Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Những khúc suy tư khi tiếp cận nhạc Trịnh Công Sơn

Những khúc suy tư khi tiếp cận 
nhạc Trịnh Công Sơn
1/ Ta vẫn thường hát cho nhau nghe về Một Cõi Đi Về của Trịnh. Nhưng đã bao giờ ta hát cho ta nghe về Một Cõi Trịnh của trái tim mình? Vâng, cái gọi là Cõi Trịnh trong trái tim mỗi người một khác, mang những chiều kích không giống nhau, nhưng tôi tin và dám cá với cuộc đời rằng, cái cõi ấy là một hằng số. Cùng với thời gian, nó sẽ ngày càng nhiệm màu và giúp chúng ta hồi sinh những vết tâm hồn chai lì, vốn đã bị chính cuộc sống này chà xát. Ngay như những chia ly, những mảng vỡ trong Xứ Tình của Trịnh vẫn là một sự tròn trịa và đủ đầy. Thì không có bất cứ một ví dụ nào trong việc ta không định tâm hướng về cái sâu xa trong tâm hồn của Trịnh. Ngay trong thời khắc này, ngòi bút của tôi cũng đang cố dụ dỗ lí trí tôi ngụp lặn trong Trịnh như một con Chiên ngoan đạo. Liệu rồi, những mê lực câu từ trong nhạc của Trịnh Công Sơn, có làm cho tư duy của tôi méo mó đi không? Tôi cũng không dám chắc. Chỉ biết lúc này, trái tim tôi đang hát nhạc của ông chứ không phải miệng tôi hay từ bất kì miệng của một ca sĩ nỗi danh nào...
2/ Trong mọi phía và mọi ngóc ngách của quán trọ trần gian, nơi nào có hơi thở của con người, nơi đó ắt có cái gọi là Tình Yêu. Và tôi, một kẻ luôn mập mờ, sờ soạng bước đi trên con đường tình ái, hay lẩm bẩm vài ba câu nhạc của Trịnh, như để khỏa lấp cô đơn trên khuôn mặt của mình.
Những đêm như đêm nay, bầu trời vừa nở ra sau bận dúm dó bởi cái lạnh của mưa. Vài ba vị tinh tú ló mặt ra khỏi mây đen phì phò thở và chớp chớp bờ mi, phả ra cái ánh sáng lập loè giữa ngân hà...Tôi nghe lòng trống tênh khôn tả. Nhớ có lần người yêu tôi bảo rằng, đâu đó trên chòm sao kia, Trịnh Công Sơn đang ngồi đàn cho các vị tinh tú nghe bài Con Mắt Còn Lại, để rồi cùng các vị tinh tú ấy tựa lưng nhau nhìn xuống trần gian, kiểm chứng hồn điệu của nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi đã mỉm cười và không tin như thế. Nhưng, tôi đâu có hay rằng, dù có hay không việc Trịnh ngồi hát cho các vị tinh tú trên trời nghe, có đâu quan trọng, quan trọng hơn là trong trái tim người yêu của tôi, Trịnh Công Sơn đã dạo bản Ru Đời Đi Nhé trong đó tự bao giờ...
Có phải tình yêu trong nhạc của Trịnh Công Sơn thánh thiện đến vậy chăng? Hay nhờ thơ, nhờ nhạc ấy mà tình yêu lứa đôi của mỗi người trở nên thánh thiện? Câu hỏi này có cần thiết trả lời hay không, thì những ai đã từng nghe Trịnh, hãy tự chất vấn lòng mình. Cũng như chính tôi đang hành hạ ngọn bút tật nguyền, xới cày lên trang giấy trinh nguyên, để chất vấn chính chuỗi suy tư dúm dó bấy lâu nay...
