Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Da diết mãi những khúc nhạc xanh

Da diết mãi những khúc nhạc xanh
Xa thẳm một miền xa thẳm/Tiếng gọi hồn thiêng núi sông/Một tình yêu như cánh chim từ qui/Bay bay đi tìm nhau…” những câu từ chau chuốt song lại giản dị về giai điệu và gần gũi về ý tứ. Nó đi vào lòng người nghe nhẹ nhàng, da diết mà lắng đọng như tiếng tơ lòng của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông là một vị tướng của quân đội, vị tướng của những nốt nhạc xanh, một nhà sư phạm đáng kính. Mọi người gọi ông với nhiều danh xưng đáng kính: Người lặng lẽ tỏa sáng sau những ngôi sao, Nhạc sĩ của những ca khúc khắc dấu với thời gian, Nhạc sĩ - Thầy giáo. Giữa thế kỷ 21 hiện đại, tôi muốn gọi ông với danh xưng - Vị tướng của âm nhạc mô phạm. Ông là Nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú,
Ông - con người mang sức nặng của mấy “vai”. Vai anh lính cụ Hồ, vai nhà sư phạm, vai nhạc sĩ, vai nhà quản lý. Với ông, thật khó để tách bạch từng vai, bởi trong người lính có người nghệ sĩ, trong người nghệ sĩ có sự mô phạm, có tư duy của một nhà giáo, một nhà quản lý. Tất cả chỉ đủ đầy khi được hòa vào nhau, nâng đỡ nhau, thiếu một vai là thiếu đi con người hoàn thiện là ông hôm nay - vị tướng của nghệ thuật, của chữ Tâm cao quý. Trên cương vị giảng dạy, có thể bắt gặp một Đức Trịnh đầy tâm huyết và hết lòng cho sự nghiệp ươm mầm tài năng âm nhạc trẻ, thì trên phương diện sáng tác, ông lại là một nghệ sĩ đầy đam mê, cháy bỏng, nhân văn trên từng nốt nhạc.
Một nghệ sĩ chiến sĩ…
Con người ông sinh ra như thể là để làm nghệ thuật. Ông “phải lòng” âm nhạc và để rồi chính âm nhạc đã cho ông nhiều thứ mà không phải người nghệ sĩ nào cũng may mắn có được.
Bắt đầu từ tình yêu người lính! Mười bảy tuổi, Đức Trịnh lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày cầm súng, đêm cầm bút, chàng trai xứ Bắc ấy vẫn không quên ghi chép những bài thơ, nốt nhạc trong một cuốn sổ tay bé xíu, như một cách tự thưởng cho mình những giây phút thảnh thơi, lãng mạn giữa những khói đạn, đau thương. Rồi chiến tranh kết thúc, trong khi số đông bạn bè đều về Bắc thì ông tự nguyện ở lại mảnh đất nắng gió ấy như một thứ duyên nợ. Năm 1986, khi đang là trợ lý văn hóa văn nghệ f330, Cục Chính trị Quân khu 9, Đức Trịnh trở ra Bắc bắt đầu con đường học tập chính quy của nghệ thuật. Vậy là, sau 12 năm bồng súng, ông trở thành sinh viên Nhạc viện Hà Nội - chính thức gắn mình với môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Và âm nhạc trong con người nghệ sĩ của ông còn được khởi nguồn từ dòng suối nghệ thuật quê hương. Là con trai vùng quê Kinh Bắc nổi tiếng với các làn điệu dân ca quan họ, Đức Trịnh như được ưu ái “thừa kế” khả năng và niềm đam mê nghệ thuật của những con người được sinh ra từ hội Lim. Vì thế, con đường âm nhạc của Đức Trịnh cứ như được vẽ lên và đưa tên tuổi nhạc sĩ Đức Trịnh sống trong lòng khán giả.
Là người đam mê sáng tạo, không ngừng kiếm tìm cảm xúc để cho ra đời những tác phẩm mà khi được vang lên, công chúng đón nhận nhiệt tình, yêu thích và thêm ngưỡng mộ tài hoa người nhạc sĩ. Các ca khúc của Đức Trịnh tràn đầy tình cảm với thiên nhiên, con người (Dấu tích thời mở cõi, Chiều cao nguyên, Ngược dòng Hương Giang…), đặc biệt hình tượng người lính cụ Hồ luôn là cảm hứng cho những sáng tác của ông (Miền xa thẳm, Ước mong người lính, Tình yêu lính tăng…). Vốn là người đa tài, đa cảm, dễ mềm lòng bởi cái đẹp, song cũng là người kỹ tính trong sáng tạo nghệ thuật. Trước một sự vật, hiện tượng người nhạc sĩ ấy đều quan sát, chiêm nghiệm bằng trái tim của người nghệ sỹ. Hầu hết, các tác phẩm của ông được viết khi cảm xúc đã đằm chín. Vì thế từ ca khúc, đến các bản nhạc viết cho Tứ tấu đàn dây, Sonate cho piano, nhạc múa, hoà tấu khí nhạc… đều đẫm chất trữ tình.
