hiện tại tách biệt nhau, va chạm nhau lặng lẽ như
những hạt thời gian trong một bình chứa trong suốt để tạo nên một hiện tại vĩnh
hằng.
Thời gian quá khứ, như G.
Poulet đã chỉ ra, trong sáng tác của Rousseau sẽ hiện ra qua những vật gợi nhớ:
cây nhạn lai hồng nhắc lại chuỗi thời gian êm đẹp tám năm của ông ở Charmettes
bên bà De Warens; hoặc cây sồi già trong “Julie…” nhắc Saint-Preux nhớ đến tình
yêu êm đẹp thủa xưa… Cố nhân bao giờ cũng bất diệt, bất biến và nhiều mộng ảo.
Để gợi nhắc quá khứ, bên cạnh đồ vật, thiên nhiên, kí ức, tình cảm chiếm một tỉ
lệ lớn trong cuốn tiểu thuyết này của Rousseau. Đó là thời gian hồi cứu, thời
gian của “những kỉ niệm dễ chịu chỉ thích hợp cho tâm hồn”.
Thời gian mang tính triết học-xã
hội. Phản ứng với trật tự xã hội phong kiến hiện hành, ông đã phác hoạ ra đời sống
êm đẹp thủa xa xưa để đối lập với thời hiện tại mà con người phải sống khổ sở.
Khước từ hiện tại, Rousseau
còn sáng tạo ra thủ pháp “sùng bái khoảnh khắc”, những giây lát phi thời gian để
lắng nghe trái tim mình. Có thể coi đó là một hiện tại đứng im, nó chỉ vận động
trong tâm tưởng của ông mà thôi.
2. Sang thế kỉ XIX, Flaubert
quan niệm và xử lí thời gian đã có nhiều điểm khác. Bài viết sẽ tập trung vào
phân tích vấn đề thời gian trong tác phẩm Bà Bôvary của ông.
Trong cuốn tiểu thuyết, 35
chương là 35 thời điểm dẫn dần (theo thời gian tự nhiên) đến kết thúc bi thảm của
nữ nhân vật. Nhưng thời gian cốt truyện vẫn có những điều cần nói: Bắt đầu vào
thiên truyện là: “Chúng tôi đang ngồi trong lớp học…”, thì chỉ đến chương II là
toàn bộ thời thơ ấu, đi học, thi trượt, thi lại, đỗ, làm bác sỹ, lấy vợ, hành
nghề của Charles và những ghen tuông, dằn vặt trong đời sống vợ chồng… cho đến
lúc chị vợ già lăn quay ra chết vì trúng gió cũng như việc “gài” sẵn Emma để “kế
nhiệm” chị vợ trước của Charles đã được chuẩn bị ngay trong hai chương này. Tất
cả 33 chương còn lại của tác phẩm là sự xuất hiện rõ dần của Emma, đời sống vợ
chồng của nàng, ngoại tình và chết… Theo thời gian, sự sa ngã của Emma tăng tiến
dần.
Song thời gian cốt truyện
không phải là điều đáng nói nhất ở đây hay việc các sự kiện rẽ nhánh quay về
quá khứ hoặc được vẽ vời trong trí tưởng tượng của Emma để hướng tới tương lai…
cũng là việc làm thường thấy ở các nhà tiểu thuyết.
Trong tác phẩm, Flaubert đã
xử lí thời gian theo ba hướng: miêu tả thiên nhiên, miêu tả đồ vật và miêu tả
tâm lí nhân vật.
