Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Chế Lan Viên - Tuyển tập và những lời bình

Chế Lan Viên - Tuyển tập và những lời bình
Nhà thơ 
Về thăm xứ Huế 
Mơ trăng 
Tín hiệu 
Trưa đơn giản 
Có lúc 
Sen hư tưởng 
Nhiệm vụ 
Tiếng chim vít vịt 
Canh cá tràu 
Rễ... hoa 
Kỷ luật 
Tuổi già làm thơ tứ tuyệt 
Thua ong 
Tiếng hát con tàu 
Tạo hóa tạo hình 
Chèo xứ Bắc 
Đột ngột cây chiều
Khi qua đời năm 1989, Chế Lan Viên để lại một sự nghiệp thơ có nội dung phong phú nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam.
Cơ hồ bất cứ cái gì cũng có thể làm đề tài cho thơ Chế Lan Viên: triết lý, nghệ thuật, lịch sử, chính trị, xã hội, nhân sinh v.v. Thi sĩ chú ý đến cả ba phạm trù Chân, Thiện, Mỹ, và xông xáo trong cả hai cõi hữu hình và siêu hình! Đặc biệt, Chế Lan Viên đã sáng tác rất nhiều bài "thơ nghĩ về thơ".
Nghe nhắc đến "thơ trí tuệ", nhiều người có cảm tưởng "khô khan", thậm chí đặt vấn đề liệu đó có phải đích thực là thơ. Thiết tưởng dù suy nghĩ thuần túy cũng vẫn có thể "nên thơ", huống chi thường khi, bất kể đề tài, trong cái nghĩ vẫn chen cái cảm.(1) Vấn đề là thi sĩ có tài diễn cho sinh động những cảm nghĩ của mình hay không. Chế Lan Viên làm được điều ấy.
Và tuy nổi tiếng hay thắc mắc, suy tưởng, nhưng thực ra Chế Lan Viên cũng không lơ là với nội dung tình cảm: ngoài những bài diễn tình chung là lòng yêu nước, ông để lại không ít thơ chứa đủ thứ tình riêng. Thơ tình cảm của ông "không (...) cuồng nhiệt si mê, mà ý nhị đằm thắm, trang nhã".(2)
Huy Cận bảo hình thức và nội dung của một bài thơ "quyện nhuyễn vào nhau làm một".(3)
Thơ Chế Lan Viên lắm nội dung, nên cũng lắm hình thức: cổ phong, Đường luật, lục bát, thơ Mới... Nhiều nhất là loại thơ "tự do có vần". Chế Lan Viên chủ trương:
"Tự do quá cũng giết chết thơ như gò bó
Kỷ luật bắt ta tìm vàng ở ngay trong đất thó
Còn tuyệt đối tự do thì biến hoa thành ra cỏ
Bởi xô bồ"!
(4)
và thường chọn cho thơ mình thứ kỷ luật vần.
Chế Lan Viên sáng tác rất khỏe, dựng một cõi thơ bát ngát.(5) Dĩ nhiên nghệ thuật quý chất hơn lượng. Nhưng nếu đem so con số những bài thơ hay, chắc chắn trong làng thơ Việt Nam xưa nay ông cũng đứng ở ngay hàng đầu.
Sau đây là Tuyển 1 trong một số tuyển thơ Chế Lan Viên mà chúng tôi định sẽ thực hiện. Tất cả các bài đều sắp xếp ngẫu nhiên chứ không theo thứ tự thời điểm sáng tác, hay theo nội dung, thể thơ gì cả.
Nhà thơ
Mới trông qua tưởng trái cây, trông lại thấy... trái tim "ròng ròng máu nhỏ"!
Mới trông qua chỉ thấy Thúy Kiều, trông lại, ô kìa, chính Nguyễn Du!
Nhà thơ không đưa ngay trái tim mình cho
độc giả
Mà hái một trái cây đưa cho họ
Họ cầm lên ròng ròng máu nhỏ
Hóa ra đấy là trái tim mình
Mà anh chạm trổ
Anh tạo ra hình quả
Che đi chính mình.
Về thăm xứ Huế
Dù "anh" có "về thăm xứ Huế" ngay trong năm 1975 đi nữa, thì sen trắng cũng đã thơm ngát cổ thành mấy chục mùa liên tiếp không anh... Bóng cùng "chen bóng cành hoa" chừ biết nơi mô.
Thơm ngát mùa sen trắng cổ thành
Về thăm xứ Huế chỉ mình anh
Lăng vua hoa đại rơi đầy lối
Chen bóng cành hoa, chỉ bóng mình.
Mơ trăng
"Thuyền ai giỡn nước sông Ngân" khiến văng mấy giọt sao xuống trần. "Ngoài thôn lạnh" xương khô Chàm (?) trở trăn, rên rỉ.
Cái đêm trăng Bình Định, nó khiến những tâm hồn đặc biệt nhậy cảm thấy, nghe mới lạ sao.
Mây chắp lụa dài vây núi biếc
Sương xây mồ bạc giấu trăng vàng
Thuyền ai giỡn nước sông Ngân ấy
Mà để sao sa xuống cõi trần?
Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ (6)
Tiếng khua vang rạn khắp đầu ta?
Có ai rên rỉ ngoài thôn lạnh
Như tiếng xương người rên rỉ khô
Mơ rồi! Mơ rồi! Ta mơ rồi!
Xạc xào chỉ có lá vàng rơi
Quanh mình bóng tối mênh mang cả
Thấp thoáng đôi hồi lửa đóm soi
Tín hiệu
Thơ có thứ đọc qua thấy khô khan, đọc kỹ lại thấy có tình cảm "núp" sau lời.
