Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Truyện Kiều của Nguyễn Du - Giá trị vượt không gian và thời gian

Truyện Kiều của Nguyễn Du 
Giá trị vượt không gian và thời gian
Các ấn bản "Truyện Kiều" 
được trưng bày trong bảo tàng (Ảnh: TTXVN)
Với ''Truyện Kiều", Nguyễn Du đã chắt lọc những phần tinh tú nhất trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, thông qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo và dày đặc các khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, ca dao, tục ngữ và một số thành ngữ Hán Việt đã được "thuần Việt".
Mười lăm năm sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngâm nga hai câu (Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang Xuân) trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, sự kiện Phó Tổng thống Joe Biden lẩy Kiều (Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời) khi tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Washington hồi tháng Bảy một lần nữa "gây sốt" trong giới chính khách, ngoại giao, báo chí cũng như giới học giả và đông đảo những người mến mộ thiên tuyệt tác này của Nguyễn Du trên khắp thế giới.
Việc hai chính khách hàng đầu Mỹ vận dụng những áng thơ Kiều trong các sự kiện quan trọng để nói về quá trình bình thường quan hệ giữa hai quốc gia cho thấy giá trị bất hủ, cũng như tầm ảnh hưởng của ''Truyện Kiều''như một phương cách giao tiếp văn hóa hoặc ngoại giao văn hóa. Điều này còn cho thấy tính sinh động, khả năng đúc kết cô đọng, hàm súc các sắc thái tình cảm, quan hệ và năng lượng vượt thời gian của ''Truyện Kiều.''
''Truyện Kiều'' hay còn gọi là "Đoạn trường tân thanh" được Nguyễn Du sáng tác dựa theo cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc.

Tác phẩm được viết dưới hình thức truyện Nôm - một thể loại văn học thuần túy dân tộc có nguồn gốc sâu xa từ truyện thơ dân gian đã được bác học hóa. Cái hay, cái đẹp của ''Truyện Kiều'' được ẩn chứa trong 3.254 câu thơ lục bát vốn cũng là một thể thơ thuần túy dân tộc, thứ quốc hồn, quốc túy của người dân xứ "con Lạc, cháu Rồng."
''Truyện Kiều'' xoay quanh số phận của một người phụ nữ thuộc loại "dưới đáy cùng" của xã hội - một người phụ nữ đã phải bán mình chuộc cha và bị xã hội dồn đuổi buộc làm kỹ nữ trong chốn lầu xanh. Nguyễn Du đã vượt lên những định kiến xã hội nặng nề để ca ngợi vẻ đẹp hình thể, tài năng, đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Vương Thúy Kiều.
Tác phẩm mượn câu chuyện của nàng Kiều để vẽ lên bức tranh toàn cảnh về hiện thực xã hội phong kiến thối nát, kim tiền, xấu xa, đồi bại và đầy rẫy bất công ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19; đồng thời thể hiện ước mơ giải phóng con người, đòi quyền sống, quyền tự do, công lý, tình yêu và hạnh phúc. ''Truyện Kiều''được xem là tập "Đại thành ngôn ngữ" của văn học dân tộc.
Với ''Truyện Kiều,'' Nguyễn Du đã chắt lọc những phần tinh tú nhất trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, thông qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo và dày đặc các khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, ca dao, tục ngữ và một số thành ngữ Hán Việt đã được "thuần Việt". Ngược lại, quần chúng nhân dân đã vay mượn ngôn ngữ và các nhân vật của tác phẩm này để xây dựng thêm nhiều câu thành ngữ, ca dao và dân ca mới để biểu đạt những sắc thái tình cảm phong phú trong cuộc sống thường nhật của mình. Không ai có thể phủ nhận được rằng, tiếng Việt trở nên giàu có, phong phú, tinh túy và đặc sắc hơn, văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn một phần là nhờ ''Truyện Kiều.''
Đứng về mặt nghệ thuật, cho đến nay ''Truyện Kiều'' vẫn là hòn ngọc sáng nhất và là đỉnh cao chói lọi nhất của tiếng nói Việt Nam, của văn học dân tộc. Thiên tuyệt bút này của Nguyễn Du là sự kết tinh tinh hoa của cả quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển nền văn học cổ điển viết bằng ngôn ngữ dân tộc. ''Truyện Kiều''cũng được xem là hòn đá tảng, đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật văn học dân tộc sau này.
Văn học Việt Nam, thậm chí văn học thế giới, ít có tác phẩm nào chinh phục được tình cảm của đông đảo người đọc đến như vậy.

Trong suốt hai thế kỷ qua, ''Truyện Kiều'' đã trở thành cuốn sách "gối đầu giường," thậm chí được xem là cuốn "thánh kinh" của người Việt. Ngôn từ trong ''Truyện Kiều'' được dùng rộng rãi trong các sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bình Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều, chèo Kiều, cải lương Kiều, tranh Kiều, bói Kiều… và cả trong những làn điệu ví giặm đặc sắc của người dân địa phương vùng Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hàng loạt nhân vật của ''Truyện Kiều'' như Kiều, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà… đã bước ra khỏi các trang sách, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp thể chất và tâm hồn, một hạng người hay một nét tính cách trong xã hội. Nhiều câu Kiều mang ý nghĩa khái quát những triết lý nhân sinh sâu sắc về các mối quan hệ xã hội, về cuộc đời, về số phận con người và về những cảnh huống của đời người. "Ma lực" của các con chữ mạnh tới mức người đọc cảm thấy "ứng vận," thấy mình đâu đó trong các cảnh ngộ, thân phận, hạnh phúc khổ đau của các nhân vật ''Truyện Kiều.''
Sinh thời, Nguyễn Du từng đau đớn thốt lên rằng: "Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?" để thể hiện tâm trạng cô đơn đến tuyệt cùng giữa nhân tình thế thái. Tuy nhiên, kể từ khi nhà thơ từ giã cõi trần, kho di sản văn thơ vô giá của người, đặc biệt là ''Truyện Kiều,'' đã trở thành "nguồn mạch dân tộc" và là một phần máu thịt trong đời sống tâm hồn của dân tộc Việt Nam. "Đoạn trường tân thanh" sẽ tiếp tục trường tồn cùng dân tộc, đồng thời không ngừng lan tỏa và không ngừng được khám phá trên toàn thế giới.
Hữu Chiến 
Vietnam+



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...