Trước hết, để thông báo thời
gian, các đoạn miêu tả thiên nhiên của ông bao giờ cũng có những từ ngữ chỉ thị
mùa màng, thời tiết, giờ giấc… đồng thời với một số lượng màu sắc không nhỏ hoặc
những từ ngữ ám chỉ màu sắc (rêu). Nhìn chung đó là những màu sắc u ám. Thiên
nhiên ở đây vừa nhắc gợi thời gian vừa nói lên tâm trạng của nhân vật Emma; còn
với sự “bình tĩnh nặng nề” của Charles nó lại không thế. Nó là thiên nhiên
khách quan. Thiên nhiên khách quan ở đây phục vụ cho việc miêu tả bước đi tự
nhiên của thời gian trong hiện tại, còn trong tâm tưởng của Emma, nó lại gợi về
quá khứ xa xưa, êm đẹp khi còn là thiếu nữ. Flaubert dành ưu tiên rất lớn cho
việc quan sát. Ông lĩnh hội, tri giác từ một giọt nước, một vỏ hến, một sợi tóc
hay một viên sỏi nhỏ, thậm chí hoá thân vào chúng để thiết lập nên những mối
quan hệ mà ngôn ngữ con người, theo ông, là không đủ để miêu tả chúng.
Do quan sát tỉ mỉ, do hướng
toàn bộ mọi giác quan cho việc đó mà những bức tranh thiên nhiên của ông dẫu
mang sự chuyển động của thời gian mà vẫn im lìm, lặng lờ và đôi khi thiu ngủ
trong một nỗi buồn mênh mang. Ngay những con ong quay tít trong nắng cũng không
làm vương trong không gian chút thanh âm trong buổi chiều rực rỡ kỉ niệm tình
yêu đó. Thời gian-thiên nhiên ở đây vừa là cách phủ định thực tại vừa là quan
niệm sâu sắc của ông về những giây lát phi thời gian được cô lại trong sự tĩnh
lặng của độ dài thời lưu (durée) thuần tuý.
Ta có thể tìm thấy tất cả
các từ ngữ biểu thị thời gian như: xuân, hạ, thu, đông, nắng, mưa, chiều, tối, ấm
áp, giá lạnh… trong các bức tranh thiên nhiên của ông, nhưng dường như chúng chỉ
được xếp liền kề và bức nào cũng tuyệt mĩ. Vậy, điều đó nói gì? Theo Flaubert,
mọi sự trên đời không đổi mới mà chỉ là sự tuần hoàn bất biến, chúng trở đi trở
lại, nhưng là một nhà duy mĩ, ông đã khiến chúng trở nên tuyệt mĩ ở những thời
điểm tách rời nhau (moments isolés).
Đã có cả một hệ thống lớn
các đồ vật trong cuốn tiểu thuyết “xâm lăng” vào không gian sống, hoạt động của
con người. Điều đó mang lại nhiều ý nghĩa mà các công trình khác nhau đã có đề
cập đến. ở đây, chúng tôi đề cập đến ý nghĩa thời gian của chúng, tạm coi là thời
gian-đồ vật.
Lò sưởi chiếm một tỉ lệ đáng
kinh ngạc về tần số xuất hiện. Trước hết, nó biểu thị đời sống gia đình, không
gian “bên trong” so với không gian công cộng, xã hội “bên ngoài”. Là vật biểu
thị cho cuộc sống gia đình, cho sự ấm áp, nhưng lò sưởi ở đây không mang chức
năng-tự nó. Nó “cháy”, nó “bốc khói”… thế thôi. Và “sáng” nữa. Lò sưởi vừa mang
chức năng miêu tả thời gian hiện tại của đời sống hờ hững giữa Emma với chồng,
lại vừa mang chức năng gợi nhớ quá khứ: Nhận được thư cha và thế là Emma bỗng
nhớ lại, tưởng như “trông thấy cha lom khom cúi xuống lò sưởi để lấy chiếc kẹp.
Đã lâu lắm rồi cô không còn được ngồi bên cạnh bố, ngồi trên chiếc ghế đẩu bên
lò sưởi…”([5]). Tất cả những kỉ niệm xưa lũ lượt trở về từ một ít tro bụi.
