"Heo may lại về..."
Đã lại về những cơn gió se
se cho da thịt dậy lên một nỗi mùa. Người người đã khoác lên mình những chiếc
áo cho mắt thấy sự ấm áp và hồn thấy sự ôm ấp gần gũi. Heo may rồi!
Sao trong một khoảng chuyển
mùa, khi cái nóng của mùa hè vừa qua nhưng chưa dứt hẳn, khi cái lạnh của mùa
đông chưa tới nhưng đã ngấp nghé, có cơn gió lưng chừng đó vậy. Heo may, cái
tên gió tiếng Việt này vang âm rất lạ rất gợi. Ai trong đời nghe hai tiếng heo
may mà lòng chẳng xa vọng một điều gì.
Mẹ ta một thuở chỉ những lo
toan tất bật quanh năm cho chồng con. Nghe trời gió chuyển, đất trời vào thu,
vào đông, mẹ đã lo lục giở rương hòm tìm lại những chiếc áo bông áo sợi đã cất
dành bao mùa cho những đứa con mặc lấy cái ấm. Ta đến trường mẹ bắt mặc thật
nhiều áo, “lạnh đó con, cái lạnh đầu mùa dễ thay đổi thất thường lắm”, ta vùng
vằng vì sợ khi chạy nhảy nóng người, vì sợ bạn bè cười chế khi mặc nhiều áo vào
người nhưng chỉ là các thứ áo độn, không phải chưng diện gì cả. Heo may sau này
ta đọc trong các trang sách văn chương ngân rung nhiều cảm xúc tâm trạng. Nhưng
trong lòng mẹ, trong tình mẹ ta lúc nhỏ, đó là cơn gió của lo lắng và thương cảm.
Mẹ già đi khi ta lớn lên. Và mỗi đợt heo may về mẹ lại vẫn cứ như ngày nào lo
nhắc nhở con cháu, “sắp lạnh rồi đấy”, khiến cái se lạnh làm trĩu nặng lòng ta
thương mẹ bây giờ.
Người đã một lần sống thu Hà
Nội, thu đất Bắc, làm sao quên được những ngày trời chuyển heo may. Cả đất trời
dịu lại mát lạnh chỉ mới vừa đủ một xuýt xoa thầm, da thịt như được mơn man, và
bao ý nghĩ trong đầu cứ không biết từ đâu dậy lên, nhiều nhất là những liên tưởng
và hoài niệm. Ngày trước đời sống khó khăn nhiều, cái ăn cái mặc còn đơn sơ và
ít ỏi, nhưng có lẽ vậy mà con người cảm với thời tiết, trời đất nhanh nhạy hơn,
trực tiếp hơn và nồng nàn hơn chăng. Nồng nàn với cả gió heo may.
Em còn nhớ không, mùa thu đầu
tiên ta ở thủ đô. Cơn gió một chiều bất chợt ùa về làm em reo lên “mát quá” và
nhất định kéo anh ra đường, “trời này ở nhà thật phí”. Hai đứa chở nhau trên một
chiếc xe đạp cũ lòng vòng qua các phố Hà Nội ba mươi năm trước còn leng keng
tàu điện, còn những lô xô mái ngói thấp tè, còn nhiều xe đạp, còn ít những áo
quần đa dạng sắc màu, gió thổi nhẹ, lạnh dễ chịu. Em ngồi sau anh cứ chốc lại
kêu lên “thích quá, heo may là thế này hở anh”. Có câu thành ngữ “heo may gió lộng”
nghĩa là gì?
Thời gian vùn vụt
trôi. Đến bây giờ ngoảnh lại em đã xa, anh đã xa, giữa hai ta chỉ còn một ngọn
gió hàng năm đúng kỳ vẫn thổi về cho sống lại những kỷ niệm và hoài vọng thuở
còn vô tư và hồn nhiên, cái thuở một làn heo may đã là một của cải vô giá. Nơi
xa có lần em vọng ra thèm lại một lần được thả mình trong gió thu Hà Nội. Thu đến
rồi đấy em, và heo may lại về...
Phố phường đô thị hôm nay
đông đúc hơn thành ra chật chội hơn. Người của hôm nay áo của hôm nay xe cộ của
hôm nay có vô tình chăng trước ngọn gió gọi mùa đến gọi tình lên gọi lòng dậy.
Heo may không cảm được người phóng xe vù vù. Heo may không vào được những thân
hình đã bó chặt trong các thứ quần áo đắt tiền. Heo may không đến được với người
đã trong nhà kính lồng gương. Nhưng có hề chi, ngọn gió của đất trời của mùa vụ
muôn đời còn đó, muôn đời vẫn gợi cảm cho những ai còn biết bồi hồi bâng khuâng
rạo rực khi làn hơi lạnh tràn về. Trong heo may người thấy gần người hơn, người
thấy cần người hơn.
Ta nhớ em, chiều nay. Xe đạp
ơi... Hà Nội vừa lập tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân. Thả bước chân
chầm chậm trên phố cổ nghe gió gọi mùa ve vuốt ...
Em có cảm cùng anh nữa không
qua thời gian và xa cách? Heo may.
Nguồn: VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét