Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Hà Nội trong những ca khúc bất hủ

Hà Nội trong những ca khúc bất hủ
Với tình cảm dạt dào, rất nhiều nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác nên những ca khúc bất hủ về Hà Nội - trái tim của cả nước.
Thủ đô Hà Nội luôn là biểu tượng của nền văn hóa và một niềm tự hào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cách đây 59 năm, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, sạch bóng quân thù trong niềm hân hoan của hàng triệu con tim.
Cùng Chúng ta nghe lại những nhạc phẩm hay về Hà Nội để mỗi người thêm yêu và tự hào về thủ đô ngàn năm văn hiến:
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thi đã khiến người nghe cảm nhận được bức tranh rực rỡ nhất về đất Thăng Long, niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Những câu hát thân thương, vừa trữ tình vừa hào hùng: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!” đã in sâu vào trái tim nhiều thế hệ người Tràng An.
Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc. Ảnh: Internet.
Cùng chìm đắm trong những câu hát ngọt ngào, giai điệu ngọt ngào, du dương về một Hà Nội yên bình, tươi đẹp trong nhạc phẩm "Hướng về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương.
Những ca từ rất đẹp của bài hát: "Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi. Nắng hè tô thắm lên môi. Thanh bình tiếng guốc reo vui. Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi. Nhớ về người những đêm rơi. Nhắn theo ngàn cánh chim trời...".
Có lẽ bài hát sẽ còn mãi với thời gian chính là “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân và gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ Trung Kiên. Những lời hát đã trở thành tâm hồn của mỗi người con đất Việt: “Mặt Hồ gươm vẫn lung linh mây trời, càng toả ngát hương thơm hoa thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô. Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau. Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng, của núi sông hôm nay và mai sau”
Giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Quang Dũng như đưa ta về với Hà Nội yên bình, gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng, đầy tự hào: “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu. Một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Với nhạc phẩm “Tiến về Hà Nội”, nhạc sĩ Văn Cao đã đưa người nghe về với một thời lịch sử hào hùng, khó quên của dân tộc: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố…”
Dường như bất cứ ai cũng sẽ xuyến xao khi nghe những ca từ ngọt ngào của bài hát "Hà Nội mùa thu" của nhạc sĩ tài hoa Vũ Thanh: "Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta. Như bâng khuâng nghe gió đưa. Vang vọng giữa Ba Đình".
Chắc chắn không mùa thu nơi đâu đẹp như Hà Nội. Với cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, đó là ánh nắng long lanh, con đường xôn xao lá, ánh trăng và môi hồng của giai nhân. Những câu hát dịu dàng, say đắm qua sự trình bày của Hồng Nhung khiến người nghe không khỏi bồi hồi khi nhớ về một Hà Nội hào hoa, say đắm và lãng mạn trong tiết thu.
Những ca từ đẹp và trong trẻo của bài hát: "Bởi vì mùa thu tôi ở lại. Hà Nội mùa thu Hà Nội thu. Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ. Không bởi vì em hay vì em..."
Hà Nội đêm trở gió
Nhắc đến những ca khúc bất hủ về Hà Nội không thể không nhắc đến "Hà Nội đêm trở gió" của nhạc sĩ Trọng Đài. Bài hát đã gắn liền với bào thế hệ yêu nhạc và yêu mảnh đất thủ đô yêu dấu. Giống như những câu hát thân thương không thể nào quên: "Hà Nội ơi ta nhớ không quên. Hà Nội ơi trong trái tim ta".
Ca khúc được mọi người yêu mến và thuộc nhiều nhất có lẽ là ca khúc "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa" của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Đây cũng chính là nhạc phẩm quen thuộc với người FPT bởi tác giả chính là "nhạc sĩ duy nhất của tập đoàn". Ca từ và nhạc của bài hát đã chắt lọc được những nét đẹp tinh tế nhất của mùa thu Hà Nội: "Hà Nội mùa này chiều không buông nắng, phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô, quán cóc liêu xiêu một câu thơ. Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ".
Nếu ai đã từng yêu trong mùa thu Hà Nội chắc hẳn không thể quên câu hát nổi tiếng: "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em". Bằng những cảm xúc tinh tế nhất, nhạc sĩ Hồng Đăng đã tìm được "hồn" của Hà Nội qua hương hoa dịu ngọt và mối tình dang dở của người thiếu nữ.
Trời Hà Nội xanh
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, Hà Nội vẫn hiện lên với vẻ đẹp thân thương mà oai hùng qua nhiều ca khúc. Đặc biệt "Trời Hà Nội xanh" của nhạc sĩ Văn Ký viết năm 1983, khi Hà Nội đã sống trong những ngày bình yên sau chiến tranh được nhiều người yêu thích.
Hình ảnh bầu trời xanh đặc trưng cùng những hình ảnh gợi nhớ về "Hà Nội, 12 ngày đêm" hay những trận đánh oai hùng của người dân thủ đô đều hiện hữu trong giai điệu tha thiết của ca khúc làm say đắm lòng người.
Hà Nội cùng vẻ đẹp tuyệt diệu của mùa thu đã đi vào trong nhiều ca khúc hay như: Mối tình đầu, Hà Nội mùa thu sớm, Hoa sữa, Hà Nội mùa hoa sấu, Hà Nội mùa thu, Đoản khúc thu Hà Nội, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió;... Đặc việt với những tình cảm đôi lứa hòa quyện trong sắc trời thu Hà Nội được thể hiện xuất sắc qua hai ca khúc "Chiều Hà Nội" (Vũ Quang Trung) và "Hà Nội mùa lá bay" (Hữu Xuân).
Những mùa đông yêu dấu
Hà Nội không chỉ đẹp trong những ngày thu lưu luyến mà còn lung linh trong cả mùa đông lạnh giá. Ca khúc "Những mùa đông yêu dấu" của Đỗ Bảo chắc chắn là ca khúc nhạc trẻ xuất sắc nhất về mùa đông Hà Nội.
Ngoài các ca khúc kể trên, đề tài về Hà Nội luôn là mạch nước không bao giờ cạn chảy suốt các ca khúc của nền âm nhạc Việt Nam. Các ca khúc như: Hà Nội những năm 2000, Nồng nàn Hà Nội, Hà Nội trà đá vỉa hè, Thu Hà Nội... sáng tác trong những năm gần đây cũng được nhiều người đón nhận và yêu thích.
Thành Minh (tổng hợp)
Theo http://chungta.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...