3/ Giữa cuộc sống loay hoay với cơm áo gạo tiền, những người chạy trốn làng quê ra phố như tôi, chưa bao giờ quên được cái tội với luỹ tre làng, cây đa, bến nước...Đã vậy, còn không giữ được cái vẻ mộc mạc của những khúc ca dao, dân ca quen thuộc. Tập tành nghe, tập tành chơi như những người trí thức. Tôi vẫn tự hỏi lòng mình rằng, việc vô tình hay hữu ý, nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy,...đang lấn dần một cách vô thức trong trái tim tôi, có làm cho tôi thêm một lần mắc tội với những làn điệu dân ca? Mới hôm nào nơi chiếu Chèo, những câu Sa Lệch còn nhấn chìm cả giấc mơ tôi. Mới hôm nào, nơi quán nhỏ ở Thị trấn Dĩ An - Bình Dương tiếng đàn guitar cổ của ban nhạc tài tử, còn xuýt làm cho tôi bỏ phố về làng...Thế mà nay, những lúc thảnh thơi, lại tụm kéo bạn bè về căn gác nhỏ, tắt đèn điện, thắp đèn cầy, uống trà, nghe nhạc Trịnh. Mặc dù, ly trà Thái Nguyên đậm chát cả nỗi niềm, nhưng câu hát vẫn vời vợi xa bay. Để rồi được gì và mất gì, chưa biết! Chỉ biết rằng trong mắt bạn bè, có thể vô tình tôi đã bị mang tiếng là kẻ đua đòi thời thượng, tiêu hoá chưa được dăm câu nhạc Trịnh, cũng bày đạt cầm bút viết phê bình cảm nhận!
Song, có một điều luôn làm tôi thanh thản, đó là, nhờ nhạc Trịnh Công Sơn, tôi lờ mờ hiểu ra rằng, Trịnh mách bảo tôi không cần thiết phải chịu trách nhiệm về sự nghĩ của người khác về tôi trong việc tôi tiếp cận ông. Tôi sẽ vẫn cứ nghe nhạc của ông, đọc ông và viết về ông, cho dù chỉ để cho một ngày nào đó, cả tôi cùng những dòng viết này lăn đi cùng cát bụi vĩnh hằng!
Tôi thường tư duy về ông để mà trăn trở một điều rằng, Trịnh Công Sơn có mặt trong bao nhiêu trái tim của hơn tám mươi triệu người dân nước Việt? Trong khi tư duy về điều này, tôi chợt rùng mình hiểu ra rằng, Trịnh Công Sơn chuyên viết nhạc theo lối triết lí đầy trí tuệ, không phải dạng nhạc dành cho đại đa số quần chúng nhân dân. Vì thế mà nhạc của ông cũng chỉ khiêm tốn nằm trong những trái tim của những người có thể hiểu được ngôn từ trong nhạc. Và cũng trong tư duy ấy, tôi hiểu thêm rằng, âm nhạc của Trịnh cũng không phải là thứ âm nhạc suất sắc lắm, mà nhờ ngôn từ ông sử dụng trong tác phẩm, tự biến tất cả thành một thứ kim cương hoành tráng, đầy mỹ cảm.
Rất nhiều lần tôi về đồng bằng sông Cửu Long, lang thang hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tôi nhận thấy một điều rằng, không chỉ dân chúng ở nông thôn mà kể cả số đông dân chúng thị thành dưới đó, họ không biết nhiều về Trịnh Công Sơn hay nhạc của ông. Trên hầu khắp các quầy băng đĩa nhạc, chủ yếu bày bán các loại nhạc trẻ, cải lương, nhạc sến... Cách chơi nhạc của đại đa số dân chúng dưới đó cũng phân chia một cách rõ ràng theo lứa tuổi. Người già và trung niên thì thường thích cải lương, ít tuổi hơn một chút thì thích nhạc của Ngọc Sơn và giọng hát của anh ta, giới thanh niên học sinh thì lao vào nhạc trẻ hiện đại với những thần tượng như Đan Trường, lam Trường, Ưng Hoàng Phúc, Vân Quang Long, Cẩm Ly, Nguyễn Phi Hùng...Tôi có hỏi rất nhiều người yêu nhạc dưới đó rằng, đã nghe Trịnh Công Sơn bao giờ chưa? Họ khẽ mỉm cười và lắc đầu. Những cái lắc đầu sắc như gió hồng hoang chém phay những cọng cỏ non mới mọc trên phần mộ của Trịnh vậy. Ai khóc cho điều này....