Là nhạc sĩ quân đội được đào tạo bài bản, ông không chỉ nắm bắt được những kiến thức trong trường mà còn biết vận dụng nó một cách hết sức sáng tạo trong các tác phẩm của mình. Dấu ấn của ông được đặt vào mỗi tác phẩm bởi các sáng tác của ông hoàn toàn là cảm xúc ngẫu hứng, hiện đại cả về cấu trúc lẫn ngôn ngữ âm nhạc nhưng không xa rời quần chúng; sâu đậm nhưng dễ gần, dễ hiểu. Con đường âm nhạc mà Nhạc sĩ - Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh đã đi qua - “Miền xa thẳm” hay “Ngược dòng Hương Giang”… trong trái tim người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy mãi còn ngân vang những trải nghiệm, những cảm nhận về cung bậc âm thanh của cuộc sống, tình người, tình đồng đội.
Với người nghệ sĩ như ông, mỗi phút lắng đọng là mỗi phút yêu thương, là mỗi phút tâm hồn người nghệ sĩ chiến sĩ lại phơi phới sức sống, sự lạc quan mãnh liệt mà có lần ông đã phải thốt lên “Ông trời bắt mình sống nhiều cho nên phải thế”. Âm nhạc như ngấm vào da vào thịt, thêm chất lính cụ Hồ, chất nghệ sĩ trong ông như càng được lan tỏa, như càng thêm đất diễn. Đằng sau một tâm hồn nghệ sĩ là bản lĩnh của một tướng lĩnh quân đội luôn nặng lòng với những lo toan cho trường, cho lớp, cho đồng đội, cho nghệ thuật.
Cảm ơn ông - người nghệ sĩ, Nhà giáo Ưu tú mang quân hàm Thiếu tướng - người nhạc sĩ thứ hai trở thành vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam (sau nhạc sĩ An Thuyên)!
Một nhà giáo nặng chữ Tâm
Có thể công chúng yêu nhạc Việt Nam biết đến ông với vai trò một nhạc sĩ nhiều hơn vai trò của một thầy giáo. Nhưng với giới nghệ thuật, ông là một nhạc sĩ - nhà giáo mẫu mực. Đằng sau những ca từ mượt mà sâu lắng, đằng sau trái tim người nghệ sĩ là trái tim của người thầy hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Người thầy - nhạc sĩ ấy luôn tâm niệm “Đạo làm thầy luôn phải có tâm”. Bởi với ông,  nghề giáo không đơn thuần là dạy học sinh làm người qua các con chữ mà phải làm thế nào đưa các em đến gần với chân - thiện - mỹ!
Tốt nghiệp đại học, rồi cao học chuyên ngành Sáng tác âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, năm 1992, ông về làm giảng viên, tham gia công tác quản lý  tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cái nôi đào tạo ra các chiến sĩ - nghệ sĩ và gắn bó cho đến tận bây giờ. Hơn 20 năm trong vai trò nhà giáo chiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Đức Trịnh luôn dồn tâm huyết, khả năng, thời gian để truyền thụ cho học trò vốn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã tích luỹ trong quãng đời âm nhạc của mình
Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù, giảng dạy nghệ thuật trong đời sống quân đội càng đặc biệt. Ông là thế hệ 5x vốn “ngoại đạo” với công nghệ, mà thường gần gũi hơn với những gì được coi là truyền thống, lối mòn. Trước những đòi hỏi mới của công việc giảng dạy, không thể để mình lạc hậu, lỗi thời, người thầy ấy đã làm một phép thử “thật”. Và ông bắt đầu với hành trình tìm tòi, sáng tạo nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy âm nhạc sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Mãi sau này, khi những ứng dụng ấy thành công, nhà giáo - chiến sĩ Nguyễn Đức Trịnh mới thân tình bộc bạch: Trước đây, phương pháp học truyền thống với phương tiện chỉ có phấn và bảng viết nên ở các giờ lý thuyết âm nhạc, một quy trình tẻ nhạt cứ lặp đi lặp lại thầy đọc trò chép, thầy giảng trò ghi bộc lộ nhiều nhược điểm. Vì thế, thâm tâm tôi cứ đinh ninh việc phải tìm ra một phương pháp giảng dạy hiện đại. Và thế là “Ứng dụng CNTT vào giảng dạy” ra đời, qua trải nghiệm đã chứng minh rằng phương pháp này đạt hiệu quả tốt, học sinh tiếp thu bài giảng một cách chủ động, có sự tương tác giữa thầy, trò và máy tính, tiết kiệm thời gian khi lên lớp, có thực tiễn ngay trong khi học những môn lý thuyết…