"Phải giấu tình cảm anh đi". Giấu không phải vì xấu hổ, mà giấu vì người đọc thơ, vì thơ.
Tả một môi son, có khi anh chỉ nói sắc sen hồ
Phải giấu tình cảm anh đi như ém quân trong rừng vắng
Chỉ vì anh nghĩ đến người độc giả mai sau
có cái thú đi tìm vàng trên trang giấy
Đang bơi thuyền giữa sen hồ bỗng bắt gặp môi son
Trưa đơn giản
Lấy óc mà hiểu Trưa Đơn Giản là chuyện không đơn giản chút nào, có thể vỡ óc!
Óc có vỡ, ấy bởi dùng không đúng chỗ. Đừng cố "mổ" Trưa. Hãy thử cảm mà thôi xem.
Trưa quanh vườn. Và võng gió an lành 
Ngang phòng trưa, ru hồn nhẹ cây xanh. 
Trưa quanh gốc. Và mộng hiền của bóng 
Bỗng run theo... Lá run theo nhịp võng... 
Trưa lên trời. Và xanh thẳm bầu trời 
Bỗng mê ly, nằm thấy trắng mây trôi 
Trưa! Một ít trưa lạc vào lăng tẩm 
Nhập làm hồn những tượng xưa u thảm. 
Trưa, theo tàu bước xuống những sân ga 
Dựng buồn lên xa gửi đến Muôn Xa. 
Đây trưa hiện hình trong căn trường nhỏ 
Đưa tay lên thoa những hàng kính vỡ. 
Trưa gọi kêu, nâng ngực gió lên trời, 
Bên vú trái tròn, lá bỗng run môi.
Tiếng ca vương buồn thương song cửa sổ: 
- Nâng không gian trưa đặt giữa lòng người.
Sen hư tưởng
Chính "trưa" mới hư tưởng!
Cái "mùi lá sen non dại" rất thực ấy, nó vẽ trong lòng ta lắm thứ đến hay!
Nhớ lá sen hồ xa 
Anh cùng em đến hái 
Mùi lá sen non dại 
Đưa hai đứa lại nhà... 
Nhưng cái hồ sen ấy 
Ta đã đến đâu mà 
Chưa trưa nào thế cả 
Trong cuộc đời hai ta 
Sao mùi sen non dại...?
Có lúc
Cái cây thông, Nguyễn Công Trứ có lúc chán đời xin kiếp sau được làm nó để "đứng giữa trời mà reo". Còn Chế Lan Viên có lúc thích làm thông để "chống chọi với trời đông nghiêm khắc", với "triệu tấn mây buồn áp bức"...
Có lúc phải làm thông gồng mình lên "nhọn hoắt", "vững vàng xanh", nhưng rồi có lúc được làm lau "buông thả phó mình cho gió thu vàng xạc xào xao xác", được buông "vũ khí" mà cất "tiếng hát mông mênh", làm người mà được thế tưởng không tệ...
Có lúc anh thích làm cây thông chống chọi 
với trời đông nghiêm khắc 
Triệu tấn mây buồn áp bức trên đầu thông 
nhọn hoắt 
Vững vàng xanh. 
Có lúc anh thích làm cây lau buông thả phó mình 
Cho gió thu vàng xạc xào xao xác 
Cây lau không vũ khí, mà chỉ có mơ hồ tiếng hát 
Mông mênh.
Nhiệm vụ
Chế Lan Viên băn khoăn cả siêu hình lẫn hữu hình. Khi này ông thắc mắc "Ta là ai?", khi khác ông trăn trở ta nên sống thế nào.
"Dẫu là vì vua què (...) cứ phải...". Thì cũng như dẫu biết thừa là "bánh vẽ", vẫn cứ "ngồi vào bàn (...) cầm lên nhấm nháp".(7)
"Đội mũ, mang hia", hay đội... nắng, mang... chân không, dù trời bắt sắm vai nào, cũng phải cố đóng cho giỏi, tất cả bạn diễn viên ơi!
Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa 
mà còn để mang thương tích 
Cũng không phải chỉ nỗi đau cao sang mà là 
hủi cùi ghẻ lở đục hình hài. 
Nhưng đã là người thì phải cày cuốc đan thêu, 
thả lưới, trồng cây, gieo hạt... 
Dẫu là vì vua què thì cứ phải lên ngôi, 
Vẫn phải đúc niên hiệu anh vào tiền, 
ghi năm anh trị vì vào lịch, 
Chớ vì què mà khập khiễng lên ngai. 
Ở đời nếu không hài thì cũng phải chơi bi kịch 
Màn mở, trống rung rồi, anh phải đội mũ, mang hia lên, 
Mang số phận vào người.
Tiếng chim vít vịt
Chim vít vịt không biết có phải là chim vịt, chim chăn vịt, chim tìm vịt hay không?!
Chim gì không quan trọng, quan trọng là
"Những cái gì một đời mà khoảnh khắc".
Một đời khoảnh khắc, cũng như "Mãi mãi (...) trong những phút giây"(8), cũng như màu tre xanh mãi mãi trong tiếng chim vít vịt!
Chim vít vịt kêu trong lùm tre 
Thơ dại 
Chim im rồi, tre lại 
Sẫm xanh hơn 
Và màu xanh như rót xuống 
tâm hồn 
Anh chỉ là kẻ phàm phu mắt thịt 
Chỉ nghe được tiếng chim khi chim kêu 
Đâu biết màu tre xanh 
cũng là tiếng 
chim vít vịt. 
