Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Bay theo bầy chim sẻ

  Bay theo bầy chim sẻ
Phụng Lam ơi! Mùa xuân này sẽ vắng bóng anh. Vắng anh vĩnh viễn. Gia đình, bà con, xóm giếng và bạn văn nghệ của anh sẽ không còn được gặp anh nữa rồi. Tai nạn như một tia chớp mang anh theo chân bầy chim sẻ bay về một phương trời vô định. Ở đó những vần thơ của anh hóa thành mây trắng giăng mắc khắp đồi cao, lũng sâu và hồi báo trong lòng mọi người những dư vị ngọt ngào, xen lẫn sự đắng chát của một kiếp nhân sinh.
Lúc 11h47 phút trưa 04/02/2013 một cuộc điện thoại đột nhiên vang lên từ số máy của anh với một giọng nói thoảng thốt, vỡ òa trong tiếng khóc và tiếng nấc: “Chú gọi nhỡ cho ba con phải không? Ba con bị tai nạn mất vừa chuyển nhà xác”. Đang dự tất niên, miệng tôi đắng chát, giọng tôi nghẹn ngào. Làm sao có thể tin được từ những lời nói đó phải không?
Vội gọi cho nhà thơ Bùi Xuân, người mà tôi nghĩ là anh thân nhất trong số anh em văn nghệ Đà Nẵng. Nhà thơ Bùi Xuân nghẹn ngào với thông tin này. Ngay sau đó tôi lần lượt gọi cho các anh em văn nghệ khác: Hoàng Thanh Thụy, Nguyễn Nho Khiêm, Lê Anh Dũng, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Thị Anh Đào, Võ Thành Vọng, Thanh Tùng… và nhắn tin cho nhiều anh chị em khác nữa. Ai cũng bàng hoàng và tiếc thương anh quá chừng, anh Phụng Lam ơi! Khi gọi cho nhà thơ Trương Đình Đăng, anh ấy bảo: “Trời! Phụng Lam mới vừa sang nhà, mang giúp tờ báo Công An Đà Nẵng và nhuận bút cho gia đình Phan Minh Mẫn”. Chừng 30 phút sau, nhà thơ Bùi Xuân gọi lại. Anh với anh Hoàng Thanh Thụy đang đợi cùng gia đình đưa anh Phụng Lam về nhà…
Khi nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đức Nam nhận được tin nhắn về anh, cũng không giấu nỗi nghẹn ngào: “Trời! Sao thế? Bị ở đâu?...”. Rồi Nam điện thoại lại cho tôi để nói lời thương tiếc anh. Nam cũng là đồng hương Đại Lộc của anh và là bạn văn nghệ của nhau. Với tất cả chúng tôi, bây giờ cái tên Phụng Lam đột nhiên anh trở thành kỷ niệm.
Phụng Lam chỉ là bút danh. Anh tên thật là Nguyễn Tấn Sinh, sinh năm 1938, tại làng Lam Phụng, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Như vậy, bút danh của anh được đảo ngược từ tên làng quê sinh ra anh. Không biết đó có phải là lý do khiến cho thơ anh thường nhắc đến “làng”, nghĩa là nhắc đến “quê”. Trong bài viết về tập thơ Mùa Gió Ngược (Nxb Văn Học - 2011), nhà thơ Bùi Xuân đã từng nhận xét: “Tôi nghĩ, nhiều người làm thơ về làng quê, song đưa ngôn ngữ làng vào thơ tự nhiên như Phụng Lam thì không hẳn ai cũng làm được. Phụng Lam giàu có vốn từ ngữ về làng quê. Anh là người thuộc tiếng làng, giỏi nói cách quê, trong khi nhiều người trong chúng ta lại vô tình để tiếng quê rơi vãi…”
Đúng là thơ Phụng Lam hầu hết chọn chủ đề “quê” để viết, cho dù anh đã rời quê ra phố nhiều năm và nhọc nhằn trong kiếp sống phố phường. Lâu lâu không gặp, anh gọi mời tôi ngồi đâu đó uống cà phê, vì anh không… lai rai được như những anh em văn nghệ khác. Tính anh hiền hòa, ít nói, nụ cười hiền từ. Do vậy những lần gặp nhau thường là mọi người nói nhiều hơn anh nói. Thỉnh thoảng anh móc túi ra “khoe” một vài bài thơ anh vừa mới viết. Trên những bài thơ đó anh còn đang sửa chữa. Tôi biết anh là người lao động cẩn trọng, nhọc nhằn với câu chữ. Có một lần anh “khoe” bài thơ mới viết mang tựa đề “Rượu quê”. Tôi thành thật khen anh cách chọn chữ. Mọi người đều thích chữ “quê” mà anh đặt sau chữ “rượu”, để thành hai chữ quen thân, mộc mạc và gần gũi là “Rượu quê”. Đây là một từ đắc ý của anh. Nhiều người thích bài thơ “Rượu quê” này lắm:
“Rượu quê
dầm ngọn nắng quê
rạ rơm, cỏ dại bờ đê, trái bần
khúc ve rơi ngửa nong tằm
ủ men chờ đợi mùng năm trưa làng
Rượu quê
dầm sắc thu vàng
mũi kim mẹ vá nhọc nhằn áo cơm
tiếng chim bịp đỏ hoàng hôn
giọt mưa ngâu thấm nguồn cơn thu vàng
Rượu quê
dầm rét ngọn bàng
ánh trăng run tiết đại hàn đêm đông
giấc mơ em gái mượn chồng
chiếu chăn màu lá diêu bông mỏi mòn
Nụ hôn cởi yếm cành non
đất trời vạn vật mở lòng đón xuân
bỗng thèm hương vị men dầm
thả trôi mộng tưởng chén trần rượu quê.”
Trong nỗi buồn khó tả vào một ngày gần tết, sau hôm Ông Táo đã về trời, tôi ngồi uống chén “Rượu quê” của anh một mình. Anh đong rượu cho tôi và cho mọi người, nhưng anh thì lặng lẽ và chợt vút bay theo bầy chim sẻ,  thiên di ra khỏi cuộc sống đời thường. Tôi chỉ biết gởi theo anh một chút tình tôi qua những giòng chữ viết vội này mà thôi. Anh hãy mỉm cười, vì chúng tôi sẽ không bao giờ quên anh với những gì mà anh đã tận hiến cho cuộc đời này.
Mai Hữu Phước
Theo http://www.songtho.net/
                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đ...