Sống với nghề bằng cái Tâm cao quý của người thầy giáo, bằng sự lao động hết mình cho nghệ thuật, ngoài công việc sáng tác, ông còn không ngừng nghiên cứu phương pháp giảng dạy hữu hiệu, tiện lợi nhất để giảng dạy cho học trò của mình. Để rồi chính từ những nghiên cứu đó, các đồng nghiệp của ông tiếp tục sử dụng và phát triển nó phục vụ cho công việc chuyên môn như biên soạn giáo trình, giáo án điện tử, lập trình phần mềm dạy học âm nhạc trên máy vi tính…
Hơn 20 năm hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, cũng bằng chừng ấy thời gian nhạc sĩ - thầy giáo - nghệ sĩ - chiến sĩ Nguyễn Đức Trịnh cống hiến cho mái trường nghệ thuật quân đội.
Từng đảm trách các chức vụ trưởng khoa sáng tác, phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng một trường đại học đầu ngành văn hoá nghệ thuật quân đội, áp lực đặt lên vai người lính nghệ sĩ không hề nhỏ. Nhớ lại thời điểm trường nâng cấp lên đại học cũng là lúc ông giữ vai trò phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng, khó khăn nhân đôi từ niềm vinh dự. Khó khăn từ nguồn nhân lực giảng viên chưa đủ, chưa đồng bộ; lại thêm áp lực từ sự giảm tải năm học đối với học viên (thường đối với một nghệ sĩ có quá trình đào tạo 15 năm nhưng nay rút ngắn xuống còn 7 năm)… Bằng sự tập hợp trí tuệ tập thể, sự đồng lòng, sự sáng tạo, năng động của người đứng đầu, vậy rồi cũng qua thời gian khó. Trong giai đoạn tiếp theo, định hướng xuyên suốt trong công tác đào tạo của Nhà trường sẽ tiếp tục kiên trì mục tiêu đào tạo “chiến sĩ - nghệ sĩ”, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương pháp dạy và học, tích cực tham gia đào tạo cho sự nghiệp CNH -HĐH nhiều ngành nghề hơn nữa, mở rộng quy mô và liên kết đào tạo với các trường nghệ thuật trong nước dưới nhiều hình thức, nhiều bậc học, nhóm ngành nghề khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội và người học.
Đã hơn 5 năm, vị tướng thầy giáo Nguyễn Đức Trịnh gánh trên vai trách nhiệm chèo lái “con thuyền” Nhà trường phát triển song song với hơi thở thời đại, bắt nhịp với đời sống văn hóa nghệ thuật của quân đội, của quốc gia, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã khẳng định được vị thế và uy tín đào tạo, hoà nhập với dòng chảy của các Học viện, Nhà trường trong và ngoài Quân đội.
Vậy là, người lính tuổi 17 một thời, sau 40 năm duyên nợ cũng coi như hôm nay đã đủ đầy những danh vị. Một vị tướng quân đội, một người thầy tận tụy với học trò, một nhạc sĩ tài năng và đam mê sáng tạo hay một nhà quản lý trí thức tiêu biểu thì có lẽ phần thưởng cao quý nhất, danh giá nhất đó là sự yêu mến của công chúng, sự kính yêu của học trò, sự tin yêu của bạn bè, đồng nghiệp. Người nhạc sĩ - chiến sĩ - thầy giáo ấy đã để lại cho đời những ca khúc khác dấu cùng thời gian và hơn hết, ông đã đào tạo cho nền nghệ thuật quân đội, cho đất nước nhiều nhạc sĩ trẻ có tên tuổi thành danh, nhiều nghệ sĩ tài năng như nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, Đức Nghĩa, Hồ Trọng Tuấn, Hoàng Tuấn, Đức Tân, Ngọc Dũng.
Những nốt nhạc vẫn theo vị tướng nghệ sĩ với những nốt thăng trầm xao xuyến! 
Trần Miêu
Theo http://www.trithucvaphattrien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...