Cái túi đựng xì gà sẽ theo
suốt Emma trong một thời gian dài để nàng nhớ đến bữa tiệc huy hoàng của nhà hầu
tước. Sách vở bám đầy bụi và không dọc đã trải qua một thời gian dài nằm đó
cũng nói lên sự biếng nhác của chủ nhân; những vết cứt ruồi trên ô cửa kính, bó
hoa cam tết bằng sa-tanh trắng phủ bụi của người vợ trước được Charles lén đem
vào nhà kho khiến Emma chợt nghĩ đến tương lai giống như một điềm báo, một định
mệnh. Sau này khi dọn nhà, chính bó hoa cưới của Emma cũng bị quẳng vào lò sưởi:
“Nó cháy bùng nhanh hơn rơm khô”. (Xin xem thêm bài viết của Đặng Anh Đào trong
Lịch sử Văn học Pháp thế kỉ XIX, N.x.b.Ngoại văn, Hà nội, 1990).
Thời gian cũng xuất hiện khá
rõ nét qua việc miêu tả tâm lí của Charles hay của Emma. Với Charles, “Vũ trụ,…
không vượt quá vòng váy…” của vợ, y làm việc, ăn (có rất nhiều bữa ăn trong tác
phẩm), ngủ, ngáy, dậy, đi thăm bệnh nhân… chỉ là một hiện tại kéo dài, đơn giản.
Ngược lại, Emma lại thường xuyên ngoái lại quá khứ: “Trời ơi! Sao ta lại lấy chồng?”.
Trong sự bất túc của đời sống tình cảm, nàng càng cảm thấy sự đổ vỡ chua chát của
những mộng tưởng trong quá khứ mà không sao tìm thấy trong hiện tại. Thực ra,
những mộng ước quá khứ mà Emma nuối tiếc cũng chỉ là ảo ảnh, bởi: giấc mơ và thực
tại chỉ là những gợn sóng đồng tâm mà đôi khi những biến cố nhỏ nhoi rơi vào
làm cho “con nước chết” (Poulet) đó lay động mà thôi. Kết thúc bi thảm của nữ
nhân vật phần nào cho thấy bối cảnh u ám của xã hội lúc bấy giờ đồng thời cũng
là một cách biệt trong việc giải quyết vấn đề nhân vật giữa tiểu thuyết thế kỉ
XIX và tiểu thuyết thế kỉ XX. Félicien Marceau cho rằng: “Thời đại ngày nay thì
Bà Bovary sẽ li dị, còn Lão Goriot chuẩn bị cẩn thận cho mình một nơi hưu trí. ở
thế kỉ XIX, tiểu thuyết biểu hiện một tiếng kêu của tự do, còn tiểu thuyết hôm
nay – chính cái tự do này lên tiếng – đang bị dìm ngập trong sự tự do chung”([6]).
Tóm lại, giữa Rousseau và
Flaubert đã có những cách xử lí và quan niệm thời gian khác nhau khá rõ:
Với Rousseau, thiên nhiên là
bức tranh mờ ảo, không có đường nét, màu sắc thật rõ ràng, nó gắn chặt chẽ với
nội tâm nhân vật từ quá khứ sang hiện tại trong một dòng chảy liên tục; ở
Flaubert, ngược lại, rõ ràng, nên thơ và độc lập, chúng là những thời điểm tách
rời, riêng biệt.
Đồ vật nhắc gợi quá khứ ở
Rousseau cũng thưa thớt hơn so với ở Flaubert, người đã có ý thức sâu sắc về việc
này.
Trong sáng tạo về thời gian,
hai ông đã gặp gỡ nhau ở những giây lát ngoài thời gian, siêu thăng, ngây ngất
(extase) để cô đọng lại thành những khoảnh khắc vĩnh hằng (instants éternels).
Tính hiện đại trong sáng tạo
của Flaubert còn ở chỗ trong miêu tả ông đã tạo nên những “khoảng trắng” đa âm,
mơ hồ, đôi khi nó cũng nói lên sự bất động, im lìm của thời gian. Những “nhịp
phách” (tempo) thật uể oải qua cảnh yêu đương có tính chất xác thịt giữa
Rodolphe và Emma là một ví dụ.