4/ Như một cuộc chơi không định trước, tôi nhấn chìm mọi cảm xúc băm bổ của đời thường cho việc kiểm chứng tư duy, khi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn. Có vẻ như hơi khốn nạn và tầm thường, khi tôi cố tình vứt bỏ những gì đã thuộc, đã nghe trong quá khứ, nhưng lại thấy mình được giải thoát. Phải thú nhận rằng, tôi chẳng hiểu nhiều về nhạc của Trịnh Công Sơn, hay nói khác đi, tôi gần như ăn cắp cảm xúc tự nhiên, để tô vẻ cho tâm hồn mình bớt phần đơn điệu. Và vì thế, khi nghe Trịnh lần thứ hai, thứ ba...tôi mới dám khẳng định những gì ban đầu tôi lơ mơ ngộ nhận là chính xác. Và tôi biết chắc chắn rằng, cũng khối người như tôi trong việc ngộ nhận như thế. Có thể điều đó giúp cho tôi có chút tự hào rằng, mình dũng cảm hơn họ ở việc dám nói ra cái tầm thường giả tạo của mình.
Tôi nhớ có lần, khi nghe Khánh Ly hát trong cuốn băng có tựa là Một Cõi Đi Về, tôi nói với bạn bè tôi rằng, thứ nhạc ngang phè phè này cộng với giọng hát the thé này, làm nên một kiểu nhạc bất phân, bất thấu trong tôi. Cho đến khi đoạn cuối của cuốn băng, lúc mà Khánh Ly không hát nữa, cô nói như tâm sự cùng với Trịnh Công Sơn, và có cả phần trả lời của Trịnh Công Sơn đính chính cho cái cụm từ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... rằng, thời nay phải nói cho đúng hơn là cần sống tử tế với nhau. Chẳng hiểu tại sao tôi lại nhắm mắt lại và nhớ bạn bè kinh khủng. Những người bạn rất đổi tốt bụng và thừa lòng bác ái với tôi. Tôi có vẻ như nhận thức thêm rằng, bấy lâu nay, họ đã quá tử tế với tôi - một thằng khốn nạn và nghèo hèn. Trong khi nhắm mắt ấy, cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại nghe giọng Trịnh vang vang, chẳng hiểu tại sao tôi lại mơ hồ về một chiếc lá rụng trong chiều gió ngược, bay phất phơ ở phía cội nguồn...
Tiếng nhạc vẫn rền thở đêm đêm, vọng ra từ cái máy cassete cũ kĩ, nhưng âm thanh không vì thế mà trở nên yếu đuối. Chỉ có tôi là yếu đuối với lòng mình và với chính cuộc đời vay mượn của tôi. Tôi đã vay thời gian của đời mình cho việc nghe Trịnh Công Sơn, tôi đã vay yêu thương của người yêu tôi cho việc đến với nhạc của ông, và vay tâm tình cũng như sự động viên của bè bạn cho việc tiếp cận ông chu đáo. Nhưng rốt cuộc, tôi đã viết ra những câu chữ không đáng một đồng xu lẻ. Cảm giác như có tội với ông ngay bên chiếc cassete ở đầu giường. Cảm giác như tôi đang tự đánh lừa mình qua những giác quan bị lật ngược và xoay vòng. Trịnh Công Sơn không phải thần thánh, cũng không phải quỷ trong trái tim tôi. Chỉ đơn thuần là một nhạc sĩ tài hoa, đã biến một anh nông dân thành một tay Xuân Tóc Đỏ. Có lẽ bạn sẽ phỉ nhổ vào mặt tôi khi đọc những dòng này, nhưng tất cả là một điều rất ngẫu nhiên trong tư duy và trong nhận thức của mỗi người. Tôi phải nói thêm điều vừa rồi như chính lời tự thú với Trịnh vậy. Bởi đâu đó trong lòng tôi, vô hình trung đã có một ngôi mộ của Trịnh Công Sơn, mà nếu như không nghe được chính giọng của ông ( tuy không xuất sắc lắm) thì có lẽ ngôi mộ ấy đơn thuần chỉ nằm trên mặt đất. Và tôi cùng câu chữ của tôi là những que nhang tự cháy trong ngút ngàn tiếng đêm vẫy gọi, khóc ông trong một sự trễ tràng...
