Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Đẹp lạ thành phố cao nguyên nắng gió

Đẹp lạ thành phố cao nguyên nắng gió
Không hấp dẫn du khách với vẻ đẹp thơ mộng và khí hậu lý tưởng như thành phố sương mù nổi tiếng Đà Lạt. Buôn Ma Thuột (tên cũ là Buôn Mê Thuột và thường được gọi tắt thân thương là Buôn Mê) có lẽ được biết đến nhiều là thành phố với vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, trực thuộc tỉnh Đăk Lăk, trung tâm văn hóa - chính trị của Tây Nguyên, nổi tiếng với “Chiến thắng Buôn Ma Thuột” ngày 10/3/1975 - mở màn thành công cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày nay, khi những ký ức hào hùng đã đi qua, Buôn Ma Thuột ít được nhắc đến với tên gọi thủ phủ Tây Nguyên, thay vào đó người ta gọi nơi đây là thủ phủ cà phê. Với độ cao chỉ khoảng 530m,Buôn Ma Thuột không có được khí hậu mát mẻ se lạnh như thành phố mù sương, nhưng có lẽ chính cái khí hậu 2 mùa mưa - khô của vùng đất đỏ bazan này lại đặc biệt hợp với cây cà phê. ỞViệt Nam có nhiều nơi trồng cà phê như: Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên,… nhưng phải có lý do thì người ta mới gọi Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk là thủ phủ cà phê, bởi lẽ không ở đâu mà cà phê lại nhiều và ngon như ở đây.
Chẳng biết từ bao giờ, cà phê không chỉ là sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên. Nét văn hóa ấy đã được chính phủ công nhận mang tầm vóc quốc gia thông qua Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2005. Văn hóa cà phê đã in sâu vào cuộc sống người dân nhiều năm nay qua hàng trăm quán cà phê đủ thể loại và phong cách rải rác khắp phố núi bé nhỏ. Từ những làng cà phê được đầu tư xây dựng hoành tráng với diện tích khủng như: Làng cà phê Trung Nguyên, Thiên đường cà phê Mêhycô,… đến những quán cà phê quy mô vừa và nhỏ với nhiều phong cách kiến trúc độc lạ và không kém phần đẹp mắt như: Xưa và nay, Không gian xưa, Vị đắng, Rainy, Thung lũng hồng,… hay chỉ là những quán cà phê “cóc” bình dân. Mỗi nơi đều có nét hấp dẫn riêng thu hút người bản xứ và du khách.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Một góc Làng cà phê Trung Nguyên
Hương vị cà phê Buôn Mê rất đặc biệt và cách thưởng thức cũng khác với Sài Gòn. Cà phê được pha đậm đặc trong ly/tách vừa phải, chỉ thêm 1-2 viên đá nếu uống lạnh, vị đắng rất đặc trưng và hương thơm ngây ngất “đắm say” lòng người. “Đắm say” ở đây bao gồm cả nghĩa đen trong từng câu chữ vì mùi vị nồng đậm ấy có thể làm bạn say đến choáng váng, nôn nao nếu uống cà phê khi đang đói hoặc không quen thưởng thức cà phê đậm đặc.
Ly cà phê Buôn Mê nồng đậm
Nói đến đây có lẽ dễ khiến người không biết uống cà phê cảm thấy Buôn Mê chẳng có gì lý thú. Nhưng du khách hãy yên tâm vì ngoài đặc sản cà phê, phố núi vẫn còn nhiều điểm độc đáo và thú vị đang chờ được khám phá.
Cái khí hậu thật kỳ lạ, mưa thì mưa tối trời tối đất có khi ròng rã rả rích mấy ngày liền, nắng thì nắng gay nắng gắt chẳng kém gì cái nóng thiêu đốt trưa hè Sài Gòn. Như cô nàng đỏng đảnh mưa nắng thất thường là vậy, nhưng cũng có lúc thời tiết dịu dàng xinh đẹp hệt thiếu nữ mới yêu, đẹp nhất là khoảnh khắc chuyển giao giữa những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Du khách đến với Buôn Mê vào thời điểm này sẽ được cảm nhận nét đặc biệt của khí hậu 4 mùa trong 1 ngày. Sáng Xuân se lạnh, sương sớm dần tan khi ánh nắng dịu nhẹ kéo đến làm vắt trong thêm nền trời xanh biếc. Trưa Hè kịp lúc khi mặt trời đứng bóng cùng cái nóng đổ mồ hôi. Chiều Thu lãng mạn khi cơn gió dịu dàng hòa quyện cùng tiết trời rực rỡ sắc cam. Tối Đông chuyển lạnh khi cạnh bên làn khói thơm nồng nhè nhẹ bốc lên từ những cốc cà phê nóng ấm.