Anh nghe sao được cái lặng im 
thẳm sâu trong hồn 
Nuối tiếc 
Một đàn vịt đã bay, đã mất 
Những cơn mưa xa tắp 
Chưa về giữa quãng trời, quãng đời khô khốc
Những cái gì một đời mà khoảnh khắc 
Để bây giờ 
Vít vịt gọi, kêu, lên tiếng nhắc 
Giữa trời.
Canh cá tràu
Cá tràu hình như người Bắc gọi là cá quả.
Hòa bình trở lại, Chế Lan Viên vào Miền Nam, về thăm quê Bình Định, ăn một bữa cơm nước mắt.
Cơm chan nước mắt, nhưng thơ chỉ ẩm chứ không ướt, điển hình thơ tình riêng của Chế Lan Viên.
Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế 
Khế trong vườn thêm một tí rau thơm 
Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ 
Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!
Rễ... hoa
Dĩ nhiên Chế Lan Viên đang nói về thơ, về nghệ phẩm. Chẳng có đóa thơ, đóa văn, đóa tranh, đóa tượng, đóa nhạc nào không có rễ. Rễ càng sâu, hoa càng đẹp.
Hoa thật rồi tàn, khiến người thưởng thức tiếc nuối. Hoa nghệ thuật không tàn, nhưng đến lúc nào đó sẽ không còn ai thưởng thức nữa...
Rễ sâu, ai biết là hoa 
Xoắn đau núm ruột làm ra nụ cười 
Im trong lòng đất rối bời 
Chắt chiu từng giọt, từng lời lặng im 
Uống từng giọt nước đời quên 
Aên từng thớ đá dựng nên sắc hồng 
Nở rồi, trông dễ như không 
Một vùng sáng đọng, một vùng hương bay 
Tụ, tan màu sắc một ngày 
Mặt trời hôm, mặt trời mai ngoảnh cười. 
Bắt đầu từ rễ, em ơi!
Kỷ luật
Kỷ luật là khuôn, có chui qua nó thì hổ, hươu, thơ mới có hình.
Nếu không chịu khó chui, thì hổ, hươu là một đống... lông, còn thơ là một đống chữ.
Khuôn thơ có thứ làm sẵn, có thứ nhà thơ tự làm
Cần có cái gì như tai ương đến với bài thơ 
Đó là luật lệ, đó là điệu vần, đó là gò bó... 
Nó không thể thẳng đuột đi con đường bỏ ngỏ 
Mà chỉnh tề hàng ngũ trước gian truân. 
Có lẽ đã qua một cơn thử lửa nào chăng mà 
con hổ có lông vằn? 
Qua nghìn nhát dao đâm nào chăng mà 
hươu sao có đốm?
Tuổi già làm thơ tứ tuyệt
Ông nói vậy, chứ vẫn tiếp tục ít thơ bốn câu cho đến tận khi "về" (năm 1989).
Mà ông đùa, chứ thơ đâu phải hễ ngắn là tép, dài là tôm! Cứ đọc những bài thơ ngắn của chính ông thì biết
A
Cười mình vung lưới rộng 
Thu về con tép con 
Nhặt bốn câu bé bỏng 
Sải cánh cả tâm hồn
B
Quên mất mình vừa sáu chục 
Mở trang giấy rộng, viết dài 
Gương nhắc mái đầu chớm bạc 
Lại làm có bốn câu thôi.
Thua ong
Rắc rối với những đóa đời 
Là có khi bay qua rồi 
Anh mới biết. Để mà tiếc. 
Thời gian chảy một chiều thôi.
Đến với hương, anh cứ phải đi vòng 
Đi bất tận mà thua loài ong nhỉ 
Vụt một cái, chúng vào sâu tận nhụy 
Vào cung hoa thầm kín nhẹ như không.
Tiếng hát con tàu
"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!"
Không phải đất nào ở lâu cũng hóa tâm hồn. Hóa chỉ xảy ra khi giữa đất và người có tình nghĩa, có yêu thương...
Về cuộc trường kỳ kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp, Chế Lan Viên làm tương đối ít thơ, nhưng vẫn để lại được thơ giá trị, như bài rất nổi tiếng này. 
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc 
Khi lòng ta đã hóa những con tàu 
Khi Tổ Quốc bốn bề lên tiếng hát 
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu? 
Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng? 
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội 
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi 
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng 
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp 
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi? 
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép 
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia 
Trên Tây Bắc, ôi mười năm Tây Bắc! 
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng 
Nơi máu nhỏ tâm hồn ta thấm đất 
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân 
Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa 
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường 
Con đã đi nhưng con còn vượt nữa 
Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương 
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ 
Cỏ đón giêng, hai, chim én gặp mùa 
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa 
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa 
Con nhớ anh con, người anh du kích 
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn 
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách 
Ðêm cuối cùng anh cởi lại cho con 
Con nhớ em con, thằng em liên lạc 
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ 
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc 
Mười năm tròn chưa mất một phong thư 
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc 
Năm con đau, mế thức một mùa dài 
Con với mế không phải hòn máu cắt 
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi 
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ 
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương? 
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn! 
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét 
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng 
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc 
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương 
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch 
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng 
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch 
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương 
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi? 
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ 
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội 
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga 
Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng 
Mùa nhân dân dăng lúa chín rì rào 
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến 
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao 
Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ 
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ 
Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa 
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta 
Lấy cả những cơn mơ. Ai bảo con tàu không mộng tưởng? 
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng? 
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.
Tạo hóa tạo hình
Đây một quả buồn, kia một vũng vui... Cả cái tự nhiên muôn hình vạn trạng này chẳng qua những trận vui buồn bất chợt của Ai sao?
Rồi Ai đã "cảm" thế nào mà tạo ra loài người là thứ sinh vật cũng loay hoay "tạo"?