3. Toàn bộ Đi tìm
thời gian đã mất là “dinh thự mênh mông của hoài niệm” mà trong đó nó “dựa
trên hai hình thái chính, cái tôi và thời gian”([7]).
Cái dinh thự mịt mùng, mênh
mông những kỉ niệm, những hồi ức đó mà Phillipe Sollers đã gọi là “bản anh hùng
ca proustienne”([8]) đã “đục thủng” thời gian để quay về quá khứ của một
người kể chuyện của đêm tối với một ý thức rõ rệt, một tri giác sáng suốt kì lạ
đang kể những thiên truyện kì ảo và bất tận như một nàng Shéhérazade của “Nghìn
lẻ một đêm” thời hiện đại ([9]).
Ý thức rõ rệt trong tác phẩm
bắt đầu ngay từ việc chọn điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất: Tôi.
Cái “tôi” ở đây, theo chính tác giả, là “không có họ tên” và “không có mặt”. ở
một chỗ khác, Proust còn nhấn mạnh hơn nữa ý thức chọn lựa này của ông khi ông
khuyên A.Gide: “Anh có thể kể mọi điều, nhưng với một điều kiện: anh sẽ không
bao giờ được nói từ: Tôi”([10]). Có thể hiểu cái “tôi” trong lời khuyên trên
đây theo ý nghĩa của tự thuật hoặc hồi kí. (Xin xem thêmTạp chí Văn học số
5/98, bài của Đặng Thị Hạnh về Tự thuật và tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX). Sự lựa
chọn này đã quyết định phong cách Proust trong quá trình sáng tạo vai trò Người
kể chuyện có những nét đặc trưng khác hẳn so với những Người kể chuyện ở ngôi
“tôi” đơn nhất của các tác giả cổ điển, chẳng hạn trong Robinson Crusoé của
Defoe hoặc Gulliver du kí của Swift. Người kể chuyện của Proust vừa khách quan
trong chính bản thân nó, vừa qua nó mà các nhân vật khác phát triển, nó đồng thời
cũng làm nảy sinh các vấn đề và những suy nghĩ về xã hội, phong tục, văn học…
cùng những suy tư rụt rè, e lệ về tình yêu. Do vậy, tác phẩm dường như là giọng
kể của một cái tôi đã trải nghiệm, chủ quan, vừa là cái nhìn của “người khác”
nhìn vào, một cái “tôi” ở ngôi thứ ba có tính chất khách quan qua khoảng cách của
thời gian kể lại. Sự cố được nhìn nhận trong một “phối cảnh siêu thời gian”. Sự
phân li về nhân cách của Người kể chuyện là một phát hiện nghệ thuật của Proust
như giáo sư Đặng Thị Hạnh đã nhận định. Để đi đến thành công này, trước đó khá
lâu, năm 1895, ông đã viết Jean Santeuil còn mang dấu ấn ảnh hưởng khá vụng về
của Balzac, Flaubert, anh em Goncourt… Cuốn sách không đặt cho việc kể một sự
liên tục (continuum) mà dường như được đặt ra bên ngoài con người ông với các
đoạn riêng rẽ giống như “dòng sông thời gian còn chưa tìm thấy lòng sông của
nó; giống như thời gian còn chưa bị mất đi mà vẫn đang chảy về phía trước. Thời
gian vẫn còn ở thì hiện tại”([11]). ở đây nhiều sự kiện lịch sử, chẳng hạn vụ
Dreyfus vẫn có mặt. Nhiều nhân vật, nhiều sự kiện sẽ hiện diện trở lại trong
các kiệt tác sau này của Proust.
Nhưng nhân vật Người kể chuyện
ở đây rất khác với loại “nhân vật trí thức” đang thịnh hành đương thời. Nó đơn
độc du hành vào không chỉ thế giới tâm lí mà còn trong những bí ẩn sâu xa của
tiềm thức, cái vô thức (inconscient). Nó không chỉ nói về “Thiên đường xanh và
những mối tình thủa hoa niên” mà cả những miền của tăm tối, tội lỗi, những quan
hệ xác thịt… Cho đến Thời gian tìm thấy lại, Người kể chuyện đã đi qua bao biến
cố, bao thời gian, những sa ngã, thất vọng, hoài nghi… nhờ vào kí ức, kinh nghiệm.
