Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử
Khi nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong (1930-1965) đặt bước chân đầu tiên lên nguyệt cầu hoang vu (ngày 20/7/1967), để lại câu nói bất hủ “Một bước đi nhỏ của con người, một cú nhảy vọt của loài người”, thì giấc mơ trăng của các thi nhân xưa bỗng thành mộng vỡ …- Cây đa, chú cuội, chị Hằng … phơi trần trơ trụi! –Và cũng kể từ đó giả định “Nếu trăng thôi là nguyệt”:
…“đêm sẽ trở thành vô nghĩa
chuyện Thôi Hộ
hay Hàn Mặc Tử ngày xưa yêu trăng
cũng trở thành vô nghĩa
Nếu em chẳng là em
thơ viết cũng thêm thừa
những ngôn từ đánh rơi
mẫu tự bắc cầu cho chú cuội về lại với nhân gian
từ lúc chị Hằng xa khuất bóng
nếu trăng thôi là nguyệt
giấc mơ đêm có ngàn vì sao lạc
tìm kiếm
một thiên đường ánh sáng đã hư vô.”…

(Thơ Phạm Ngọc)
Nhưng rồi dẫu sao trăng vẫn là nguồn thi hứng bất tuyệt trong thi ca Việt Nam. - Ức Trai với Mộng sơn trung đã mở ra một trời trăng đẫm chất nhàn tản vô vi -một cõi tiêu dao thanh tịnh:
Thanh Hư động lý trúc thiên can
Phi bộc phi phi lạc kính hàn
Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy
Mộng kỵ hoàng hạc thượng tiên đàn

Lê Cao Phan dịch
Trong động Thanh Hư trúc cả nghìn
Như màn gương thác đổ triền miên
Đêm qua trăng sáng trời như nước
Mộng cưỡi hạc vàng lên cõi tiên

(Mộng trong núi)

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu để lại giấc mơ ”Muốn làm thằng cuội”.– bài thơ nhuốm màu yếm thế, thứ yếm thế rất nhân văn, nói chán mà không chán khi ao ước được cùng chị Hằng mỗi năm rằm tháng Tám “tựa nhau trông xuống thế gian, cười”:
Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi
Trần giới em nay chán nữa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu, có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Đến Hàn Mặc Tử (1912-1940), vầng trăng - một hiện thực thiên nhiên khi vào ra ngưỡng cửa tâm hồn nhà thơ là hình tượng sáng tạo độc đáo trong thi ca Việt Nam. Nhà thơ say trăng, rượt trăng, uống trăng, ngủ với trăng, ngợi ca trăng vàng, trăng ngọc, ngậm đầy một miệng trăng, rao bán trăng… Nhiều bài thơ gây kinh ngạc trong cách cảm nhận, ngôn từ trong nhiều câu thơ tuyệt bút đã đẩy trí tưởng tượng lãng mạn của thi nhân đến tận cùng (romantisme jusqu’au bout):
- Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi
… Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu quy
Say! Say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô

(Say trăng)
- Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.
Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.
(Bẽn lẽn)

Bạn đọc rất ấn tượng với những câu thơ đầy những liên tưởng tinh tế vừa tả, vừa gợi kỳ thú:
- Mới lớn lên trăng đã thẹn thò Thơm như tình ái của ni cô Gió say lướt mướt trong màu sáng Hoa với tôi đều cảm động sơ.
… Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời năn nỉ của hư vô

(Huyền ảo)
Nói ”trăng thẹn thò” là cách nói nhân hóa vẻ đẹp tinh khôi, nét duyên e ấp của người thiếu nữ đến kỳ tơ liễu – nhưng so sánh và ngửi được hương trăng: “Thơm như tình ái của ni cô” thì kỳ thực không ai có thể tưởng tượng nổi – hình ảnh ni cô đạo hạnh tương tự người nữ tu trong đạo Chúa, chứa đựng một thực thể Eva nguyên trinh trong vắt, mở ra hình tượng đầy cảm xúc thẩm mĩ. “Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!” gợi liên tưởng câu Kiều “Vầng trăng ai xẻ làm đôi- nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Với Hàn Mặc Tử: “Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!”, cảm xúc được nhân lên, tình thơ thống thiết.
- Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi!

(Một nửa trăng)
Hàn Mặc Tử mất khi tuổi đời còn rất trẻ (11/11/1940) - đang độ thanh xuân, quả chín tràn trề - Những duyên tình ngắn/dài, thực/ảo và số phận tật bệnh bi thảm tột cùng - tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú… kết tinh, ký thác trong bóng nguyệt để lại thi đàn Việt Nam một Hàn Mặc Tử độc nhất vô nhị!. Hãy nghe nhà thơ giãi bày:
“Tôi làm thơ?
-Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và nghĩa là tôi mất trí, đã phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”. (Chơi giữa mùa trăng -NXB An Tiêm, trang 55)
- Vâng, trăm năm ngàn năm sau Trăng gần như “độc quyền chiếm hữu” của chàng!.

Đông Sơn
Nguồn: http://diendankienthuc.net
Theo http://mocnoi.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân,...