Bao nhiêu núi bể bấy nhiêu Tình. Bao nhiêu thơ tranh tượng nhạc bấy nhiêu tình. Tình của Người và của người hiện hình chật ních thế gian!
Một chiều kia Tạo hóa bỗng dưng buồn 
Liền lấy buồn ra dựng những Thiên Sơn 
Kể cứ buồn không thôi, chả làm gì cũng là Thượng Đế 
Nhưng tạo hình cho buồn, thế cũng hay hơn. 
Một lần kia Thượng Đế bỗng dưng vui 
Người chỉ vui thôi thế cũng đủ rồi 
Nhưng Người liền nổi sóng lên làm Đại Hải 
Để cho thủy triều xuống lên đổ những trận cười 
Chả là Người thấy chúng ta đang chứng kiến Người 
Chúng ta đòi Hình ở chỗ Người chỉ có Tình thôi đấy. 
Chúng ta ngắm núi, bể nơi Người chỉ biết buồn vui.
Nghệ sĩ là người nào biết gián cách họ với ta bằng tác phẩm 
Đem tất cả cái Bên Trong tạo hình thức Bên Ngoài.
Chèo xứ Bắc
Sơn Nam bảo làm văn nghệ lắm khi là khóc mướn thương vay.
Tức chẳng hạn người trong cuộc xúc động về chuyện gì đó mà rơi nước mắt, rồi nghệ sĩ xúc động trước cảnh nước mắt rơi mà làm bài thơ, soạn bản nhạc, vẽ bức tranh, nặn pho tượng v.v.
Khóc mình hay khóc người, miễn xúc động chân thành là được.
Điệu chèo như tà áo 
Mà thời gian thổi bay 
Cứ mỗi lần xoay 
Thì năm tháng mất 
Nhớ hậu phương mười năm xa lắc 
Nhớ rau rút ao bèo đất Bắc 
Buổi tiễn đưa một bát canh cần 
Nhớ đầu tre vẫy ngọn lúc xa làng 
Người con gái tiễn ra bờ đê không dám khóc 
Tiếng í a dìu dặt 
Đêm hội chèo thơm nức hoa xoan... 
Bao bạn cùng quê cùng đi đánh giặc 
Chia tay nhau biết mấy chiến trường 
Hẹn ngày về nghe chèo xong ra sông tắm mát 
Mà nay lắm thằng đành ngủ lại Trường Sơn.
Đột ngột cây chiều
"Em hẳn nhớ mong anh", tình yêu chắc chắn ghê.
Chuyện hai lòng Chế Lan Viên thường chỉ bốn câu, mà thấm.
đột ngột cây chiều xanh mướt xanh 
thôi rồi em hẳn nhớ mong anh 
phố dài bóng nắng cây hai dãy 
thiếu giữa hàng cây dáng chúng mình.
(1) Trần Mạnh Hảo nói về thơ CLV: "... vừa rưng rưng sương khói cảm xúc, lại vừa chói lòa ánh sáng của trí tuệ" (TMH, Thơ - phản thơ, nxb. Văn Học, VN, 1997, tr. 36).
(2) Lời Nguyễn Xuân Nam, trong Chế Lan Viên - Tuyển tập I, nxb. Văn Học, VN, 1985, tr. 68.
(3) Trong Tuyển tập Huy Cận II - Thơ và văn xuôi, trích đăng lại trên trang gocnhin.net dưới nhan đề "Sự đầu thai của một tứ thơ".
(4) Bài Tự Do Và Thơ.
(5) Một số thơ in sau khi tác giả qua đời, thành ba tập "Di cảo".
(7) "Ai trở đầu lâu trong nấm mộ" chăng?
(8) Bài Bánh Vẽ.
(9) Bài Mãi Mãi của Xuân Diệu.
Câu thơ dang dở 
Thơ và bạn đọc 
Vườn quê 
Người yêu ở Việt Nam 
Nhớ tuổi thơ 
Bánh vẽ 
Hương hoa nhài 
Trên đường về 
Vẽ cá 
Một nửa... 
Nhớ mình 
Chùa nghèo 
Tương quan 
Ví dầu
Câu thơ dang dở
Năm 1985, một nhà thơ sắp thôi. Năm 2011, chính thơ sắp thôi!
"Thơ anh" may mắn còn kịp có người đón. Thơ ra đời gần "tận thế thơ" sẽ tan biến như chưa bao giờ ra đời!
Trời vào thu, anh ê ẩm khớp xương
Anh bải hoải thân mình với gió mùa bên cửa
Một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở
Và ai đón thơ anh ở cuối con đường?
Thơ và bạn đọc
Nghệ phẩm đích thực nào chả là chân dung tự họa
Anh tha hồ vẽ cảnh vẽ nhà vẽ ao vẽ phố
Vẽ cả những ý nghĩ về vẽ của mình
Anh cứ phóng cọ phóng bút mặc ý mặc tình
Chỉ cần nhớ sao cho khi xong
Bạn xem bạn đọc sẽ thấy có lòng trong! (TT)
Bạn đọc cần những bài thơ như tâm hồn thứ hai của họ,
Ngoài tâm hồn họ ra, họ cần thêm một tâm hồn.
Sao anh tả cảnh, tả nhà, tả ao, tả phố...
Để thêm anh vào họ rồi, cho họ trăm thứ rồi, họ vẫn cô đơn.
Vườn quê
mình theo mình dạo vườn quê
"phút linh cầu mãi" chưa nghe nhập thần (1)
cúc mai chẳng chịu hóa vần
về mau em hỡi hoa lòng của anh! (TT)
vắng lặng vườn quê mình lại mình
câu thơ theo mãi vẫn chưa thành
đỏ hồng hoa giấy, vàng mai, cúc
em vẫn chưa về, thơ vắng tanh.
Người yêu ở Việt Nam
Bắt đầu chỉ có giặc ngoài
Anh ra đi, đánh nó bằng gươm bằng súng
Chiến sự dằng dai
Lần hồi
Một thằng giặc thứ hai
Lén lút len vào lòng chị
Nó đánh du kích
Chủ yếu về đêm
Ẩn hiện như ma
Trăm nghìn muôn xin các chị
Vì người xa, giặc lòng đánh chết chẳng tha! (TT)
Người tình nhân Việt Nam
Sáng ra mặt quay về phía chiến trường
Đêm đối diện ngọn đèn hạt đỗ
Giữa hai nơi là mây trắng thời gian không thể đo lường
Ngày lắng tiếng bom gầm tọa độ
Ðêm ngủ với kỷ niệm với thư và với gió
Với ngọn đèn vặn nhỏ
Mờ sương.
Xa nhau một ngày cũng tợ mười năm
Cách nhau mười năm đất liền hóa vực
Biệt ly là vốn cộng thêm lời lãi cao chồng chất
Bao giờ trả xong?
Bao giờ trả xong, xin hỏi ngọn đèn
Đã thay mấy nghìn lần sợi bấc
Mặt trận phía đằng sau này, chị vẫn giữ y nguyên.
Ngọn đèn
Vặn thầm đi cho dễ ngủ
Ngọn đèn
Vặn to lên xua nỗi nhớ
Hàng vạn cánh phù du về đây chết đêm đêm
Trận tuyến của lòng đôi khi muốn vỡ
Khi mùa về chim gọi nôn nao
Khi làng xóm râm ran đôi lứa
Khi trời bỗng sầm mây và trở gió
Khi nắng quái chiều hôm tan buổi chợ
Khi soi gương tóc có phai màu
Hoa đẹp lắm khi là kẻ thù của chị
Một mùi hương thơm đến nhức đầu
Gác tay lên trán
Không để mặt trận này núng thế
Rót dầu thêm
Chị khêu lại ngọn đèn
Cháy rực ngọn lửa hồng chung thủy.
Mặt trận phía sau này, chị vẫn giữ y nguyên.
Nhớ tuổi thơ
"Trời xanh thế!"!
Trời Bình Định, Quảng Ngãi nó xanh thế nào mà người Bình Định Yến Lan, CHẾ LAN VIÊN, Võ Phiến, người Quảng Ngãi Tế Hanh cùng kêu lên như thế?
Trên trời xanh, dưới thì... đất gáy, buổi trưa nào, "chao ôi nhớ!".
Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...
Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!
Bánh vẽ
Thơ CHẾ LAN VIÊN chứa rất nhiều loại tứ khác nhau, trong đó có loại là những suy nghĩ về thực tế đời sống.
"Bánh vẽ" mà cũng ăn được sao? Sao không. Nếu số phận anh là ăn bánh vẽ, thì anh hãy "mang số phận vào người"(2) mà ngồi xuống "ngồm ngoàm".
Aên bánh vẽ để chờ dịp "nhai thứ thiệt", tứ thế mà cũng nên thơ được à? Sao không. Thơ vốn quen chứa cảm, nhưng thơ cũng không từ chối nghĩ đâu.
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui.
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Hương hoa nhài
Có phải nếu hoa không tình cờ có mặt trong kỷ niệm thì dù thơm đến mấy cũng không thể khiến ta thấy xúc động?
Hương hoa phải nhắc hương tình, mới thơm được đến mức "bồi hồi bổi hổi"...
Với người không lứa đôi
Hương hoa nhài chịu lỗi
Thơm bồi hồi bổi hổi
Đâu thơm cho một người.
Trên đường về
Lớn lên giữa những tháp Chàm mà có tâm hồn nhạy cảm và trí óc siêng nghĩ, thì làm sao khỏi nảy cảm kia nghĩ nọ. Chế Lan Viên trẻ có cảm nghĩ độc đáo, lại có năng khiếu thơ, nên thơ Việt Nam có Điêu tàn.
Tác giả Điêu tàn "nhớ tiếc giống dân Hời" đến nỗi khi đặt bút hiệu đã chọn dùng một họ Hời. Nhưng thực ra giữa cái họ Chế tự đặt này và những "ma Hời sờ soạng dắt nhau đi" không có sợi dây liên lạc rõ ràng nào cả. Vì thế "những cảnh (...) trên đường về ta đã gặp" rồi KHÔNG "ám ảnh mãi không thôi".
Chế Lan Viên rời Bình Định, nhớ mẹ nhớ chị nhớ em, chứ không hề nhớ "ma". Từ 1945 đến khi mất năm 1988 ông làm vô số thơ chứa vô số nội dung, mà hình như không làm thêm một bài nào nữa về "nỗi buồn thương" lạ thuở đầu đời.
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời.....
Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui!
Đây chiến địa, nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm uất hận
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn
Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành
Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa
Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi
Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập
Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời.
Vẽ cá
Từ thơ cá đỏ đến thơ người bơi trong sóng thời gian đến thơ thời gian, đều là "anh" cả. Giờ anh mới vẽ thời gian, chứ thời gian từ lâu nó đã vẽ anh rồi!
Anh đi xem cá và gặp người áo đỏ
Anh vẽ nên cá đỏ ở trong thơ
Rồi anh lại vẽ người bơi trong sóng thời gian như cá
Rồi anh chả vẽ gì, anh chỉ vẽ thời gian.
Một nửa...