Cuốn tiểu thuyết đã được viết ra, khép lại vòng tròn tưởng chừng vô tận đó về lịch
sử một trí tuệ và sự cứu rỗi của nó thông qua sáng tạo. G.Poulet coi: “Tiểu
thuyết của Proust là lịch sử của một cuộc kiếm tìm: một cuộc tìm kiếm, nghĩa là
một loạt những cố gắng để tìm lại một vật nào đó mà người ta đã bị mất. Đó là
tiểu thuyết về một tồn tại đi tìm bản chất của nó”([12]). Còn bản thân Proust
coi bản chất của tiểu thuyết là sự tìm kiếm của tiểu thuyết. Ông đã đánh cược với
cô thư kí của mình:
“Người đời sẽ đọc tôi, đúng
thế, cả thế giới sẽ đọc tôi, rồi cô sẽ thấy, Céleste ạ, cô hãy nhớ kĩ như thế…Stendhal
đã đánh cược một trăm năm mới được đọc, còn Marcel Proust sớm hơn, sẽ chỉ đặt
năm mươi năm thôi”([13]).
Và Đi tìm thời gian đã mất
đã trở thành Tác phẩm-Mẹ của thế kỉ như thế nào, chúng ta đã biết.
Do đặc điểm thường xuyên “đục
thủng” bằng những thời điểm quay nhìn trở lại, nên Proust ưu tiên đặc biệt cho
thời gian của việc kể chuyện (temps de la narration) và đồng thời với việc
ngoái trở lại là sự lộn xộn của tính thời gian chằng chịt và phức tạp của tiểu
thuyết proustien. Thông thường, “xen” (scène) ở các tiểu thuyết truyền thống là
nơi tập trung tính kịch của sự cố; ở Proust, không chỉ có sự đảo lộn thời gian ở
các “xen” trên trục nằm của thời gian của truyện kể, mà ông còn thay đổi chủ âm
của các sự cố, tập trung ở sự sai trật ngày tháng niên biểu (anachronie). Về sự
sai trật này, G.Genette cho rằng: “Nghiên cứu trật tự thời gian của một truyện
kể, đó là việc đối chiếu trật tự của việc bố trí các sự kiện hoặc các đoạn thời
gian trong lời kể chuyện với trật tự liên tục cũng của chính các sự kiện hoặc
các đoạn thời gian này trong câu chuyện, trong chừng mực nó được chỉ dẫn rõ
ràng do chính chuyện kể, hoặc ta có thể suy đoán ra chúng từ dấu hiệu gián tiếp
này hoặc kia”([14]). Cụ thể, một đoạn văn nghiên cứu (đoạn mở đầu của Iliade hoặc
một đoạn của Jean Santeuil, chẳng hạn) được Genette phân ra những yếu tố hợp
thành gọi là A,B,C,D,E… và thời gian lịch biểu của truyện sẽ là 1,2,3,4,5…
Trong truyện kể, sự sai trật giữa những yếu tố hợp thành và thời gian lịch biểu
“chính là phương sách truyền thống của việc kể chuyện văn học”([15]). Nhưng
nghiên cứu sự sai trật này sẽ cho phép tìm ra hình thái thời gian đặc thù của từng
tác giả. Chẳng hạn, với đoạn mở đầu của Iliade, Genette đã cho thấy một hình
thái về một sự vận động gần như thụt lùi đều đặn qua: A4-B5-C3-D2-E1. Hoặc đoạn
Jean sau rất nhiều năm trở về tìm lại khách sạn nơi Marie Kossichef sống, người
mà có thời chàng đã yêu và so sánh những cảm xúc của ngày hôm nay với những cảm
xúc mà chàng đáng lẽ phải cảm thấy:A2-B1-C2-D1-E2-F1-G2-H1-I2, Genette cho rằng
đó là một sự zích-zắc hoàn hảo (un parfait zigzag). Proust đã thải loại đi những
trạng từ chỉ thời gian khiến người đọc phải “suy đoán”, bổ sung thêm vào đó.