5/ Tôi không định nghĩ nhiều về cái ngày tôi về với đất để được vấn diện Trịnh Công Sơn, đơn giản chỉ vì tôi tin rằng, tôi đang còn quá trẻ. Người xưa có câu, ngũ niên tri thiên mệnh, mà tôi thì chưa đi hết một phần hai chặng đường ấy. Vì thế, những tư duy lúc này, nếu có được định hình và thể hiện ra đây, e là cũng để cho gió cuốn đi thôi. Song, những tiếng ve đầu mùa hạ, hát vang bản thánh ca buồn dọc con đường Tôn Đức Thắng, sao tôi nghe trong âm điệu có lá thu rơi vội, như muốn khắc khoải tàng âm của Trịnh. Phải chăng, khi ông đã qua cái ngưỡng tri thiên mệnh ấy, ông hiểu được tiếng lòng thiên hạ gói trong những rối ren thuần túy đời thường? Cho hôm nay, những người như tôi, dẫu bàn chân xước bầm vì gió bụi cuộc đời, vẫn vấp phải những giọt thơ lăn trên các dây cung của vòng xoay định mệnh. Mà chính ông đã chắp cho những vần thơ ấy đôi cánh của lòai chim Thiên Di, bay hoài, bay mãi...
Cái lối rẽ cuộc đời trong nhạc của ông hiện lên từng thớ vân, hiện lên từng gam màu trong nhạc. Ta nghe như một cuộc trở mình đầy vật vả. Chính cái lối rẽ không cần toan tính ấy, đã thai nghén cho một tài năng con đường đi tới những vì sao, mà không cần bất cứ một phương tiện hào nhoáng nào đưa đón. Ông âm thầm trong một cái tôi cá nhân đã được định hình bởi chiến tranh và thực tiễn xã hội. Tất nhiên điều đó làm cho ông có được cái không thể sao chép trong thế giới quan của ông. Người đọc, người nghe thấu hiểu được lí do tại sao một số nhạc sĩ cùng thời với ông, có những ảnh hưởng nhất định bởi âm nhạc quốc tế hay âm nhạc cổ điển Việt Nam. Còn với ông thì không. Trịnh Công Sơn khai thác đề tài ngay tại trái tim mình, nói một cách khác, ông đã khai quật trái tim mình từ đống vỡ nát của cuộc đời, tìm ra thứ nhạc cho riêng mình. Thứ nhạc ấy là kết quả của những vật lộn nội tâm ghê gớm, cũng như đau thương cho kiếp người thống khổ. Vì thế, nó sẽ không đến với trái tim người nghe bằng con đường đã sinh ra nó, mà đi bằng con đường nhận thức nghiêm túc từ phía thính giả.
Đồng nghĩa với việc tiếp cận nhạc Trịnh Công Sơn, là quá trình cảm thụ từ từ, có tinh lọc dựa trên cơ sở những rũa gọt thực tế. Bởi đơn giản là, không phải bài hát nào của Trịnh Công Sơn cũng hay đối với cảm nhận của một người. Có những bài thật khó hiểu và khó tìm ra cái hay của nó, lại có những bài chỉ cần nghe và cảm là đủ để khẳng định đó là tác phẩm vượt thời đại. Người tiếp cận không chỉ cần có một lòng Nhân thuần túy, mà phải có cả chữ Nhẫn trong mối quan hệ giằng co giữa các ý nghĩ hỗn độn, mới mong tiếp cận triệt để. Nếu như điều vừa nói không sai, thì có lẽ 46 giờ đồng hồ vừa qua, tôi không cảm thấy mình đang sống thừa và sống phí. Bởi chí ít, đã đẻ vội được một vài hạt cát tật nguyền, thả nó ra mặt đường bỏng rát khi mặt trời chiếu rạng...
Trịnh Tuấn
Theo http://honque.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...