Thơ có bao giờ là chỉ mình đâu
Cái gì đó, nó với mình đấy chứ
Thu chẳng hạn, vừa khiến xào xạc lá
Vừa vào lòng, làm vàng cả câu thơ! (TT)
Bài thơ, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh, nhưng nó là mùa.
Nhớ mình
Trong thơ CHẾ LAN VIÊN không biểu lộ tình riêng cách sôi nổi. Hễ nhắc đến "mình", bao giờ ông cũng khe khẽ "mạch giấy đôi vần" thôi...
Không biết thực ra ngoài đời nhà thơ có tiết chế tình cảm đến mức như trong thơ chăng?
Qua đây ta lại nhớ mình
Gió trăng chẳng nói hết tình ta đau
Ngọn riêng gió thổi sầu lau
Mắt xa em có sáng màu nhớ nhung?
Thời gian chảy khuất bên lòng
Nhỏ to mạch gối đôi dòng xót thương.
Chùa nghèo
Không tức thị sắc, vậy mà sắc vẫn hướng về không. Cho nên mới nặn đất để thờ.
Sắc tức thị không, vậy mà không vẫn nhớ sắc. Hương lúa, màu cỏ, tiếng ve, mùa lại mùa, đâu có cái gì là thực, vậy mà "rất thực". Biết cái cõi hình sắc này là huyễn, là chẳng qua do tâm động, nhưng lỡ thấy rồi, khó quên!
Chùa nghèo tượng Phật đất
Mõ vỡ, không có sư
Chim sẻ kêu liên tiếp
Trên mái tiếng cu gù
Nông dân bận trăm việc
Không rỗi để lên chùa
Khách vãng lai hằng bữa:
Nắng vào rồi nắng ra
Nghèo không gỗ tạc tượng
Dân nặn đất để thờ
Ðất nặn không rõ nét
Mặt Phật chỉ mơ hồ
Cũng lần chuỗi, bắt quyết
Cũng vàng son sơn thếp
Nở nụ cười hư vô
Ở ngoài cửa tam quan
Là cuộc đời rất thực
Lúa đồng thơm thơm phức
Hương chùa chưa ai thắp
Hương lúa đã lan tràn
Phật ngồi trong vô thức
Động trong từng thớ đất
Nhớ ngoài kia cỏ non
Nhớ ngoài kia trái chín
Trên đồng và dưới bến
Trai gái tiếng cười giòn
Ngồi trong phi-thời-gian
Hoa sen cười nửa miệng
Nhớ xuân đi hè đến
Đời có tiếng ve ran.
Tương quan
Có đời rồi mới có thơ, đời đi trước thơ lon ton theo sau, chứ sao thơ lại sánh bước với đời? Thì lúc đầu là thế, nhưng rồi thơ lớn lên...
Rặng vải bên sông
Trái đã ướm hồng
Chỉ chờ một tiếng chim thôi
Là trái ngọt.
Tu hú ơi! Sao mày chưa chịu hót
Màu đỏ nóng lòng, mày biết hay không?
Tiếng chim chói ngời ở cổ
Chỉ chờ cho sắc đỏ chín muồi
Là ngọc xổ
Chỉ chờ cho màu hồng ngọt lự
Tiếng chim rơi...
Tương quan giữa anh và em
Giữa thơ và đời
Là vậy đó
Như giữa tiếng chim và màu vải đỏ
Đợi chờ
Thúc giục
Song đôi.
Ví dầu
Tưởng tượng một chuỗi ngọc trải dài từ năm "trai" mới thiếu niên đến tận "mé hư không"!
Bể cạn lâu rồi, vỏ trai nát lâu rồi, nhưng những kết tinh óng ánh của một đời sóng gió thì vẫn còn đây...
Ví dầu ngày mai bể cạn
Thì đây viên ngọc sau cùng
Kết tinh một đời sóng gió
Dâng đời ở mé hư không.
(1) "Phút linh cầu mãi không về": câu mở đầu bài Đợi Thơ của Hồ Dzếnh.
(2) Câu chót trong bài Nhiệm Vụ của CLV.

Tiếng ễnh ương
"Tiếng ễnh ương chiều lĩnh xướng cơn mưa muộn / Tiếng ếch xanh màu lá khoai / Bản hợp xướng của những trời mây dĩ vãng / Đến tự lòng anh hay tự giọt mưa trời?" Chiều tàn nhạc trưởng ễnh ương / Dẫn bài Mưa Xuống uênh oang khắp đồng / Nghe mưa bằng cả tấm lòng / Những trời mây cũ chập chồng trong tim...
Đừng đi chân đất
"Làm thơ không phải là đi cà khêu nhưng đừng đi chân đất / Mà là lia đôi hia hư thực / Bay trên đầu ngón chân / Đã làm thơ sao lại từ chối làm văn / Từ chối sáng tạo hồn bằng chữ? / Làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai bằng ngôn ngữ / Chớ nhân danh đất để chê Lời." "Hành tinh" đây ý nói cái có chứa sự sống. "Hành tinh thứ hai" là bài thơ, còn "hành tinh thứ nhất" là gì? Hẳn là thực tế đời sống nào đó đã khiến nảy sinh "bào thai" của tứ thơ. Làm thơ là cố đi từ một sự sống đến một sự sống. Muốn đến được, không thể cứ chân trần mười ngón bấu "đất" tiến từng bước một, mà phải mang "đôi hia hư thực" vào để "lia", "bay".