Phép tỉnh lược (ellipses) cho phép, (bên cạnh dòng chảy biên niên của Người kể
chuyện, bằng một câu ngắn “hai năm đã trôi qua” ở hai phần của “Dưới bóng các
cô gái tuổi hoa”), sự nguôi ngoai nỗi đau buồn với mối tình không thành của Người
kể chuyện với Gilberte cùng các sự kiện khác cũng được lướt qua. Đồng thời với
phép tỉnh lược, Proust còn thường xuyên sử dụng phép giãn ra (étirements), kéo
dài số trang cho một sự kiện ngắn (việc trăn trở trên giường cho tới khi ngủ được,
các bữa ăn hoặc buổi sáng ở nhà bà Villeparisis). Chính sự cố bên trong, thời
gian bên trong mới đóng vai trò quan trọng trong truyện kể của Proust. Một hình
thức thời gian khác đặc trưng cho truyện kể Proust là thức xảy lặp (mode itératif).
Các cuộc dạo chơi ngày thứ bảy, chủ nhật, các buổi tiệc trà nhà Gilberte, những
lần gặp gỡ Elstir, các cô gái chơi thể thao đi và về trên con đê biển, hoặc
chúng ta không biết có bao nhiêu ngày nghỉ hè ở Combray… cứ trở đi trở lại. Thức
xảy lặp đó chỉ ra “ý thức rất mạnh về thói quen”, chính là “thể thời gian của một
kiểu lãng quên vĩnh cửu”, nó cho phép “nghĩ về hai hoặc nhiều thời điểm cùng một
lúc, đồng nhất và lẫn lộn với nhau”([16]).
Pierre-Louis Rey đã gọi toàn
bộ Đi tìm thời gian đã mất là mặt trái của một bi kịch([17]), bởi sau khi đã đi
qua rất nhiều biến cố, Người kể chuyện vào phút cuối, bằng sáng tạo nghệ thuật
đã khám phá ra chính bản thân mình một cách đầy đủ nhất. Về phía gia đình
Swann, phần đầu của bộ tiểu thuyết, được kể hồi cố (rétrospectif), nhìn về dĩ
vãng, chỉ sau trường đoạn nổi tiếng về chiếc bánh madeleine thì truyện kể mới
đi theo đường thẳng (linéaire).
“Trong một thời gian dài tôi
đã thường đi ngủ sớm” là câu mở đầu của thiên tiểu thuyết. G.Macchia cho biết
tác giả của nó đã phải viết đi viết lại tới 16 lần khác nhau([18]). Điều đó cho
thấy Proust đã công phu chuẩn bị cho tác phẩm tương lai của mình như thế nào
khi viết về thời gian. Bản thân câu mở đầu ngắn ngủi trên đây đã chứa trong nó
nhiều từ ngữ chỉ thời gian. Một câu ngắn, vừa giản dị vừa tăm tối, đầy bí hiểm,
nó “đi tìm phong cách”, nó mò mẫm trong đêm tối mênh mông giữa không gian và thời
gian biến ảo. Và sau đó, những trang viết lần lượt ra đời, do: “Có một ông kể
ra và tôi đã viết”([19]).
“Thời gian bị thải loại và
thời gian hồi sinh, thời gian của các đoạn và thời gian khoảng trống giữa các
đoạn, thời gian của các thiên thực và thời gian sai niên đại”([20]).