Nếu may mắn, du khách có thể được thưởng thức hương sắc ngạt ngào quyến rũ của những rẫy cà phê bạt ngàn hoa nở rộ, vì hoa chỉ nở từng đợt rất ngắn vào khoảng tháng 3 tháng 4. Bạn sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp của vô vàn bông trắng tinh khiết nổi bật trên nền xanh mươn mướt của những tán lá cà phê, trông xa xa như những bông tuyết đầu mùa vừa đọng trên cành lá. Thêm vào đó là hương thơm ngào ngạt đến say sưa như thể dụ dỗ không chỉ bướm ong mà còn mê hoặc cả lòng người.
Những bông hoa cà phê trắng muốt
Cũng khoảng thời gian ấy, đất trời càng trở nên rực rỡ với hàng ngàn hàng vạn cánh bướm chập chờn phủ kín khắp những nẻo đường cao nguyên. Bướm xuất hiện đúng thời điểm này hàng năm với số lượng lớn đến nỗi người ta đặt cho tên gọi “Mùa bướm sâu muồng Tây Nguyên”.
“Sở dĩ gọi bướm sâu muồng vì chúng chỉ đẻ trứng trên cây muồng đen. Sau khi nở ra ăn hết vỏ trứng, lá cây, sâu sẽ rụng lông và tạo kén trong những ngày sau đó. Tới thời điểm thích hợp, những cánh bướm xanh mỏng manh sẽ tung bay, bỏ lại chiếc xác kén khô. Sâu hóa bướm sẽ bay đi tìm nước hay những vùng ẩm ướt. Ven các con sông, con suối và trên cả bề mặt tấm bê tông vừa đúc xong, từng đàn từng đàn đậu kín hệt một tấm thảm xanh, tạo nên một cảnh tượng tuyệt đẹp.” (Nguồn: vnexpress.net)
Bướm phủ kín từng mảng trên mặt đất
Sẽ thật thiếu sót khi nói đến Buôn Mê mà không nhắc đến buôn làng, rừng, thác. Những điểm tham quan khá nổi tiếng mà chắc ít nhiều du khách đã từng nghe qua như: Buôn Đôn, thác Draysap - Draynur, vườn quốc gia Yok Đôn,… cách trung tâm thành phố chừng 20-60km. Đến với những danh thắng này, ngoài sự choáng ngợp trước cảnh quan hùng vĩ, chúng ta còn có cơ hội tìm hiểu đời sống văn hóa đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số, nổi bật là “Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Thác Draynur
Đồng bào dân tộc Ê Đê
Nếu không có thời gian và điều kiện để đi xa, gần trung tâm thành phố vẫn còn những nơi đáng để lữ khách dừng chân ghé lại. Biệt điện Bảo Đại nổi tiếng với kiến trúc đẹp đậm chất Tây Nguyên và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk. Buôn Akô Dhông được xem là buôn đẹp nhất thành phố Buôn Ma Thuột, buôn duy nhất hiện giờ còn giữ được dáng dấp, nét độc đáo của một buôn làng người Ê Đê. Khu du lịch sinh thái – văn hóa cộng đồng Ko Tam giới thiệu những nét văn hóa truyền thống dân tộc bản địa, ẩm thực địa phương, con đường hoa bướm, giao lưu văn hóa cồng chiêng, câu cá,…
Con đường hoa bướm khu du lịch Ko Tam
Hồ Ea Kao - một trong những hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Tây Nguyên, được bao quanh bởi đồi núi trập trùng và những cánh rừng xanh mát.
Hoàng hôn trên Hồ Ea Kao
Hoặc đơn giản chỉ là những cung đường ngoại ô đẹp lãng mạn với những cánh rừng cao su, rừng thông trải dọc 2 bên, đâu đó còn sót lại vài khóm dã quỳ, vài bụi cỏ lau.
Cung đường ven rừng cao su mùa thay lá
Cho dù đến Buôn Mê vào thời điểm nào thì không gian phố núi vẫn yên bình, không khí trong lành, sạch sẽ, thích hợp cho những ngày thư giãn tạm rời xa ồn ào, đông đúc và khói bụi chốn Sài thành. Vùng đất cao nguyên hùng tráng và bí ẩn đang ngày càng trở nên gần gũi hơn với du khách khắp mọi miền đất nước khi các phương tiện giao thông đang không ngừng phát triển. Chỉ riêng tuyếnHồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột đã có vài chục chuyến xe khách và 5-6 chuyến bay mỗi ngày, ngoài ra còn có các chuyến bay thẳng từ Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Chu Lai, Đồng Hới, Vinh của các hãng: Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet.
Hãy thử 1 lần đến thăm Buôn Ma Thuột - thành phố cao nguyên đầy nắng gió mà đẹp lạ, chắc hẳn bạn sẽ hiểu được phần nào cảm xúc nhớ nhung quyến luyến của những con người đã trót yêu mảnh đất này, như nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông đã viết:
“Em cao nguyên huyền thoại, em cao nguyên cỏ dại, một cao nguyên ở trong tôi vừa thật gần vừa xa xôi. Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên … người ơi”
Trích bài hát: Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột - Nhạc sĩ: Nguyễn Cường - www.mp3.zing.vn.
Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột 
Nguyễn Cường - Siu Black
Theo http://pnr.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...