Tu hú có cần đâu
"Cẩn thận nhé! Cẩn thận nhé! / Kẻo rồi có lúc mùa vải đỏ và chim tu hú / Ðến lúc nào, đi lúc nào, ta không biết / Trời xanh, hoa mai, chim nhạn... / Về lúc nào, đi lúc nào / Ta chẳng hay cho! / Ta cúi xuống đất / Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt / Mà để lồng lộng trên cao / Những mùa trái, mùa chim bay mất / Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo! / Chim tu hú có cần đâu / Ta nghe nó hay không nghe nó / Nghe nó, ta thành tình nhân, thi nhân, triết học... / Còn nếu như không nghe / Mà ù ù cạc cạc / Thì hết mùa vải này vẫn còn mùa vải khác / Bên sông đỏ rực / Bất cần ta, vải chín đón chim về." Cứ gì "mùa vải", bất cứ lúc nào "trên cao" cũng đầy những cái đáng cho ta mở hết sức rộng tâm hồn mà "nghe". Kể ra, dưới "đất" cũng có lúc có những cái đáng chú ý. Nhưng đằng lớn nhiều đằng bé ít, thế mà càng ngày đa số nhân loại càng thường "ù ù cạc cạc" đối với "lồng lộng" để "hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi"!
Đất nghỉ
"Ðất nghỉ. Giữa một mùa đã xong và một mùa sắp mang thai, sắp làm nhiệm vụ / Từ huyện này sang huyện kia, cánh đồng này sang cánh đồng khác nghỉ ngơi / Như người đàn bà sau cơn yêu, như giáo chủ sau hồi thuyết pháp / Như sau một trang thơ, ta nằm im chờ tiềm thức phục hồi." Khi nhà thơ còn sung sức, tứ thơ trong tâm trí như nước trong giếng. Giếng, nếu thả gàu kéo nước lên tới tấp thì vơi, nhưng vơi rồi lại đầy. Vơi đầy, vơi đầy, cho đến khi "lão lai tài tận", gàu xuống thật sâu chỉ đụng đáy trơ.
Văn xuôi và thơ
"Nhà thơ hơn người là cái thế ở trên lưng ngựa / Không cương / Mà lại con xích thố / Ðang giăng bờm bão tố / Còn anh văn xuôi thì đang tản bộ / Ðường trường / Rồi lại còn cái thế trên yên mà ta đà đao, múa kiếm / Tung kiếm lên trời / Rồi đưa tay đón / Thế mới là hảo hán! / Nhưng coi chừng khi nhà văn xuôi đến đích / Thì nhà thơ ta đã rơi cái ịch / Giữa đường." Văn xuôi như ngựa thồ cắm đầu cắm cổ chạy tới chỗ đang đợi hàng. Thơ như thứ ngựa vừa chạy vừa múa. Ngựa chạy múa có thể cũng có chở một món gì, nhưng dù thế thì giao cái món ấy cũng không phải là "đích" thứ nhất của nó. Đã múa thì trước tiên cần múa cho đẹp. (Vấp "cái ịch", chẳng hạn, dĩ nhiên là không đẹp!)
Ba lần
"Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô! / Ðả đảo! Ðả đảo! Ðả đảo! / Kiên quyết! Kiên quyết! Kiên quyết! / Thành công! Thành công! Thành công!... / Tại sao lại phải ba lần? / Chúng ta bỗng dưng thành vẹt! / Nếu một lần thì sao? / Nếu hai lần, tôi muốn dừng, suy nghĩ / Hoặc có thể không hô lên lần nào / Mà tôi ủng hộ đến hồng cầu sau chót của tôi / Thế nhưng hoan hô thì phải là nắm tay và hô đến ba lần / Ðả đảo cũng như thế nốt / Ai bày ra trước? / Luật nào? / Thế nhưng hễ hoan hô thì ba lần ta phải hoan hô / Người người làm như vậy / Cứ mỗi ngày như thế / Mà ý các câu thơ mòn dần / Mà ta không thấy lộc cây ra tán lá / Mà ta với hồn thơ thành xa lạ / Dần dần..." Chế Lan Viên, hình như chuyện gì ông cũng đem ra thơ được, kể cả chuyện người bỗng dưng... May quá, rõ ràng vậy mà không phải ai cũng hóa vẹt.
Thế kỷ
"Những thế kỷ đông người mà nhân loại vắng tanh / Uổng công con công thơ xòe cái đuôi ngôn ngữ của mình / Sao bằng khi nhân loại còn ở hang tiền sử / Chưa có thơ gì nhưng giọt lệ đã long lanh." Khi lệ "long lanh" mà chưa có lời thì mới chỉ có ruột thơ mà chưa có thơ. Rồi đến khi cảm xúc "vắng tanh" thì lại chỉ có vỏ thơ mà không có ruột. "Những thế kỷ đông người mà..." hẳn bắt đầu từ thế kỷ 21!
Quả bàng vàng
"Hiệu lệnh điểm rồi / Quả bàng vàng đầu tiên rơi xuống đất / Con sông thời gian yên lặng mà tất bật / Chúng ta vào thu / Quả bàng của nhành cây một năm kiên nhẫn cần cù / Qua một mùa đông khắc nghiệt, một mùa xuân đầm ấm, một mùa hè dục vọng / Ðể vào thu trái bàng chín mọng / Anh giật mình nỗi chi? / Anh để bốn mùa qua như nước xiết / Không đọng được câu thơ nào đầu ngọn viết / Anh buồn chi?" Ðâu phải ai cũng bàng / Mà thu quả chín vàng / Cây không nhìn cây có / Giật mình biết mùa sang.
Ngày trống không
"Với những ngày trống không mờ mờ trắng mây / Cái nhạt nhẽo mù mờ vô vị / Anh làm nên kim khí / Làm nên thỏi vàng nhấp nhánh trên tay / Phải rồi, mỗi tháng, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây / Ðều có những hạt vàng chảy qua kẽ bàn tay / Lẫn với trống không mà anh chẳng biết / Những lúc thời gian ồ ồ nước xiết / Lại càng gay / Chỉ cần yêu, cầm lấy cái trống không vô vị tháng ngày / Yêu nó đi, cho nó thành báu vật / Chắt bóp nó trước khi ngày tan, tháng mất / Thì vẫn còn lại một chút gì anh không thể trắng tay / Một vết thương thành sẹo lâu ngày / Một chút nhớ đầu mày cuối mắt / Một chút nắng như con sóc đầu cây rồi khuất / Một điệu hát mơ hồ nghe thoáng đâu đây / Hãy cầm lên, bắt lấy / Có vàng lẫn trong dòng thác ấy." Trong lịch sử thi ca Việt Nam đến nay chưa có ai để lại nhiều di cảo như Chế Lan Viên. Di cảo là cái đã viết, đã ra đời, mà chưa xuất hiện giữa đời. Không rõ tại sao Chế Lan Viên để lại nhiều thế, chỉ biết trong thi nghiệp đồ sộ của nhà thơ cái phần chính thức vào đời sau khi tác giả đã ra khỏi đời không hề chỉ có giá trị thêm thắt. Ðọc di cảo, thấy "người làm vườn"(1) chăm chỉ có lẽ đã không bắt sót bao nhiêu những "hạt vàng (...) lẫn với trống không".
Thơ thế kỷ 21
"Thơ không thể cù lần / Các chữ hóa thần / Các chữ thành thiêng / Mà thơ cần cà chớn / Ðấy là một cách đa nghi thơ / Ưng bay trên đầu người, trong khí quyển / Ta lôi thơ xuống bùn, chạm vào đất đen / Nói chuyện thường ngày, vặt vãnh quàng xiên / Lột trần áo bào và mũ triều thiên / Thơ cầm bị gậy đi ăn xin ở bên đường nhân loại trẩy... / Thơ thế kỷ 21 mà! / Làm sao có thể hồn nhiên / Sau hai ngàn năm tìm tòi phá phách / Râu dưới cằm và lông trong nách / Tóc trên đầu hay bóng người trên vách... / Thơ cũng nói hết rồi! / Hàng ngàn năm nghiêm trọng đủ rồi! / Giờ thơ thử chơi! / Chơi! Nghịch. Ðùa. Thế tục. / Thượng đế có tên: Cậu Huế." Hồ Dzếnh từng cầu: "Phút linh cầu mãi không về / Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen" (bài "Ðợi thơ"). Ấy là bảy thập kỷ trước, là nghìn xưa! Bây giờ, đến ngay thần thánh cũng đã hết thiêng thì thơ còn "linh" với ai! Chế Lan Viên đề nghị "Giờ thơ thử chơi!"... Ở chỗ nào không biết chứ ở ta thực ra thơ đã "Chơi! Nghịch. Ðùa. Thế tục" lâu lắm rồi, từ trước cả Hồ Xuân Hương. Thơ "thế tục" xưa luôn hồn nhiên, đùa đùa triết triết (tí triết đời). Thơ "thế tục" nay lắm bài như ẩn ức, không triết, không đùa. Thế kỷ 21 đã mười năm rồi, ới anh hồn thi sĩ có về mà đọc thử thơ.
Ví dụ
"Ví dụ anh sinh ra trong miền đất không hoa văn / Miền biển vắng thủy triều / Khu rừng không trầm hương, di chỉ / Trời vắng mây tình yêu / Thì anh có làm thơ không đấy? / Có chứ! Càng phải làm nữa chứ! / Anh sẽ là nhà thơ có trái tim nhịp gấp / Có đôi mắt vạn hoa / Có bàn tay tung bắt / Ðược những câu tình cờ / Anh sáng tạo vì không sao phản ảnh / Anh cho đời những cái đời không cho." Cái hoa xương rồng nở giữa sa mạc, màu sắc rực rỡ của nó có phản ảnh cái gì quanh nó đâu. Hoa lời cũng thế, cuộc sống dù toàn màu xám thì nó vẫn nở ra xanh đỏ tím vàng. (Lấy đâu ra màu sắc, là bí mật của các loài hoa!)
Ngàn lau
"Xao xác ngàn lau, ngàn kỷ niệm bạc đầu, bạt ngàn xao trong gió / Miền hoa lau ấy là miền xưa, miền quá vãng, đến làm chi? / Tất cả những nơi cư trú khi người không về đấy nữa / Thì biến thành rừng hoang kỷ niệm, hóa lau le." / Không về lâu ngày quá, ngoái trông chỉ thấy dập dờn trắng. Những gì đó hóa lau le, nhưng lau le không bao giờ hóa ngược lại thành những gì đó được...
Bàng năm khác
"Sắp năm khác rồi / Cây bàng lá đỏ / Cây bàng năm trước đó / Nhưng tháng ngày khác rơi." / Cây bàng hơn ta vì rụng lá đỏ rồi lại mọc lá xanh. Đời người "xuân bất tái lai", đời cây xuân có tái lai. Ờ, nhưng thực ra không phải là "xuân cũ" về mà là "xuân mới" đến. Mới, mới, mới..., thời gian trôi đó, cho nên ngay bàng rút cuộc cũng phải vĩnh viễn thôi xanh.
Hoa sữa
"Trăng sáng màu hoa sữa/ Mùi hương rọi khắp trời/ Nằm một mình anh sợ/ Hương và trăng đến soi." Chỉ trăng thôi đã nhớ/ Thêm mùi hương soi nữa/ Bao ma cũ hiện hình / Ai một mình chẳng sợ.
(1) Trần Mạnh Hảo có bài viết về Chế Lan Viên nhan đề "Người làm vườn vĩnh cửu".
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...