Thời gian, chính là chiều thứ
tư của không gian trong sáng tác của Proust (Poulet). Không gian cũng “già” đi
theo năm tháng. Những nơi chốn đã qua đã “nhốt” những hình hài xa xăm của thời
gian hạnh phúc. Paris, Balbec, phía gia đình Swann, nhà thờ, phố và biển… chỉ
là những nơi chốn của không gian ba chiều mà thời gian hoàn thành nốt chiều thứ
tư tâm tưởng, yêu thương, thất vọng, buồn đau… Mỗi không gian làm thức dậy cả một
thời gian quá khứ đã xa.
Tất cả những thời gian đó và
những thời gian khác nữa đã được Proust sáng tạo ra. Giống Rousseau, ở Proust
có sự tương đồng giữa cái tôi cảm giác và vật được tri giác. Sự tương đồng trên
ở Rousseau “được đặt ra một cách giản dị như bản thân nó, còn ở Proust, ngược lại,
nó xuất hiện như một trù định hơn là một dữ kiện đã cho, nó cần phải tự hoàn
thành trong một thời điểm của cái tôi về phía đồ vật, và phải đạt được đỉnh cao
của niềm tin”([21]).
[1] Gérard Genette, Figure
III, éd. du Seuil, 1972, p.77.
[2] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, p.206.
[3] J.J.Rousseau, Les rêveries du promeneur solitaire, GF-Flammarion,1987, tr.101.
[4] J.J.Rousseau, Les rêveries du promeneur solitaire, GF-Flammarion,1987, p.101.
[5] G.Phlôbe, Bà Bôvary, Trọng Đức dịch và giới thiệu, Văn học, 1978, tr.238.
[6] Lire, 5/1998, p.12.
[7] Jean-Yves Tadié, Proust et le Roman, Gallimard, 1971, tr.293.
[8] Lire, 5/1998, tr.12
[9] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, p.12
[10] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, p.112.
[11] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, tr.12,113.
[12] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, Tome II. p.408
[13] Proust, À la recherche du temps perdu, R.Laffont, Quid, 1987, tr.316.
[14] Gérard Genette, Figure III, éd. du Seuil, 1972, p.79.
[15] Gérard Genette, Figure III, éd. du Seuil, 1972, p.80.
[16] Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX, N.x.b. Thế giới, 1992, tr.197.
[17] P.L.Rey, Roman, Hachette, 1992, p.117.
[18] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, p.137.
[19] Lire, 5/1998, p.22.
[20] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, Tome IV, p.414.
[21] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, tr.206, Tome I và p.408,434,414, Tome IV.
[2] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, p.206.
[3] J.J.Rousseau, Les rêveries du promeneur solitaire, GF-Flammarion,1987, tr.101.
[4] J.J.Rousseau, Les rêveries du promeneur solitaire, GF-Flammarion,1987, p.101.
[5] G.Phlôbe, Bà Bôvary, Trọng Đức dịch và giới thiệu, Văn học, 1978, tr.238.
[6] Lire, 5/1998, p.12.
[7] Jean-Yves Tadié, Proust et le Roman, Gallimard, 1971, tr.293.
[8] Lire, 5/1998, tr.12
[9] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, p.12
[10] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, p.112.
[11] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, tr.12,113.
[12] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, Tome II. p.408
[13] Proust, À la recherche du temps perdu, R.Laffont, Quid, 1987, tr.316.
[14] Gérard Genette, Figure III, éd. du Seuil, 1972, p.79.
[15] Gérard Genette, Figure III, éd. du Seuil, 1972, p.80.
[16] Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX, N.x.b. Thế giới, 1992, tr.197.
[17] P.L.Rey, Roman, Hachette, 1992, p.117.
[18] G.Macchia, L’Ange de la Nuit, Sur Proust, Gallimard, 1993, p.137.
[19] Lire, 5/1998, p.22.
[20] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, Tome IV, p.414.
[21] G.Poulet, Etudes sur le Temps humain, éd. du Rocher, 1968, tr.206, Tome I và p.408,434,414, Tome IV.
Hà Nội, 8/1998
Đào Duy Hiệp
Nguồn: DaoDuyHiep blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét